Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
  1. Micheal vinh
    Avatar của Micheal vinh
    Cải lương chi bảo Bạch Tuyết
    21/01/2012

    Đêm xuống. Trăng lên. Nến thắp đầy. Đoàn cung nữ lặng lẽ men theo con đường trúc. Trong tiếng trống chầu, vang đâu đó là thanh âm của sáo, tiêu, phủ một màu u tịch, cổ kính, bà Thái hậu được cung nghinh để tiến về đình thủy tạ...
    "Đã ngàn năm trôi qua, sao dời vật đổi mà ta vẫn không thể nào quên tiếng chuông báo tử của buổi chiều hôm đó..." (Hoàng hậu của hai vua - Lê Duy Hạnh). Tiếng của ngàn xưa vọng về, lặn vào sóng nước, tỏa khắp trời mây... Phút chốc, đất - trời - người như chỉ còn là một. Vô cùng. Thinh không.

    Sĩ Hoàng đứng một góc sau tàng tre, như thu hết cái khung cảnh, cái âm thanh huyền diệu kia vào trong cảm xúc ngất ngây không phải chỉ của một chàng họa sĩ tài hoa mà còn bằng trái âm mẫn cảm, tha thiết của một khán giả.

    Sáu năm về trước, cũng hình ảnh này, cũng giai điệu này, ngay tại hậu cung Diên Thọ (Huế), Sĩ Hoàng như mê say bởi lần diện kiến hai mươi phút "thiết triều" của Thái hậu Dương Vân Nga. Sáu năm sau, ngày 12-11-2011, xúc cảm đó đã được anh nâng niu, thăng hoa ngay trên mảnh đất nhà vườn Long Thuận (Q.9 - TPHCM) của mình.

    Tiếng vỗ tay kéo dài, lan tỏa khắp mặt hồ. Thái hậu Dương Vân Nga "bãi triều”, lui về "hậu cung”. Trút bỏ xiêm y, một vệt băng trắng bó chặt bờ vai còn nặng mùi thuốc nam. Quên cả đau, "bà Thái hậu" rạng rỡ, lâu lắm rồi mới được một đêm như thế này...

    Nghiệp ca cầm

    Với nghề, Bạch Tuyết được xem là Tổ đãi. Chạm ngõ năm mười sáu tuổi. Hai năm sau, được đệ nhất danh ca Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất để rồi cuối năm 1963, đoạt ngay giải Thanh Tâm triển vọng. Hai năm sau, đoạt giai Thanh Tâm xuất sắc.
    Một đêm tại rạp Quốc Thanh, sau khi xem Bạch Tuyết diễn Xe cát biển Đông, soạn giả Hoa Phượng đã nói với soạn giả Kiên Giang: "Bạch Tuyết là cải lương chi bảo, cô này có biệt tài sáng tạo và thông minh, còn tiến xa nữa nếu diễn những vai khó hơn".
    Tước hiệu cao quý đó đã ấn chứng một vị trí Bạch Tuyết trong làng nghệ thuật cải lương từ đó mãi về sau.

    Cải lương chi bảo Bạch Tuyết trong vai Thái hậu Dương Vân Nga. Tranh: Đào Quang Huy
    Không sắc nước hương trời như Thanh Nga tiểu chủ; chẳng là giọng ca nhung căng lụa trải như quái kiệt Ngọc Giàu, Bạch Tuyết vốn có làn hơi không dài nhưng sang cả và... quyến rũ. Cái vóc dáng ngũ đoản lại biết tạo nên những đường nét - hình thể chuẩn mực trên sân khấu.
    Sinh thời, trong một buổi lên lớp tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, NSND Phùng Há đã nhận xét nếu để xem và nghe thì đó là Thanh Nga, nếu để học dứt khoát là Bạch Tuyết.
    Khi Nhịp đã nằm trong máu, Điệu (thức) trở thành hơi thở, Trình thức (vũ đạo) thiết kế cho mọi sự chuyển động và vận động thì cái còn lại - nghệ thuật diễn xuất - chứng minh một nội lực sáng tạo, một năng lượng phát kiến dồi dào, bất tận của Bạch Tuyết.
    Trong “thế hệ Vàng" của mình, cùng với NSND Diệp Lang, Bạch Tuyết đã đạt được giá trị nghệ thuật bậc thầy của sự Diễn trong Ca và Ca trong Diễn. Cái khoảng cách từ thoại đến nói lối gối bài ca được xử lý tinh tế, điêu luyện.
    Đặc biệt, sự chủ ý khai thác các dấu huyền - nặng trong ca lòng bản cộng với chất giọng quãng tám đã mặc sức lên cao - xuống thấp, tạo nên những dấu nhấn trong ca rất... Bạch Tuyết. Chính điều này đã giúp Cải lương chi bảo độc tôn bài Xế xảng - thuộc Bản Oán - với những độ thăng giáng bậc cao.

    Gia sản nghệ thuật của Bạch Tuyết không nhiều về số lượng mà là chất lượng. Những vai diễn, những vở diễn đã trở thành “di sản sống" của nghệ thuật ca kịch cải lương. Một Lê Thị Trường An, một cô Tần rồi đến Kiều Nguyệt Nga, Dương Vân Nga, Thúy Kiều, cô Lựu, Hàn Ni... Có thể nói, cho đến nay, nhiều vai diễn trong số vừa kể đã trở thành những "chuẩn mực" cho các nghệ sĩ kế thừa.

    Thầy và trò trong giờ thị phạm. Ảnh: Phùng Huy
    Một trong những điểm son tạo nên cái chuẩn mực ấy chính là nghệ thuật xử lý thân đoạn tuyệt vời của Bạch Tuyết.
    Trong Thái hậu Dương Vân Nga, cảnh độc thoại cùng hàng gươm giáo là một minh chứng. Các thủ pháp biểu diễn đều có sự kết nối, liền lạc và mang tính biểu tượng cao. "Chém núi. Bạt rừng. Khơi sông. Ngăn lũ Đá chuyển mình thành dao rựa thô sơ. Kỷ Văn Lang lớn mạnh đến không ngờ. Đời thịnh trị hai ngàn năm phẳng lặng” (Thái hậu Dương Vân Nga - Hoa Phượng - Trúc Đường).
    Cái thần toát lên từ dáng đứng, bước đi chính là vì trong mỗi động tác di chuyển là sự kết hợp giữa trình thức ước lệ và tâm lý nhân vật một cách nhuần nhuyễn, tài hoa. Về sau, khi tiếp tục khai thác hình tượng nhân vật lịch sử này trong Hoàng hậu của hai vua, lợi thế độc diễn đã cho phép Bạch Tuyết mặc sức "vẫy vùng" trong thế giới "diễn kịch một mình".
    Và ngay khi người ta tưởng Bạch Tuyết (và nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ) đã an vị trong lâu đài nghệ thuật của mình thì bất ngờ, Cải lương chi bảo thoát khỏi những cung điện, thành quách lộng lẫy kia, phiêu lưu và thách đố trên sân khấu cải lương thử nghiệm.

    Không lâu trước ngày đi xa, trong một dịp trò chuyện thân tình, soạn giả Hoa Phượng đã nhắn gửi mấy lời với tác giả Lê Duy Hạnh, cả tôi và ông, xem chừng phải viết hay làm một điều gì đó để có chỗ cho Bạch Tuyết vẫy vùng chứ không thì...
    Cặp kính cận ấy nửa đăm chiêu nửa ưu tư. Những nhân vật mà ông trao tặng cho Bạch Tuyết đã sừng sững trong lòng công chúng, há chưa đủ để ông thỏa mãn khi nhìn nhận một tài năng?
    Và Lê Duy Hạnh đã giữ lời với bạn. Những tác phẩm Hoàng hậu của hai vua, Diễn kịch một mình, Độc thoại đêm, Trần Nhân Tông... liên tục ra đời. Cũng từ dạo ấy, Lê Duy Hạnh không còn cô độc trên hành trình thử nghiệm. Cũng từ khởi nguồn đó, Bạch Tuyết - một cõi đi về - thỏa sức vẫy vùng trong thế giới độc diễn. Một giờ mười lăm phút - Hoàng hậu của hai vua. Một tiếng mười phút - Diễn kịch một mình... sàn diễn chỉ là mặt nạ, lồng sắt, sân khấu là hai đỉnh đồng và một dải lụa trắng.
    Không cực đoan bài xích thế giới vật chất như những nhà sân khấu phản kịch (Anti - theater), nhưng sự tiết chế, giản lược các đạo cụ, đưa không gian tả thực về không gian tả ý với việc khai thác ưu thế ngôn ngữ ước lệ đã thật sự vẽ nên một xu thế biểu diễn hiện đại mà truyền thống.
    Trên nền tảng của sân khấu ca kịch dân tộc, tính chất tâm lý trữ tình của hệ Stanhilapski và tính gián cách của B.Brech đã thật sự hài hòa và uyển chuyển trong thế giới kịch nghệ mang tên Bạch Tuyết - Lê Duy Hạnh.
    “Một dấu son trong đời làm nghề của bà, đó sẽ là...?”. Bạch Tuyết khoát tay, bật dậy, thần thái toát lên từ dáng đi, giọng nói: “Ta đứng đây đã thấy ngã ba sông. Chảy trong óc trong tim trong trang sử tiên rồng. Thuyền xã tắc phân vân bề tiến thoái. Đất nước hỏi ai xứng là gạch nối đế gắn liền hãnh diện giữa xưa - sau. Để cho ta trang trọng khoác long bào. Ngôi cửu ngũ từ nay đà có chủ..." (Thái hậu Dương Vân Nga).
    Phút chốc, không gian nhỏ bé này như tan đi, thời gian đang tất bật này bỗng vỡ ra, còn lại một thể phách, một tinh anh luôn thao thức, luôn mãnh liệt vì nghề, hơn thế là nghiệp và cao nhất, ấy là đạo.
    Nghề truyền nghề

    Năm 2011, ở tuổi sáu mươi sáu, NSƯT - tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết chính thức làm thầy, bà nhận lời giảng dạy cho lớp Cải lương K30, hệ trung cấp, Trường Cao đẳng Văn hóa TPHCM. Nhiều năm qua, xen kẽ giữa lịch biểu diễn là những chuyến tập huấn, nâng cao nghề nghiệp cho các diễn viên chuyên nghiệp trên toàn quốc.

    Họ tíu tít gọi bà là thầy nhưng bà không chịu nhận. “Hồi trước, người ta sắp xếp thời gian thuận tiện nhất cho mình để mình đến nói đôi điều ba chuyện về nghề. Vậy thôi! Bây giờ thì, ngoại trừ hè và nghỉ Tết, còn lại thầy trò miệt mài ba buổi trong tuần. Rất công chức. Thiệt tình thì tôi cũng... bắt chước má Bảy Phùng Há thôi, dạy là học, với nghệ thuật thì biết thế nào là đủ!".


    Diễn kịch một mình cho cả cõi nhân sinh. Ảnh: M. Châu


    NSƯT Bạch Tuyết và NS Tấn Tài. Ảnh: Huỳnh Công Minh
    Còn nhớ, ngày đầu tiên nhận lớp, bà được giáo viên chủ nhiệm “đặt hàng" phải nghiêm khắc với học trò, cấm nghe điện thoại trong lớp, cấm trễ giờ, cấm đi sô... Bà cũng được yêu cầu trình giáo án giảng dạy cho nhà trường.
    Giờ học đầu tiên, bà để học trò viết về bản thân, về nguyện vọng học nghề, theo nghề, viết về những nghệ sĩ tiền bối mà bà gọi là những Tổ nghề.
    Đêm đầu tiên làm thầy, bà mất ngủ. Những nét chữ nguệch ngoạc, đầy lỗi chính tả nhưng lại cố gắng nắn nót viết hoa những cái tên Năm Châu, Tư Trang, Phùng Há, Kim Cúc, Ba Vân, Tám Danh, Tám Vân, Thanh Nga... Những trang giấy học trò chở theo bao nỗi nhọc nhằn, cơ cực lại luôn lóe lên tia sáng mê nghề, quyết tâm học để được ca, được diễn.
    Thế là gác hết những chuyến lưu diễn, du lịch dài ngày, bỏ luôn cả cái thói quen ngủ trễ để dậy sớm và chen chân giữa dòng xe cộ mỗi sáng, mỗi chiều. Những buổi trưa, bà đặt luôn hai mươi phần cơm cho học trò, dặn thêm cá, thêm thịt, trò ăn xong còn tranh thủ ngủ trưa tại lớp để có sức mà giữ trường lực trong ca trong diễn. Tiền lương dạy học của thầy cũng vừa đủ cho bữa ăn tập thể của trò.
    Bà đưa ra một loạt “yêu sách” với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đơn vị phối hợp đào tạo: Lắp đặt một "bức tường" bằng kính để sinh viên được thấy mình, thấy bạn trong giờ học vũ đạo mà kịp thời uốn nắn, điều chỉnh; sắm một dàn âm thanh để sinh viên "nghe" được tiếng mình trong tiếng đờn, dàn đờn mà đếm nhịp, giữ nhịp làm chủ nhịp và hơi; mọi suất hát, biểu diễn của nhà hát nên dành một vài vị trí cho sinh viên để các bạn cọ xát sàn diễn, làm quen với công chúng...
    Thời may, ông giám đốc nhà hát gật đầu cái rụp. "Dạy làm sao để các em quên nghe điện thoại, nhắn tin; dạy làm sao mà các em háo hức đến lớp, đó là công việc của các thầy cô chúng tôi. Còn chạy sô ngoài giờ học hay một vài buổi trong giờ học vì sự chẳng đặng đừng thì cũng phải chấp nhận, vì đó là nguồn nuôi sống của các em. Không có tiền thì mọi ước mơ, đam mê đều khốn khổ!”. Câu trả lời ngay trong ngày đầu nhận lớp, Bạch Tuyết đã thực hiện được.

    Và đó là những buổi học không nhẹ nhàng. Chẳng có những lời ngọt ngào, những câu ve vuốt. Mọi sáng tạo nghệ thuật đều được dưỡng nuôi từ một trái tim mẫn cảm, chân thành và... tỉnh táo.
    Nghệ thuật ca kịch cải lương - qua Bạch Tuyết đã mang theo cái hiểu biết lịch lãm của NSND Nguyễn Thành Châu; nét tài hoa quyến rũ của NSND Phùng Há; vẻ nghiêm cẩn, mô phạm của NSƯT Kim Cúc; tính mực thước mà bay bổng của nghệ sĩ Tám Vân và những người thầy đã “chinh chiến" cùng bà qua mỗi giai đoạn học nghề - làm nghề từ soạn giả Hoa Phượng, đạo diễn Lưu Chi Lăng đến tác giả Lê Duy Hạnh, họa sĩ - NSND Lương Đống, nhạc sĩ - NSƯT Thanh Hải... để mỗi ngày, mỗi buổi thấm vào hồn vía, cốt cách của lớp nghệ sĩ hậu sinh.
    Cộng thêm những tri thức góp nhặt qua bốn năm dùi mài ở Học viện Kịch nghệ Hoàng gia London (nơi NSƯT Bạch Tuyết bảo vệ luận án tiến sĩ), kết hợp thành một phương pháp truyền nghề - sư phạm giá trị, hiệu quả.
    Chưa kể, bà ôm trọn những câu chuyện nghề của một thời vàng son với Thanh Hương, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Thành Được, Hùng Cường, Diệp Lang, Thanh Sang, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tuấn... mà thị phạm trên sàn tập. Thị phạm ca, thị phạm diễn, thị phạm trình thức, một buổi dạy bằng ba buổi diễn bởi nói, hát, múa, (chưa kể la mắng đập bàn!) và đào sâu thế giới nội tâm, tính cách nhân vật để học trò nắm bắt đường dây, tuyến kịch...
    Giáo trình đứng lớp của bà chính là năm mươi năm trên sàn diễn với bao tâm huyết, bao nỗi niềm, bao vinh quang lẫn nhọc nhằn; bà truyền lửa, tiếp sức cho hai mươi gương mặt tươi trẻ, háo hức...
    Đi qua bấy nhiêu thăng trầm, chìm nổi của chuyện đời, chuyện người là những câu chuyện nghề với đầy đủ cung bậc hỉ - nộ - ái - ố. Họ - những nữ nghệ sĩ tài năng tiêu biểu của bốn loại hình tuồng – chèo – kịch nói – cải lương – đã góp phần tạo nên cái hồn cốt tinh túy của nền nghệ thuật truyền thống – văn hóa dân tộc.
    Trong căn phòng rộng 40 m², trước tấm kiếng lớn, NSƯT Bạch Tuyết soi từng động tác vũ đạo, ca để “nghe” lại từng câu thoại, nói lối, bài ca. Mỗi cái đưa tay lên cao, nghiêng vai qua phải, bước chân lên phía trước... đều được lặp lại một cách chính xác, nghiêm cẩn. Bà là thế, những vai đã diễn cả ngàn suất nhưng trước mỗi giờ hát, luôn hồi hộp, luôn phấn khích...

    Sáu giờ chiều, bà lại ngồi vào bàn trang điểm, cái thói quen của hơn năm mươi năm để tô son điểm phấn. Xiêm áo chỉnh tề, bà khẽ gõ một hồi chuông, thắp một nén nhang lên bàn thờ Phật, thờ tổ tiên, tổ nghề trước khi rời nhà... Hôm nay là ngày giỗ Tổ nghề Sân khấu.

    Theo Lê Huyền Ái Mỹ (Phụ Nữ TPHCM)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to Micheal vinh For This Useful Post:

    romeo (23-07-2012), Thanh Hậu (22-07-2012)

  3. Micheal vinh
    Avatar của Micheal vinh
    NSƯT Bạch Tuyết: NGÔI SAO CAO THÂM




    Từ ghép “cao thâm” thoạt nghe có âm hưởng giản dị, nhưng ngẫm kỹ mới ngộ ra nhiều điều về ngữ nghĩa. Phạm trù hữu hình, “cao” phản nghĩa với “thấp”; tức là có độ dài theo chiều thẳng đứng; còn “thâm” là độ rất sâu. Cao thâm, từ dùng đặt tựa bài này thuộc loại vô hình (phi vật thể) chỉ sự uyên bác về học lực, nghề nghiệp, tư tưởng, nội lực, đạo pháp, v.v…Và, TS-NSUT Bạch Tuyết – Cải lương Chi Bảo – là một cá thể như vậy. Những thành tựu của cô có xuất xứ từ sự cật lực trong mỗi công việc.

    Bản chất năng động, từ vô danh đến hữu danh trên sân khấu cải lương để sở hữu chiếc HCV Thanh Tâm 1963 (năm 18 tuổi) cùng lượt với những Diệp Lang, Tấn Tài, Thanh Tú, Kim Loan (Mộng Tuyền), Trương Ánh Loan; đó là báu vật Bạch Tuyết đánh đổi được bằng bao gian khổ, nỗ lực. Cũng từ ấy, cô tình nguyện đặt lên vai gánh nặng ân tình công chúng khán giả và món nợ Tổ nghiệp ưu ái ban cho, nhưng cô quyết trả, trả mãi (như bậc tiền phong Phùng Há đã tri hành không quản ngại) .

    Lúc theo đoàn Thống Nhất (Út Trà Ôn – Hoàng Giang), Bạch Tuyết rất hồn nhiên tươi trẻ, mới mẻ trong những chiếc áo đầm. Làn hơi lúc ấy ngắn, khao, vô hò vọng cổ khá ngặt, kỹ thuật ca trung bình; nhưng được ở chỗ lạ lẫm, rất riêng, cổ kim chưa hề giống ai. Từ đôi “cổ kim” phải thêm từ lai thành “cổ kim lai”, theo phỏng đoán, chắc không ai giống hoặc nhại được. Biết người hẳn phải biết ta, sự khổ luyện giúp cô gặt hái khả quan : làn giọng triệt tiêu chất ‘ngặt”, tự tin, thoải mái trong luyến láy , chồng hơi, cộng hưởng một trình độ ngày càng điêu luyện kỹ thuật bài bản, thao túng các đặc điểm “diễn trong ca”. Lẽ thường, trẻ dài, già ngắn hơi. Bạch Tuyết như lội ngược dòng, càng trọng tuổi mà hơi giọng vẫn cứ vậy, không bị đuối, giống như Út Bạch Lan. Nhưng có thể hiểu, Sầu nữ do thiên Phú; riêng Cải lương Chi bảo là do công phu thể dục, rèn tập khí, thần.

    Thanh Nga được báo giới “sắc phong” Nữ hoàng sân khấu; còn Bạch Tuyết được soạn giả Hoa Phượng đặt để biệt danh “Cải lương Chi Bảo” vào thời khoản cô tác nghiệp vai Tần (Tần nương thất) và Trường An (Tuyệt tình ca) của ông trên sân khấu Dạ Lý Hương, với lời khẳng định chắc nịch : “Diễn vở này, Bạch Tuyết sẽ nổi danh lớn”. Quả thật, lời hứa như sấm truyền. Bạch Tuyết đã dồn hết nội lực bình sinh đưa vai Tần lên bước thăng hoa với một lập trình ca diễn đẹp và thật như điện ảnh, gây địa chấn làng báo chí.

    Vai Lê Thị Trường An không đơn thuần bi ai. Cô ta cứng cõi, ngỗ ngáo sau bao nghiệt ngã vì nghịch cảnh cuộc đời. Lớp bị bắt về cảnh sát cuộc, bị kết tội bám theo lão nhân tình già đục khoét, An đốp chát :” Tại sao ông dùng hai tiếng đục khoét? Người ta tung tiền ra để dí đứa con gái nghèo túng mà có chút đỉnh nhan sắc vào con đường tội lỗi. Và họ chuyền tay nhau cho đến khi biết mình là một con .. “. Đó là một sự thật trần trụi mà cô gái có gia giáo chỉ có thể thốt ra trong cơn phẫn uất, tuyệt vọng. Phần thẩm vấn lai lịch, hai nhân vật tung hứng những câu thoại lý thú gây cười cho khán giả mà ngột ngạt kịch huống : “Cô tên gì?” “Tôi tên An”. “Bộ cô diễu với tôi sao chớ?” Cô tưởng tôi không nhớ cô là Thoa hay sao?. “Dạ, tôi tên là Thoa”. “Có anh em gì không?”. “Dạ, tôi chỉ có một đứa em trai”. “Tên?” “Hồ”. “Họ?” “Lê” .”Lê Văn Hồ?”. “ Không, Lê Long Hồ”. “Hả? còn cô, cô tên gì?” “ Dạ, tôi tên Thoa”. “Bộ cô giỡn với tôi sao chớ? Hồi nãy nói tên An, sao bây giờ là Thoa? Tên thật cô là gì, nói mau!” “Dạ, tôi tên Lê Thị Trường An, sinh ở Tân Ngãi – Vĩnh Long”. “ở Tân Ngãi, chợ Trường An. Cô đây là.. con ông giáo à?” “Dạ phải, Ông giáo Nguyễn Văn Hương”. “Và bà Lê Thị Lan..”. “Dạ phải, bác ơi! Bác nói trúng tên má cháu. Hồi sáng bác nói với cháu : bác có quen với người ở Vĩnh Long mà…”. Câu thoại này, Bạch Tuyết chuyển giọng bi, từ trường sầu cảm lập tức lan tỏa khán phòng, mở đầu trường đoạn lâm ly qua mấy câu vọng cổ cùng thi thố với Út Trà Ôn (ông Hương). Họ nhập thần rất thật, biến người xem thành những chứng nhân của một ca khúc tuyệt tình đẹp não nùng, sâu thẩm.

    Lớp ông cò Hương gặp lại bà giáo Lan ở Tân Ngãi đúng là một cơn đại hồng thủy nhấn chìm bốn nhân vật : ông Hương, Trường An, bà Lan(Hồng Nga), Long Hồ (Thanh Sang) vào đại bi kịch cổ lai hi. Kịch bản tầm cỡ kiệt tác đã đánh động đến ngõ ngách tình cảm, tâm trí diễn viên, đưa đẩy đến sự hóa thân trọn vẹn tưởng như nhân vật và người biểu diễn hòa nhập thành chủ thể quá đỗi thật mà đẹp lung linh trong bi kịch nhân sinh. Đó cũng là một vai để đời bằng vàng trong bảng thành tích nghệ thuật của Cải lương Chi bảo. Trong vở, Hùng Cường đóng vai Nhân, con trai lớn của ông giáo Hương và bà vợ lớn (Ngọc Bích). Nhân và An yêu nhau mà không biết mình là anh em một cha khác mẹ. Một đặc điểm mang tính cảnh báo mà tác giả gởi gắm vào nội dung vở diễn : nạn đa thê gây tan nát gia cang, có thể phạm tội loạn luân giữa hai anh em ruột như Nhân và An. Cũng may, Nhân trong sáng trước một cô An sành sỏi nên không xảy ra bi kịch như Chu Bình và Lỗ Tứ Phượng (kịch Lôi Vũ) để ông cò Hương phải chịu cảnh di hận thiên thu. Có thể nói, Trường An là dấu son chói chang ấn chứng năng lực diễn bi của một đào thương Bạch Tuyết. Một vai diễn quý hiếm khó tìm.

    Số phận Lê Thị Trường An gần gũi kiếp đoạn trường của Thúy Kiều (vở “Trăng thề vườn Thúy”, soạn giả Quy Sắc – Mộc Linh). Thế nên Bạch Tuyết vào vai đậm đầy chất thơ của một nàng Kiều từ thi văn “Đoạn trường tân thanh” bước lên sàn diễn, mượn cá thể diễn viên để khóc thương, để truân chuyên nổi chìm kiếp đời trầm luân lưu lạc. Bạch Tuyết và Hùng Cường (Kim Trọng) quá đẹp đôi về tài, về sắc, về thanh qua trình thức biểu diễn ăn ý cực kỳ, mà ăn khách cũng quán quân so với những cặp đôi đồng nghiệp khác. Và ông bầu Xuân hẳn lòng tràn phơi phới khi từ một doanh nhân thương trường lấn sân sang kinh tài nghệ thuật. Ai đã xem chương Làn điệu Phương Nam – “Cải lương chi bảo Bạch Tuyết – Tự tình quê hương” năm 2006, trích đoạn Trăng thề vườn Thúy do Hoàng Nhất (Kim Trọng) và Hà My (Thúy Kiều) có thể bắt gặp một vài nét trữ tình lãng mạn của bậc tiền bối ngày xưa. Đây chỉ là sự phảng phất gợi nhớ một thời mà cặp “sóng thần” Bạch Tuyết – Hùng Cường tung hoành khuynh đảo đại dương nghệ thuật.

    Cũng trong chương trình “Tự tình quê hương” vừa kể, trích đoạn “Thúy Kiều tái hồi Kim Trọng”, Bạch Tuyết vẫn là Thúy Kiều bên một Thanh Tuấn (Kim Trọng). Vẫn là cố nhân đó, với hồn Kiều đó; nhưng có sáng tạo để lập trình mượt mà hơn, điêu luyện hơn đối với một tài năng đỉnh cao, với thành ngữ “gừng càng già càng cay”. Và chẳng khác mấy so với thời Bạch Tuyết dựng vở này làm luận án tốt nghiệp học vị ở nước ngoài với Thanh Sang (Kim Trọng), Hoài Thanh (Thúc Sinh), Ngọc Giàu (Hoạn Thư) v.v…
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to Micheal vinh For This Useful Post:

    Giang Tiên (22-07-2012), romeo (23-07-2012), Thanh Hậu (22-07-2012)

  5. Micheal vinh
    Avatar của Micheal vinh
    Tiếp theo:
    Bạch Tuyết vào nghề sau Út Bạch Lan, Thanh Hương, Thanh Nga, Ngọc Hương, Bích Sơn, nên cô học hỏi và chiêm nghiệm nhiều đồng nghiệp đi trước; nhất là những bậc thầy Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân. Học để tích lũy nhưng không bắt chước theo lối “bê nguyên xi”; mà có chắt lọc và sáng tạo riêng để phong phú hóa hành trang nghề nghiệp. Thế nên, ở sân khấu Dạ Lý Hương, từ vở xã hội đến hương xa, cổ trang Việt, Hoa,... cô đều tác nghiệp theo lập trình mới mẻ, chẳng lệ thuộc ai. Và cô đủ sức lan tỏa, cám dỗ bạn diễn Hùng Cường vào quỹ đạo tân kỳ ấy thành một tổng thể bất khả chiến bại ở thế “song kiếm hợp bích”.

    Lâu quá rồi – ngót 50 năm – tôi không thể nhớ hết tên các vở, chỉ nhớ một “Đời là một chữ T”, và một vai diễn Tuyết nữ Ưu Ly (tuồng hương xa) cô hóa thân rất hào hứng, lạ lẫm, tuyệt vời. Sự nghiệp sân khấu của Bạch Tuyết không xuyên suốt một chiều dài hơn 40 năm, mà có khoảng lặng đôi ba lần để nâng cao học lực; đồng thời điều khiển tầm nhìn theo xu thế đa phương, tiếp thụ tinh hoa bốn phương làm vốn nghề cho cá nhân, cho sự cách tân nghệ thuật bản sắc mà cô đang phụng sự. Đó là cách tiếp thụ khơi trong gạn đục. Nghiệp duyên đưa đẩy, cô nối bước Kim Cương, Thanh Nga hòa nhập dòng chảy điện ảnh qua các bộ phim Như hạt mưa sa, Như giọt sương khuya của đạo diễn danh giá Bùi Sơn Duân, rất thành công v.v...

    Lòng hiếu học thôi thúc cô rèn tập nhạc tân, họa và giao lưu, trao đổi với các bậc cao minh, tích lũy học thuật. Cô sáng tác khá nhiều bài ca cổ về mẹ, về quê hương, Tổ quốc như hằng tâm tri ân sâu nặng. Cũng khá nhiều kịch bản cải lương, cô sáng tác với bút danh Nguyễn Thị Khánh An như: Đài Trang, Tóc mai sợi vắn, Nghĩa cũ tình xưa, v.v... với nội dung đậm tính nhân văn qua văn phong mượt mà, sâu sắc theo trường phái Hà Triều (nhất là) Hoa Phượng. Lĩnh vực video, cô tham gia rất nhiều, đến nỗi chính cô cũng không nhớ hết, nếu không lập bảng thống kê.

    GS-TS Trần Văn Khê và nhân sĩ Mai Văn Bộ ca ngợi Bạch Tuyết: mỗi thao tác diễn của cô là một bức tranh đẹp chuẩn. Cô có thanh, sắc, tài và có chí, có tâm

    Có chí, có nhẫn mới đỗ đạt cao. Có tâm mới thương yêu quê hương đất nước, đồng loại. Cô trăn trở lắm phen, trường kỳ trước căn bệnh mãn tính của cải lương chưa phải là nan y, nhưng muốn trị lành phải có những liệu pháp nâng cao thể lực. Bạch Tuyết đã và đang làm qua việc tập huấn diễn viên trẻ Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ); nâng đỡ đồng nghiệp hậu bối như Hồ Ngọc Trinh, Hoàng Nhất, Nhơn Hậu, Thy Nhung,... cùng người khác đạo như Trí Quang (điện ảnh), Quang Thành (ca nhạc), Khương Cường (nghệ nhân hát xẩm) v.v... Việc Bạch Tuyết cộng tác trường Đại học Bình Dương cũng là cách góp phần đưa công chúng trẻ (sinh viên) tiếp cận nghệ thuật dân tộc.

    Qua các chương trình do Bạch Tuyết dàn dựng, nhiều tiết mục được biểu hiện qua công thức: tiền bối + hậu bối = nâng thể lực CL. Hậu bối được tiền bối chỉ dẫn lúc dàn tập; khi biểu diễn, nhờ đóng chung mà hậu bối thu hoạch, tích lũy, vốn nghề được phong phú hóa.

    Dĩa CD cải lương, cô góp giọng cũng nhiều, mỗi vở là một cách thể hiện riêng, không theo lối mòn. Có thể kể: Khi hoa anh đào nở (với Út Trà Ôn, Út Hiền); Mục Liên – Thanh Đề (với Dũng Thanh Lâm, Út Trà Ôn, Hoàng Long, Kim Ngọc); Quân vương và thiếp (với Thành Được, Út Hiền); Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà (với Hùng Cường, Út Hiền); Tuyệt tình ca (với Hùng Cường, Út Trà Ôn, Út Hiền, Út Bạch Lan); Cô gái đồ long (với Tấn Tài, Thanh Sang, Hồng Nga), v.v...

    Từ 1975 về sau, cô tạo nhiều dấu ấn đỉnh cao theo biểu đồ lên dốc, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước bằng những soạn phẩm ngang tầm kinh điển như Thái hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, Đời cô Lựu. Khi lưu diễn Tây Âu vào tháng 02/1984, cô Lựu của Bạch Tuyết mang dấu son sáng tạo của riêng cô. Kịch bản chỉnh lý năm 1984 tô đậm cái ác. Thế nên, khi Hội đồng Thăng (NSND Diệp Lang) “sai đày” cô Lựu lấy cây ba-ton và phải dâng bằng hai tay, cùng lúc phải “bị nghe” lời mạt sát thậm tệ, cô Lựu – Bạch Tuyết để rơi cây gậy với tiếng khóc bật mở từ trường bi oán xót đau bỗng thần tốc trùm phủ khán phòng vốn đã ngột ngạt chuyển trời cơn áp thấp. Cả hai Bạch Tuyết, Diệp Lang đã rất ăn ý trong hợp lực đẩy bi huống lên cao cho mưa rào nổi cơn giông tức tưởi.

    Kiều Nguyệt Nga, đặc sắc nhất là hai lớp: lớp Nguyệt Nga xin phép Lục Ông lập đàn tràng cầu siêu Lục Vân Tiên; chưa xong lễ đã bị cưỡng chế lên thuyền tiến công giặc Ô Qua. Nhân luân, đạo lý hòa quyện vào lời ca nét diễn của Lục Ông và Nguyệt Nga qua mấy câu vọng cổ; rồi đến lúc nàng lạy giã biệt, cảnh sinh ly của nàng dâu chưa nên duyên phận, để cha chồng sớm tối quạnh hiu với tuổi già đau đáu nỗi niềm tang thương dĩ vãng. Nào ai tránh khỏi cơn thổn thức trước trạng huống này? Lớp chót, chàng và nàng tái hợp nhờ bức di ảnh Vân Tiên trên bàn thờ. Ôi! Trình độ giả trai của Ngọc Giàu cao cường bao nhiêu, lại xứng hợp bấy nhiêu với đường nét hoa mỹ vũ đạo cùng biểu cảm nội tâm của Bạch Tuyết. Hai cô, chỉ những phút giây cuối vở đã kịp vẽ nên bức tranh đẹp dáng hình, lồng lộng thiên kinh địa nghĩa đến khán giả dù khó tính cũng nôn nao rạo rực trước vẻ kiêu sa trang đài của nghệ thuật tạo hình.

    Dương Vân Nga, hai tài danh gạo cội Ngọc Giàu – Bạch Tuyết chia vai. Cả hai tuy thân tình đồng nghiệp, nhưng cùng tác nghiệp chung vai trong một đêm diễn, mặc nhiên khai diễn cuộc thi đua. Điều này rất có lợi cho người dự khán. Họ quả là kẻ tám lạng, người nửa cân; một cuộc cân đo, so sánh không hề khập khiễng cán cân. Bạch Tuyết độc diễn trước giàn giá vũ khí là một tiểu đoạn đắt giá, kinh điển bậc nhất khó ai thay thế. Đây là vai đẹp nhất của cô; đẹp lộng lẫy về ngoại hình mà diễn viên Bạch Tuyết chưa bao giờ hơn thế; đẹp về thoại tương xứng độ cao diễn cảm thể hiện từ văn chương kịch bản sâu sắc cái dũng trong niềm tự hào dân tộc đậm chính khí; và sau cùng là đẹp về thao tác diễn tả hình hài, sắc diện.

    Cảnh cuối, Lê Hoàn từ chối ngôi cao, Dương Vân Nga thoại (nói lối) mấy câu; dàn đờn rao đưa hơi cho lớp vọng cổ sắp thi thố: “Lê Hoàn! Lẽ nào khanh không biết: ta đứng đây đã thấy ngã ba sông, chảy trong óc trong tim trong trang sử Tiên Rồng, thuyền xã tắc phân vân bề tiến thoái. Đất nước hỏi ai xứng là gạch nối, để gắn liền hãnh diện giữa xưa, sau; để cho ta trang trọng khoác long bào; ngôi cửu ngũ từ nay đã có chủ.../ Riêng khanh nhìn vào dân dã, tôn trọng những chiến sĩ vô danh ngang với các bậc đại công... thần (vô hò vọng cổ).../ Đó là cái lượng của minh quân, cái nhìn của chúa thánh...”. Văn chương cải lương tuyệt tác đến thế, mấy ai vói tới? Vai hay, văn chương thoại cao diệu, ca từ mượt mà thẩm thấu, lại được tầm cỡ tài danh biểu diễn, đầu tư hết công lực, so với tài cử đỉnh bạt sơn nào có kém gì.

    Người yêu nghệ thuật CL, ai cũng biết các ngôi sao ai nấy bận rộn... bù đầu với chuyên ngành của mình. Riêng Bạch Tuyết với khối lượng công việc như đã kể trong bài này hình như chưa đủ đô thu hút hết năng lượng cô vốn có. Cho nên, thật là một kinh ngạc lớn khi cô thể hiện cái tâm lành: chuyển thể ca cổ cải lương các kinh Phật: Trường ca kinh pháp cú, Tình ca Quán âm, Hai quãng đời Sơ Tổ Trúc Lâm... Mới thính thị, có chỗ hiểu chỗ không. Thâm nhập kỹ mới thẩm thấu cái ảo diệu nhiệm mầu của chính lý hướng thiện con người. Sức làm việc của cô ước tính tỷ lệ gấp đôi người trang lứa năng nổ; và tính theo quy chế lao động, có lắm khi cô vật lộn với công việc 15 giờ/ngày (hay hơn thế). Thật đáng nể và... chóng mặt.

    Tôi biết cô canh cánh bên lòng chuyện tìm ra kế sách vực dậy CL. Đó là điều thiện nằm trong cái TÂM lớn. Tôi nghĩ rằng Bạch Tuyết tri và hành đúng theo câu thứ tư trong bức thư họa mà các bậc cao tăng đã tặng cho cô: “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Và tôi cũng nghĩ: “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân”. Mong cô trường thọ như cô Bảy Phùng Há để góp phần cứu hộ cải lương và hát cải lương.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 3 Users Say Thank You to Micheal vinh For This Useful Post:

    Giang Tiên (22-07-2012), romeo (23-07-2012), Thanh Hậu (22-07-2012)

  7. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Trong một số vở tuồng viết về nội dung kiếm hiệp của Kim Dung (Trung quốc) của nhiều soạn giả thì cô Ba Bạch Tuyết luôn kim những vai nữ chính.

    Cô Gái Đồ Long (trên SK với Tấn Tài), Kiều Phong A Tỷ (vai A Châu) những bài ca cổ hát vai A Tỷ, Tiếu Ngạo Giang Hồ (vai Doanh Doanh) và rất thích cô Ba ca những vai này, nghe giọng cô Ba có chất rất sang, rất uy, và rất sáng những vai kiếm hiệp. Hình như Micheal vinh cũng thích cô Ba Bạch Tuyết thì phải, Thanh Hậu rất thích những tuồng cô ba ca của ngày xưa lắm.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 2 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    Giang Tiên (22-07-2012), romeo (23-07-2012)

  9. Micheal vinh
    Avatar của Micheal vinh
    Micheal thần tượng và ngưỡng mộ cô.. He he.. Vì Micheal có một chút giống tính cách của cô... Micheal like cách ca diễn của cô.. Thanh Hậu có để ý những vai mà cô diễn có lời hát rất tuyệt vời..cách luyến lái diễn tả nội tâm rất sâu sắc.. Nghe Kim Vân Kiều đi để thấy được điều đó
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 3 Users Say Thank You to Micheal vinh For This Useful Post:

    Giang Tiên (22-07-2012), romeo (23-07-2012), Thanh Hậu (22-07-2012)

  11. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Micheal vinh mở một topic giới thiệu về mình cho mọi người biết đi ạ, về bản thân cũng như tình cảm yêu mến cải lương, và đặc biệt là thần tượng cô ba Bạch tuyết, hihi !!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 2 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    Giang Tiên (22-07-2012), romeo (23-07-2012)

  13. Micheal vinh
    Avatar của Micheal vinh
    He he...Hôm nào có thời gian Micheal sẽ viết.. Có một điều là Micheal yêu cải lương, có thể phân tích được hay, dở nhưng Micheal không biết hát .. Haiz
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following 2 Users Say Thank You to Micheal vinh For This Useful Post:

    romeo (23-07-2012), Thanh Hậu (22-07-2012)

  15. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Không sao đâu ạ, hát được hay không mình học rồi sẽ biết mà ạ. Anh Micheal vinh tham gia off với clb đi rồi sẽ biết hát đó ạ
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following User Says Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    romeo (23-07-2012)

  17. Micheal vinh
    Avatar của Micheal vinh
    Haiz.. Micheal hát ai mà nghe trùi... Cho Micheal làm đạo diễn thì còn may ra..
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 2 Users Say Thank You to Micheal vinh For This Useful Post:

    romeo (23-07-2012), Thanh Hậu (22-07-2012)

  19. Tiếng Hát Học Trò
    Avatar của Tiếng Hát Học Trò
    Trước 75, cải lương chi bảo Nguyễn Thị Bạch Tuyết còn tham gia bên lãnh vực điện ảnh với những cuốn phim truyện của nền điện ảnh Việt Nam như:

    - Như Hạt Mưa Sa (cố đạo diễn Bùi Sơn Dzuân)
    - Như Giọt Sương Khuya (cố đạo diễn Bùi Sơn Duân)
    - Con Ma Nhà Họ Hứa (cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa)
    - Biển Động (vai luật sư - cố đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc)
    - Mưa Trong Bình Minh (vai Dung - cố đạo diễn Nguyễn Văn Tường)
    - Ly Rượu Mừng (đạo diễn Lê Mộng Hoàng)
    - Tình Lan Và Điệp (vai Thúy Liễu - đạo diễn Lê Dân)
    - Phim màu cải lương Kiều Nguyệt Nga
    - Thuyền Trưởng (1981 - cố đạo diễn Lâm Mộc Khôn)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following User Says Thank You to Tiếng Hát Học Trò For This Useful Post:

    romeo (17-12-2013)

Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
ANH EM CHANNEL