Mây phóng xạ đã lan đến Hà Nội
(Dân trí) - Hôm nay (10/4), các trạm quan trắc tại Hà Nội đã ghi nhận đuợc chất phóng xạ có trong không khí. Tuy nhiên, tất cả các kết quả đo đạc đều khẳng định nồng độ ở mức rất thấp.
Chiều tối 10/3, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đưa ra báo cáo: các trạm quan trắc tại Hà Nội đã ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131, Cs-134 và Cs-137. Tuy nhiên, các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Chuyên gia khẳng định, chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày hôm nay so với những ngày trước đó, mặc dù hôm nay là thời điểm mây phóng xạ phát tán rất nhanh. Theo tính toán, đám mây phóng xạ thể tồn tại ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam một vài ngày. Nồng độ hạt nhân phóng xạ sẽ giảm dần theo thời gian.
Từ 7-8/4, trạm quan trắc ở Phillipines cũng đã ghi nhận được I-131, Cs-137, nhưng với nồng độ rất thấp. Còn trạm đặt tại Malaysia không phát hiện thấy hạt nhân phóng xạ.
Mô phỏng hình ảnh của mây phóng xạ lúc 11h ngày 10/4.
(Nguồn ảnh: VAEC)
Báo cáo của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện các công nhân đã hoàn thành việc khoan các lỗ trên tường tòa nhà tuốc bin của các tổ máy số 2, 3 và 4 của nhà máy để gắn các ống cao su giúp thoát nước nhiễm xạ cao trong tòa nhà sang các bể chứa.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, việc hạn chế lưu thông đã được dỡ bỏ đối với sữa tươi chưa xử lý tại một số khu vực thuộc tỉnh Fukushima (thành phố Kitakata, các thị trấn Aizumisato, Bandai, Inawashiro, Michima, Minamiaizu và Simogo) và hai loại rau (bina và kakina) của tỉnh Gunma.
Dù vậy, hôm nay TEPCO đưa ra cảnh báo, mức độ phóng xạ đo được tại vùng biển phía Bắc của nhà máy Fukushima I tiếp tục tăng…
P. Thanh
Mây phóng xạ phát tán nhanh trong ngày hôm nay
(Dân trí) - Theo tính toán của các nhà khoa học, từ cuối ngày 9/4 đám mây phóng xạ vào Việt Nam, phát tán rất nhanh và có thể tồn tại trong vùng Đông Nam Á một vài ngày. Nồng độ hạt nhân phóng xạ sẽ giảm dần theo thời gian.
Bộ Khoa học và Công nghệ tối 9/4 cho biết, theo tính toán của các chuyên gia từ cuối ngày 9/4 đám mây phóng xạ vào Việt Nam và có thể tồn tại trong vùng Đông Nam Á một vài ngày. Nồng độ hạt nhân phóng xạ sẽ giảm dần theo thời gian. Đám mây phóng xạ mạnh nhất được dự đoán sẽ phân tán rất nhanh trong ngày 9 và 10/4.
Cùng thời điểm, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng thông báo, các trạm quan trắc ở Đà Lạt và Ninh Thuận đã ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131 trong không khí. Trạm quan trắc tại TP. Hồ Chí Minh còn ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131, Cs-134 và Cs-137.
Tuy nhiên, các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được tại 3 địa điểm nói trên đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Hình ảnh mô phỏng sự di chuyển của đám mây phóng xạ lúc 11 giờ ngày 9/4/2011.
(Nguồn ảnh: Bộ KH&CN)
Chuyên gia của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) khẳng định, kết quả xét nghiệm trong mẫu lá thông (loại lá thường được dùng để chỉ thị ô nhiễm phóng xạ trong môi trường không khí và thực vật) cũng chỉ phát hiện được đồng vị Cs-134 với hàm lượng rất nhỏ. Vì thế có thể khẳng định, tại Việt Nam chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường so với những ngày trước đó.
Trước đó, Bộ Khoa học Công nghệ đã bác bỏ tin đồn mây phóng xạ vào Việt Nam với nồng độ hạt nhân cao, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Nguồn tin từ Diễn đàn Công nghiệp hạt nhân Nhật Bản (JAIF), Cơ quan An toàn hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản (NISA) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay: đến nay, TEPCO đã xả khoảng 7.700 tấn nước nhiễm xạ nồng độ thấp ra biển, số còn lại sẽ được xả trong ngày 9/4. Hiện suất liều bức xạ trong khu vực nhà máy Fukushima 1 vẫn ở trong xu thế giảm.
P. Thanh
Bác bỏ tin đồn mây phóng xạ vào VN ở mức độ cao
Bộ Khoa học và Công nghệ tối ngày 8/4 thông báo, gần đây có một số thông tin trên Internet nói rằng “mây phóng xạ từ Nhật Bản đã vào Việt Nam với mức độ rất cao, gần tới mức ảnh hưởng sức khỏe con người” là tin đồn thất thiệt.
Để minh chứng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra những thông số phóng xạ đã quan trắc được. Theo đó, về cơ bản, phóng xạ đã được ghi nhận được ở hầu hết các khu vực của Bắc Bán cầu và một số ở Nam Bán cầu.
Tại Việt Nam, các trạm quan trắc cũng đã ghi nhận được phóng xạ từ sự cố Fukushima I, tuy nhiên mức độ rất thấp - khoảng vài chục µBq/m3 (10 mũ-6 Bq/m3) đối với 2 đồng vị chủ yếu là I-131 và Cs-137. Trong khi đó giá trị giới hạn quy định theo tiêu chuẩn của Việt Nam là 10 triệu µBq/m3 đối với I-131 và 2 triệu µBq/m3 đối với Cs-137.
Trong trường hợp xấu nhất, đám mây phóng xạ mạnh gần nhất hiện nay (màu xanh dương) bao phủ lên lãnh thổ Việt Nam [được dự báo vào ngày 10-11/4-PV] thì mức phóng xạ sẽ tăng đến mức gấp 100 lần so với mức đã phát hiện được.
“Khi đó nồng độ phóng xạ quan trắc được cũng sẽ chỉ là vài ngàn µBq/m3, tức là cũng vẫn thấp hơn hàng ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định theo tiêu chuẩn Việt Nam” - thông báo nói rõ.
Trước đó, có một số tin nhắn phát tán qua chat và email đưa lời Giáo sư Phạm Duy Hiển, một chuyên gia về hạt nhân cho rằng "mây phóng xạ đã vào Việt Nam và ở mức độ rất cao, gần tới mức ảnh hưởng tới con người".
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, Giáo sư Phạm Duy Hiển đã bác bỏ thông tin trên và cho rằng có người mạo danh ông.
Cũng trong tối 8/4, Viện Năng lượng nguyên tử cho hay, họ đã tiến hành phân tích một số mẫu nước biển của Việt Nam nhưng chưa phát hiện thấy các đồng vị phóng xạ có nguồn gốc từ sự cố Fukushima I.
Các giá trị đo tại trạm quan trắc thuộc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày hôm nay so với ngày 7/4/2011.
Theo Vũ Huy Hùng
TTXVN/Vietnam+
Mây phóng xạ tiến gần đến Quảng Ninh
(Dân trí)- Theo dự đoán củachuyên gia, ngày 7 và 8/4, mây phóng xạ tại Đông Nam Á tiếp tục lan dần đến Việt Nam, tiến gần đến TP Móng Cái, Quảng Ninh và có xu hướng nhỏ dần khi vào miền Bắc. Tuy nhiên, đang có những tin đồn thất thiệt về mây phóng xạ.
Chuyên gia tiếp tục đưa ra khẳng định, nồng độ hạt nhân trong mây phóng xạ đi vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam ở mức rất nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
CTBTO (Tổ chức giám sát phóng xạ quốc tế) cho biết, đến hết ngày hôm nay (8/4), phần đám mây màu xanh dương tiến gần vào khu vực Quảng Ninh, có xu hướng nhỏ dần và có thể tiến vào khu vực miền Bắc. Chuyên gia cũng đưa ra dự báo, trong các ngày tới, nếu không có sự thay đổi điều kiện khí hậu thì nồng độ độ hạt nhân đo được sẽ tăng lên khoảng 10 lần. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn mức cho phép hàng nghìn lần.
Hình ảnh đám mây phóng xạ.
(Nguồn: CTBTO)
Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, các trạm quan trắc của Phillipines và Malaysia cũng đã phát hiện hạt nhân phóng xạ với nồng độ rất thấp. Trong khi đó, theo nguồn tin từ Diễn đàn Công nghiệp hạt nhân Nhật Bản (JAIF), Cơ quan An toàn hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản (NISA) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), dựa trên mức độ bức xạ đo được bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép, TEPCO ước tính mức độ hư hỏng của các bó thanh nhiên liệu trong vùng hoạt các lò phản ứng của tổ máy số 1, 2 và 3 thuộc nhà máy Fukushima I lần lượt là 70%, 30% và 25%.
Sau khi Chính phủ Nhật cho phép thải nước nhiễm xạ mức thấp xuống biển vào ngày 4/4, máy móc đo nồng độ phóng xạ trong nước biển cho kết quả đã tăng nhẹ.
Trong khi những thông tin chính thức về mây phóng xạ liên tục được cơ quan chức năng thông báo thì cộng đồng mạng lại đang rộ lên một số tin đồn thất thiệt tác về mây phóng xạ. Trong đó có tin nhắn được đang lan truyền nhiều nhất của một người tự xưng cháu của GS Phạm Duy Hiển, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu năng lượng hạt nhân, với nội dung: Mây phóng xạ từ Nhật đã vào Việt Nam với mức độ nhiễm rất cao, gần tới mức ảnh hưởng đến con người… Để phòng tránh phóng xạ không nên ra khỏi nhà, tắm nước nóng pha muối… Tuy nhiên, GS Phạm Duy Hiển khẳng định: đây là thông tin không có căn cứ, nguồn gốc. Mây phóng xạ đến Việt Nam có nồng độ cực thấp, không đáng ngại đến sức khỏe người dân.
P. Thanh
Mây phóng xạ gia tăng mức độ hạt nhân khi tới Đông Nam Á
(Dân trí) - Mức độ hạt nhân phóng xạ trong đám mây phóng xạ tới vùng Đông Nam Á có thể có mức độ tăng cao lên khoảng 10 lần trong những ngày tới. Dù vậy, vẫn thấp hơn mức cho phép hàng chục ngàn lần, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, theo tính toán của các chuyên gia trong các ngày tới, nếu không có sự thay đổi nhiều về điều kiện khí hậu thì đám mây phóng xạ tới vùng Đông Nam Á có thể có mức độ hạt nhân phóng xạ đo được tăng cao lên khoảng 10 lần. Tuy vậy, nồng độ hạt nhân phóng xạ vẫn thấp hơn mức cho phép hàng chục ngàn lần, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Hình ảnh mô phỏng sự di chuyển của đám mây phóng xạ ngày 7/4.
(Nguồn ảnh: VAEI)
Cũng theo tính toán, trong hai ngày 6 - 7/4 mây phóng xạ tại Đông Nam Á sẽ lan dần đến Việt Nam. Đến chiều 6/4, các trạm quan trắc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam còn ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131 và Cs-137. Tuy nhiên, các chỉ số phóng xạ đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Trạm quan trắc đặt tại Malaysia cũng ghi nhận được chất I-131 nhưng chưa phát hiện thấy Cs-137. Theo nguồn tin từ Diễn đàn Công nghiệp hạt nhân Nhật Bản (JAIF), Cơ quan An toàn hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản (NISA) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ngày 6/4, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) xác nhận đã ngăn chặn được sự rò rỉ nước nhiễm phóng xạ từ máng bê tông sau khi phun hóa chất làm cứng vào máng. Công ty này cũng đang cân nhắc việc bơm khí ni-tơ vào bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép của Tổ máy số 1 để tránh nổ khí hydro.
P. Thanh
Phát hiện phóng xạ ở nhiều nơi tại Việt Nam
Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (bộ Khoa học và công nghệ) tối 29/3 cho hay, đã phát hiện thêm phóng xạ I-131 tại một số khu vực ở Việt Nam.
Hình mô phỏng đám mây phóng xạ vùng Đông Nam Á đến 24 giờ ngày 30.3. Ảnh: Bộ KHCN
Theo đó, Trạm quan trắc phóng xạ đặt tại Đà Lạt đã phát hiện ra I-131 có nồng độ thấp hơn ở Hà Nội. Tại trạm quan trắc khu vực Lạng Sơn cũng đã phát hiện được một số đồng vị nhân tạo trong không khí với hàm lượng nhỏ.
Số liệu tại 2 trạm trên cho thấy, nồng độ phóng xạ thấp so với tiêu chuẩn và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Nhị Điều, viện trưởng viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho hay, phóng xạ nhân tạo I-131 có chu kỳ bán rã 0,82 ngày. Hiện, mức độ phóng xạ thấp so với quy định hàng trăm ngàn lần nên không gây nguy hiểm và dự báo sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong một vài ngày tới có thể phát hiện phóng xạ I-131 tại nhiều khu vực đồng nghĩa với việc đám mây phóng xạ đã bắt đầu di chuyển đến đất liền của Việt Nam.
Trong khi đó theo tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, cục trưởng cục An toàn bức xạ và hạt nhân (bộ Khoa học & công nghệ), hàm lượng chất phóng xạ các trạm quan trắc phát hiện được là rất nhỏ, chưa gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Ngoài ra, ông Nhân cũng cho rằng chưa thể khẳng định chất phóng xạ I-131 trên có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Dựa trên hình ảnh mô phỏng hướng di chuyển của đám mây phóng xạ từ nhà máy Fukushima 1 thì trên vùng biển Thái Bình Dương, khối mây này đang di chuyển sâu xuống phía nam, tiến về Mỹ, Canada. Trên vùng biển Đại Tây Dương, khối mây đang tiến về phía Đông Âu. Các trạm quan trắc của tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) đặt tại Na Uy, Nga, Canada, Iceland…đều đã phát hiện thấy chất phóng xạ.
Tại Đông Nam Á, trạm quan trắc đặt tại Philippines cũng đã ghi nhận được sự có mặt của chất phóng xạ. Khối mây vẫn di chuyển theo hướng tiến về Indonesia và Malaysia, chưa vào lãnh thổ Việt Nam nhưng có xu hướng tiến gần nước ta theo hướng gió đông nam. Tới hết ngày 29.3, nhiều khả năng khối mây trên sẽ tiến sát đảo Hải Nam (Trung Quốc) và phía nam mũi Cà Mau, đảo Phú Quốc.
Theo Thanh Tuyền
SGTT/TTXVN