Nghệ Sĩ Diệu Hiền
Nghệ sĩ cải lương thành danh trong các thập niên 50, 60, trừ những em thuộc về con cháu nhà nòi, có cha mẹ là những nghệ sĩ tài danh nên các em được sanh ra và lớn lên ngay trong đoàn hát, được cha mẹ hay những chú bác dạy cho nghề hát. Còn các em khác xuất thân trong các gia đình nghèo, ít được đi học, bỏ nhà đi theo đoàn hát thì các em này phải chịu khó chịu khổ, có khi phải làm việc như kẻ ở đợ để được người thầy đờn hay nghệ sĩ đàn anh dạy cho nghề hát.
Nghệ sĩ Diệu Hiền
Lòng ham mê nghệ thuật cải lương giúp cho các em sự kiên nhẩn và cố gắng trao dồi giọng ca điệu hát để có thể trở thành nhũng nghệ sĩ tài danh, qua một thời gian dài chịu nhịn nhục, gian khổ để chiếm được vị trí quan trọng trong gánh hát, các em được trui rèn và có một cá tánh mạnh, tự chủ, gần như có tánh độc hành độc đoán.
Điều đó đôi khi có lợi trong việc tranh giành trong cuộc sống nhưng đôi khi cũng làm cho hạnh phúc gia đình bị gãy đổ vì vợ chồng thiếu sự tương nhượng nhau. Sự thành công trên đời sân khấu và thất bại trong cuộc đời riêng của nữ nghệ sĩ Diệu Hiền đáng tiêu biểu cho trường hợp vừa kể.
Con nhà nghèo
Nữ nghệ sĩ Diệu Hiền sanh năm 1943, con nhà nghèo, thích cải lương từ thơ ấu, đã bỏ nhà theo đoàn hát để học hát, nhờ có giọng ca thật khoẻ, trong suốt và ngân vang, Diệu Hiền được ông thầy Hoàng Nở hết lòng dạy ca nhiều bài bản cổ nhạc.
Năm 16 tuổi Diệu Hiền đã chia hát vai đào chánh với nữ nghệ sĩ Trương Ánh Loan trên sân khấu đoàn hát Hoa Anh Đào Kim Chưởng, cô đã hát chánh qua các tuồng Mặt Trời Đêm, Người Nhện Xám, Kim Long Thần Chưởng, Thoại Khanh Châu Tuấn. Sau đó nữ nghệ sĩ Diệu Hiền được ký hợp đồng thủ vai đào chánh trong đoàn hát Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao.
Nghệ sĩ Diệu Hiền từng trãi qua những ngày gian khổ khi tự mình mài mò để học nghệ nên khi cô thành danh, cô giúp rất nhiều nghệ sĩ trẻ khi họ mới bắt đầu học nghiệp.. Hai nghệ sĩ tài danh hiện nay là Vũ Linh và Mộng Tuyền, mỗi khi nhắc lại tuổi ấu thơ khi mới bước vào nghiệp cầm ca, Vũ Linh và Mộng Tuyền luôn luôn nhắc là nhờ có Diệu Hiền hết lòng nâng đở và dạy hát nên họ mới được thành danh như ngày hôm nay.
Năm 1961, Nữ nghệ sĩ Diệu Hiền được mời đóng chánh trong đoàn hát Thống Nhứt của ông Bầu kiêm danh ca Út Trà Ôn, cùng hát chung sân khấu Thống Nhứt với các nghệ sĩ Hoàng Giang, Tấn Tài, Như Ngọc, Út Hậu, Hoàng Long, Kim Ngọc… Cô đã hát qua các tuồng Nước Mắt Em là Bể Oan Cừu, Võ Tòng Sát Tẩu, Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, …
Tại sân khấu Thống Nhứt của ông vua vọng cổ Út Trà Ôn, hai giọng ca vọng cổ trẻ nhiều triển vọng nhất lúc đó là Út Hậu và Diệu Hiền đã góp phần thu hút khách mộ điệu không ít cho sân khấu của ông bầu Út Trà Ôn. Giới ký giả kịch trường tiên đoán Út Hậu sẽ nối nghiệp Út Trà Ôn và Diệu HIền sẽ theo bước chân đăng quang của nữ danh ca Út Bạch Lan.
Nhưng đoàn hát Thống Nhứt của hai ông bầu Út Trà Ôn và Hoàng Giang chỉ thọ được hai năm thì rã gánh. Nữ nghệ sĩ Diệu Hiền và Út Hậu được ông bầu Long Kim Chung mời về hát trong các đoàn hát Kim Chung, cả hai cùng nổi danh trong nhiều tuồng như Bên Cầu Vọng Thê, Nhạn Về Xóm Liểu, Mắt em là Bể Oan Cừu, Áo Vũ Cơ Hàn, Nắng Thu về Ngõ Trúc, Mây Chiều Phú Sĩ Sơn…
Cặp vợ chồng nghệ sĩ Diệu Hiền và Út Hậu
Nữ nghệ sĩ Diệu Hiền và nghệ sĩ Út Hậu yêu nhau từ khi cả hai cùng ở đoàn hát Kim Chung và đã có với nhau năm con, ba trai hai gái nhưng hạnh phúc gia đình của cô không được trọn vẹn vì tánh tình Diệu Hiền và Út Hậu không hòa hợp nhau, ý hướng xây dựng sự nghiệp sân khấu cũng khác nhau nên khi Út Hậu theo đoàn hát Kim Chung 6 đi lưu diễn biền biệt ở miền Trung thì nghệ sĩ Diệu Hiền đi đoàn hát Tấn Tài lưu diễn Đà Nẵng rồi về miền Hậu Giang, hai vợ chồng xa nhau mỗi người một ngã.
Khoản đầu thập niên 80, ngôi sao sân khấu Diệu Hiền rực sáng qua các vai tuồng đào võ. Đó là vở Nhụy Kiều Tướng Quân, Diệu Hiền trong vai nữ tướng Triệu Thị Trinh và nghệ sĩ Hoài Thanh trong vai tướng quân Lệ Minh.
Giọng ca của Diệu Hiền khoẻ khoắn, dũng mạnh, ngân vang nhưng khi vào những lớp hát tình cảm thì giọng ca đó trở thành mượt mà, thấm sâu vào lòng khán giả. Với vai Nhụy Kiều Tướng quân Triệu Thị Trinh, Diệu Hiền đã làm cho khán giả rơi lệ thương cảm qua ba câu vọng cổ tuyệt vời khi Triệu Thị Trinh rót rượu tế sống chồng là tướng Lê Minh trước khi tiển Lê Minh đi vào trận chiến mà chuyến đi đó, Lê Minh và Triệu Thị Trinh đều thấy cái chết cầm chắc trong tay.
Ở lớp diễn khác, khi Diệu Hiền - Triệu Thị Trinh quỳ xuống lạy xác chồng ba lạy, ca ba câu vọng cổ, bộc lộ được cái khốc liệt trong chiến tranh và tình người, khiến cho khán giả vô cùng xúc động trước tình nhà nợ nước của các nhân vật anh hùng vị nước vong thân.
Sau năm 1975, Diệu Hiền đi hát cho các đoàn hát ở Hậu Giang. Con gái của nữ nghệ sĩ Diệu Hiền là Diệu Thanh, sanh năm 1963, lúc được 12 tuổi, Diệu Hiền đã tập cho con hát trên sân khấu đoàn Tháp Mười và sau đó Diệu Hiền cho Diệu Thanh đi học cổ nhạc với thầy nhạc sĩ Út Trong. Năm Diệu Thanh 13 tuổi, cô được chọn vào hát trong đội Thiếu Nhi Trần Hữu Trang, cùng hát với các bạn Kim Tử Long, Minh Cường, Lê Giang, Bảo Châu, Bảo Ngọc.
Hai năm sau, Diệu Thanh được đoàn hát Hương Biển và kế đó đoàn Cao Nguyên mời cộng tác, cô hát vai đào nhì, đào ba.
Khi đoàn Cao Nguyên rã gánh, Diệu Hiền đưa Diệu Thanh về hát trong đoàn hát Tháp Mười, hát chung với các nghệ sĩ Hoài Thanh, Đỗ Quyên, Minh Minh Tâm, Trúc Linh… Diệu Hiền và Diệu Thanh hát ở đoàn Tháp Mười được 4 năm, sau đó về hát cho đoàn hát Phước Chung ở Saigon…
Nghệ sĩ Út Hậu
xin giới thiệu đôi nét về nghệ sĩ Út Hậu, chồng của nữ nghệ sĩ Diệu Hiền.
Nghệ sĩ Út Hậu tên thật là Trần Quảng Hậu, sanh năm 1940, lúc lên 7 tuổi, em Hậu được cha mẹ cho đi tu ở chùa Thiên Phước Tự ở Trà Ôn. Em Hậu khi đọc kinh kệ, có một giọng trong trẻo nên nhạc sĩ Mười Kiên ở Trà Ôn, những khi đi cúng kiếng ở chùa Thiên Phước chú ý, tìm đến dạy cho em Hậu ca cổ nhạc. Tiểu Hậu thường ca cổ nhạc ở chùa trong những dịp có nghệ sĩ của các đoàn hát đến cúng và ca nhạc trong các chương trình gây quỷ từ thiện. Ông Mười Kiên thấy Tiểu Hậu ca hay, nếu theo gánh hát thì hợp với sở thích và tài năng nên ông dẫn Tiểu Hậu lên Saigon, giới thiệu cho em vào đoàn hát Kim Thanh của nghệ sĩ Út Trà Ôn, cũng là người đồng hương với Tiểu Hậu ở Trà Ôn. Út Trà Ôn đặt nghệ danh cho Tiểu Hậu là Út Hậu.
Năm 17 tuổi, Út Hậu rời đoàn Kim Thanh, gia nhập đoàn hát Thanh Minh của bầu Nghĩa, nổi danh qua vai Phù Đổng Thiên Vương tuồng Thiên Thần Trên Thiết Mã của soạn giả Nguyễn Ang Ca và Viễn Châu. Sau dfó Út Hậu được đóng chung với nữ nghệ sĩ Thanh Nga trong tuồng Phận Trẻ Lạc Loài của Quy Sắc.
Năm 18 tuổi, Út Hậu được ông bầu Bạch Vân mời về hợp tác, dựng lên bảng hiệu Mai Hoa – Út Hậu. Anh nổi danh qua các tuồng Nữa Mãnh Tim, Mái Tóc Người Vợ Trẻ. Thời gian nầy các ký giả kịch trường đặc biệt khen ngợi giọng ca vọng cổ của Út Hậu với dự đoán anh sẽ là người nối ngôi vua vọng cổ của Út Trà Ôn.
Hai năm sau, đoàn Mai Hoa – Út Hậu rã gánh, Nghệ sĩ Út Hậu trở về đoàn Thống Nhứt của Út Trà Ôn, sau đó anh lại gia nhập đoàn hát Kim Chung của ông bầu Long.
Gia đình tan vỡ
Út Hậu được bầu Long trọng dụng, cho nắm đoàn cải lương Kim Chung 6, chuyên lưu diễn các tỉnh miền Trung, do đó anh và Diệu Hiền xa nhau. Theo lời kể của Diệu Hiền thì chú tiểu Hậu khi trở thành danh ca Út Hậu thì sống bay bướm, chạy theo nhiều bóng hồng và nói năng phụ rảy vợ con.
Có lần hai vợ chồng gây gổ nhau, mẹ của Út Hậu nói Con dâu gì mà không nhường nhịn chồng. Út Hậu phán vô một câu : Ai cưới hỏi hồi nào mà gọi là con dâu. Chính câu nói phủ phàng đó đã cắt đứt tình chồng vợ giữa Diệu Hiền và Út Hậu.
Sau 1975, Út Hậu đi đoàn Tân Đô – Út Hậu, rồi đoàn Sông Hàn, đoàn Hoa Biển, những đoàn hát của miền Trung.
Ngày 10 tháng 12 năm 1999, Út Hậu bị tai biến mạch máu nảo, liệt cả hai chân và tai trái phải nằm bệnh viện Phú Yên.
Nhờ có con gái Diệu Thanh ra Trung đưa cha em về điều trị và sống nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8 . Anh đã trút hơi thở cuối cùng ở viện dưỡng lão nghệ sĩ.
Ngày Út Hậu sắp từ giã cõi đời, nữ nghệ sĩ Diệu Hiền, các nghệ sĩ Thanh Tuấn, Thanh Phú, Quốc Trầm, Hề Sa có đến thăm, Diệu Hiền uống một chung rượu rồi ca bài Tần Quỳnh khóc bạn để tiển đưa vong linh của người chồng đầy thương và hận của cô sang bên kia thế giới.
Theo Nguyễn Phương