Đàn Ca Tài Tử có cứu được cải lương không?
Theo Soạn giả Nguyễn Phương,
Thưa quý thính giả, anh Phạm Văn Hai (bạn tôi) sau khi về thăm Việt Nam, anh nói với tôi, đầy vẻ phấn khởi, là nghệ thuật cải lương có nhiều cơ hội hồi sinh.
Tôi nghe cũng mừng nhưng tôi muốn biết do đâu mà anh có cái nhận định lạc quan như vậy?
Còn nhiều hơn ngày xưa
Anh Hai nói:
“Ở thành phố, mỗi tháng có một chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc hát ở Đầm Sen,
Ở nhà hát Thành Phố, đến ngày 4 tây đầu tháng thì có một chương trình Làn Điệu Phương Nam.
Ở khu dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, tới ngày rằm trăng tròn thì có tổ chức Đêm Rằm Ca Hát.
Và trong năm ba tháng thì có tỉnh này, quận nọ tổ chức thi tuyển những giọng ca vàng vọng cổ.
Đó! Hồi xưa, phong trào đờn ca tài tử, ở tỉnh Mỹ Tho chỉ có Ban Tài Tử của ông Nguyễn Tống Triều tức Tư Triều tại Mỹ Tho và Ban đờn ca tài tử của ông Trần Văn Chiêu tức Bảy Triều ở làng Vĩnh Kim Mỹ Tho. Hai Ban Tài Tử này Tết năm nào cũng được hai rạp chiếu bóng lớn: Casino của thầy Năm Tú Mỹ Tho và rạp Eden Saigon ký contrat để đàn ca tài tử cho khách xem trước khi mở màn hát bóng.
Đàn ca tài tử khởi đầu chỉ có vậy mà mấy năm sau đẻ ra nhiều đoàn hát cải lương, nhiều danh ca ca tài tử cũng hay mà hát ca ra bộ cũng hấp dẫn. Sau đó hát trên sân khấu cải lương, cũng ca bài bản cổ nhạc đó mà họ hát tuồng Tây, tuồng Tàu hay tuồng kiếm hiệp La Mã đều hay. Khán giả mê coi cải lương, đoàn hát cải lương phát triển thêm rất nhiều gánh hát, còn nghệ sĩ cải lương, nghệ sĩ ca cổ nhạc sản sinh ra hàng ngàn, hàng chục ngàn người như là ổ nấm rơm gặp mưa, được nảy nở trên những ụ rơm mụt, người ta đi hái nấm rơm đó nhiều không biết bao nhiêu mà kể.
Bây giờ Đêm Rằm Ca Hát, Vầng Trăng Cổ Nhạc, Làn Điệu Phương Nam, thi tuyển giọng ca vàng, tất cả đều là hình thức đàn ca tài tử như hồi xưa, mà bây giờ tổ chức rầm rộ hơn, có quy củ hơn và nhiều nghệ sĩ danh ca cổ nhạc ca nhiều hơn hồi cái thời của Ban ông Nguyễn Tống Triều và Ban ông Trần Văn Chiêu. Do đó tôi tin là các tổ chức đàn ca cổ nhạc đó sẽ sản sinh ra nhiều nghệ sĩ và nhiều gánh hát cải lương như hồi xưa và có lẽ sẽ còn hơn hồi xưa nữa… Như vậy thì phong trào đàn ca tài tử như Vầng Trăng Cổ Nhạc, như Làn Điệu Phương Nam sẽ cứu sống nghệ thuật cải lương.”
Vẫn không cứu vãn SKCL
Tôi không đồng ý với nhận xét đó.
Nguyễn Phương: Anh có biết chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc được tổ chức bao nhiêu chương trình rồi không? Mỗi tháng đến ngày rằm trăng tròn thì có một chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc, vậy thì anh tính ra thử coi từ khi có đàn ca tài tử trong chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc đến ngày nay thì đã bao lâu rồi? Có bao nhiêu chương trình? Anh tính thử coi!
Anh Hai lấy máy chụp ảnh ra xem lại ngày ghi chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc mà anh đi xem mới đây để coi cho biết là chương trình thứ mấy. Anh nói:
“Tôi mới xem đêm 02 tháng 7 năm 2009, thấy đề trên chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc lần thứ 104. Để tôi tính coi, mỗi tháng chỉ có một lần rằm trăng tròn nghĩa là chỉ có một đêm hát Vầng Trăng Cổ Nhạc. Tính ra 104 lần là 104 tháng …Úy trời ơi, tính ra thì đến cái đêm thứ 104 là đã 9 năm sáu tháng Vầng Trăng Cổ Nhạc rồi…”
Nguyễn Phương: Đó…đó! Hồi xưa các Ban tài tử của ông Tư Triều và ông Bảy Triều đờn ca tài tử ở rạp Casino và rạp Eden chỉ vài năm là có gánh hát của ông Hai Cu, Nam Đồng Ban ra đời và sau đó rất nhiều gánh hát ra đời, ngày càng đông đảo khán giả ưa chuộng cải lương. Bây giờ chẳng những chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc đã thực hiện được hơn 9 năm rưỡi, ở các quận huyện, các tỉnh thành cũng có quá nhiều những Ban đàn ca tài tử ở địa phương, ở các tụ điểm du lịch, ở nhà hàng khách sạn, ở tụ điểm văn hóa giải trí, vậy mà phong trào đờn ca tài tử đó không thể làm cho sân khấu cải lương được hồi sinh.
Vậy thì phải suy nghĩ coi tại sao?
Câu chuyện của các tổ chức Vầng Trăng Cổ Nhạc, Làn Điệu Phương Nam, Đêm Rằm Ca Hát, các Ban đờn ca tài tử chuyên nghiệp ở Hốc Môn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bạc Liêu, Ban cổ nhạc ở các tụ điểm du lịch sinh thái ở Cồn Phụng, ở Cần Thơ đã hoạt động rầm rộ trong gần mười năm qua rồi nhưng những tổ chức đờn ca tài tử đó không giúp cho sự hồi sinh của sân khấu cải lương, mà bản thân của nó cũng không phát triển được.
Tại sao?
Hồi xưa, đàn ca tài tử là một hình thức đàn ca vui chơi giải trí trong các bạn hữu ưa thích cổ nhạc ở thôn xóm. Khán, thính giả cũng là những người quen biết trong thôn xóm. Giữa nhạc sĩ, ca sĩ và người nghe được xem là đồng điệu tri âm tri kỷ. Những cuộc vui đờn ca tài tử tổ chức trong những đêm trăng sáng, hoặc những khi được mùa lúa, mùa cá, mùa tôm, những khi có quan, hôn, tang, tế, những cuộc họp bạn, những buổi nhậu đàn ca của các bạn tri âm tri kỷ. Nó lôi cuốn người ở gần đó đến nghe chia vui. Giữa người đàn, người ca, người thưởng thức gần gũi nhau, không có điều chi ngăn cách. Khi có người bỏ tiền ra lập gánh hát thì các rạp hát được xây cất thêm nhiều, giao thông vận tải cũng được phát triển thành ra khi đoàn hát thay thế cho nhóm đờn ca tài tử thì chỗ ca diễn trong nhiều rạp hát thu hút đông đảo khán giả đến xem giải trí. Bài hát, bài ca viết về những chuyện tình yêu, tình cảm quê hương, viết từ những truyện Tàu và tiểu thuyết ta quen thuộc nên người ca người nghe dễ đồng cảm với nhau.
Bây giờ rạp hát cải lương bị dẹp bỏ hết, cả ở thủ đô Hà Nội, Nhà hát cải lương Trung Ương cũng kêu lên là không có rạp hát cải lương để hát ngay trong Thủ đô. Họ phải đi hát ở sân bãi ngoại ô Hà Nội. Giống như cuộc buôn bán mà tiệm quán gì đều bị đóng cửa, dẹp bỏ hết, người bán buôn phải mua gánh bán bưng ở đầu đường xó chợ, phải lang thang đầu ghềnh cuối bãi, tất nhiên là chỉ mua bán nhỏ, không phát triển quy mô được. Đoàn hát cải lương cũng giống như vậy, khán giả cũng như khách hàng, hàng hóa ít, không hạp khẩu vị, người mua tất nhiên phải ít đi. Đó là chưa kể sự ràng buộc của Cơ Chế, nó giết chết cải lương từ thành thị đến thôn quê.
Các đoàn đi hát ở miền Trung, viết trên báo Sân Khấu Thành Phố, kể rằng các sân bãi ở tỉnh có những thứ thuế cắt họng còn hơn các thứ thuế thời trước năm 1975. Nào là thuế nhập tỉnh tính theo mỗi đầu người trong đoàn hát, thuế sân bãi, tiền điện nước, tiền mướn ghế xếp vì hát ở sân bãi, tiền mướn dàn bao, tiền mướn máy đèn, tiền đóng bảo vệ, tiền mướn vệ sinh sân bãi, tiền phúc khảo, tiền 3 phần trăm cho Văn Hóa địa phương, tiền ủng hộ giúp cho các phong trào của địa phương, ngoài ra đoàn hát còn phải nạp hàng trăm thiệp mời cho các quan chức địa phương…Nếu tính đầy đủ hết (cộng theo chi phí di chuyển của đoàn) thì đoàn hát phải chi cho tất cả các thứ thuế là hơn 80 phần trăm số thu một đêm hát. Có khi hơn nữa, đoàn lỗ và rã gánh hát là cái thường xảy ra. Đó là chưa kể tuồng tích phải viết theo đúng định hướng chính trị của đảng và chánh phủ, chưa kể khi đến tỉnh thì có những quy định riêng của tỉnh đó. Không cần biết là có hạp với ý thích của khán giả không nên đoàn hát mất khách là điều có thể hiểu được.
Trở lại các Vầng Trăng Cổ Nhạc, Làn Điệu Phương Nam, Cải Lương Hoành Tráng thì khán giả ngồi rất xa sân khấu, nhìn thấy diễn viên lớn bằng cở ngón tay(cách khoảng giữa diễn viên và khán giả ít nhất vài chục thước) khán giả chỉ nghe tiếng ca nhờ máy phóng thanh, còn đầu mày cuối mắt, nụ cười của diễn viên thì không sao thấy rõ được. Làm sao giống được như khán giả và diễn viên thời xưa khi có các rạp hát quen thuộc. Cũng không giống các cuộc đàn ca tài tử hồi xưa. Bởi vậy đàn ca của Vầng Trăng Cổ nhạc hay của Làn Điệu Phương Nam mà giữ được y nguyên như vậy thì đã là giỏi rồi, nói gì đến chuyện phát triển thành những đoàn hát cải lương như trong các thập niên 40, 50 của thế kỷ trước.