Ban tuyển chọn Giải Thanh Tâm năm đầu tiên chỉ 5 người
Phần lớn khán giả cải lương đều có thể biết được rằng Giải Thanh Tâm do ký giả kịch trường Thanh Tâm, tức ông Trần Tấn Quốc sáng lập và xuất tiền túi ra mà chi trong những năm đầu tiên.
Ban tuyển chọn Giải Thanh Tâm với thành phần mở rộng. Ngồi giữa là Má Bảy Phùng Há, người đứng thứ hai bên phải (mang kiếng) là ông Trần Tấn Quốc, tức ký giả Thanh Tâm. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)
Thế nhưng trường hợp ra đời của giải này ra sao? Và có phải thật sự ông Quốc bỏ tiền túi, hay là phải có ai đó hỗ trợ, hoặc cơ quan nào đó đứng đằng sau.
Rằng là năm đó (1957) chẳng rõ ký giả Thanh Tâm nhà ta hứng cái chi mà lại rủ ba nghệ sĩ lão thành là Bảy Nhiêu, Năm Châu, bà Phùng Há và một độc giả ái mộ cải lương là ông Nguyễn Minh (lúc ấy đang là nhân viên của Tổng Thống Phủ thời ông Diệm) đứng ra lập một giải thưởng ca kịch dành phát ra cho các mầm non có triển vọng, lấy tên là Giải Thanh Tâm.
Rồi thì liền đó, năm người đồng lòng phát giải được tổ chức một cách trọng thể tại tửu lầu Bồng Lai. Nói rằng trọng thể bởi vì trong buổi lễ ấy có đông đủ các hãng thông tấn và báo chí quốc nội, quốc ngoại, kể cả Nha Ðiện Ảnh cũng đến quay phim, và sau đó phim Thời Sự Việt Nam có đoạn Thanh Nga lãnh giải được chiếu hầu hết các rạp chiếu bóng từ Nam ra Trung. Và cũng chính trong buổi lễ người sáng lập giải mới đứng ra đọc bài diễn văn và nói đến mục đích của giải thưởng, cũng như tuyên bố thể lệ. Có nghĩa là Thanh Nga đoạt Giải Thanh Tâm đầu tiên chỉ do năm người tuyển lựa mà thôi, và Giải Thanh Tâm ra đời do sự tùy hứng bất ngờ của ông Trần Tấn Quốc. (Báo chí thời đó nói như thế.)
Lúc bấy giờ đã không ít người thắc mắc rằng tiền đâu để ông Quốc làm chuyện lớn này. Cũng như buổi lễ phát giải ai đã điều động đông đủ các hãng thông tấn, báo chí trong và ngoài nước?
Lúc đó ông Quốc là chủ nhiệm nhựt báo Tiếng Dội, vốn không phải là tờ báo giàu như tờ Sài Gòn Mới, tờ Tiếng Chuông (có nhà in riêng).
Ra báo mỗi ngày ông Quốc phải mướn in và phương tiện di chuyển của ông là chiếc Mobylette. Như vậy thì tiền đâu mà ông Quốc đãi đằng thiên hạ mấy trăm người ở tửu lầu Bồng Lai? Lại nữa, trong thành phần ban tuyển chọn lại có một nhân viên Phủ Tổng Thống tham gia với tư cách là khán giả.
Năm sau, khi các trang kịch trường của các báo lên tiếng phê bình, chỉ trích khá nhiều, thì người sáng lập Giải Thanh Tâm mới mở rộng thành phần ban tuyển chọn giải này bằng cách mời hầu hết các cây bút phê bình kịch nghệ trong nước tham gia, cũng như chỉnh đốn lại điều lệ của giải. Nhưng rồi năm thứ hai (1959) thì việc phát giải không còn xôm tụ như năm đầu tiên, thay vì tổ chức ở tửu lầu, năm nay phát giải ở hội trường Trường Quốc Gia Âm Nhạc. Khách và báo chí được mời tham dự đã không được ăn cao lương mỹ vị như năm đầu ở Bồng Lai, mà chỉ được cho uống nước đá chanh, ăn kẹo đậu phọng. (Thời đó chưa có bịt nylon, kẹo đậu phọng gói bằng là chuối, sau lễ lá chuối đầy hội trường.)
Giải Thanh Tâm được các nghệ sĩ xem đó một mục tiêu tối cần, một mức độ để đo lường khả năng trình diễn nghệ thuật của mình. Nói một cách khác là người nghệ sĩ rất hãnh diện khi nhận được Giải Thanh Tâm, và được coi như đã thực sự là một nghệ sĩ có giá. Ðúng vậy, khi nhận giải thưởng với huy chương vàng giá trị, người diễn viên được trao gắn nổi bật lên giữa đám bạn đồng lứa, ngoài ra còn có một công tra để phân định giá trị... do đó, không khí ganh đua của những nghệ sĩ trẻ nhiều triển vọng được ngấm ngầm bọc hiện và tạo sự sôi nổi trong vấn đề trình diễn nghệ thuật. Phải nói rằng không khí sôi động hẳn trong giới nghệ sĩ những người được xem có triển vọng.
Ngoài những hãnh diện thiết thực đó, người được trao gắn huy chương vàng còn được dư luận chú ý, báo chí đồng loạt đề cập đến, tự nhiên tên tuổi lớn lên, mọi người đều biết. Thành thật ghi nhận rằng thời đó đến mùa phát giải là không khí cải lương được xem như rất ồn ào nhộn nhịp hẳn lên... và những người có liên hệ đến sân khấu đã tỏ ra rất quan tâm đến sự việc...
Cũng cần nói thêm Giải Thanh Tâm lúc đó có một tiêu chuẩn rõ ràng để nhắm vào chấm điểm, và người ta cũng nhớ một điều kiện được xem là phần then chốt, ngoài tài năng ca diễn, có điểm đạo đức. Do đó, người đoạt giải phải nêu cao những điều đẹp, không dám làm quấy. Và khi đã nhận huy chương vàng rồi còn phải tỏ ra đúng đắn hơn. Nếu không nói là tự đánh bóng bản thân, trau dồi nghệ thuật ca diễn và rèn luyện tư cách sinh hoạt. Qua những sự kiện trên cho thấy huy chương vàng của giải này rất quan trọng, đóng góp một phần lớn vào việc phát huy khả năng của nam nữ nghệ sĩ.
Nhưng rồi, sau biến cố Tết Mậu Thân, sân khấu cải lương liên tiếp đón nhận những điều không hay, càng ngày càng suy vi, Giải Thanh Tâm cũng không còn hoạt động. Người ta suy luận, phải chăng người cha đẻ giải này là ký giả Trần Tấn Quốc, quá bận rộn với sự nghiệp báo chí của ông, hay vì buồn phiền, bởi có một lần ông đã “xiêu lòng” lạm phát đến 6 cái huy chương một lượt, làm dư luận báo chí lúc đó nổi lên chống ông, ông thấy thiện chí của mình bị phủ nhận và vô tình làm giảm giá phần nào cho những huy chương.
Mất Giải Thanh Tâm làm mất đi phần nào sự hào hứng của các diễn viên, trẻ, tài năng của họ đang lên. Tóm lại dù có đôi lúc sân khấu được nhúm lên, bằng những lần thời cuộc được vãn hồi an ninh, nhưng không khí tranh đua không có trong làng... Phải chăng không có Giải Thanh Tâm đã làm cho những diễn viên trẻ mất đi phần ganh đua, không phát huy hết được khả năng thiên phú của mình, và việc này vô tình đã đóng góp phần nào sự sa sút của sân khấu. Mất đi Giải Thanh Tâm, giới ca kịch, trăm người như một đều tiếc hùi hụi vậy.