Đệ nhất anh hùng lưu diễn - "Bà bầu...một cục"
Nghệ sĩ cải lương Kim Chưởng giã từ nghiệp cầm ca sau ngày giải phóng ít lâu. Nay bà là thành viên Ban Ái hữu - Hội Nghệ sĩ TP.HCM, nơi qui tụ hầu hết là nghệ sĩ cao tuổi, tình nguyện làm công tác cứu trợ cho đồng nghiệp già neo đơn.
Năm nay đã ngoài tám mươi, tuy bệnh thấp khớp đi đứng khó khăn, nhưng bà vẫn sốt sắng đến dự các cuộc họp của Hội. Khi bàn chuyện giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của nghệ sĩ nào đó, là dịp được nghe bà xác nhận các đương sự - là kép này, đào kia hát cho gánh của bầu X rồi sang bầu T, sau đó qua gánh bầu S... v.v... Bởi thời gian đó, gánh hát bảng hiệu Kim Chưởng thu hút nhiều tài năng trẻ do một bà bầu điều khiển, dám lưu diễn khắp nơi nhờ tài lèo lái của bà. Đồng nghiệp và khán giả tặng cho biệt danh “Đệ nhất anh hùng lưu diễn”. Bà xuất hiện lần đầu, đóng “NaTra lóc thịt” trên sân khấu “Tân Thiếu Niên” lấp lánh tên tuổi, sau đó hát chánh ở các đoàn “Văn Hí Ban” (Chín Nghĩa), “Tận Xuân” (Tư Hélène), “Tân Tiến” (cô giáo Lựu), rồi làm dâu gánh hát bội “Bầu Bòn”... lần lượt qua nhiều gánh cải lương khác rồi cùng với Út Trà Ôn, Thanh Tao và Thúy Nga lập đoàn “Kim Thanh” (1955). Vốn nghề nghiệp đã vững vàng, “Tôi vẫn chưa thỏa mãn lắm với cách dàn dựng cũng như sự hướng dẫn của các vị đạo diễn... nhất quyết phải có đoàn hát tự mình làm chủ, mới có thể điều hành theo ý mình một sân khấu tiêu biểu nhất, lý tưởng nhất” (trích Hồi ký- Chương Làm Bầu) và bảng hiệu “Kim Chưởng - Thanh Hương” ra đời, có nữ đạo diễn duy nhất không qua trường lớp mà dựng tuồng nào cũng ăn khách. Bà kể lại chuyện làm “thầy tuồng” (đạo diễn): Nghệ sĩ diễn chưa tới, bà uốn nắn - thị phạm kèm cặp riết cho đến khi diễn “coi được”, không để khán giả chê nghệ sĩ ca hát và diễn hời hợt. Có lần kép chánh mất sức vì cả ngày đánh bài, tối ra hát uể oải, hôm sau họp đoàn, bà nói thẳng: “Tối qua, tan hát, khán giả nói mất tiền còn thêm buồn ngủ, vì nghe ca cẩm chán quá. Anh chị em nghệ sĩ phải nhớ rằng, khán giả bỏ đồng tiền, công sức lao động của họ ra mua vé, thì chúng ta cũng phải đổ mồ hôi ra diễn, tính trên tiền bán vé mới sòng phẳng với câu “tiền trao cháo múc”. Tôi không nói oan cho cậu C đâu, tôi biểu các em trà trộn, đeo theo khán giả khi vãn hát, để nghe họ bàn tán khen chê ra sao về thuật lại hết cho tôi”. Đào kép nhìn nhau, giật mình bởi bà bầu “nói có sách mách có chứng”...
NS Kim Chưởng và NSND Phùng Há trong ngày giỗ Tổ
sân khấu Cải lương Ảnh: Thanh Hiệp
Kinh nghiệm của nghiệp làm bầu phải hiểu tâm lý nghệ sĩ, bà đúc kết: Nghệ sĩ là người dễ “động lòng” và cũng tự ái đầy mình. Nặng nhẹ một chút là thành chuyện và cũng rất nhiều tật. Trước khi thành danh, lúc còn đứng “cánh gà” thì dễ thương, quan hệ đúng mực với mọi người, khi tên tuổi “sáng lên” rất ít người giữ được cung cách vốn có. Thêm nảy sinh lắm bệnh, bây giờ gọi là “ngôi sao”, thường xuyên uốn éo, làm điệu, làm giá... Ngày trước có “contrat” (hợp đồng) xiết chặt, không như bây giờ có hợp đồng cũng tìm cách “vặn nài, bẻ ống”. Mặt khác, quản lý nghệ sĩ phải hiểu và thông cảm cái tật của từng người, say mê gì đó, thí dụ như có lần đến giờ hát, chuông rung chuẩn bị kéo màn phải cho người ra quán hối thúc kép T.Đ đang thục bi-da cá độ. Lầnkhác cũng anh kép này khoái chơi xe hơi, hễ có xe đời mới là đổi liền, mà đổi xe mới phải bù thêm tiền, lại đang giờ sắp mở màn, anh ta xộc đến cười duyên mượn tiền đổi xe, vậy là bầu... miệng chắc lưỡi, tay móc hầu bao ra để tránh hệ lụy dây dưa. Phần đông nghệ sĩ trước đây quen sống theo gánh hát lớn nhỏ bềnh bồng, trôi nổi như dân du mục, có được chút ít tiền là tiêu xài kiểu “nghệ sĩ,” thường mượn nợ để xài, lại thêm máu đỏ đen, có trường hợp nhờ bàn đèn tối ca ngâm mới ngọt, nên rất ít người xoay sở tạo lập chỗ nương thân về già... Bây giờ nghe tin người này, người kia bệnh tình mà hoàn cảnh khó khăn, rất cần được Ban Ái Hữu vận động giúp đỡ, bà móc túi đếm tiền “góp chút ít” an ủi bạn nghề. Mà lần nào cũng vậy...
Biệt danh thứ 2 của nghệ sĩ Kim Chưởng là của các soạn giả hoạt động cách mạng ở nội thành đặt cho: “Bà Bầu một cục”, cái tên nghe quá đỗi mộc mạc, nhưng đầy tình cảm và lòng kính trọng. Chế độ Ngô Đình Diệm cũng như sau Diệm bắt bớ, truy lùng những người kháng chiến cũ, nên số soạn giả từ chiến khu về tìm cách ẩn mình vào các gánh hát làm người viết tuồng, xếp chỗ để kiếm cơm và hoạt động bí mật và họ đến với bà bầu Kim Chưởng trong quan hệ “chuyện ai làm nấy biết”. Kể lại chuyện này, một tay bà áp lên ngực, giọng sang sảng: “Nói vậy chớ cũng sợ lắm khi đám “an ninh” kéo đến xoi mói, nhưng nghĩ đến anh em dấn thân sống chết đấu tranh, còn mình không đủ gan thì im lặng, vờ không biết để “che chắn”, còn rủi ro có chuyện gì xảy ra chừng đó hãy tính”... rồi bà bật cười. Soạn giả Thanh Cao nhắc lại, có lần mật vụ truy gắt phải chạy khỏi thành phố “lặn” thiệt lâu, nhân dịp tạt về thăm nhà, trong túi lại hết tiền, nghe Kim Chưởng hát gần đó liền đến gặp bà bầu, chưa kịp chào hỏi bà mở giỏ sách rút ra một cục gói bằng nhựt trình, dúi vào tay nói liền “tiền tuồng của anh đầy đủ trong cái cục đó”... Về nhà mở “cục” ra coi, có mảnh giấy ghi tuồng hát đêm nào, ở đâu, “rờ-sết” (doanh thu) bao nhiêu, 6% tiền tuồng tổng cộng các đêm hát thành... số tiền khá quá. “Cục” tiền tuồng là cách bà nghĩ ra, để khi anh em ở “trỏng” (chiến khu) bất chợt đến thì giao liền, tránh rủi ro cho cả hai bên ở ngay chốn “tai vách mạch rừng”. “Cục” tiền tuồng thể hiện chữ “tín” của bà với soạn giả và thường nhắc nhở đào kép biểu diễn không đúng với lời văn kịch bản, cứ nghĩ, một đằng gò lưng viết cho thiệt mùi mẫn, một đàng lơ đãng hát không đúng, là không tôn trọng nhau rồi. Sư phụ Mộng Vân thường nói khi tôi còn đứng hát trên sân khấu “Mày hát tuồng tao, tao yên tâm lắm, không bỏ sót một chữ, không dư thừa một lời”.
Một đời cống hiến nghệ thuật trên 50 năm tuổi nghề, từ tuổi thiếu nhi đến lúc làm đào chính, rồi lập gánh làm bầu, kiêm luôn thầy tuồng (đạo diễn) đào tạo lớp kế cận cho đến tuổi nghỉ hưu, vẫn núm níu đa đoan với công tác “Ái hữu” nghệ sĩ, là chân dung đẹp của nữ NSUT - Bà Bầu, Bà Bảy, Cô Bảy Kim Chưởng đã được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương chống Mỹ hạng Nhất”.
MINH TRỊ (Đất Mũi cuối tuần)