1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    Nữ nghệ sĩ Tô Kiều Lan, tài danh chuyên diễn Độc, Lẵng, Hài


    Nữ nghệ sĩ Tô Kiều Lan.

    Tô Kiều Lan, một nữ tài danh chuyên diễn các vai độc, độc lẵng, đến năm cô được 50 tuổi, cô mới chuyển qua diễn vai hài và đã thành công một cách rực rỡ....

    Qua hơn 80 năm, sân khấu cải lương đã sản sinh ra rất nhiều diễn viên hài nổi danh, khán giả hôm nay còn nhắc đến các danh hài Ba Du, Tư Xe, Năm Định, Tám Củi, Hề Lập, Ba Vân, Tám Lắm, Hề Tỵ, Hề Bảy Xê, Hoàng Mai, Hề Giác, Tư Rọm, Kim Quang, hề Lòng, hề Văn Núi, Châu Hí, Văn Chung, Văn Hường, Hề Minh, Thanh Việt, Khả Năng, Hề Sa, hề Vui Tươi, hề Vũ Đức, Giang Châu, Việt Anh, Lê Vũ Cầu, v.v...

    Lại có những danh hài nữ cũng được khán giả ưa thích như nữ hề Bé Bự, hề Bé Hoàng Vân, Hồng Nga, Ngọc Giàu, Kim Ngọc, Tô Kiều Lan, Kiều Mai Lý, Mai Lan, Mỹ Chi, Hồng Vân, Thu Tuyết, Thúy Nga, Kiều Oanh, Mai Thanh Dung…

    Mỗi danh hề có một lối diễu riêng, một khả năng ứng biến thiên phú. Phần lớn các danh hề nữ đều là những diễn viên chánh chuyên diễn các vai đào mùi, đào lẵng, đào độc, sau đó do nhu cầu của sân khấu các cô mới chuyển qua diễn hài.

    Nữ nghệ sĩ Tô Kiều Lan tên thật là Đoàn Thị Kim Lang, sinh năm 1943, quê quán ở Gò Đen, quận Bình Chánh, Saigon. Song thân của cô là ông Lê Văn Hỷ và bà Đoàn Thị Tư, sinh sống bằng nghề nông, đã qua đời. Tô Kiều Lan là em Út trong gia đình vớì 12 anh chị em sống với nghề khác, chỉ có cô là theo nghề hát cải lương.

    Vào nghề từ một tai nạn

    Gia đình của Tô Kiều Lan ở đường Hậu Giang, quận 6, cô học tiểu học trường Trường Cây Gỏ. Cô mê ca cổ nhạc nên theo các nhóm đờn ca tài tử để học ca và đi ca ở các đám tiệc. Lúc đó ông Lê Văn Quý lập đoàn xiếc tạp kỹ, để phụ diễn xiếc và ão thuật trước khi đoàn hát hát tuồng cải lương.

    Đêm đó cô gái đứng cho diễn viên phóng dao bị bịnh, ông Lê Văn Quý thu nhận Tô Kiều Lan vào Ban xiếc để thế vai cho cô gái đó.

    Lúc đó ban xiếc Lê Văn Quý diễn trên sân khấu đoàn hát Minh Hùng – Hoàng Sương. Khi vào đoàn hát, Tô Kiều Lan ca vọng cổ chơi với các diễn viên trong đoàn, giọng ca của cô ngọt ngào, làn hơi khoẻ khoắn, được các nghệ sĩ khen ngợi nhất là soạn giả Tứ Lang.

    Tai nạn xảy ra trong màn diễn phóng dao, một mũi dao ghim ngay đùi của Tô Kiều Lan khiến cho màn phụ diễn xiếc phải ngưng lại. Hôm sau, soạn giả Tứ Lang khuyên cô nên theo đoàn hát cải lương thì có tương lai hơn là theo đoàn Xiếc, chỉ đứng làm bia cho người ta phóng dao.

    Tô Kiều Lan gia nhập đoàn hát Minh Hùng – Hoàng Sương, soạn giả Tứ Lang và nhạc sĩ Tư Sơn dạy cho cô ca hát và đặt nghệ danh là Kiều Lan.

    Đó là năm 1960, đoàn hát có các diễn viên Hoàng Sương, Thu Vân, Như Ngọc, Kim Xuyến (vợ của nghệ sĩ Thành Được), Tấn Phước, hề Nam Thanh. Kiều Lan được tập cho hát vai đào nhì lẵng, tuồng Tiếng Hát Người Thôn Nữ của soạn giả Tứ Lang. Kiều Lan nhờ sự tận tâm chỉ dạy của hai ông thầy Tứ Lang và Tư Sơn nên thành công ngay trong vai diễn đầu tiên trên sân khấu cải lương.

    Sau đó, Kiều Lan còn hát thành công qua các vai Nữ Chúa Mường trong tuồng Trăng Lạnh Xứ Mường, vai Quận Chúa tuồng Ngọn Lửa Thành Tây, vai Liên tuồng Dưới Dàn Hoa Thiên Lý.

    Năm 1962, sau hai năm hát vai đào lẵng trên sân khấu Minh Hùng - Hoàng Sương, Kiều Lan được các ký giả kịch trường viết nhiều bài báo khen ngợi, khán giả cũng nhiệt liệt tán thưởng nên đoàn hát Út Bạch Lan – Thành Được mời cô cộng tác với tiền lương cao và tiền contrat hậu hỉ. Lúc đó đoàn hát Út Bạch Lan – Thành Được có các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Thành Được, Nam Hùng, Thanh Thanh Hoa, Mỹ Châu, Ba Vân, Bé Hoàng Vân, Tấn Đạt…

    Dưới bàn tay đạo diễn của quái kiệt Ba Vân, Tô Kiều Lan rực sáng trong vai Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu, tuồng Khi Rừng Mới Sang Thu. Khi nữ nghệ sĩ Bích Sơn rời đoàn, Kiều Lan thế Bích Sơn đóng vao Công Chúa trong tuồng Khi Hoa Anh Đào Nở. Kiều Lan đã khẳng định được vị trí vững vàng trên một sân khấu đại ban.

    Năm 1964, ông bầu Ba Bản mời Kiều Lan về hát trên sân khấu Thủ Đô, ông đặt nghệ danh của cô lại thành Tô Kiều Lan. Đoàn hát Thủ Đô lúc đó gồm có các nghệ sĩ Tấn Tài, Như Ngọc, Trương Ánh Loan, Dũng Thanh Lâm, hề Bảy Xê, Hoài Trúc Phương, Văn Lâu, Minh Quang, Kim Hồng.


    Tài danh trong nhiều vai diễn
    Nữ nghệ sĩ Tô Kiều Lan đóng vai đào lẵng trong tuồng Mây Bốn Phương Trời. Sau đó cô nổi danh trong vai Thiên Y A Na trong vở Người đẹp Trong Thuyền Trầm và vai Nữ Tướng trong tuồng Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ. Sau khi Tô Kiều Lan rời sân khấu Thủ Đô, nữ nghệ sĩ Kim Hồng đóng thế hai vai tuồng đó và được ông bầu Ba Bản cải nghệ danh lại thành Tô Kim Hồng.

    Năm 1965, đoàn hát Thanh Hương – Hùng Minh mời Tô Kiều Lan về cộng tác. Nghệ sĩ của đoàn hát Thanh Hương – Hùng Minh, ngoài cặp đào kép chủ bầu ra còn có các nghệ sĩ như Hữu Huệ( kép độc), Trọng Sĩ, Thành Dô và vợ là Phương Liên, Tám Lắm, hề Vui Tươi.

    Tô Kiều Lan đã hát qua các vai: Tần Mỵ Nương tuồng Lệnh xé xác, vai Ngu Cơ tuồng Hạng Võ - Ngu Cơ , vai Phu NHơn tuồng Anh Thợ Hồ Đất Nhật, vai Bạch Hoa tuồng Hắc Bạch Quang Kiếm, vai Cô gái rừng tuồng Ba Trăm Đêm Chia Ly…

    Trong dịp Tết 1966, đoàn Thanh Hương – Hùng Minh và đoàn hát Kim Chung cùng hát ở Vũng Tàu. Trong khi đoàn hát Thanh Hương – Hùng Minh có khán giả nghẹt rạp, đoàn hát Kim Chung lại phải trả vé nghĩ hát, ông Bầu Long liền đến xem đoàn Thanh Hương – Hùng Minh hát để nghiên cứu xem tại sao đoàn nầy hát quá ăn khách.

    Sau khi xem hát về, bầu Long liền cho người liên lạc mời Tô Kiều Lan ký một giao kèo rất cao giá để về hợp tác với đoàn hát Kim Chung. Ông nói yếu tố ăn khách của đoàn Thanh Hương – Hùng Minh là do đào độc lẵng diễn rất “ nóng sân khấu “, tạo không khí cho đào kép mùi ca thành công, nên nhờ có Tô Kiều Lan làm ngòi nổ giúp cho sân khấu luôn luôn sôi động, vui và có tiếng cười thoải mái mà đoàn Thanh Hương – Hùng Minh thu hút khán giả.

    Năm 1967, Tô Kiều Lan ký một giao kèo rất cao để về hát cho công ty Kim Chung. Tô Kiều Lan hát trên sân khấu các đoàn hát Kim Chung, đóng tuồng chung với các nghệ sĩ Diệu Hiền, Minh Cảnh, Út Hậu, Minh Phụng, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Vương, Hoàng Hạc, Trường Xuân, Tài Bữu Bữu, Phương Bình, Quốc Trầm, Phương Dung, hề Phúc Lai…

    Tô Kiều Lan đã hát qua các loại vai đào độc, đào lẵng, đào lẵng độc, đào võ trong các vở tuồng: Thần Thủ Phi Tiêu, Kiệu Hoa Lạc Lối Về, Thuyền Ra Cửa Biển, Thằng điên và Nàng Công Chúa, Kiếm Sĩ Người Dơi, Cho Trọn Cuộc Tình, Nữ Hiệp ặn Mày…

    Từ năm 1967 đến năm 1975, nghệ sĩ Tô Kiều Lan hát cho công ty Kim Chung.

    Tô Kiều Lan khi thủ diễn những vai đào lẵng độc, cô không diễn như một số đào độc khác với lối diễn hình thức, nghiến răng, hò hét, trợn mắt hoặc võ phu, đánh đập hành hạ người nghèo khò dưới tay mình. Tô Kiều Lan diễn với một phong cách sang trọng, thể hiện đúng tính cách nhân vật, khiến cho khan giả bị cuốn hút vào câu truyện tuồng, đồng cảm với nhân vật bi thương và căm ghét kẻ ác.

    Sau năm 1975 đến năm 1990, Tô Kiều Lan gia nhập đoàn hát cải lương Saigon 1, rồi đoàn Saigon 2 và một đoàn hát lớn của thành phố, cô hát chung với các nghệ sĩ Thanh Tuấn, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Văn Chung, Hồng Nga, Diệp Lang, Tư Rọm, Lệ Thủy, Hoàng Linh, Ngọc Bích, Mỹ Châu, Tài Lương, Giang Châu, Tài Bữu Bữu, Ngân Giang, Tuấn An, Tuấn Kiệt (Châu Thanh), Linh Vương…

    Tô Kiều Lan vẫn chuyên thủ diễn những vai đào lẵng độc trong tất cả các tuồng của đoàn hát, được khán giả tán thưởng qua các tuồng Lỡ Bước Sang Ngang, Khi Bình Minh Trở Lại, Dốc Sương Mù, Tiếng Sáo Đêm Trăng, Tiếng Hát Đoạn tình…

    Đến năm 1992, Tô Kiều Lan chuyển qua diễn các vai đào lẵng hài, rồi cùng với Phi Thoàn, cô gia nhập các ban tấu hài trên sân khấu kịch. ủ địa hạt sân khấu hài, Tô Kiều Lan vẫn thành công rực rở, cô được các hãng vidéo mời thu tuồng cải lương và các kịch bản hài.

    Về gia đình, Tô Kiều Lan sánh duyên cùng họa sĩ Ngọc Tài tên thật là Trương Văn Kinh, người từng cộng tác với các họa sĩ lừng danh của sân khấu cải lương như Thiếu Linh, Nguyễn Quyền, Phan Phan. Cô có được 7 cháu: một gái và ba trai sống ngoài ngành sân khấu: Trương Thị Kim Thu, Trương Phú Quốc,Trương Kim Ngọc, Trương Ngọc Tâm. Một con trai và hai gái theo sân khấu là Trương Kim Nguyên, nhạc sĩ đàn guitare, Trương Thị Bích Thủy tức nữ nghệ sĩ Bích Thủy và Trương Thị Bích Vân, diễn viên cải lương. từng đoạt huy chương bạc hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc năm 1990.

    Nữ nghệ sĩ Tô Kiều Lan mất ngày 05 tháng 5 năm 2003, tức ngày mùng 5 tháng 4 quý mùi... An táng tại nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp vào ngày 9 tháng 5 năm 2003.
    Bài & Hình của Soạn giả Nguyễn Phương
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    NS Tô Kiều Lan từng nổi tiếng với vai cô Ba trong Khách Sạn Hào Hoa (đoàn Sài Gòn 2 những năm 1982-1983).

    Năm 1992, Tô Kiều Lan và Phi Thoàn là cặp hài chính của đoàn Sài Gòn 2.

    Khoảng năm 1990, băng hài do Tô Kiều Lan - Hồng Tơ thu âm cho hãng băng Vafaco được khán giả đón nhận nồng nhiệt với các tiểu phẩm hài dí dỏm.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL