Chủ đề: Kỳ nữ kim cương

  1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai




    Kim Cương đến với cải lương từ trong bụng mẹ - Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam - khi bà cùng chồng và đoàn hát tài danh Đại Phước Cương đi lưu diễn từ Nam ra Bắc. Thời kỳ mang thai Kim Cương là lúc nghệ sĩ Bảy Nam hát rất hay, đến độ nghệ sĩ Năm Châu phải thốt lên: "Đứa bé này sinh ra chắc phải hát hay lắm, cho nó theo nghề cha mẹ là vừa...". Một ngày nọ, trên đường lưu diễn đến Đà Lạt, đoàn hát đã gửi lại Huế người mẹ sắp đến ngày sinh với năm đồng bạc mà ba đồng đã được bà mua sắm quần áo cho đứa con đầu lòng. Kim Cương chào đời ở cửa Thượng Tứ, đúng khi người mẹ chỉ còn đủ một cắc để đi xe kéo đến nhà bảo sanh. Một tuần lễ sau, đoàn hát đã đón hai mẹ con đi diễn ở Vinh bằng xe lửa. 18 ngày sau đó, đoàn diễn ở Huế vở Quan âm Thị Kính, bé Kim Cương đã lên sân khấu trong vai đứa con sơ sinh của Thị Mầu mà đạo cụ là cái... bình sữa! Sau này, khi đã thành danh, Kim Cương tâm sự: "Lần lên sân khấu đầu tiên ấy dường như là định mệnh của cả cuộc đời tôi. Tôi nghĩ rằng, dù má tôi có muốn cho tôi ăn học, muốn tôi không phải chịu những dằn vặt chua cay đời nghệ sĩ thì cái nghiệp chướng dường như đã được chuẩn bị sẵn cho tôi từ cái đêm ấy rồi...". Tuổi ấu thơ của Kim Cương đã trôi đi theo gánh hát Đại Phước Cương rày đây mai đó, với đầy đủ khía cạnh của cuộc sống đời thường cùng những lao động nghệ thuật vất vả cực nhọc của cả đoàn... Tuy thế, hồi tưởng lại, Kim Cương vẫn cho rằng đây là thời gian chị sống sung sướng nhất, hạnh phúc nhất trong cái nôi của nghệ thuật cải lương đỉnh cao, với sự nuôi dưỡng dạy dỗ của ba má, các chú Năm Châu, Ba Vân, Bảy Nhiêu, Từ Anh cùng các cô dì Thanh Tùng, Ngọc Sang, Phùng Há...

    Từ lúc chập chững biết đi, Kim Cương toàn mặc đồ con trai, cử chỉ điệu bộ, tính hiếu động cũng là của con trai, người trong đoàn thường gọi cô một cách trìu mến: "cậu bé!". Hàng ngày "cậu" chơi đùa, chạy nhảy với đám bạn bè luôn luôn là mới quen ở nơi đoàn lưu diễn. Đêm đến, 15 phút trước khi có xuất diễn, người cha lại phải đi lục lọi những kẹt tủ, xáo từng tấm phông cảnh, sục sạo nơi đống quần áo rộng thùng thình của các "vua", "chúa"... lôi ra "cậu bé" Kim Cương đã ngủ vùi, dỗ Kim Cương uống nước, ăn bánh cho tỉnh ngủ, bồng lại thắp nhang nơi bàn thờ tổ trước khi vào sân khấu với những vai "con"... Lớn hơn, Kim Cương chuyển sự say mê hàng đêm vào việc theo dõi không chán giọng hát, điệu bộ của từng diễn viên rồi nấp sau cánh gà sân khấu, bắt chước làm theo chẳng khác người lớn chút nào. Lên 7 tuổi, Kim Cương đã vào vai có hát và bắt đầu diễn với nhân vật Na Tra trong vở Na Tra lóc thịt mà nghệ sĩ Bảy Nam viết riêng phần thoại cho mình và con. Đến lúc này Kim Cương chưa hề biết đến một cuốn vở học trò. Người cha bắt đầu dạy chữ cho con trong những lúc đem con đi kiểm tra các hàng ghế trong từng rạp, qua những mẫu tự ghi đằng sau lưng ghế lúc bằng sơn, lúc bằng vôi, bằng phấn và cả bằng... than. Kim Cương rất thú vị với cách học này, "cậu" nhảy chân sáo, len lỏi từ đầu đến cuối rạp cho đến khi mệt lử để tập ghép vần, khởi đầu bằng tên mình rồi đến tên của mọi người thân trong đoàn. Đêm đêm, khi có vai diễn, Kim Cương lại lên sân khấu với sự theo dõi, cổ vũ động viên bằng ánh mắt thân thương của người cha đáng kính. Những ngày đêm dập dình trên các chuyến xe lửa ra Bắc, lênh đênh trên mui ghe chốn sông nước miền Tây là lúc Kim Cương được tiếp thu những vốn sống thực tế của đời nghệ sĩ lang thang cùng những cảnh sống lam lũ cực nhọc của người dân quê, được nghe những ngón đàn, được học những điệu hát từ các cô chú trong đoàn.

    Nam bộ kháng chiến, gánh Đại Phước Cương tản cư trong rừng Sara và vùng kháng chiến Bình Thuận, tất cả những gì có được của đoàn hát phải đem bán dần để nuôi sống hơn bốn mươi con người trong cuộc hành trình dài ngày đi tìm sự sống. Đúng lúc đó, ông Phước Cương ngã bạo bệnh, mẹ con Kim Cương phải đưa ông về Phan Thiết chạy chữa. Và cái đêm đầu tiên đến tá túc nơi rạp Thất Ngàn đã bị người chủ rạp chối bỏ. Vâng, chính cái rạp mà cách chừng hơn tháng trước, gánh Đại Phước Cương đã đem vinh quang tột đỉnh đến cho nó... Giữa tháng Chạp năm ất Dậu, ông bầu Phước Cương trút hơi thở cuối cùng tại chùa Phật học Phan Thiết, lúc Kim Cương tròn 9 tuổi.

    Người cha thân yêu không còn nữa, dì Năm Phỉ đã đón bốn mẹ con Kim Cương trở về Sài Gòn. Bà Năm Phỉ và bà Bảy Nam cùng bạn lập nên gánh Tam Phụng tiếp tục đi diễn. Cả hai người đã thống nhất buộc Kim Cương phải giã từ sân khấu, giã từ thiên nhiên sôi động về sống ép mình trong khuôn khổ một gia đình giàu có và lễ giáo nơi biệt thự lộng lẫy Mộng Hoa. Một khúc ngoặt đến với Kim Cương, chị tự bạch: "... Tôi chỉ là một đứa bé hoang dã, tâm hồn tôi từ lâu thường bè bạn với sông nước, cỏ cây, mây núi, sẽ không dễ gì sống nổi trong lầu son gác tía này...". Cũng rất dễ hiểu khi con người phá phách trong "cậu bé" Kim Cương ngấm ngầm nổi loạn: xé rào tiếp cận với cuộc sống bên ngoài biệt thự, làm thân với bác thợ sửa xe góc đường, trở thành người thợ phụ với mặt mũi, quần áo luôn lấm lem dầu mỡ; bắt chước lũ trẻ con trai hàng phố nhặt đầu mẩu thuốc lá, ngồi gốc cây tập nhả khói; học thì phá, chỉ chăm sáng tạo rồi thực hiện những trò nghịch ngợm tai quái trong nhà... Nhiều lần đi xe trốn vé đến rạp để xin được theo mẹ như ngày xưa, mẹ lắc đầu: "Kiếp cầm ca bạc bẽo lắm con à. Con phải đi học, phải tạo dựng cuộc đời mình bằng con đường học vấn...". Cứ mỗi lần thất vọng ra về, con chim tự do của thiên nhiên lại càng phá phách cái lồng son nhốt mình. Cho đến một ngày kia, dì Năm và má phải quyết định gửi Kim Cương vào học nội trú ở các trường bà sư Thiên Phước và cha Tam... Lại nối tiếp những ngày sống đơn điệu đến nhàm chán: đi lễ, học, ăn, ngủ... theo giờ giấc và những ngày thứ bảy, chủ nhật chẳng có người đến thăm, đến đón về nhà. Cô đơn và cô đơn. Cô đơn với bản tính sôi nổi hiếu động của thời xưa đã khiến Kim Cương càng hay phá phách, phá bạn tuy rất thương bạn, phá sơ tuy rất biết ơn họ là những người luôn an ủi Kim Cương những ngày thứ bảy, chủ nhật cô đơn... Chín giờ tối, tất cả đều lên giường ngủ, đó là lúc Kim Cương thường khóc thầm hoặc suy nghĩ mông lung về người cha, về cái thời đi hát sắm vai Na Tra, những đêm trăng xuôi thuyền trên sông nước mênh mông, những nhà ga đông nghẹt người, những rộn ràng trong hậu trường sân khấu, những sắc màu rực rỡ ánh đèn, của xiêm y... Có lúc Kim Cương leo lên bậu cửa sổ chăm chú lắng nghe từng tiếng đàn câu hát vẳng đến rồi nhớ da diết và lẩm bẩm hát theo...

    Hè năm ấy, Kim Cương thi rớt tú tài, cô quyết định đi thăm mẹ đang lưu diễn cùng đoàn hát ở Châu Đốc. Đêm đầu tiên cô đang sung sướng đến ứa nước mắt khi ở trong cánh gà được sống lại không khí ngày xưa thì có tiếng súng nổ. Lúc đầu còn thưa thớt, sau thì rộ lên dữ dội: quân Ngô Đình Diệm bắn nhau với quân các giáo phái. Dì Năm quyết định cứ diễn rồi khóa cửa rạp, đề phòng khách nhốn nháo chạy dễ dính đạn lạc. Vở diễn kết thúc, súng vẫn nổ, để cầm khách lại trong rạp, các nghệ sĩ trong đoàn phải thay phiên nhau lần lượt hát. Riết rồi cũng hết người mà súng vẫn còn nổ, má Bảy đã cho phép Kim Cương ra hát. Kỳ diệu thay và cũng thú vị thay khi Kim Cương hát bản tân nhạc Nụ cười sơn cước đã được khán giả nhiệt liệt tán thưởng. Có ai ngờ với cái đêm diễn định mệnh ấy, Kim Cương đã kiên quyết chối bỏ sách đèn, trở lại hẳn với sân khấu cải lương bằng một bản tân nhạc. Lúc này không còn "cậu bé" Kim Cương với vai diễn Na Tra mà đã là một thiếu nữ, một đào thương đóng vai chính A Liễu trong vở Giai nhân và ác quỷ mà soạn giả Duy Lân đã viết riêng để giới thiệu Kim Cương.

    Đoạn mở đầu của một kỳ nữ Kim Cương là như vậy đó. Tôi không có ý định tô điểm lại những vầng hào quang mà chị đã có được từ năm 19 tuổi ấy cho đến tận hôm nay, bởi từ những người mến mộ chị đến những kẻ ngoại đạo như tôi đã quá rành.

    ***

    Gặp lại Kim Cương trong một chiều cận Tết ất Hợi, lúc chị đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi Thái Lan thăm thú tình hình thị trường phim ảnh, tôi vội vã: "Nguyên do nào khiến cô đào thương Kim Cương chuyển sang làm kịch nói?". Chị vui vẻ tâm sự: "Năm 1960, Sài Gòn chưa có một đoàn kịch nói nào, tôi cảm nhận được cái mũi nhọn xã hội của kịch nói lên lập đoàn Dân Nam, Kim Cương. Kịch nói mới mẻ, chưa ăn khách, chẳng soạn giả nào chịu viết vở, vậy là tôi tự viết cho đoàn diễn. Viết xong đến lúc ký tên soạn giả... Tên mình chăng? Không được! Người ta chỉ xem đào Kim Cương hát chứ Kim Cương soạn giả kịch nói thì chẳng ai ngó tới. Vậy là cái tên Hoàng Dũng ra đời. Thà là cái anh Hoàng Dũng lạ hoắc viết kịch bản cho kịch nói mới mẻ còn hơn...". Lối viết kịc bản của chị cũng rất đặc biệt. Sau khi đã có đề tài, dàn dựng lớp, cảnh nhuần nhuyễn trong đầu, chị bắt tay vào viết. Công đoạn viết thường bắt đầu từ lúc 12 giờ đêm sau buổi diễn. ý nghĩ đến quá nhanh khiến Kim Cương tự viết không kịp, thế là chị một mình đóng tất cả các vai vừa diễn vừa thoại để 2 người phụ giúp đánh máy mới kịp. Họa hoằn lắm, công đoạn này mới được thực hiện ban ngày, bởi lúc đó, chị dễ bị phân tâm, cản trở mạch suy nghĩ và hành động. Năm 1970, chị lập Kim Cương phim, kịch nói và điện ảnh được Kim Cương duy trì sóng đôi bổ trợ cho nhau từ đó.

    Gặp lúc tình hình sân khấu đang hồi đi xuống, người nghệ sĩ tài hoa ấy luôn luôn dằn vặt bởi câu hỏi vì sao? Làm cách nào để có lối thoát cho sân khấu Kim Cương hôm nay?... Khi nhắc đến kịch nói Kim Cương 18 năm sau giải phóng, mắt chị sáng lên: "Diễn không đêm nào nghỉ anh ạ, từ Nam ra Bắc đâu đâu cũng có vết chân đoàn tôi. Tôi luôn được hít thở cái không khí giao lưu đậm đà với khán giả bằng những biểu cảm từ tiếng xuýt xoa, trong ánh mắt nơi họ... Có đêm ở Đà Lạt, tôi bị bệnh đến độ đứng không vững, nhưng từ đồi cao nhìn từng dải đuốc dài dập dờn nơi các sóc vắng hội tụ về chỗ đoàn diễn, tôi xúc động thực sự. Vậy là vùng dậy thực hiện trọn vẹn đêm diễn!". Mấy năm gần đây, Kim Cương đã cho ra mắt 5 phim vidéo: Trà hoa nữ, Lá sầu riêng, Sắc hoa màu nhớ, Người tình trễ xe và Biển động. Chị cho biết: "Phim nào cũng bị "mất", mình không giữ được, chưa ra thì các cửa hàng cho thuê băng vidéo đã có rồi, lắm khi phải thực hiện chính sách bán lúa non. Cũng may tôi chưa bị lỗ phim nào".

    Giờ đây, ngày ngày, Kim Cương vẫn luôn bận rộn với điện ảnh, với kịch nói, đặc biệt là với công tác xã hội từ thiện... Song có lẽ điều mà ít ai ngờ tới, cái cô Kim Cương vốn lười học từ cái thời còn là "cậu bé" ấy thì nay, khi mon men tới cái tuổi "tri thiên mệnh", đã hoàn thành tốt đẹp một khóa học "tư duy sáng tạo" mở ở trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh của Tiến sĩ Phan Dũng. Chị học một cách say mê và thú vị với môn khoa học của tư duy này. Hôm nào quá bận, không đến lớp được, chị lại nhờ bạn cùng khóa đến nhà chỉ lại cho. Tôi hỏi chị học môn này để làm gì, chị cười hồn nhiên: "Bốn chữ tư duy sáng tạo mới nghe đã thấy ham rồi, càng học càng ham, càng học lại thấy mình còn thiếu nhiều lắm. Mọi kết quả có được trên thế giới này đều là sản phẩm của tư duy. Nghệ sĩ tụi tôi hay sống bằng cảm tính, tư duy còn lộn xộn nên cũng dễ thất bại, học để tìm lại thế quân bình, để sống đúng hơn, để làm tốt hơn...".

    (sưu tầm)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai








    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL