Một buổi trưa tháng Chín, tôi tình cờ đi ngang qua rạp Vĩnh Lợi. Gặp anh bạn già là họa sĩ kêu giật ngược, mời vô tham quan phòng tranh của anh trong rạp!? Tôi bước vào mà thấy ngỡ ngàng quá đỗi. Rạp Vĩnh Lợi – một thời là rạp hát “Thầy Năm Tú”, cái nôi của sân khấu cải lương Nam bộ - bây giờ xuống cấp thê thảm đến mức này sao?
Một buổi trưa tháng Chín, tôi tình cờ đi ngang qua rạp Vĩnh Lợi. Gặp anh bạn già là họa sĩ kêu giật ngược, mời vô tham quan phòng tranh của anh trong rạp!? Tôi bước vào mà thấy ngỡ ngàng quá đỗi. Rạp Vĩnh Lợi – một thời là rạp hát “Thầy Năm Tú”, cái nôi của sân khấu cải lương Nam bộ - bây giờ xuống cấp thê thảm đến mức này sao?
Trước đây, ở Thành phố Mỹ Tho có tất cả ba rạp hát: đó là các rạp Vĩnh Lợi, Viễn Trường và Định Tường. Rạp Định Tường tọa lạc trên đường Trưng Trắc (P1), với chức năng là chiếu phim, từ phim màn ảnh rộng “đại vĩ tuyến Estmancolor”, chiếu phim bằng đèn chiếu “hồ quang”, một thời gian chuyển sang chiếu phim “Vidéo” 100 inches, rồi lại trở về màn ảnh rộng…Tên rạp Định Tường vẫn không thay đổi từ bấy đến giờ.
Rạp Vĩnh Lợi nằm trên đường Lý Công Uẩn cũng thuộc phường 1 (vậy là chỉ riêng phường 1 đã sở hữu tới hai rạp hát lớn, khoái nhỉ?!) Sau đó được sửa chữa mặt tiền, đổi tên thành rạp “Tiền Giang” cho đến bây giờ. Trong miền ký ức của tôi vẫn còn tồn tại một rạp Vĩnh Lợi của những năm 60, đó là một rạp hát với mặt tiền có hình vòng cung, hơi nhọn ở đỉnh với dòng chữ “Hí Viện” (theo lối in hoa) bên dưới là chữ VINH LOI (không dấu), đều được đắp nổi bằng xi măng. Bên dưới hai hàng chữ đó là một khoảng trống làm bằng lưới, được treo các tấm “pa-nô” quảng cáo cho các bộ phim đang chiếu và sắp chiếu được vẽ rất đẹp.
Dưới nữa là cửa ra vào đều là cửa sắt, sơn màu vàng, mỗi khi có chiếu phim thì mở rộng ra hết cho khán giả vào xem các tấm hình quảng cáo trích ra từ các bộ phim. Còn nhớ, cũng tại rạp Vĩnh Lợi đâu khoảng thập niên 60, tôi được xem một bộ phim màu của Ấn Độ (tên phim là gì tôi không còn nhớ) nhưng tôi nhớ là bên dưới tấm pa-nô quảng cáo có “chua” thêm dòng chữ: “Đặc biệt có cô Út bạch Lan hát sáu câu vọng cổ trong phim này”. Và cũng tại rạp Vĩnh Lợi, tôi được xem hai bộ phim Hồng Kông “Tinh Võ Môn” và “Mãnh Long quá giang” mà tài tử là võ sư Lý Tiểu Long - “thần tượng” của giới trẻ lúc bấy giờ - Ngoài chức năng chiếu phim màn ảnh rộng ra, rạp Vĩnh Lợi còn là nơi mà các đoàn Cải lương “đại ban” như “Dạ Lý Hương”, “Hương Mùa Thu”, các đoàn “Kim Chung”, “Kim Chưởng”…về biểu diễn các vở cải lương. Sau này rạp vẫn giữ y nguyên chức năng đó và đồng thời cũng là nơi tổ chức “Hội diễn văn nghệ” cấp tỉnh của Tiền Giang.
Rạp “Viễn Trường” thì nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh (thuộc phường 3), sau đổi tên thành “Tân Viễn Trường”. Cũng có những chức năng giống như rạp Vĩnh Lợi, nghĩa là cũng thực hiện hai nhiệm vụ vừa chiếu phim, vừa hát cải lương. Các đoàn cải lương nho nhỏ một chút, không có đào, kép nổi tiếng hay về rạp Tân Viễn Trường biểu diễn. Sau giải phóng đổi tên thành rạp Mỹ Tho thuộc phòng VHTT.TPMT quản lý và thêm một chức năng nữa là nơi tổ chức hội diễn văn nghệ cấp thành phố…Và bây giờ là “siêu thị” sách Thành Nghĩa. Coi như rạp Mỹ Tho vĩnh viễn mất đi chức năng phục vụ nghệ thuật thứ bảy và nghệ thuật sân khấu! Chỉ còn rạp Vĩnh Lợi lắt lay theo dòng đời, một thời gian xuống cấp trầm trọng và…đóng cửa luôn!
Hôm tôi ghé thăm phòng tranh của ông bạn già, mới biết là gần đây hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang “mượn” đỡ rạp Vĩnh Lợi để làm nơi triển lãm tranh ảnh và - nếu có thể - sẽ tổ chức giao lưu, biểu diễn “đàn ca tài tử” ngay trước tiền sảnh của rạp! Bởi vì bên trong rạp cái sân khấu to lớn, hoành tráng ngày xưa - khi mà các đoàn cải lương còn trong thời “hoàng kim” đã từng bám trụ biểu diễn - đã bị tháo gỡ hết lớp ván lót sàn sân khấu. Thêm vào đó là xây thêm một cái phòng (chắc là phòng bán vé Vidéo) lấn sâu vào bên trong sân khấu. Sân khấu ngày xưa giờ chỉ còn lại giàn “rớ” dùng để cột phông, màn, cảnh trí nhưng cũng đã rỉ sét, xuống cấp lắm rồi! Trần rạp thì lớp “la - phông” cũng bị nước mưa và thời gian làm cho cong oằn, sụp xuống. Những hàng ghế có đánh số vé cho khán giả ngồi xem chiếu phim và cải lương ngày xưa cũng bị tháo gỡ, đem đi hết.
Nói thật, nhìn “trạng mạo” của rạp Vĩnh Lợi hôm nay mà tôi thêm chạnh lòng! Dù gì thì tôi vẫn có kỷ niệm sâu sắc đối với Vĩnh Lợi. Đó là những lần xem phim, xem cải lương và tham gia các lần hội diễn mà tôi cũng là một thí sinh. Đâu rồi rạp Vĩnh Lợi bề thế mà các đoàn cải lương danh tiếng thường về biểu diễn? Đâu rồi nơi trình chiếu các bộ phim nhựa màn ảnh rộng của Anh, Pháp, Mỹ ngày xưa và của Liên Xô, Trung Quốc, Ru Ma Ni, Ba Lan…sau ngày giải phóng? Tất cả đều chỉ còn là quá khứ với một rạp hát hư nát, xuống cấp…chỉ còn “lối xưa xe ngựa” và những tấm lòng đau đáu nhớ về rạp hát một thời vang bóng mà thôi.
Thiết nghĩ, một thành phố đang là “đô thị loại II” và sắp tiến lên “loại I” thì không thể không có rạp hát. Rạp hát là nơi mà người dân thưởng thức nghệ thuật, là nơi trao đổi văn hóa giữa các địa phương, là nơi mà các đơn vị nghệ thuật của tỉnh nhà và tỉnh bạn làm nơi giao lưu văn hóa và biểu diễn phục vụ đồng bào. Có thể nào các đơn vị chủ quản cho phục hồi, trùng tu lại rạp Vĩnh Lợi, trả nó về đúng chức năng ngày xưa như “trả lại tên em” không?
Hoàng Đức
Theo: TCGD