Kịch ma và chuyện người
Khán giả xem kịch sẽ không cảm thấy bị “hù dọa” bởi âm thanh, ánh sáng và những tình huống không hợp lý, gượng ép đến khó tin như trước đây
Sân khấu kịch TPHCM tuần qua lại nóng lên khi các vở kịch mới thuộc đề tài ma, kinh dị lần lượt ra mắt khán giả.
Sau hai vở
Điện thoại nửa đêm (tác giả Nguyễn Quốc, đạo diễn Trần Thu Huyền) và
Lầu hoang (tác giả Nguyễn Quốc, đạo diễn Bùi Quốc Bảo) của Nhà hát Kịch Thế giới trẻ thuộc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM phối hợp với Công ty Sài Gòn phẳng dàn dựng, Sân khấu kịch Phú Nhuận vừa công diễn vở kinh dị mới nhất của làng kịch Sài Gòn là Căn hộ 404 tại sàn diễn Superbowl.
Hai vở diễn thuộc thể loại này cũng sắp ra mắt là Người vợ ma phần 3 của Sân khấu kịch Phú Nhuận và Ma lai của Sân khấu kịch Sài Gòn.
Trong mấy năm qua, các sân khấu kịch tại TPHCM đã dựng và công diễn khá nhiều vở kịch về đề tài ma, có thể kể một số vở tiêu biểu: Hạnh phúc trên đồi hoa máu (Sân khấu IDECAF), Người vợ ma 1 và 2, Quả tim máu, Sám hối, Giếng lạ (Sân khấu kịch Phú Nhuận), Quỷ, Hồn ma báo oán (Sân khấu kịch Sài Gòn)...
Bằng thủ pháp tạo ấn tượng với âm thanh nổi, ánh sáng và các tình huống kịch tạo cảm giác ghê rợn cùng với phong cách hóa trang mang nét đặc trưng của thể loại ma, quỷ..., các vở kịch này đã thu hút khán giả trong một thời gian dài, tạo thành phong trào dựng kịch ma và xem kịch ma, nhất là với khán giả trẻ.
Vở kịch ăn khách nhất của đề tài này là Người vợ ma của Sân khấu kịch Phú Nhuận. Song, thời gian gần đây, trò xô ma và quỷ ra sân khấu hù dọa khán giả đã không còn ăn khách nên các sân khấu chuyển sang làm kịch ma mới.
Theo NSƯT Hồng Vân: “Vở diễn ma mới khác với ma cũ trước đó là khán giả xem và tiếp nhận được những điều cần suy ngẫm trong cuộc sống. Kịch bản có nội dung và tính chất phức tạp của câu chuyện khiến người xem phải suy nghĩ, dự đoán và đặt mình trong trạng thái tâm lý nhân vật kịch”.
Cảnh trong vở Căn hộ 404
Với lối tiếp cận vấn đề mới mẻ, đặt khán giả vào tâm trạng của các nhân vật, hai câu chuyện kịch Điện thoại nửa đêm và Lầu hoang đã khơi lên những suy nghĩ về cuộc sống khi con người sống giữa làn ranh mong manh của cái thiện và cái ác.
Nếu các vở kịch ma trước đây chỉ khai thác tính tiêu cực bằng việc đẩy cái ác đến tột cùng thì vở Lầu hoang cũng như Điện thoại nửa đêm cho kẻ thủ ác biết dừng lại đúng lúc.
Chính cái kết thú vị đã tìm được sự đồng thuận nơi khán giả. Thủ pháp kịch không rơi vào những tình tiết câu khách mà mỗi sự kiện, lời thoại đều là những nút thắt mở gây sự tò mò cho người xem.
Chưa thể gọi là kịch bản kinh dị mẫu mực nhưng các vở diễn gần đây đi vào khai thác đề tài ma quỷ đã có sự chuyển biến tích cực. Thủ pháp dàn dựng đã nâng kịch bản lên tầm cao trí tuệ, không còn lê thê những cảnh diễn hù dọa người xem, lạm dụng việc đẩy âm thanh quá lớn khiến khán giả giật bắn mình.
Bằng câu chuyện chân thật, dàn diễn viên giỏi nghề của ba vở kịch này đã làm thỏa mãn người xem, vượt lên tính giải trí đơn thuần để cài đặt những cảm xúc thật đẹp khi cánh màn nhung khép lại.
Người chứ không phải ma
Vở Căn hộ 404 của tác giả Phương Lan, do NSƯT Hồng Vân đạo diễn, lại mở ra một xu hướng mới cho thể loại kịch ma, đó là bám vào những lý giải của y học để nói lên vấn đề tổn thương tâm lý, dẫn đến những ảo giác trong cuộc sống mà đôi khi khiến ta tin đó là ma. Thực ra đó là kịch ma nhưng là chuyện của con người
Vợ chồng kiến trúc sư Đức dọn về căn hộ 404 của một chung cư cao cấp. Lập tức, anh cứ bị ám ảnh bởi liên tiếp những nhân vật khó hiểu là hàng xóm của gia đình mình.
Một đứa bé 7 tuổi cứ nửa đêm ra hành lang xõa tóc chơi bóng, một thằng bé khờ khạo cứ quấy rầy anh, một bà cụ nửa khuya cúng bái khói nhang mù mịt và đáng ngại hơn là bác sĩ Thúy – chuyên khoa thần kinh- cứ buộc anh phải uống thuốc an thần.
Cùng đi tìm thắc mắc của Đức còn có anh bảo vệ chung cư tên Luân vừa mới vào làm việc.
Các nhân vật cùng khán giả đi tìm lời giải để “tá hỏa” khi nhận ra mọi dự đoán đều sai trong khi bác sĩ Thúy mới chính là thủ phạm. Trong quá khứ, Thúy bị một đạo diễn tên Đức ruồng bỏ.
Ngày cô sinh con, anh không đến bệnh viện. Cú sốc này dẫn đến việc cô mắc căn bệnh tự kỷ ám thị, điều khiển các thành viên trong gia đình mình hù dọa Đức vì lầm tưởng Đức là người chồng cũ tìm đến để bắt cóc con mình.
Xem kịch, bên cạnh những tình huống khiến người xem giật thót tim còn có sự cảm thông, chia sẻ bằng nhiều tiếng cười ý nghĩa. Chính nhờ tình yêu chân thành của Luân, Thúy đã dần dần hết bệnh.