Người lưu giữ 6.000 đĩa cải lương xưa
Nguyễn Lê Hiếu - chàng trai tuổi 30, đang làm giám đốc kinh doanh của một khách sạn - không chỉ sưu tầm được cho mình một kho tàng cải lương quý giá, mới đây anh còn lập hẳn một website có tên kichnghevietnam.com
Hơn 10 năm miệt mài sưu tập, Nguyễn Lê Hiếu hôm nay đã có trong tay hơn 6.000 đĩa than cải lương cũ. Trong đó, rất nhiều đĩa than được sản xuất từ những năm đầu thế kỷ 20, mà anh bảo đôi khi phải cứu chúng từ những vựa ve chai, từ các góc nhà mốc meo của các gia đình ở miền Tây Nam bộ.
Đi tìm cải lương thuần khiết
Tôi biết Hiếu khoảng hai năm nay. Cậu ấy là một thanh niên hiện đại, tài năng, rất thành công trong việc kinh doanh, gia đình chẳng có dây mơ rễ má gì với cải lương nhưng cực kỳ say mê bộ môn nghệ thuật này. Càng tiếp xúc tôi càng nhận thấy Hiếu là một người có tâm hồn rất tinh túy với cải lương. Việc lưu giữ những đĩa hát cải lương ban đầu chỉ vì niềm say mê một cách hồn hậu, đến giờ Hiếu đã sở hữu một bộ sưu tập quá giá trị.
Hiếu kể có lần về quê Long An ăn đám giỗ, biết thú sưu tầm đĩa cải lương nguyên gốc của anh, một người bà con tận tình dẫn anh tìm đến tận chạn nước nhà một người hàng xóm - nơi có một chồng đĩa than được xếp ngay chân... lu nước! Ðem những chiếc đĩa đã cong vành về Hiếu phải đánh xà bông, kỳ cọ thật lâu mới sạch sẽ.
May mắn là đĩa than xưa làm tốt, rửa vào nước xà bông rồi lau khô là nghe được. Vở tuồng có tên Tấm Cám, với các nghệ sĩ sắm tuồng là cô Năm Cần Thơ, Kim Chưởng và nghệ sĩ Minh Chí...
Nguyễn Lê Hiếu với những đĩa hát cải lương của mình. Ảnh: Mễ Thuận
Tương tự, Hiếu cho biết để có được những đĩa than cũ, những đĩa nhựa, các băng từ... là cả những câu chuyện dài nhiều trắc trở. Nhưng cũng có những trường hợp thật cảm động. Một bác hơn 60 tuổi ở đường Ðinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) khi nghe Hiếu đam mê đĩa cải lương đã sẵn lòng đem một chồng đĩa của các tài danh như Út Trà Ôn, cô Thanh Nga, cô Năm Cần Thơ... đến gõ cửa công ty tìm anh với nguyện vọng: "Nhà chỉ còn chồng đĩa này thôi. Chú cũng chẳng làm gì. Chú sợ không sớm thì muộn cũng sẽ mất hết. Con chịu khó bảo bọc nó giúp chú!".
Cứ như thế, cái duyên của Hiếu với đĩa cải lương cũ càng được nhân lên, đĩa ngày một chồng chất, choán hết nửa gian phòng riêng của anh. Anh có đầy đủ đĩa của các soạn giả từ thời tiền phong như cô Năm Cần Thơ, Ba Thanh Loan, Tư Sạng, Tám Thưa, Tư Chơi, Ba Bến Tre, Phùng Há... cho đến các thế hệ vàng son sau này như Út Trà Ôn, Thành Ðược, Hùng Cường, Tấn Tài, Thanh Sang, Út Hiền, Út Hậu, Thanh Nga, Ngọc Giàu... 6.000 đĩa là con số đong đếm được.
Nhưng Hiếu bảo điều anh tâm đắc lại là thông qua đó anh có thể hiểu về con đường phát triển của cải lương Việt; và rằng cải lương xưa và nay khác nhau nhiều quá!
"Các nghệ sĩ xưa hát tự nhiên, chân tình với những nhạc cụ mộc mạc thô sơ với mong muốn thổ lộ, trình bày một tâm tình nào đó mà soạn giả gửi gắm trong bài hát. Còn bây giờ nhiều bạn trẻ hát giống như phô trương giọng hát, phô cái tài hát nhiều chữ để được nổi tiếng, nhận nhiều show hơn thì phải!", Hiếu đúc kết sau khi thẩm thấu cái hương vị ngọt ngào của rất nhiều đĩa than.
Xây cầu nhóm "lửa" - kichnghevietnam.com
Hiếu bảo trong quá trình sưu tầm đĩa cải lương cũ anh cũng có cơ hội tiếp xúc với không ít người yêu cải lương. Nhưng rồi mỗi người lại bị cuốn theo một công việc riêng nên "lửa" của họ cứ lẻ mẻ, rời rạc. Riêng "lửa" của cá nhân anh vẫn âm ỉ cháy, nó thúc giục anh phải làm một cái gì đó cho cải lương bởi ý nghĩ: "Ngày nay phương tiện truyền thông vô cùng phong phú mà sao cải lương ngày càng thu hẹp lại?".
Ðem mọi nỗi trăn trở của mình đến gặp giáo sư Trần Văn Khê, Hiếu được giáo sư nhiệt tình ủng hộ khi anh bày tỏ ý định lập một website về cải lương. Anh bảo website vừa là nơi anh chia sẻ với công chúng, cũng là một thao tác để anh lưu trữ toàn bộ nội dung của hàng ngàn đĩa than các tuồng cải lương giá trị mà mình đang sở hữu. Cái tên miền kichnghevietnam.com là do giáo sư Khê đề xuất cho trang web, để nó đi đúng hướng và thể hiện được đúng tiêu chí hoạt động: "Góp nhặt tinh hoa bảo lưu nam bang kịch nghệ. Giữ gìn vốn cổ, phát huy bản sắc Việt Nam".
Tháng 7-2010, website chính thức ra đời. Công chúng có thể lên đó thưởng thức các file tuồng cổ được anh kỳ công chuyển tải từ nhiều dạng đĩa khác nhau thành file MP3. Các vở tuồng tưởng đã thất truyền như Giá trị danh dự (soạn giả Tư Chơi), Túy hoa Vương Nữ (soạn giả Năm Châu), Sĩ Vân công chúa (soạn giả Năm Châu)... đều có ở đó. Và Hiếu vẫn mỗi ngày bỏ ra một vài giờ để chăm chút tải lên web.
Bên cạnh, Hiếu cũng sưu tầm nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy về sự hình thành và phát triển của cải lương Việt, chân dung các danh ca một thời cũng được chắt lọc, bổ sung thông tin một cách công phu...
Quá trình chuyển đổi, chắt lọc được những file âm thanh tốt nhất để tải lên trang web cũng đòi hỏi sự nhọc công. Nhưng Hiếu bảo anh luôn tìm thấy niềm vui, sự ủng hộ cũng như nhận được những lời khuyên chân tình mỗi khi tiếp xúc với những nghệ sĩ vẫn đang miệt mài với nghiệp hát. Và vì có lúc họ đã bật khóc ngon lành trước mặt Hiếu khi nhận được từ tay anh những đĩa hát cũ xưa có những tuồng mà họ đã sắm vai, nhưng chính họ cũng không có và không biết phải tìm nơi đâu, nên Hiếu thấy mình như được tiếp sức.
"Tôi nhớ cô Ngọc Giàu nói với tôi là với cải lương cô có thể là một thợ rèn nhưng nhà cô lại không có được một con dao bén. Ngay cả bác Khê, cô Kim Chưởng... đều chỉ có thể nói về cải lương xưa bằng những ký ức đẹp chứ thật sự trong tay họ không lưu giữ được bao nhiêu đĩa tuồng. Vì những điều như vậy tôi thấy việc mình làm không vô ích" - anh bộc bạch.
Tôi đã được Hiếu cho nghe qua bộ sưu tập đĩa này và rất thích. Có thể nói với bộ sưu tập này có tiền cũng không mua được. Hội Sân khấu TP.HCM cũng mê bộ sưu tập đĩa của Hiếu lắm nhưng không dám rớ tới vì không đủ điều kiện về nhân sự, tài chính cũng như không có bảo quản tốt như Hiếu. Một tấm chân tình với cải lương như Hiếu thật đặc biệt và hiếm có.
Bà HỒNG DUNG (phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM) - L.ĐOAN ghi
Theo MỄ THUẬN