Mem mới sưu tầm được bài báo về sự ra đời cũng như cảm nhận của tác giả về các giọng ca Xuân đất khách. Xin đăng lại để mọi người cùng tham khảo.
Nỗi niềm .... Xuân đất khách
Những ngày cuối năm, nắng hanh vàng, gió chướng về vội vã mang theo tiết trời se lạnh và những cánh én chao nghiêng như báo hiệu xuân về rồi đó! Đường phố mỗi ngày lại tăng thêm cường độ tấp nập người xe và nhịp đời như hối hả, thế mà đâu đó văng vẳng câu vọng cổ "Mỗi bận xuân sang tôi thấy lòng se lại, nhớ làm sao hương vị của quê nhà.
Dưa hấu Gò Công, bưởi ngọt Biên Hòa, rượu Bà Điểm, nem chua Thủ Đức, cam Cái Bè, măng cụt Lái Thiêu ...", không chỉ những ai xa xứ mà người ở quê nhà cũng phải nao lòng. Một chút gì xao xuyến khiến tôi nhớ đến bài vọng cổ nổi tiếng Xuân đất khách của soạn giả Viễn Châu (NSƯT - Nhạc sĩ Bảy Bá). Quả thật, không phải ngẫu nhiên mà bài vọng cổ này từ khi ra đời đến nay luôn mang sức hấp dẫn kỳ lạ. Người viết, người ca và rất nhiều người nghe dường như đồng cảm chung một nỗi niềm, biết bao người rơi nước mắt khi nghe "Xuân đất khách".
XUÂN NĂM ẤY VIẾT TẶNG MỘT NGƯỜI
Lão soạn giả - danh cầm này cả nước không còn ai xa lạ, là "ông vua" viết vọng cổ. Đến nay ông đã thọ ngoài bát tuần, tuy sức có yếu đi nhưng tinh thần vẫn còn rất "phong độ", cầm viết sáng tác lai rai ... Hôm tôi đến nhà thăm ông, thấy ông vẫn đang viết.
- Bác Bảy đang sáng tác à? Tôi hỏi.
- Không viết buồn lắm! ... hì ... hì ...
Rồi ông nhả chầm chậm từng cụm khói thuốc, đăm chiêu nhớ về một kỷ niệm của thời xa xưa, của một mùa xuân viết bài vọng cổ Xuân đất khách.
- Vào năm 1964, anh Trần Văn Trạch - quái kiệt kịch trường (em ruột của GSTS Trần Văn Khê) đang hát cho gánh cải lương Thống Nhất. Anh ấy nhờ tôi viết một bài vọng cổ để tặng cho anh Khê. Lúc đó anh Khê đã tốt nghiệp tiến sĩ âm nhạc và đang sinh sống tại Pháp. Tôi viết xong bài vọng cổ Xuân đất khách cũng là dịp Tết cổ truyền Ất Tỵ - 1965 sắp đến, tôi rất vui và xem tác phẩm của mình là món quà Xuân gởi tặng một người bạn xa quê.
- Nội dung của bài là nỗi niềm của người xa xứ, hoài vọng cố hương mỗi độ Xuân về, dường như bác đã đặt mình là người trong cuộc?
- Tôi lấy cái "tứ" ấy từ cuộc đời đi hát của tôi, lưu diễn rày đây mai đó, nhiều năm ăn tết ở đoàn hát xa nhà ... lúc đó nhớ nhà, nhớ quê da diết. Không ngờ sau này rất nhiều người đi định cư ở nước ngoài nên bài Xuân đất khách trở thành tâm trạng chung. Rất nhiều người yêu thích, cũng có một số người tìm đến tôi để xin bài ca ấy hoặc hỏi thăm tìm mua băng dĩa.
NHỮNG GIỌNG CA RUNG ĐỘNG LÒNG NGƯỜI
Được biết bài vọng cổ này khi GSTS Trần Văn Khê nhận được, ông tự ca một mình để mình nghe, sau đó dạy cho vài môn đệ có giọng tốt ở bên Pháp. Ở Việt Nam đến năm 1974 NS Hà Bửu Tân ca thu cho hãng dĩa Việt Hải, nhưng dạo ấy Xuân đất khách không được thịnh hành lắm.
Mãi cho đến năm 1980 NS Thanh Hằng thu cho Xí nghiệp băng từ Sài Gòn Audio và sau đó bài vọng cổ này khá thịnh hành. Bác Bảy cũng không ngờ bài vọng cổ này có quá nhiều ngẫu nhiên, NS Thanh Hằng cũng đã xuất ngoại định cư ở Úc và khi đón xuân ở xứ lạ quê người, hát bài Xuân đất khách chắc chị càng thắm thiết nỗi nhớ quê hương hơn nữa.
Kế đó là NS Hồng Nga với Xuân đất khách được xem là bài vọng cổ ruột, năm 2000 chị đã tự thu dĩa cho riêng mình và có dịp trình diễn ở đâu chị cũng thường ca bài vọng cổ này, nhất là những chuyến biểu diễn ở nước ngoài. Dường như khá nhiều kiều bào mộ điệu đã quen thuộc bài vọng cổ này, có dịp gặp NS Hồng Nga ở "đất khách" là họ yêu cầu cho bằng được chị ca bài vọng cổ ấy. Và khi người lữ thứ chiêm ngưỡng giọng ca của NS Hồng Nga qua bài Xuân đất khách, họ thảy đều lặng im mà "uống" vào lòng từng câu từng chữ của bài ca, thả hồn theo giọng ca trầm ấm tự sự đầy tâm trạng của NS Hồng Nga và chính lúc này họ lại nhớ quê hương da diết hơn. Chị kể lại biết bao kiều bào khi thưởng thức bài này xong họ tặng hoa cho chị, xin chữ ký lưu niệm ... đa số họ tủi tủi mừng mừng, mắt rưng rưng ngấn lệ. Mới đây trong chương trình "Làn điệu Phương Nam", biết có sự góp mặt của NS Hồng Nga, nhiều khán giả đến xem cũng yêu cầu chị ca lại bài Xuân đất khách, nhưng vì chương trình do BTC cấu trúc trước, NS Hồng Nga ca bài Dạ cổ Hoài Lang không thể thay đổi được, nên nhiều mộ điệu lấy làm luyến tiếc.
Theo bác Bảy, ba giọng ca chuyên nghiệp qua bài Xuân đất khách đều có nét hay riêng: NS Hà Bửu Tân ca trong dĩa Việt Hải đã quá lâu nên ít người biết đến, NS Thanh Hằng ca rất hay vì có một làn hơi chất giọng đầy đặn và kỹ thuật điêu luyện, còn NS Hồng Nga thì giọng mùi - buồn, nghệ thuật ca ngâm lại già dặn, hơn nữa chị thường ca ở các cuộc biểu diễn cả trong và ngoài nước nên tạo ấn tượng sâu xa hơn ...
ĐỒNG CẢM - NỖI NIỀM
Những năm gần đây bài vọng cổ Xuân đất khách khá phổ biến, thường xuất hiện trong các cuộc chơi đờn ca tài tử và những cuộc thi giọng ca cải lương. Thêm vào đó là giọng ca đầy truyền cảm của NS Hồng Nga đã tạo sức thu hút công chúng, từ đó mà Xuân đất khách như một nỗi niềm chung của những người lữ thứ và là sự đồng cảm của giới mộ điệu.
Nét chính của bài vọng cổ này đã khơi gợi một nỗi nhớ. Tác giả đã khai thác triệt để tâm tư tình cảm của người xa quê hương, dàn trải những chi tiết rất đời thường nhưng cũng rất thực tế gần gũi với cuộc sống mà ai cũng có một thời đã sống nơi chôn nhau cắt rốn. Khi Xuân về Tết đến, những đặc sản có mặt ở mọi nhà và mọi người không ai xa lạ: Dưa hấu Gò Công, bưởi ngọt Biên Hòa, nem chua Thủ Đức, cam Cái Bè, mấy cành mai vàng nở rộ đón giao thừa ... là những chi tiết rất đặc trưng gợi nhớ đến ngày tết cổ truyền của dân tộc. Rồi nỗi niềm của người xa xứ tự sự như chính tâm sự với riêng mình, "... Xuân đất khách lạnh lùng mưa tuyết đổ, đâu phải xuân quê nhà nên cây cỏ xơ rơ, ôi biết bao giờ được trông thấy cảnh xuân xưa ngày về quê cũ vẫn nay lần mai lựa, Xuân năm này lại hẹn đến Xuân sau ..." và mỗi khi Xuân về thì người tha hương thêm hoài vọng cố hương.
"... Mùa xuân về nữa, xuân về nữa
Tuyết trắng rơi nhiều dạ tái tê ..."
Bằng một giọng văn bình dị, không hoa mỹ, tác giả đã chắt lọc ca từ giàu hình ảnh và cảm xúc nên dễ đi vào lòng người. Phong cách sáng tác chân phương mà rất già dặn, nhạc và văn chặt chẽ hòa quyện nhau từng lời từng nhịp, tác giả sử dụng lối văn biền ngẫu gieo vần nhịp nhàng, rắn rỏi. Chính phong cách này tạo nhiều thuận lợi cho nhiều làn hơi chất giọng. Nói cách khác, tác giả viết vọng cổ rất dễ ca, vần điệu đã đi vào khuôn mẫu ca không bao giờ bị cưỡng âm, chênh nhịp, người ca không phải nhọc nhằn sắp văn canh nhịp mà lại dễ nhập tâm. Đây là sự đồng cảm nỗi niềm giữa người viết - người ca - người nghe, cũng có thể xem là "Đồng thanh tương khí, đồng khí tương cầu".
Đỗ Dũng