NSƯT Bảo Quốc đã khẳng định như vậy, dù ông có 2 HCV hội diễn, đủ tiêu chuẩn xét tặng NSND.
* Phóng viên: Vì sao ông không làm thủ tục xin xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) đợt này trong khi ông có đủ tiêu chuẩn, không cần phải xin đặc cách như các nghệ sĩ Kim Cương, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy?
-
NSƯT Bảo Quốc: Tôi không làm thủ tục là vì nhận thấy sự bất hợp lý trong quy định về thủ tục hồ sơ xét tặng. Tôi đồng ý khi xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), nghệ sĩ phải khai rõ thành tích, còn khi xét phong tặng NSND, không nên đòi hỏi chúng tôi phải tự làm bản kê khai thành tích cá nhân. Cơ quan quản lý Nhà nước, hội chuyên ngành địa phương đã nắm rõ hoạt động, thành tích của chúng tôi sau khi được phong tặng NSƯT.
Cả hai cơ quan này cũng có thể yêu cầu chính quyền địa phương nơi nghệ sĩ cư trú nhận xét nhân thân nghệ sĩ chứ không nên bắt nghệ sĩ đến địa phương xin nhận xét về mình. Tại sao nghệ sĩ phải khai thành tích và xin được xét tặng danh hiệu NSND? Lòng tự trọng không cho phép tôi làm điều đó, vì như vậy sẽ rất tổn thương cho danh dự nghệ sĩ nếu không được xét tặng. Danh hiệu NSƯT, NSND của Nhà nước phong tặng là rất cao quý đối với nghệ sĩ. Được phong tặng thì tôi nhận, còn xin thì không.
* Người đủ tiêu chuẩn như ông thì không chịu làm hồ sơ, trong khi các nghệ sĩ khác phải nằm trong danh sách xin đặc cách phong tặng NSND?
- Sáu nghệ sĩ được TPHCM xin đặc cách phong tặng NSND đợt này, gồm: soạn giả Viễn Châu (NSƯT Bảy Bá), NSƯT Kim Cương, NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Hồng Vân đều là những người xứng đáng. Về tài năng thì khỏi phải bàn cãi, công chúng đều thừa nhận và nhìn thấy bề dày cống hiến của các nghệ sĩ này. Tôi biết mình đủ tiêu chuẩn nhưng thấy lòng tự trọng của mình bị thử thách. Nếu không có sân khấu kịch nói và tôi không bước sang để tự cứu mình thì làm sao tôi có được hai chiếc huy chương vàng hội diễn cấp quốc gia để đủ tiêu chuẩn.
Rõ ràng sàn diễn cải lương tối đèn quá lâu rồi, các anh chị nghệ sĩ đã từng đoạt danh hiệu NSƯT trên sân khấu cải lương làm sao có điều kiện tham gia biểu diễn những vai đào, kép chánh để có mặt tranh tài tìm kiếm huy chương vàng, bạc trong các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Hãy nhìn lại bề dày thành tích của bốn nghệ sĩ: Kim Cương, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy. Các nghệ sĩ đàn chị này có chị ngồi thường xuyên vào ghế hội đồng giám khảo, có chị là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên trẻ nhưng phải đi xin đặc cách để được xét tặng danh hiệu, đó là điều không hợp lý. Ở tuổi như các chị, họ làm sao có cơ hội tìm vai diễn trung tâm để có thể tranh huy chương vàng, bạc. Nhất là gần đây có chủ trương ưu tiên xét trao huy chương cho đào, kép trẻ ở những loại hình nghệ thuật truyền thống nhằm trẻ hóa đội ngũ đào, kép chánh thì cơ hội kiếm huy chương cho nghệ sĩ lớn tuổi ngày càng xa vời.
Phân tích điều này để khẳng định quy chế xét tặng đòi hỏi nghệ sĩ phải có huy chương hội diễn cấp quốc gia, quốc tế là bất hợp lý.
* Vậy theo ông, khi xét tặng NSND không cần đến tiêu chuẩn huy chương?
- Có những cống hiến có giá trị gấp bội phần huy chương. Hãy nhìn lại những nghệ sĩ của khối biểu diễn nghệ thuật nói chung và lãnh vực sân khấu nói riêng. Được phong tặng danh hiệu NSƯT, họ càng nỗ lực làm việc và cống hiến nhưng họ không thể đi tranh huy chương vàng, bạc với lớp trẻ trong các kỳ hội diễn được nên mãi mãi họ không thể đủ tiêu chuẩn để xét phong tặng NSND.
Soạn giả Viễn Châu với ngón đàn độc đáo mà giới sân khấu ai cũng kính trọng. Ông góp phần tích cực vào sự định hình của âm nhạc cải lương Nam Bộ. Năm nay đã hơn 90 tuổi nhưng ông vẫn chưa được phong tặng danh hiệu NSND. Tôi cho rằng Nhà nước, nhất là cơ quan quản lý của từng lãnh vực, phải nắm chắc thành tích và quá trình phấn đấu của từng NSƯT để đề xuất xét tặng NSND cho họ. Không thể cứ dựa vào tiêu chuẩn phải đạt huy chương vàng, bạc tại các hội diễn, liên hoan vì đó là điều không còn thích hợp.
Xét ở phương diện tác động đến công chúng, liệu có bao nhiêu vở diễn, vai diễn, sau khi đạt huy chương vàng, bạc các kỳ hội diễn được công diễn phục vụ công chúng và được công chúng đón nhận? Với quy chế cứng nhắc như thế đã gây sự bất bình trong dư luận nghệ sĩ qua nhiều đợt phong tặng các danh hiệu cao quý này. Tôi cho rằng TPHCM đến đợt này mới mạnh dạn đề nghị đặc cách phong tặng danh hiệu NSND cho sáu nghệ sĩ kể trên đã là quá chậm.
* Theo ông, còn những trường hợp nào bỏ sót cần được đặc cách?
- Ở lãnh vực sân khấu cải lương còn nhiều nghệ sĩ xứng đáng cần được đặc cách. Tôi nhận thấy trường hợp nghệ sĩ Trường Sơn, Bạch Long rất xứng đáng được đặc cách phong tặng NSƯT. Tương tự trường hợp NSƯT Hồng Vân nhưng NSƯT Thành Lộc thì chưa được đề nghị đặc cách lần này. Đó là điều đáng suy nghĩ. Bởi theo tôi, cả hai đều là gương mặt sáng giá đầy tài năng, đầy uy tín đối với sân khấu xã hội hóa ở miền Nam.
Điều cuối cùng tôi muốn nói, năm năm mới có một đợt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, sự chuẩn bị mang tính chọn lọc của Hội đồng Xét duyệt danh hiệu TPHCM rất quan trọng. Xét từ chuyên ngành cơ sở đến hội đồng cấp TP, cấp Nhà nước là một quá trình dài nên có thời gian rà soát kỹ càng vì giá trị danh hiệu rất cao quý. Nếu chỉ làm theo cách đối phó cho có hoặc đặt vào đó sự thương ghét, thiếu công tâm của cá nhân người xét thì sẽ là điều không hay cho sự nghiệp phấn đấu chung của giới nghệ sĩ vì một nền văn hóa nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hơn 52 năm cống hiến cho sự nghiệp sân khấu, với bề dày thành tích đạt được từ sân khấu cải lương đến sân khấu kịch nói, NSƯT Bảo Quốc có đầy đủ tiêu chuẩn để được xét tặng NSND khi có được hai huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và Hội diễn Sân khấu xã hội hóa toàn quốc
Ý kiến bạn đọc..
Họ quá xứng đáng!
Sau bài viết “Bốn sao sáng có được phong NSND?” đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 11-7, đông đảo bạn đọc đã có những ý kiến phản hồi
Sao hai chữ “đặc cách” nghe phũ phàng quá! Sự đóng góp của bốn nghệ sĩ này cho nền nghệ thuật nước nhà là rất lớn. Tôi đề nghị không dùng hai chữ “ đặc cách” để phong tặng các nghệ sĩ đã có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật!
Trung Trực
Với bốn nghệ sĩ: Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy có lẽ không còn gì phải bàn về sự đóng góp của họ cho nền kịch nghệ, cải lương nước nhà để xét phong tặng họ danh hiệu NSND... Với tôi, dù có hay không danh hiệu này, họ vẫn xứng đáng là “nghệ sĩ của nhân dân”...
Nguyễn Chương
Sự ái mộ của khán giả chính là phần thưởng cao quý nhất dành cho nghệ sĩ. Chúng tôi yêu mến các chị vì tài năng, đức độ và sự đóng góp to lớn cho nghệ thuật mà các chị đã làm từ bao năm nay...
Nguyễn Kình Ngư
Theo tôi, không có danh hiệu nào xứng đáng với tài năng và sức lan tỏa của các nghệ sĩ này khi họ được khán giả công nhận là “nghệ sĩ của nhân dân”, “nghệ sĩ của quần chúng”. Còn cần huy chương vàng và bạc để làm gì. Ngoài ra, một số nghệ sĩ cũng rất xứng đáng là NSND: Bảo Quốc, Hồng Nga...
Bao Dang
Đây thực sự là những nghệ sĩ trong lòng bao thế hệ người dân miền Nam. Không hiểu sao họ không được phong NSND? Hiện tại có những NSND khi báo đài đưa tin, chúng tôi chẳng biết họ là ai, họ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nào. Hãy để việc phong NSND cho người dân chúng tôi bình chọn vì chỉ có chúng tôi mới hiểu ai thực sự là nghệ sĩ mà chúng tôi yêu mến.
Giang Minh
Tên tuổi các nghệ sĩ Kim Cương, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu nói riêng và những nghệ sĩ chân chính nói chung luôn sống mãi trong lòng khán giả, trong lòng người dân Việt Nam ở khắp năm châu bốn biển. Có thêm danh hiệu NSND cũng chỉ là thể hiện sự quan tâm, trân trọng của Nhà nước ta mà thôi. Các vai diễn để đời, tài năng, đức độ của các nghệ sĩ này không ai có thể phủ nhận. Vì vậy, họ đáng được trao từ lâu chứ không phải đợi đến giờ để “xét” làm gì cho đắng lòng khán giả và đắng lòng những người đã dành trọn cả đời để đêm đêm sân khấu lại sáng ánh đèn.
Dương Trần Ca
Tôi thiết nghĩ danh hiệu mà phải đi xin thì thà không có còn hơn. Còn có xin - cho là còn tiêu cực, còn tiêu cực thì danh hiệu cũng khó bảo toàn được giá trị của nó.
Nguyễn Đức Vinh
Theo Thanh Hiệp – Báo NLĐ