1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    CÓ LẼ KHI NÓI ĐẾN DANH HIỆU ”ĐỆ NHẤT DANH CA VỌNG CỔ” AI CŨNG BIẾT ĐÓ LÀ CỐ NSND ÚT TRÀ ÔN. MỘT GIỌNG CA NHƯ TIẾNG CHUÔNG ĐỒNG NGÂN VANG TỪ HÔN NỮA THẾ KỶ QUA RỒI MÀ GIỜ ĐÂY VẪN CÒN ĐỌNG LẠI.

    KHÔNG BIẾT BAO LÀ GIỌNG CA SAU ĐÓ BỊ ẢNH HƯỞNG HƠI GIỌNG CỦA NSND ÚT TRÀ ÔN, TỪ CA TÀI TỬ ĐẾN CẢI LƯƠNG CHUYÊN NGHIỆP KẾ THỪA ÔNG, NHƯNG CHƯA AI CÓ THỂ THAY THẾ ĐƯỢC LÀN HƠI CHẤT GIỌNG CỦA ÔNG; MẶC DÙ MỘT SỐ NGHỆ NHÂN, NGHỆ SĨ NỔI TIẾNG NHƯ NSUT PHƯƠNG QUANG, ÚT RẠCH GIÁ (BẾN TRE), ÚT TRÀ VINH, ÚT XỊ (TIỀN GIANG), ÚT BÉ (LONG AN), ÚT NGHIỆM (TÂY NINH)…

    NSND ÚT TRÀ ÔN Đà TẠ THẾ HƠN 10 NĂM (2001), NHƯNG NHẮC ĐẾN ÔNG KHÁN GIẢ, THÍNH GIẢ CAO NIÊN VẪN NHỚ ĐẾN ÔNG CÒ HƯƠNG (CẢNH SÁT TRƯỞNG) TRONG ”TUYỆT TÌNH CA” VÀ GIỌNG CA VÀNG QUA HÀNG LOẠT BÀI VỌNG CỔ CỦA SOẠN GIẢ VIỄN CHÂU (NSND BẢY BÁ); TRONG ĐÓ CÓ BÀI ”ĐÀI HOA DÂNG BÁC” CỦA TRẦN NAM DÂN SAU NĂM 1975.




    ĐƯỜNG VÀO NGHỆ THUẬT.
    Cố NSND Út Trà Ôn tên thật là Nguyễn Thành Út, sinh năm 1918, tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ông xuất thân từ gia đình nông dân và từ nhỏ ông đã mê Đờn ca tài tử tự học lóm bạn bè, dĩa hát mà không có thầy nào chỉ dạy chánh thức. Nhưng lới xóm ai cũng biết ông ca Vọng cổ là số 1 trong vùng, nên nhiều người động viên ông theo gánh hát để khỏi phải làm ruộng vất vả.
    Một hôm có gánh cải lương Tiến Hóa của bầu Trúc Viên từ Sa Đéc qua Trà Ôn diễn, ông Út gặp ông bầu và xin theo gánh hát.

    Ban đầu bầu Trúc Viên nhìn dáng vóc lao động, da sạm nắng của ông Út, bầu Trúc Viên không nhận và nói với tập thể gánh là ”Thằng đó mà sao hát kép được, tướng tá không ăn khách đâu” . Nhưng hôm sau ông Út vẫn đến gánh hát chơi và xin ca thử (lúc gánh đờn ca chơi) và ông ca xong mọi người ngạc nhiên; lúc đó bầu Trúc Viên đang nằn võng gần đó nghe ông Út ca, chạy lại nghe và nói với mọi người ”Tôi lầm rồi, chút nữa là bỏ lỡ một tài năng, giọng ca cậu này trong gánh mình không ai qua được đâu”… Thế là sau đó ông Út theo gánh Tiến Hóa, đó cũng là sự khởi đầu cho sự nghiệp cải lương chuyên nghiệp của ông.

    Năm ấy, khi tôi đến nhà riêng của ông để thực hiện bài Báo Xuân năm 1999 thì ông đã ứ tuổi, nên hững hoạt động nghệ thuật của ông có lúc nhớ lúc quên. Ông chỉ nhớ là theo cải lương năm 19 tuổi, vào gánh Tiến Hóa vài tháng là ông hát| kép chánh, vai đầu tiên là Tào Tháo trong Tào Tháo dâng đao, kế đó là vai Mã Khắc Sinh trong Mắt em là bể oan cừu, rồi đến Yên Ly Sơn trong Giọt lệ chinh phu (hồi đó một vở diễn ăn khách đến mấy năm).

    Sau đó, ông về hát kép chánh cho gánh ”Thủ Đô” của bầu Ba Bản, và vai nổi tiếng nhất giai đoạn này là Thái tử lưng gù trong Một tình tan vỡ. Năm 1954, ông được báo chí kịch trường bầu chọn là ”Diễn viên ca hay nhất”. Khi ông rời gánh Thủ Đô, rồi lập gánh Thống Nhất (làm bầu và hát kép chánh), kế đó ông hát chánh cho nhiếu gánh khác nữa, khó mà thống kê và lúc này ông không thể nào nhớ được khi tuổi bước vào bát tuần.

    Theo hồi ký của tác giả Trương Bỉnh Tòng, cuối năm 1959, NSND Út Trà Ôn nhận lời mời của ông Ba Bản - chủ hãng dĩa Hoành Sơn cùng cô NSND Ba Vân thành lập gánh cải lương Thủ Đô. Kế đến ông cùng Thúy Nga, Kim Chưởng, Thanh Tao thành lập gánh Kim Thanh - Út Trà Ôn. Thời kỳ này gánh Kim Thanh - Út Trà Ôn là một trong những gánh nổi đình nổi đám ở Sài Gòn, và tên tuổi NSND Út Trà Ôn càng rực sáng. Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20 NSND Út Trà Ôn được giới mộ điệu và báo chí đã phong tặng ông danh hiệu ”Đẹ nhất danh ca”.

    Đầu năm 1960, đoàn Kim Thanh - Út Trà Ôn tan rã, ông trở lại gánh Thanh Minh, nhưng không bao lâu, ông cùng Hoàng Giang đứng ra lập gánh ”Thống Nhất” được vài năm rồi cũng giải tán. Đến năm 1963 NS Út Trà Ôn được ông bầu Xuân của gánh Dạ Lý Hương mời về hợp tác. Trên sân khấu Dạ Lý Hương, ông và một số nghệ sĩ thời đó đã làm chấn động Sân khấu cải lương Sài Gòn bằng vở ”Tuyệt tình ca” của Hoa Phượng – Ngọc Điệp.

    ”ÔNG CÒ” TRONG ”TUYỆT TÌNH CA”
    NSND Út Trà Ôn trước khi về gánh Dạ Lý Hương, ông đã có nhiều vai chánh như đã nói trên, nhưng có lẽ đến vao ông Cò (Cảnh sát trưởng quận 9) thì mới thật sự là vai để đời của ông về cả ca diễn tạo một dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử cải lương mà những khán – thính giả cao niên hẳn còn nhớ đến, dù ngót nửa thế kỷ trôi qua.

    Hồi đó tôi không được may mắn xem NSND Út Trà Ôn diễn vai này trên sân khấu, nhưng tôi được nghe Đài phát thanh Sài Gòn phát vở ”Tuyệt tình ca” trong chương trình cải lương truyền thanh vào tối thứ 7 hàng tuần, lúc đó vào khoảng năm 1967-1968. Đại để là từ cốt truyện: Ông giáo Hương (NSND Út Trà Ôn) từ Mỹ Tho chuyển về dạy học ở tỉnh Vĩnh Long. Ông Hương đã có vợ con trước ở Mỹ Tho, nhưng khi về Vĩnh Long ông lại được lòng một bạn đồng nghiệp là cô giáo Lê Thị Lan (NS Hồng Nga), và ông có với cô giáo Lan hai người con tên là Lê Thị Trường An (NSND Bạch Tuyết) và Lê Long Hồ (NSUT Thanh Sang). Sau đó vì chuyện gia đình ông Hương phải về lại Mỹ Tho, vì chiến tranh ông không trở lại Vĩnh Long nữa nên mất liên lạc với cô giáo Lan.

    Hơn hai mươi năm sau, gia đình ông Hương sống ở Sài Gòn và bây giờ ông làm cảnh sát trưởng quận 9. Tuy vậy, gia đình ông cũng không mấy hạnh phúc, bà vợ (NS Mai Lan) thì cờ bạc, còn con trai lớn là Nhân (NS Hùng Cường) chỉ đua đòi ăn chơi, bỏ bê việc học. Nhân lại yêu Thoa là thư ký riêng của ông Sa (NS Tư Rọm) bạn của ông Cò. Trong khi đó Thoa lại là vợ nhỏ của ông Sa. Vì vậy bà Sa ghen, một lần bà theo dõi và bắt gặp ông Sa ở nhà riêng với Thoa (nhà ông Sa thuê), bà Thoa đưa Thoa đến bót cảng sát thì gặp ông Cò…Ban đầu thì ông Cò không nhận biết Thoa chính là Lê Thị Trường An con gái thất lạc của mình hơn 20 năm, nhưng qua điều tra lai lịch thì ông biết An là con gái mình nhưng chưa dám nhận.

    Kế đó là Lê Long Hồ (em trai của An) đến bót cảnh sát tìm chị, khi biết An phạm tội là một cô gái giang hồ thì anh tức giận bỏ về nhà. Sau đó ông Hương được An đưa ông Hương về gặp cô giáo Lan, lúc bà đang bị bệnh nặng. Vợ chồng, cha con trùng phùng trong một hoàn cảnh đầy trái ngang, nghiệt ngã... Vỡ diễn đến đó kết thúc theo kiểu bỏ ngỏ, hay còn gọi là kết lửng để khán giả tùy suy đoán. Và có lẽ đây là lớp hay nhất của vở, cũng là lớp mà tạo nhiều điều kiện để NSND Út Trà Ôn biểu đạt tài năng ca diễn của ông.

    Nhưng nhìn chung toàn vở, vai ông Cò đã điểm xuyết toàn chuỗi nhân vật, mặc dù từng nhân vật mỗi người một vẻ hay riêng. Sau năm 1975, vở được thu lại băng cassette, có một vài vai thay nghệ sĩ khác, nhưng nhân vật chính ông Cò- Cảnh sát trưởng vẫn là NSND Út Trà Ôn , kỹ thuật ca ngâm đầy tâm trạng, biểu đạt nội tâm bằng âm giọng vẫn phong độ như trước. Hầu như đây là vai diễn tuyệt vời nhất của ông Út, bởi thêm vào đó là tác giả xây dựng nhân vật theo kiểu ”đo ni đóng giày”.

    Một số soạn giả và nghệ sĩ cao niên kể, lúc đó NSND Út Trà Ôn tuổi đã vào hàng ngũ tuần, nên không thể cạnh tranh vai chánh với những kép trẻ đương thời như Thành Được, Hùng Cường, Thanh Hải, Dũng Thanh Lâm,…Nên có lần NSND Út Trà Ôn tâm sự với soạn giả Hoa Phượng như vậy. Hoa Phượng nói: ”Anh Mười yên tâm, để em ”dọn” – viết cho anh vai vừa tầm vừa sức của anh là anh nổi lên liền…” Quả thật như vậy, từng đoạn lớp trong kịch bản được tác giả chăm chút rất chu đáo và cộng với tài năng của ông Út, chỉ nghe ông ca thôi người nghe cũng có thể hình dung – mường tưởng được lối diễn đầy tâm trạng của ông.

    Ngay ở lớp đầu ông Cò hối hận, khi ông phân bua với người vợ lớn, ông Út ca với tâm trạng não nuột: ”Mỗi lần thấy bông ô môi điểm hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng tôm rộn rã đón xuân sang, mỗi lần về ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An là mỗi lần tôi nhớ đến màu xuân của đầu năm binh lửa. Nhớ đến dang người vợ trẻ đã chèo suồng qua sông Mỹ Thuận để đưa tôi rời tỉnh Long…Hồ…Phải đâu khi thuyền vừa tách bến sông là tôi đã chấm dứt tình thâm phụ tử”.(Vọng cổ câu 1).

    Rồi ông diễn nội tâm, nói trong ca và ca trong nói: ”Chỉ tội nghiệp cho hai đứa kia không biết nó sống chết ra sao, sống có được ấm no, chết có được yên mồ mã. Trong khi ba của nó lên xe xuống ngựa, một cũng ông Cò hai cũng ông Cò…Ôi, ông Cò cũng là người cầm cân nẩy mực nhưng đối với các con tôi lại có sự bất công. Quận này tôi có trách nhiệm vụ giữ trật tự an ninh mà trong lòng tôi lại không có an ninh trật tự…”

    Tâm lý nhân vật được ông bộc lộ qua giọng ca nhấn nhá từng ca từ, gằn giọng nghe như nghèn nghẹn làm xao lòng khán – thính giả. Đến lớp hay nhất là ở cuối vở, ông Cò đến thăm bà Lan, có mặt cả An và Hồ là cuộc tái ngộ đầy nước mắt như chính ông Cò lại phải thêm một lần đối diện đau xót với lương tâm.

    Khi nhắc đến cuộc chia tay ngày trước giữa ông Hương và bà Lan, thêm một lần ông Út ca câu Vọng cổ biểu đạt trạng thái bùi ngùi, với chất giọng ngọt ngào, mùi mẫn như rót mật vào tai người:

    Tôi đang đứng trước mặt mình đây. Tôi đứng đây mà tưởng như đang đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, khi mình quay suồng tách bến để trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rạt. Chiều đã xuống mặt Trường Giang bát ngát mà bóng người thương lẩn khuất giữa sông …đầy.

    ”ĐỆ NHẤT” GẶP NHAU
    Khi nói về, NSND Út Trà Ôn, nhiều thế hệ công chúng biết ông qua giọng ca hơn là vai diễn, và nghệ thuật ca ngâm của ông đã tạo ảnh hưởng đến khá nhiều giọng ca kế thừa khác chuyên viên và không chuyên viên qua mấy thế hệ. Mặc dù mội người đều có nét riêng để hình thành phong cách nghệ thuật chính mình; song, sự ảnh hưởng đó là kỷ thuật xử lý thanh đới trong buông hơi, nhả chữ xếp văn (ca từ), chẻ nhịp, ngân nga,…Đặc biệt nói đến ca vọng cổ của ông Út nổi nhất là vào thời hãng dĩa Asia.

    Lúc soạn giả Viễn Châu làm Giám đốc kỹ thuật – chuyên viết Vọng cổ cho NSND Út Trà Ôn ca (1961-1967). Đó là điều mà chúng tôi muốn nói đến, đệ nhất danh ca Út Trà Ôn gặp đệ nhất nhất thập lục huyền cầm Bảy Bá (đờn tranh), đệ nhất viết Vọng cổ Viễn Châu. Sau năm 1975, NSND Út Trà Ôn lại gặp thầy viết Vọng cổ Cách mạng Trần Nam Dân với bài Đài hoa dâng Bác.

    Cố NSND Út Trà Ôn có chất giọng ”đồng” chính cống, và khi ông ca cũng vậy, khôn lai không pha. Ông lại có làn hơi khoẻ mạnh, âm vực cao và rộng, âm điệu phong phú khi xử lý ngân nga các thanh điệu của ca từ (ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng). Kỹ thuật xử lý hơi, giọng của NSND Út Trà Ôn rất độc đáo, nổi bật nhất là cách buông hơi và chẻ nhịp.

    Có lẽ, ông nổi lên trong làng cổ nhạc từ bài Vọng cổ nhịp 16 ”Tôn Tẩn giả điên” vào cuối thập niên 40 đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Kiểu ngân kỷ thuật của ông Út là xử lý kỹ thuật cả hơi miệng và hơi mũi cùng kết hợp tạo thành hơi gió ”ớ…hơ và…ơ”. Đặc trưng của giọng ”đồng” là vừa âm vang, rổn rảng và vừa trầm ấm và khi ngân thì rất vang đối với những ca từ có thanh điệu dấu sắc, hỏi (Nam bộ thanh hỏi và ngã cùng một độ cao) và không dấu (thanh ngang). Ông Út ngân rất chắc và chuẩn để tạo ra cái ”ớ, hơ, ơ” đó.

    Trong bài ”Tôn Tẩn giả điên” có đoạn ”Ta chép cuốn binh thơ là để đánh dấu sau…cùng”, từ ”đánh dấu” hai âm tiết mang hai dấu sắc nằm liền nhau, vậy mà ông tách ra từng chữ để ngân khác nhau; ”đánh” ông ngân nhẹ tiết chế làn hơi chỉ một phần ba âm lượng, khép thành quản (ém giọng) chỉ ”hơ” bằng hơi mũi, đến dấu ông buông hai phần ba hơi và ngậm miệng lại ”hơ” bằng hơi bụng, ”sau” ông ngân ngang rồi xuống ”Hò” là chữ ”cùng”…một cách điệu nghệ và ngọt như rót mật vào tai người vậy!

    Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, NSND Út Trà Ôn lại khẳng định danh hiệu ”Đệ nhất” của ông hơn nữa, đó là giai đoạn ông ca hàng loạt bài Vọng cổ 6 câu – nhịp 32 của soạn giả Viễn Châu trên đài phát thanh và hãng đĩa Asia, như: Ông lão chèo đò, Tình anh bán chiếu, Trúc Lan Phương Tử, Gánh nước đêm trăng, Tần Quỳnh khóc bạn,…Kỹ thuật hơi – giọng càng sắc sảo hơn, ngoài việc xử lý buông hơi, sắp văn như nói trên, ông lại sáng tạo kiểu ngâm phong cách thơ Vân Tiên và bài vọng cổ Ông lão chèo đò của soạn giả Viễn Châu viết đậm đặc chất thơ Vân Tiên (bài có 6 đoạn Vân Tiên).

    Kỹ thuật buông hơi – ngâm giọng cũng là một nèt riêng của NSND Út Trà Ôn: ông buông hết tốc lực những điểm nhấn trọng âm, mà không phân biệt thanh điệu, kỹ thuật phần nhiều là xử lý hơi bụng, ngâm miệng mà ngâm thành âm ”ơ” làm cho chất ”Đồng” vang vang nghe âm điệu rất du dương làm mát tai người.

    Nếu như trong Ông lão chèo đò NSND Út Trà Ôn sáng tạo kỹ thuật hơi – giọng qua thơ Vân Tiên, thì ở bài Tình anh bán chiếu, ông lại có lối ”Hò…ơ” và dựng hơi Xuân trong Vọng cổ rất độc đáo. Lối hò…ơ, ông cũng buông hơi như kỹ thuật đã nói, nhưng ngân thì khác, ông lại dùng hơi miệng, tức thanh quản bị đóng lại, nên miệng dùng lưỡi ém xuống sát lợi mà ”hơ”, âm điệu bay bổng như đang dặt dìu trong gió; cuốn hút người nghe dù đang làm gì cũng dừng lại để chờ nghe ông xuống ”Hò” Vọng cổ; vì lối ”hơ” ấy dọn cảm xúc để xuống ”Hò”…

    Giữa câu 6 trước khi xuống ”Xề” còn 8 nhịp dứt bài, ông lại dựng hơi Xuân, âm giọng tràn ngập nổi niềm mang mác, qua âm giọng ”Đồng” du dương, văng vẳng ”…Tôi ngồi yên sau lái đôi mắt vẫn hướng về nẻo cũ vườn xưa (Về Vọng cổ), hỡi ơi con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã thì lệ của tôi cũng lai láng muôn dòng.”…

    Từ sau năm 1975, thính giả cà nước đều biết đến bài Vọng cổ Đài hoa dâng Bác của tác giả Trần Nam Dân do NSND Út Trà Ôn ca, là một kiệt tác để đời cả người sáng tác lẫn người ca. Ông Út thêm một lần nữa khẳng định ”ngôi vị” của mình, cho đến bây giờ chưa ai thế nỗi; làm phong phú thêm kỹ thuật về hơi – giọng, buông hơi lại tinh xảo và đặc biệt là chẻ nhịp sắc bén hơn trước đây nữa.

    Trong câu 1, ông buông hơi ”hơ” ở nhịp phụ mà không ”hơ” ở ở song lang chánh. ”Ôi thương biết mấy những ngọn sóng đại dương năm xưa từng tiễn đưa Bác và những viên gạch hồng (song lang) sưởi ấm Bác giữa mùa đông ”hơ”. Câu 4, câu 5 ông cũng đều sắp văn, chẻ nhịp ngoài song lang chánh …; hơi vẫn buông một cách thong thả, giọng ngân ở nhịp chẻ, âm giọng như bổng lên như tiếng chuông đồng vang vang…; sao khỏi làm say đắm lòng người cho được?...

    Cho đến bây giờ chưa có ai có thể sánh với giọng ca ông Út, biết rằng mỗi người có nét hay riêng. Có thể khẳng định rằng , NSND Út Trà Ôn mãi là Đệ nhất danh ca Vọng cổ.

    Đỗ Dũng
    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 3 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    DOHOANG (08-08-2012), romeo (08-08-2012), Thanh Hậu (08-08-2012)

  3. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Út Trà Ôn lớn tuổi hơn với Thanh Nga, Út Bạch Lan, Thanh Hương rất nhiều mà khi đóng cặp với mấy cô nghe rất hay và cảm nhận rất đẹp đôi !
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    Phong_Vũ (08-08-2012), romeo (08-08-2012)

ANH EM CHANNEL