Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6-2012 vừa qua, chương trình giao lưu với các nhà báo do Đài TNND TPHCM thực hiện đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Thanh Hiệp – hiện anh đang công tác tại báo Người Lao Động.
Nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp và NSUT Kim Tiểu Long
Ngọc Thu: Thưa anh, là một nhà báo lâu năm ở mảng văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu cải lương – chắc hẳn có không ít những khó khăn và buồn vui trong nghề?
Thanh Hiệp: Khó khăn là hiện nay ngày càng ít thông tin về hoạt động sân khấu sàn diễn, điều đó đồng nghĩa với việc thiếu đề tài về mảng sân khấu để viết. Điều này buộc tôi phải suy nghĩ, tìm tòi và cố gắng mang đến cho bạn đọc những thông tin để có thể khuấy động lãnh vực sân khấu. Với tiêu chí hướng tới những nghị lực vượt khó của những nghệ sĩ, công nhân hậu đài, anh em kỷ thuật viên của các sân khấu cải lương, họ đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải trong cuộc sống, nhưng vẫn yêu nghề, bám chặt lấy nghề, trên báo NLĐ tôi vừa viết loạt “Sàn diễn tắt đèn mâm cơm héo hắt” (gồm 3 bài), phản ảnh về đời sống khó khăn của đội ngũ những người nghệ sĩ, công nhân sống nhờ vào sàn diễn.
Sau khi báo đăng, tôi nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc, nhiều người đồng cảm và chia sẻ với những hoàn cảnh nghệ sĩ sống xa rời sân khấu vẫn mong ước được bám nghề, dù đời sống kinh tế rất khó khăn. Vui nhất là nghệ sĩ Trường Quang (em trai của NS Trường Sơn, chú ruột của NS Tú Sương), người chuyên làm đạo cụ nổi tiếng trong giới đã được VTV 9 mời quay phóng sự và trò chuyện tại phim trường. Nghề báo vui nhiều chứ không có nỗi buồn, nhất là viết về mảng văn nghệ, vì chúng tôi luôn được trang bị nghị lực để nhìn những vấn đề bằng đôi mắt cảm thông, chia sẻ, cùng với nghệ sĩ, ca sĩ, những người làm nghệ thuật mang đến cho cuộc sống những điều tốt đẹp hơn.
Ngọc Thu: Khi bản thân được học bài bản về sân khấu và anh cũng là một đạo diễn thì điều này giúp ích gì cho ngòi bút của anh?
Thanh Hiệp: Chính xác hơn là tôi dự thi vào lớp đạo diễn, khóa đào tạo đạo diễn sân khấu đầu tiên của miền nam với bậc đại học. Đó là năm 1993 khi tôi đã công tác tại báo NLĐ được 1 năm, người trưởng phòng trực tiếp phụ trách tôi lúc đó là nhạc sĩ Vũ Hoàng (hiện là TBT tạp chí Du lịch TPHCM), đã động viên tôi nên đi học thêm về lãnh vực sân khấu. Dù lúc đó tôi đã hoàn thành bậc đại học Tổng hợp, khoa văn. Ban đầu tôi có ý muốn theo học chuyên ngành báo chí, nhưng nhạc sĩ Vũ Hoàng đã phản đối, yêu cầu tôi phải học chuyên về mảng sân khấu. Tôi rất cảm ơn sự định hướng này vì đó chính là sự khởi đầu để tôi vươn tới một chân trời mới.
Khi theo học lớp của tôi có rất nhiều tài danh: Thành Hội, Khánh Hoàng, Minh Hạnh, Tất My Ly (con của NS Ba Xây), Mỹ Khanh, Nguyên Đạt, Trường Long (con của NSND Can Trường), Thái Quốc, Tấn Phát (Kịch Tuổi Ngọc)…lớp của chúng tôi được hai thầy: Trần Minh Ngọc và Nguyễn Văn Phúc giảng dạy. Và nhờ không khí học tập nghiêm túc, ở bên cạnh các nghệ sĩ chuyên nghiệp, có sự say mê lao động nghệ thuật mà tôi đã có điều kiện để học hỏi. Tôi lao vào việc học đồng thời hăng say viết báo về mảng sân khấu. Ngày đó vừa đi học, vừa đi làm nên rất cực nhọc, nhưng lại rất hạnh phúc. Vì chính môi trường sinh viên sân khấu đã cho tôi nhiều đề tài báo chí hấp dẫn bạn đọc.
Tôi quyết định lấn sân sang sân khấu cải lương, và để biết rõ hơn về sân khấu CL, tôi đã thọ giáo cố NSUT Út Trong. Sáu tháng học bài bản CL, cũng là 6 tháng tôi hăng say làm luận án tốt nghiệp về đề tài này. Tuy nhiên vì là lớp đặc thù và khóa đạo diễn đại học đầu tiên, nên đến năm 2000 chúng tôi mới báo cáo tốt nghiệp. Vở “Cưới chồng” là vở kịch tốt nghiệp của tôi, sau đó được công diễn tại Sân khấu kịch Sài Gòn 40 suất với các NS: Hồng Nga, Việt Anh, Tú Trinh, Minh Nhí, Hữu Lộc, Việt Hương, Anh Vũ, Hoàng Sơn…Tóm lại chính những trãi nghiệm về chuyên môn đã cho tôi cơ hội đúc kết thêm cho ngòi viết của mình sự sắc bén, nói đúng những điều công chúng quan tâm, mong muốn về một sân khấu tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhà báo Thanh Hiệp đang mở báo Người Lao Động trên mạng online bằng máy tính bảng Ipad cho NSND Viễn Châu trong lần cùng NSND Ngọc Giàu đến thăm ông, ngày 20/05/2012
Ngọc Thu: Anh nghĩ sao về câu nói “Nhà báo cũng là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”?
Thanh Hiệp: Cách đây không lâu trong hội thảo khoa học Thực trạng sân khấu kịch nói và giải pháp được tổ chức vừa qua tại TPHCM, tôi đã viết một tham luận được các đồng nghiệp và nghệ sĩ quan tâm: “Nâng cao năng lực thẩm định tác phẩm sân khấu trên các phương tiện truyền thông đại chúng”.
Với công việc vừa làm báo, vừa làm công tác đạo diễn, sân chơi mà khán giả biết đến nhiều ở tôi là cộng tác với sân khấu cải lương của HTV. Các chương trình tôi đã tham gia với HTV như: Nghệ sĩ và công chúng, Vầng trăng cổ nhạc, Giọt nắng phù sa, Chuông vàng vọng cổ, Trò chuyện cuối tuần…với nhiều vai trò khác nhau, khi thì là tác giả kịch bản, khi thì đạo diễn dàn dựng, lúc làm MC, biên tập, khách mời nói về nhân vật chính. Và trong hai cuộc thi được khán giả xem đài yêu thích hiện nay: Chuông vàng vọng cổ và Giọt nắng phù sa, tôi được mời làm thành viên ban giám khảo báo chí gần như xuyên suốt các mùa. Với nghề báo, nhiều loạt bài phóng sự của tôi đã nhận được sự đồng tình và phản hồi của người đọc. Năm nào những bài viết tham dự của tôi cũng đoạt giải thưởng báo chí viết về VHNT do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội nhà báo TPHCM tổ chức hàng năm.
Theo tôi, là người làm công tác báo chí nhiều năm qua gắn liền với lãnh vực sân khấu, tôi nhận thấy một phóng viên chuyên về mảng này phải là người có sự thẩm định các tác phẩm sân khấu công tâm và có trình độ. Việc trang bị cho bản thân người viết báo về sân khấu đạt đến sự chuẩn mực của lý luận phê bình không phải chỉ nói suông mà phải trãi qua quá trình đúc kết, có sự lao động thực tiễn trong quá khứ để có một bài viết sâu sắc.
Năng lực của người làm công tác thẩm định tác phẩm sân khấu trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính là chuyên môn và phẩm chất chính trị của họ. Nhìn thực trạng sân khấu kịch hôm nay, sân khấu TPHCM nói riêng và cả nước nói chung hiếm có tác phẩm đỉnh cao. Điều này phản ảnh một thực tế khi một số đơn vị sân khấu chạy theo tính thị trường, dàn dựng các vở diễn đề tài sinh hoạt, vui nhộn hoặc đi vào vấn đề khai thác các câu chuyện ma, quỷ, đồng tính, những biến dạng phi giới tính trên sân khấu đã bộc lộ sự lúng túng, loay hoay trong việc xác định hướng đi riêng của một thương hiệu.
Điều cốt lõi để có được tiếng nói chung giữa nghệ sĩ, khán giả và báo chí, chính là hướng tới những tác phẩm sân khấu đạt chất lượng nghệ thuật đúng nghĩa. Sân khấu HTV và các chương trình sân khấu CL của Đài TNND TPHCM nhiều năm qua đã tích cực góp phần định hướng thẩm mỹ qua mỗi tác phẩm sân khấu được dàn dựng, đó là một nỗ lực rất lớn trong đời sống sân khấu hôm nay trước những tác động bên ngoài. Và tôi rất vui khi được làm công việc báo viết, báo hình góp phần mang lại nhiều sản phẩm mới được công chúng, bạn đọc đón nhận.
Nhà báo Thanh Hiệp và các Nghệ sĩ trong vở Lôi Vũ tại rạp Hưng Đạo
Ngọc Thu:Anh có tự đặc ra cho mình mục đích đi đến trong nghề, trong suốt quãng đường làm báo của mình anh từng gặp khó khăn nào đến mức khiến cho mình nghĩ là phải bỏ nghề chưa?
Thanh Hiệp: Chưa bao giờ tôi nản chí dù đời sống sân khấu sàn diễn hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nghệ sĩ không có sân khấu biểu diễn, họ sống manh mún khắp nơi với bất cứ các show diễn. Mục đích của nghề báo là động viên họ giữ lửa cho nghề, để ngọn lửa đó không tắt.
Ngọc Thu:Không phải là tất cả nhưng đâu đó cũng có một số nhà báo có suy nghĩ lệch lạc về nghề, họ viết báo nhưng không có một lập trường vững chắc, vì nhiều lý do mà họ tự làm cong ngòi bút của mình, anh suy nghĩ như thế nào về vấn đề này ạ.
Thanh Hiệp: Sự lệch lạc đó biểu hiện rõ nhất ở việc một số bạn trẻ xem nghề báo là nghề hái ra tiền, thích sự mang ơn của nghệ sĩ. Họ quên mất trách nhiệm của một nhà báo là đồng hành với người nghệ sĩ. Động viên, góp ý, phê phán đúng lúc để nâng tính thẩm mỹ, ý thức đạo đức làm nghề một cách hiệu quả. Tôi rất sợ bài báo mình viết bị chết trong lòng bạn đọc. Nó cũng đồng nghĩa với việc nghệ sĩ khi nhắc đến tên mình họ sợ, không phải vì sợ nể mà sợ hải, bởi mình không còn giữ uy tín để họ có thể nghe và điều chỉnh. Cuộc sống hằng ngày trong mỗi chúng ta là sự điều chỉnh để tốt hơn, không ai hoàn thiện mọi mặt ngay lúc sinh ra đời cả.
Có nhiều bạn trẻ bảo với tôi “nghề báo nói láo ăn tiền, có gì hay mà theo”. Tôi nói: “Có ăn tiền đấy, nhưng sau đó sẽ ăn đòn”. Rất nhiều bài học về các nhà báo bán mình cho quỷ dữ, làm những vụ án tiêu cực mà xã hội lên án trong thời gian qua đã cho thấy rõ một chân lý: không giữ vững lập trường, chính kiến của mình thì chính mình tự đào thải mình. Cong ngòi bút không đáng sợ bằng cong lưng ngồi trong tù. Với lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhìn qua cứ nghĩ rất dễ, nhưng nếu bạn nhận xét phiến diện, khen chê thiếu công tâm, thì chính bạn sẽ làm tổn thương danh dự của chính mình.
Nhà báo Thanh Hiệp và các diễn viên Khóa 30 Nhà hát Trần Hữu Trang
Ngọc Thu:Có thể nói hiện nay ở TP HCM nói riêng và cả nước nói chung có một lực lượng nhà báo khá lớn, đặc biêt là nhà báo trẻ. Anh có suy nghĩ gì về lực lượng nhà báo trẻ của chúng ta hôm nay?
Thanh Hiệp: Trước hết họ rất năng động, tiếp cận những công nghệ tiên tiến về khoa học kỹ thuật cho nghề rất nhanh. Thế hệ của tôi ngày trước làm báo rất cực, đi lấy tin đều phải đến tận nơi, vì làm gì có điện thoại di động, ipad, internet, vi tính xách tay, chỉ cần gõ gooogle là có ngay thông tin, hình ảnh. Nhưng một số bạn trẻ ỷ vào điều đó mà chay lì trong việc tạo dựng các mối quan hệ thân thiết. Tôi chỉ nói về lãnh vực sân khấu.
Nếu bạn không vào hậu trường, không lân la tại các sàn tập, không đau nỗi đau chung của mỗi hoàn cảnh nghệ sĩ đang gặp khốn khó trong cuộc sống thì chắc chắn bài viết của bạn sẽ không sâu sắc, không có nhiều thông tin để bạn đọc chia sẻ, cảm thông. Theo tôi làm nghề báo giỏi chính là phải xông xáo, có đam mê với chính lãnh vực mà mình theo đuổi.
Ngọc Thu:Điều gì làm anh cảm thấy hạnh phúc nhất trong ngần ấy năm theo nghề?
Thanh Hiệp: Bài viết của mình có được nhiều phản hồi của bạn đọc. Khen thì mừng vì có được sự đồng cảm. Chê thì là bài học mới cho mình để điều chỉnh, tranh luận, và tiếp tục viết.
Nhà báo Thanh Hiệp, NS Mai Thế Hiệp, Ns Tú Trinh và NSND Ngọc Giàu chúc mừng NSND soạn giả Viễn Châu
Ngọc Thu:Với kinh nghiệm làm báo lâu năm , Ngọc Thu mong là anh cũng chia sẻ cùng các thính giả cũng như các bạn trẻ có ý định theo nghề báo một số kinh nghiệm mà anh đã góp nhặt được cho mình trong những năm qua?
Thanh Hiệp: Kết thân với nghệ sĩ nhưng bản thân mình đừng bị xem là người nhà của nghệ sĩ. Nếu bạn viết về lãnh vực VHNT mà xem mình là người thân của ca sĩ, là nghệ sĩ thì hỏng. Khoảng cách đó sẽ cho bạn những chính kiến để khi đặt bút viết, bạn không bị mối quan hệ thân thiết bẻ cong đi. Tôi nhớ có lần tôi đã viết bài phê bình một nghệ sĩ mà tôi rất thân, người này sau đó giận tôi, cho rằng vì sao chơi thân mà lại chê đến thế.
Tôi đã nói chính vì tôi yêu con người nghệ sĩ của anh ấy trên sân khấu, xem anh như một viên ngọc quý và tôi không muốn viên ngọc đó lúc nào cũng sáng, tôi sợ hào quang ngôi sao bị tỳ vết, đó là lý do tôi phải phê để anh điều chỉnh, gọt dũa lại mình, cho vai diễn của anh lấp lánh hào quang đúng với tài năng mà tôi và công chúng đã yêu mến. Sau này thì người bạn đó đã hiểu và quý tôi hơn. Có nhiều nghệ sĩ cắt những bài báo phê bình của tôi để dành, đó là điều tôi trân trọng lắm.
Nhà báo Thanh Hiệp và NS Hà Mỹ Xuân, Kiều Phượng Loan
Ngọc Thu:Một lần nữa cám ơn anh với cuộc trò chuyện rất thú vị cùng chương trình. Trước khi chia tay anh có lời nào cần gởi đến các thính giả nữa không?
Thanh Hiệp: Cảm ơn những khán thính giả của Đài TNND TPHCM đã lắng nghe sự chia sẻ của tôi. Ngày nhà báo đối với quý vị có thể chỉ là ngày 21-6 hàng năm, nhưng với chúng tôi những người làm báo thì ngày nào cũng là ngày 21-6, để nhắc mình làm việc tốt hơn mới xứng đáng nhận những lời chúc mừng.
Ngọc Thu thực hiện (ảnh do nhà báo Thanh Hiệp cung cấp)