Nói thơ Vân Tiên là một loại hát kể mang tính chất ngâm ngợi, phù hợp với giọng thổ của nam giới. Nội dung là truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu – tác phẩm Lục Vân Tiên - được diễn đạt theo nhịp điệu không buông rơi đều đặn như hát bài chòi, hoặc hát sắc bùa, mà luôn luôn thay đổi từ khoan thai đến dồn dập. Giai điệu thường bắt đầu ở âm khu cao của đầu điệp khúc rồi lên xuống giữa âm khu trung và âm khu trầm và chậm dần để kết thúc mỗi điệp khúc.
Khác với hiện tượng “cưỡng âm” ở lý, sáu thanh điệu của ngôn ngữ lời thơ trong
nói thơ Vân Tiên bao giờ cũng được tôn trọng. Các dấu giọng (hỏi, ngã, nặng) đều được luyến láy rõ lời.
Nói thơ Vân Tiên không sử dụng tiếng đệm lót, hãn hữu mới thấy tiếng "mà" giặm vào, hoặc tiếng đưa hơi "ơ ớ" tùy theo lối ngâm của từng người.
Theo nhạc sĩ
Lư Nhất Vũ, căn cứ vào thang âm và điệu thức
nói thơ Vân Tiên ở Bến Tre sử dụng điệu thức nam (hơi ai), trong khi đó
nói thơ Sáu Trọng, nói thơ Hia Miêng, nói thơ Bạc Liêu thường diễn xướng trên điệu khúc oán.
Khi phong trào ca nhạc tài tử ra đời, tiếp theo là ca nhạc sân khấu cải lương thịnh hành và trở thành thời thượng, thì
nói thơ Vân Tiên cũng bị phai nhạt dần. Vả chăng nhịp điệu nói thơ chỉ phù hợp với đời sống xã hội nông nghiệp cổ, không còn thích ứng với tâm lý con người trong thời đại công nghiệp, thời đại của ”mốt”, của tốc độ.
Về phương diện thẩm mỹ, công chúng ngày nay, nhất là thế hệ trẻ, không chấp nhận sự lặp đi lặp lại những hình tượng nghệ thuật cũ kỹ, dù cho nó đã từng một thời làm say mê lòng người. Tuy nhiên, cho đến nay, ở Bến Tre, trong các làng quê vẫn còn những cụ già nằm lắc lư theo nhịp võng, vừa vuốt râu ngâm ngợi say mê điệu nói thơ Vân Tiên trong buổi trưa hè, hay giữa buổi chiều êm ả, tĩnh mịch:
"dữ răn việc trước, lành dè thân sau...".
(Theo
www.bentre.gov.vn)