Ghé thăm NSƯT Thanh Hùng trong một căn nhà cấp 4, nằm sâu trong con hẻm nhỏ của phường 6, TP. Mỹ Tho. Chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động. Từng là lãnh đạo một số đơn vị cải lương nhà nước ở TP. HCM. Rồi lãnh đạo sở VHTT – Tiền Giang, mới đó mà giờ đây ông đã qua “thất thập cổ lai hy” ngồi trên chiếc xe lăn, và giọng nói không còn tròn vành rõ chữ…
THEO CẢI LƯƠNG - GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG
NSUT Thanh Hùng tên thật Nguyễn Công Phúc, sinh tại xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (1940). Khi còn là học sinh, Phúc đã có tinh thần văn nghệ, học tân nhạc và cả nhạc Tài tử - Cải lương. Nhờ có vóc dáng trung trung, gương mặt khá điển trai và có làn hơi, chất giọng trầm ấm nên hồi học ở trường, ông là một ''cây” văn nghệ. Ông thường tìm kiếm những kịch ngắn, trích đoạn Cải lương tuồng sử như Lê Lợi khởi nghĩa, Lê Lai cứu chúa, Bình Tây Đại Nguyên soái... có nội dung tinh thần yêu nước để dàn dụng cho bạn bè biểu diễn.
Vốn yêu nước, khi học xong trung học đệ nhất cấp, Phúc không lên tỉnh học đệ nhị mà theo một đoàn Văn công ở Cần Thơ (của Cách mạng - 1958). Hoạt động được một thời gian ngắn, đoàn này bị giặc vây bắt và sau đó tan rã, còn Phúc thì chạy lên Sài Gòn. Đầu tiên Phúc vào gánh Cải lương Mai Thanh do soạn giả Phạm trần (con rể của soạn giả Trần Hữu trang) hướng dẫn, lúc này anh hát kép nhì. Tại đây, anh gặp được thầy tuồng là Điêu Huyền và được ông đặt cho nghệ danh Thanh Hùng (1960). Ngay từ buổi đầu vào gánh hát, Thanh Hùng gặp được Phạm Trần là cán bộ Cách mạng nội thành, nên giác ngộ Cách mạng cùng với thời gian vào Cải lương chuyên nghiệp. Kế đó, Thanh Hùng về gánh Thủ Đô, rồi Thống Nhất (út Trà Ôn - Hoàng Giang) anh hát kép nhì trong những vở: Đắc Kỷ thọ hình, Khoét mặt Khương Hoàng Hậu, Đẹp duyên chùa Tháp, Mắt em là bể oan cừu... Năm 1962, NS Ngọc Hoa lập gánh Cải lương Ngọc Hoa và mời NS Thanh Hùng sang hát chánh, đúp vai với NS Thanh Tao. Tại đây, NS Thanh Hùng lại gặp soạn giả Phi Hùng vừa là cơ sở Cách mạng, vừa là soạn giả thường trực của đoàn. Chính trên sân khấu này, NS Thanh Hùng và Ngọc Hoa yêu nhau và được soạn giả Phi Hùng đứng ra mai mối. NS Ngọc Hoa tên thật là Võ Thị Ngọc Hoa, sinh năm 1943, tại Thị xã Gò Công - Tiền Giang. NS Ngọc Hoa đi hát từ năm 1957, ban đầu học nghề và hát đào con ở gánh Cải lương Nam Phong của gia đình NS Bảy Nam. Năm 1963, NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa sang hát cho Kim Chung gần hai năm, vừa là đào kép hát, vừa là cơ sở hoạt động Cách mạng nội thành. Đến đầu năm 1965, cục diện tình hình Sài Gòn có nhiều biến động, mật vụ theo dõi rất gắt gao, NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa cũng nằm trong danh sách bị theo dõi nên soạn giả Mai Quân và Phi Hùng bàn kế hoạch đưa NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa vào chiến khu Củ Chi.
Những ngày sau đó , NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa được phân công về đoàn Văn công Sài Gòn - Gia Định, và đoàn tổ chức biểu diễn ra mắt, phục vụ quân - dân vùng Địa Đạo Củ Chi. Đó là đêm diễn đầu tiên trong chiến khu, NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa rất được khán giả ở đó mến mộ và tiếp đón nồng nhiệt. Có một vài khán giả ngạc nhiên khi thấy NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa. Bởi họ đã có dịp xem đôi nghệ sĩ này hát trên sân khấu Kim Chung ở Sài Gòn cách đó vài tháng, bây giờ lại gặp tại sân khấu Cách mạng.
ĐÔI SƠN CA TRÊN ĐÀI PHÁT THANH GIẢI PHÓNG
Sau khi vào chiến khu Củ Chi, cuối năm đó NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa được chuyển qua đoàn Văn công Giải Phóng (R), là đơn vị nghệ thuật tổng hợp phục vụ bộ đội và nhân dân vùng giải phóng thuộc khu vực chiến trường miền Đông Nam bộ.
Xuân Mậu Thân (1968), NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa được điều động về Đài phát thanh Giải phóng (CP 90 - Hà Nội), làm diễn viên chánh. NS Thanh Hùng phụ trách tổ ca nhạc Cải lương, lúc đó có NS Kim Hà, Ngọc Mai, Thanh Vũ, Thanh Mộng, sau đó có Thanh Hải (là NSƯT- nhạc sĩ thanh Hải bây giờ). Ngoài công việc thu và phát sóng các chương trình ca nhạc Cải lương thường xuyên của Đài, lực lượng văn nghệ của Đài còn biểu diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ bộ đội và nhân dân ở các tỉnh khu vực miền Bắc, Khu V và chiến trường BI.
Ngoài ra, NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa còn hát chánh các vở Cải lương (vừa sàn diễn và phát thanh) như ''Rừng cao su nhuộm máu'' của soạn giả Mai Quân, ''Trong lửa đỏ'' của soạn giả Trần Ngọc. Đặc biệt là vở ''Bạo chúa'' của soạn giả Lê Duy Hạnh, NS Thanh Hùng vai A Ly Kha, NS Ngọc Hoa vai Yên Ly, do đạo diễn Lưu Chi Lăng dàn dựng cuối năm 1974. Vở được trình diễn nhiều suất tại Hà Nội, phục vụ cho các lãnh đạo Trung ương, các đơn vị nghệ thuật miền Bắc, là vở diễn gây rung động lòng khán giả cả miền Bắc lúc bấy giờ về phong cách và nội dung mới, nghệ sĩ ca diễn hay. Vở '' Bạo chúa'' còn được biểu diễn ngay đêm 30.04.1975 tại TP. Đà Nẵng, được khán giả ở đó đón nhận rất nồng nhiệt. Có thể nói, suốt thời gian từ 1968 - 1975, Giọng ca của NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa rất quen thuộc với thính giả (quân -dân) cả nước, như đại biểu của dòng Vọng cổ Cách mạng...
Cũng trong thời gian này, NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa được vinh dự đi dự Đại Hội thanh Niên Thế Giới tại Bungary (1968); được biểu diễn phục vụ cho Bác Hồ và các lãnh đạo Trung ương xem vào Tết 1969. NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa không cầm được xúc động và đã khóc, vì hai người được vào tận nhà sàn thăm Bác Hồ, rồi cùng dìu Bác ra hội trường xem biểu diễn. NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa được Bác ân cần thăm hỏi về chuyện nghề, chuyện đời, khen ca hay và Bác động viên phát huy hơn nữa. Rồi Bác cầm tay hai người cùng ngồi gần bên Bác, trên hàng ghế vinh dự còn có các vị lãnh đạo: Bác Tôn, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Không ngờ cũng trong năm đó Bác đã ra đi... Sau này, mỗi khi kể lại, đến đoạn này thì NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa nói chầm chậm từng tiếng trong nấc nghẹn. Họ không khóc mà nước mắt lưng tròng!...
(còn tiếp)
NGHỆ THUẬT CA CỦA THANH HÙNG – NGỌC HOA
Hai nghệ sĩ đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất với bạn nghe đài, qua phong cách ca đài mới lạ so với Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh quân đội (Sài Gôn) lúc bấy giờ. Dường như từ giai đoạn này, NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa đã sáng tạo một phong cách ca đài rất riêng, mà sau này nhiều nghệ sĩ trong kháng chiến hoặc vùng giải phóng chịu ảnh hưởng. Đó là phong cách ca với lối tự sự, vừa trữ tình, các ca từ được trau chuốt hơn, âm giọng luôn hướng đến sự ngân dài làn hơi cho mùi mẫn. Cuối khuôn nhịp hoặc cuối câu, NS Thanh Hùng thường ''hơ'' theo giọng gió rồi ngân nhẹ tạo sức truyền cảm đặc biệt đến người nghe; lúc gằn giọng, nhấn trọng âm thể hiện ở những ca từ có tính cách khí khái, hào hùng như trong bài Vọng cổ ''Đậm Tình Quê Mẹ'' của TG: Hồng Quân ''Hờ...hơ, hơ, ơ... Ai qua lộ Bốn về chốn Ba Dừa, thấy chăng tàu chuối đong đũa, đậm tình quê mẹ... Hờ, hơ, hơ, ơ... là giờ ta tiến công...” trong bài ''Tiếng Chân Em Bước Qua Cầu'' của TG: Châu Thanh ''Hờ... hơ, hơi ơ... Lắc lơ mấy nhip cầu tre, cầu tre mấy nhip... ờ, hờ, hơ, hơ, ơ... mà đi trăm miền..” Đặc biệt là kiểu buông hơi êm giống như lấy hơi lén, ngắt giọng rồi bỏ nhỏ chè qua nhịp kế tiếp (khác với cách chẻ nhịp của NSND út Trà Ôn). Cách láy hơi, chè nhịp, ngân giọng kiểu đó của nghệ sĩ Thanh Hùng cho đến bây giờ còn nhiều người mến mộ, và lối xử lý hơi giọng như thế rát gần gũi với một số nghệ nhân Tài tử sành điệu.
Nghệ thuật ca ngâm của NS Thanh Hùng rất thu hút người nghe, với kỹ thuật thanh đới, âm lượng đều đặn và xuống ''Hò' êm dịu, ngọt ngào như rất mát vào tai người... NS Ngọc Hoa cũng ca theo phong cách của NS Thanh Hùng, nhưng bà vốn chất giọng ''Kim lai'' nên âm sắc có phần bay bổng so với âm sắc của Thanh Hùng trầm ấm (giọng Thổ pha). Thêm vào đó, giọng NS Ngọc Hoa luôn có độ vang nên lúc nào cũng trẻ trung khi tuổi về chiều. Song, bà không cất cao ca cấn mà ca theo kiểu buông hơi ngang, âm sắc đều đều và xuống ''Xề'' rất độc như buộc người nghe phải mềm lòng theo cách xuống giọng này ''Hoa phượng đỏ như máu tim em ép vào trang sách, như tình yêu đỏ mắt mong... chờ..." (Hoa phượng đợi chờ, TG: Lê Duy Hạnh). Lúc đó những bài Vọng cổ nổi tiếng, NS Thanh Hùng ca đi vào lòng người đến nổi nhiều người thuộc lòng lời ca; các bài ông đơn ca như Đậm tình quê mẹ (của TG: Hồng Quân), Nguyễn Văn Trỗi, Chiến công Võ Thi Thắng... NS Ngọc Hoa đơn ca những bài: Hoa phượng đợi chờ, Tấm lòng người chị lớn, Gới gió mùa Xuân, Em hát tặng anh bài ca... NS Thanh Hùng - Ngọc Ho song ca những bài: Tiếng sóng biển tiếng quê hương, Tiếng chân em bước qua cầu (của TG: Châu Thanh), Bài ca địa đạo (của NS Thanh Hùng sáng tác), Hoa ôi Môi, Đôi chim chiền chiện...
ngocanh - cailuongvietnam (Theo Báo sân khấu)