Cải lương đang đi thụt lùi
Dù đã gần 10 năm trôi qua kể từ ngày UBND TP. Hồ Chí Minh đề ra chiến lược “Củng cố và nâng cấp nghệ thuật cải lương” thế nhưng đến nay, sân khấu (SK) cải lương vẫn chưa đi lên được một “cấp” nào, thậm chí còn có những bước thụt lùi đáng lo ngại.
Thực trạng buồn
Cải lương bây giờ toàn là vở cũ, xem đi xem lại cũng chỉ có bấy nhiêu. Nếu có vở mới thì nội dung vẫn chưa thoát khỏi mô-típ cũ rích, vừa xem mở đầu đã biết kết thúc... Kịch bản cải lương đang bị “kịch hóa”, đa số là “kịch có ca” chứ chưa đúng chất tự sự trữ tình của cải lương… Các nghệ sĩ cải lương không chuyên tâm với nghề, đã ít học hành lại còn lười luyện tập… - Đó là những điều được nói đến nhiều nhất trong buổi tọa đàm “Thực trạng sân khấu cải lương tại TP.Hồ Chí Minh” diễn ra mới đây.
Từ khi đổi mới, mở cửa hội nhập, đời sống SK cải lương ở TP.HCM có nhiều thay đổi, phải chịu những tác động mạnh của thị trường, của việc làm ăn thương mại. SK cải lương bị thả nổi, trôi theo thị hiếu nhất thời của một bộ phận người làm SK và khán giả. Trước diễn biến phức tạp ấy, UBND TP.HCM đã sớm nghĩ đến một chiến lược “Củng cố và nâng cấp SK cải lương”. Thế nhưng, sau một thời gian dài loay hoay khảo sát, nghiên cứu và tiến hành, đến nay người ta vẫn thấy SK cải lương chưa có thêm điều gì mới. Vẫn những kỹ thuật và nghệ thuật trình diễn cũ kỹ, không mang lại cho khán giả điều gì mới mẻ so với thời hoàng kim. Vẫn bối cảnh, kiểu cách trang trí SK được thể hiện từ cách đây hàng chục năm. Chất liệu thiết kế vẫn như ngày xưa. Nếu có đổi mới, hoành tráng thì lại vượt ra quá xa khuôn khổ SK nghệ thuật cổ truyền. Cơ sở hạ tầng cho trình diễn cải lương đã cũ và lạc hậu về mọi phương diện kỹ thuật thiết kế.
Đã thế, ca diễn của các diễn viên trẻ ngày nay thiếu hẳn dấu ấn phong cách cá nhân nghệ sĩ. Thiếu cá tính của chất giọng, của phương thức luyến láy độc đáo, thiếu các tố chất và kinh nghiệm dày dạn của một ngôi sao để chinh phục khán giả bằng tài năng riêng của mình. Theo
NSND Huỳnh Nga: “
Công chúng xa dần cải lương vì nghệ sĩ diễn không có lực”. Nghệ sĩ Huỳnh Nga cho biết: “Không ít kép chánh cải lương chỉ biết ca theo băng cassette chứ không học hành bài bản đàng hoàng. Khi lên SK thì đòi ca bài dễ, bắt sửa tuồng theo giọng của mình. Rồi vừa ngồi xe vừa đọc kịch bản để chạy sô, đeo máy nhắc tuồng vô lỗ tai, thế thì làm sao diễn có hồn. Chưa kể, họ còn hát nhép”. Vai trò của thầy tuồng (đạo diễn), thầy đờn (nhạc sĩ, nhạc công) giờ cũng rất mờ nhạt, không còn được quý trọng như ngày xưa. Đặc biệt đạo diễn kịch sang làm cải lương đã kịch hóa cải lương, đẩy cải lương xa rời tính chất tự sự, trữ tình vốn là thế mạnh, là đặc thù của SK ca kịch truyền thống…
Nói như ông
Lê Duy Hạnh - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM thì cải lương tuy chưa chết nhưng đang chựng lại sau một bước lùi dài.
Cách gì để vực dậy cải lương?
SK cải lương đã từng có thời rơi vào khủng hoảng (giai đoạn 1948 - 1950). Nhưng chỉ hơn chục năm sau đã phục hồi và bước vào thời hoà̀ng kim với các tên tuổi lớn Thanh Nga, Thành Được, Bạch Tuyết, Hùng Cường… Vì vậy, không có lý gì cải lương lại không thể vực dậy sau lần thụt lùi này. Theo ông Lê Duy Hạnh, để vực dậy SK không chỉ đơn giản là xây dựng thêm nhiều nhà hát, dàn dựng thêm nhiều vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao mà cần phải có một chiến lược dài hơi và đồng bộ để cải thiện hiện trạng, đưa SK cải lương không chỉ đến với công chúng truyền thống mà còn đến với công chúng trẻ, công chúng tương lai gồm nhiều thành phần trí thức, sinh viên, học sinh.
Đã một thời gian dài, những người làm cải lương quên mất việc hoạch định chiến lược đào tạo đội ngũ kế thừa, từ tác giả, đạo diễn, cho đến diễn viên, nhạc sĩ - đàn. Một trong những mục tiêu đào tạo là tạo dựng được một số đạo diễn chuyên nghiệp cải lương (xin nhấn mạnh hai tiếng cải lương). Việc đào tạo đội ngũ kế thừa phải được làm đồng bộ và thường xuyên, nếu không mai này cải lương vẫn khó tránh khỏi tình trạng “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”.
NSƯT Trần Minh Ngọc thì cho rằng chúng ta phải có những bước đi làm tăng thực lực nội sinh cho SK cải lương, nghĩa là phải làm cho SK cải lương đủ vững vàng để dung nạp được tất cả các yếu tố bên ngoài mà vẫn không mất đi bản sắc. Muốn được như vậy phải tìm ra những giá trị truyền thống cốt lõi để gìn giữ, không cho nó mai một đi. Thực tế là có một bộ phận công chúng trẻ rất yêu thích cải lương nhưng không dám tiếp cận vì sợ bị chê là “sến”, là “quê”. Nghĩa là chúng ta không nâng được ý thức của công chúng về nghệ thuật dân tộc, khác hẳn với phương Tây luôn đề cao vấn đề này từ khi còn bé. Thêm vào đó, họ yêu cải lương nhưng phải là một SK cải lương hiện đại, gần với họ, đáp ứng được những sở thích trẻ trung của họ. Cần phải có sự thay đổi căn bản để vực dậy một nghệ thuật có cội nguồn dân tộc sao cho nó không xa rời cuộc sống hiện đại.
Có thể nói, thực trạng SK cải lương cho thấy bộn bề công việc phải làm, phải chấn chỉnh. Không khó để đề ra một chiến lược căn cơ nhằm củng cố và nâng cấp cải lương nhưng cái khó là biến chiến lược đó thành hành động.
Mỹ Lâm ( Theo TinTuc XaLo)