TIẾNG ĐÀN TRONG BÓNG TỐI
Cứu rỗi phận mình
Trong thế giới chỉ có bóng đen, có những số phận bất hạnh đã dò dẫm từng bước đi tìm niềm vui cho cuộc sống của mình bằng những ngày tháng miệt mài trên cung đàn phím nhạc, để rồi những giai điệu thoát lên từ những đôi bàn tay và trái tim khát khao hạnh phúc ấy lan tỏa vào lòng người nỗi thao thức, xót xa.
Trong căn phòng không có ánh đèn, 6 thầy trò ngồi bên nhau, thầy cầm tay trò mò mẫm chỉ từng dây đàn, phím nhạc. Chiều nào cũng thế, phòng học nhạc bé nhỏ của mái ấm Thiên Ân (Q. Tân Phú –TPHCM) luôn vang vọng những thanh âm của đàn guitar, organ.
Đã hơn 10 năm, bao nhiêu lớp học trò của thầy giáo dạy nhạc khiếm thị Hà Đức Thụy đã trưởng thành. Những thanh âm ấy đã đưa các em đi qua nỗi buồn riêng mang bằng thời gian sống trọn vẹn, hòa mình vào cung đàn phím nhạc, cũng có em đã chọn cung đàn làm hành trang để vào đời...
Thầy Hà Đức Thụy (trái) hướng dẫn học trò Hà Văn Đông tại mái ấm Thiên Ân
Vượt lên số phận:
Chỉ tay về hướng có tiếng đàn organ, thầy Thụy giới thiệu người học trò tên Nguyễn Vĩnh Phước đang miệt mài với cây đàn – người chơi organ điêu luyện của mái ấm sau hơn 6 năm luyện tập.
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là Phước “tốt nghiệp”, ra trường với “tấm bằng danh nghĩa” là nhạc công. Phước đã nhiều lần được mời biểu diễn ở các chương trình Hát với nhau. Chàng trai tuổi 25 quê Đắk Lắk này cho biết sau khi rời mái ấm, anh sẽ về nhà một thời gian rồi xin vào đàn ở ban nhạc của một nhà thờ.
Mái ấm Thiên Ân có hẳn một ban nhạc với các thành viên Hà Văn Đông, Nguyễn Vĩnh Phước, Vũ Công Hào..., đều do thầy Thụy đào tạo, từng được mời đứng chung sân khấu đệm đàn cho các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Kasim Hoàng Vũ trong những chương trình từ thiện. “Với người khiếm thị, âm nhạc quan trọng lắm, những thanh âm có thể cứu rỗi những tâm hồn không bình lặng” – thầy Thụy trầm ngâm.
Nhưng để có thể trụ lại với nghề cũng không dễ dàng gì. Hành trình của thầy Thụy cũng là những chuỗi ngày khốn khó. Cho đến bây giờ, người thầy dạy nhạc khiếm thị vẫn không thể nào quên được những tháng ngày bôn ba ở đất Sài Gòn để tìm cho mình một lối đi.
Năm 1967, trong một lần đi cuốc cỏ bị trúng bom, đôi mắt của đứa trẻ 7 tuổi Hà Đức Thụy mãi mãi không còn có thể nhìn thấy nữa. Rồi Thụy rời quê Kiên Giang lên Sài Gòn, theo học ở Trường mù Nguyễn Đình Chiểu, biết mình cần ra đi để học một nghề.
Những ngày gian nan, Thụy luôn hát bài Vết chân tròn trên cát để hiểu rằng người khuyết tật chỉ bất tiện chứ không bất hạnh, tàn nhưng không phế, vẫn có thể làm được điều gì đó có ích cho đời.
Hà Đức Thụy kể nhiều lần anh đi xin đàn ở các tụ điểm hát với nhau, nhiều người không ngần ngại nói thẳng vào mặt anh: “Người sáng mắt còn đàn không ra gì, mù thì làm được cái gì”.
Những lúc ấy, anh chỉ biết câm lặng chịu đựng và tự chứng tỏ khả năng của mình bằng tiếng nhạc, chưa kể không ít lần bị khinh khi, đuổi thẳng hoặc bị quỵt tiền thù lao nhưng niềm đam mê và sức chịu đựng bền bỉ đã chiến thắng được những rào cản khắc nghiệt của cuộc sống.
Sau bao nhiêu năm trui rèn, rồi dò dẫm đi kiếm tiền mưu sinh bằng cách đệm đàn ở quán nhậu với thù lao mỗi đêm chỉ vài chục ngàn đồng, cậu bé Thụy của những ngày đẽo gỗ tìm quên nỗi buồn không nhìn thấy đã để dao phạm vào tay chảy máu của ngày xưa giờ đã trở thành thầy của những thế hệ sau.
Có những cánh cửa mở ra trong bóng tối:
Không chỉ dạy nhạc, thầy Thụy còn truyền cho các em niềm tin, nghị lực: “Mình không còn đôi mắt nhưng có đôi bàn tay và trái tim. Hãy cứ phấn đấu và sống hết mình đi. Có những cánh cửa luôn mở ra trong bóng tối”.
Gần như mái ấm khiếm thị nào cũng có lớp dạy nhạc cho các học viên. Anh Nguyễn Tấn Huyến – Chủ nhiệm mái ấm Bừng Sáng (Q.10-TPHCM) - chia sẻ: “Được học thêm âm nhạc bên cạnh kiến thức văn hóa, giúp các em có không gian vui chơi giải trí và ý nghĩa nhất là để các em cảm thấy vui vẻ hơn, yêu đời hơn”.
Bản thân anh cũng là người đi trong bóng tối miệt mài từng ngày để học nhạc, rồi trở thành người thầy truyền dạy niềm đam mê cho các em. Trong căn nhà nhỏ chen chúc những mảnh đời khiếm thị, trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương, mỗi ngày đều vọng tiếng đàn. Ban nhạc khiếm thị của mái ấm cũng thường xuyên đi biểu diễn tại các đám cưới nhà hàng.
Học nhạc để giải trí nhưng gần như các nhóm nhạc ở mái ấm đều có thể kiếm ra tiền bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình. Đó cũng là con đường dẫn đến ước mơ cho những trái tim đầy tràn nghị lực.
Ăn nói hoạt bát, lanh lợi và gương mặt sáng, tràn đầy niềm tin, gương mặt khiếm thị Hà Văn Đông của mái ấm Thiên Ân dễ dàng thu hút người đối diện bằng vẻ lạc quan và những câu chuyện hài hước của mình.
Mới vào TPHCM được 3 tháng, Đông đã sớm hòa nhập cùng bè bạn ở mái ấm Thiên Ân và bộc lộ được sự nhạy bén và khả năng tiếp thu âm nhạc. Không những thế, Đông còn hát khá hay nên có nhiều cơ hội được mời hát ở một số chương trình từ thiện.
“Cứ đi, dù có chậm chăng nữa nhưng khi quyết tâm thì mình sẽ đến được nơi cần đến” – Đông chia sẻ ý chí quyết liệt của mình.
Điểm tựa niềm tin
Ở nơi chỉ có bóng đêm, câu chuyện về nghị lực vươn đến thành công của những người khuyết tật luôn là một điểm tựa niềm tin để họ mạnh mẽ bước đi. Câu chuyện cuộc đời của những người thầy khiếm thị như thầy Nguyễn Tấn Huyến của mái ấm Bừng Sáng, thầy Nguyễn Quốc Phong – được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ thông tin của mái ấm Thiên Ân và thầy Hà Đức Thụy suốt mấy mươi năm từ lúc làm trò cho đến khi làm thầy vẫn mỗi ngày mấy cuốc xe ôm đi dạy... là một niềm tin bền vững để các bạn hiểu được rằng dù đường đi có gian nan nhưng hạnh phúc và thành công là có thật. Như lời thầy Hà Đức Thụy: “Cuộc sống lấy đi cái này thì sẽ trả về cho mình cái khác”.
Bài và ảnh: TIỂU QUYÊN
(Theo Người lao động Online)