Trong sự nghiệp nghệ thuật của NSƯT Thoại Mỹ có rất nhiều vai diễn mà cô yêu thích. Nhưng nhắc đến vai Phượng trong vở Rồng Phượng đã từng đoạt HCV tại Hội Diễn Sân Khấu Cải Lương Chuyên Nghiệp Toàn Quốc 2005, thì đó là vai diễn Thoại Mỹ thích nhất. Kịch bản Rồng Phượng (tác giả Lê Duy Hạnh, chuyễn thể Hoàng Song Việt, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu). Và trước những kiến nghị của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang về việc chọn những mũi nhọn trọng tâm đầu tư cho nguồn nhân lực kế thừa, cô đã có những nỗi lòng muốn gửi đến bạn đọc báo Sân Khấu TPHCM.
VAI DIỄN TÔI YÊU
"Câu chuyện kể về mối thù ba đời của hai làng nghề thêu. Làng Đông thua làng Tây trong một lần được triều đình đặt may chiếc áo cho hoàng hậu mặc trong ngày tấn phong. Nhà vua chọn áo làng Tây vì thần lực của đôi mắt phượng. Ôm mối hận đó người trưởng tộc tức tối uống rượu suốt đêm rồi thổ huyết chết.
Trước phúc lâm chung ông xé áo lấy máu viết bốn chữ "Hãy nhớ thù này". Một năm sau, sứ giả tìm đến làng Tây đặt may thêm áo cho vua, làng Đông âm thầm may và đúng kỳ hạn cùng mang áo dâng vua. Nhà vua chọn áo làng Đông vì đôi mắt rồng hợp ý. Người trưởng tộc làng Tây bị nhục vì nghề đã bỏ ăn mất sau một tuần trăng.
Hai chiếc áo Rồng Phượng đã tạo nên mối thù truyền kiếp. Hai làng cách nhau một ngọn núi mà người làng Đông gặp người làng Tây không được chào hỏi, không được kết bạn và không được yêu nhau. Nhưng nghiệt ngã thay thế hệ con cháu của họ cứ mãi tìm đến ngang trái.
Bà Ngọc do chị của Thoại Mỹ là NSƯT Thoại Miêu đóng, đã yêu tha thiết ông Tứ (do NS Dương Thanh đóng), họ bị cha mẹ hai bên ngăn cấm. Bà Ngọc bị đánh bầm dập cánh tay đến bỏ nghề thêu, ông Tứ cũng bị đốt cháy cánh tay vì mỗi tháng đêm 30 ông lén nhà bắt đom đóm dò đường tìm sang làng người yêu.
Đến thế hệ của Nam (Do NSƯT Kim Tiểu Long đóng) - con trai ông Tứ lại yêu Phượng (vai của Thoại Mỹ), con gái bà Ngọc. Rồi cả hai cũng không đi đến hạnh phúc, để mấy mươi năm sau, con của họ lại chọn lấy oán thù mà trao gửi tình yêu."
Theo Thoại Mỹ đây là một vỡ diễn thật đẹp như bức tranh nhiều màu sắc đậm chất trữ tình. Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu đã đan xen thật khéo cảnh tái hiện qua lời kể của mỗi thế hệ. Tiết tấu vở được đẩy nhanh, âm nhạc được xử lý đúng lúc đã phục vụ cho diễn xuất của diễn viên, không để vai diễn nào lạc đội hình.
NSƯT Thoại Miêu chửng chạc bên cạnh đàn em, chị và anh Dương Thanh ai vai diễn thật ấn tượng dù chỉ xuất hiện rất ngắn. Năm đó NSƯT Kim Tiểu Long và Thoại Mỹ đã đoạt HCV cá nhân qua hai vai Nam và Phượng.
Tham gia vở này còn có các nghệ sĩ: Quốc Kiệt, Thùy Trang, Mỹ Hằng, Minh Hoàng, Lý Thu, Tiến Dũng. Tất cả các anh chị em nghệ sĩ đã có dịp thỏa sức sáng tạo trên một tổng thể hoàn chỉnh mà đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu đã tạo cho Rồng Phượng.
Đoạt HCV duy nhất vở diễn của một hội diễn cấp quốc gia, nhà hát Trần Hữu Trang thực sự có một bước tiến mới trong việc góp phần với sân khấu cải lương cả nước khẳng định sức trẻ của những thế hệ diễn viên yêu nghề và luôn nỗ lực vì sự nghiệp chung.
NỖI NIỀM CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ
Chủ trương của Đảng và nhà nước luôn xem người nghệ sĩ là chiến sĩ văn hóa, luôn mang lại cho công chúng niềm lạc quan trong cuộc sống. Theo Thoại Mỹ, cho dẫu sân khấu có gặp những khó khăn thì các thế hệ nghệ sĩ vẫn đồng lòng gầy dựng lại với quyết tâm giữ gìn và phát triển bộ môn nghệ thuật của dân tộc.
Thoại Mỹ biết ơn công cuộc đổi mới hiện nay, vì các bạn diễn viên trẻ rất cần có sàn diễn để đúc kết kinh nghiệm. Lâu nay vì không có rạp để biểu diễn thường xuyên nên các nghệ sĩ chỉ làm việc theo thời vụ, tham gia quay video mà sàn diễn hàng đêm thì ít có dịp sáng đèn.
Thoại Mỹ nghĩ cần phải đầu tư nhiều hơn cho đội ngũ tác giả, đạo diễn trẻ, đó chính là những nhân tố mang lại niềm vui cho giới sân khấu trong cuộc đổi mới này. Riêng giải Trần Hữu Trang của Hội Sân Khấu TPHCM theo Thoại Mỹ cần mở thêm nhiều lớp huấn luyện, đào tạo sau khi các em đạt giải, vì hậu của mỗi cuộc thi luôn là vấn đề đáng quan tâm.
Lâu nay để các em thả nổi, tự bơi nên khó trụ lại. Một số bạn sau khi đoạt giải Chuông Vàng Vọng Cổ đã tích cực tham gia chương trình Ngân Mãi Chuông Vàng của nhà hát truyền hình HTV, đã mở ra một xu hướng giúp các bạn mau chóng rèn luyện nghề. Nhờ các đạo diễn như: Trần Ngọc Giàu, Kim Phương.... mà các bạn này đã nhanh chóng học được nghề, diễn xuất ngày càng tiến bộ.
DÌU DẮT CÁC EM NHỎ TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG NGHỀ
NSƯT Thoại Mỹ hoang nghênh việc tổ chức các lớp tập huấn và viện gầy dựng lại trung tâm nghiên cứu cải lương. Theo cô, 40 năm qua sân khấu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng cho dù chất lượng nghệ thuật vì nhiều hoàng cảnh đã thay đổi hơn xưa.
"Song, điều mà giới nghệ sĩ sân khấu tin tưởng đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhà nước dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Trong nhiều năm qua, các thế hệ của giải Thanh Tâm ngày xưa vẫn được tạo điều kiện để cống hiến tài năng và trí tuệ, dìu dắt các em nhỏ bước đi với những sáng tạo mang tính đột phá trong nghề.
Chúng ta phải tự hào vì có được một thế thế hệ vàng của giải Trần Hữu Trang đang từng bước khẳng định sức trẻ kế thừa con đường nghệ thuật của nước nhà. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang hiện nay có 3 đoàn, các bạn trẻ đã có nhiều cơ hội cọ xát với nghề. Đó là điều mà toàn thế giới rất vui vì các em không dừng lại sau khi đoạt giải HCV Trần Hữu Trang" - Cô nhấn mạnh.
Nhiều năm qua giải Trần Hữu Trang đã chú ý khai thác đất diễn cho nhiều gương mặt trẻ của sân khấu cải lương tuồng cổ. Đó là các diễn viên như: Quế Trân, Trinh Trinh, Bình Tinh, Thanh Thảo, Tú Sương, Chinh Nhân, Chí Cường, Hồng Loan, Thanh Uyên, Vũ Luân, Kim Tiểu Long....
Các em đã khắc phục được những khuyết điểm để từng bước tiếp thu những bài học mới và khẳng định vị trí của mình. Tuy có em đạt và chưa đạt HCV, nhưng ở mỗi sự cố gắng dành cho nghề nghiệp các em đều ý thức được vai trò tiếp nối sự nghiệp của thế hệ nghệ sĩ đi trước.
NSƯT Thoại Mỹ đặc biệt quan tâm đến những kiến nghị của NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu. Vấn đề là đào tạo diễn viên trẻ theo bài bản, nhất là giáo huấn để các bạn trẻ giữ gìn tâm huyết và quý trọng những bài học đạo đức. Và cô cho rằng công cuộc đổi mới và nâng cấp cải lương phải được thực hiện đồng bộ.
"Những kiến nghị của nhà hát Trần Hữu Trang theo Thoại Mỹ cần được chọn lọc vấn đề trọng tâm, hiện nay rạp Hưng Đạo đã được xây dựng mới và mang tên Nhà Hát Cải Lương Trần Hữu Trang, ngôi nhà này sẽ trở thành trung tâm cải lương lớn nhất của cả nước. Hiện nay du khách có đến thăm các tỉnh miền Tây, nơi được xem là chiếc nôi của nghệ thuật cải lương, nhưng khi hỏi có đoàn nào, rạp nào biểu diễn những tác phẩm đỉnh cao của cải lương thì chúng ta không còn phân vân.
Vấn đề đặc ra bây giờ là phải xây dựng bộ mặt cải lương hiện đại, để đón chào du khách và bảo lưu những vở diễn giá trị. Việc đào tạo diễn viên trẻ thông qua cuộc "Đãi Cát Tìm Vàng" của giải Trần Hữu Trang rất được khán giả quan tâm. Thoại Mỹ đã quan sát và dõi mắt theo nhiều gương mặt diễn viên trẻ mà Mỹ cho rằng họ sẽ tiến xa hơn trong nghề như:
Mỹ Hằng, Tấn Giao, Quế Trân, Kim Tiểu Long, Vũ Luân, Kim Luận, Tô Tấn Loan... Nhưng Thoại Mỹ lo cho sự chủ quan của họ, vì hiện nay có quá ít sàn diễn sáng đèn, họ cứ loay hoay với những đêm diễn trích đoạn, ca cổ, ca tân nhạc mà sự "lấy ngắn nuôi dài" này vô tình rứt họ ra khỏi ý chí phấn đấu.
Vừa qua thì Quế Trân, Trọng Phúc có hai vai diễn rất hay trong vỡ Chiến Binh, chào mừng 40 năm ngày thống nhất đất nước, đó là điều đáng mừng" - NSƯT Thoại Mỹ hy vọng những đề án dành cho sân khấu cải lương phải thực hiện được một cuộc đổi mới trong diễn xuất, trong dàn cổ nhạc để đưa sân khấu cải lương đi vào thời đại của chất lượng nghệ thuật.
Hoàng Thuận
Nguồn tin: Báo sân khấu