Nước mắt hạnh phúc trong 'Tạ ơn đời' của Kim Cương
Nghệ sĩ trên sân khấu rơi nước mắt. Khán giả nhiều độ tuổi cũng bùi ngùi khi xem lại kịch cũ. Đêm đầu trong loạt chương trình tri ân cuộc đời của NSND Kim Cương đong đầy hạnh phúc.
Đêm đầu tiên trong loạt 3 đêm nghệ thuật chủ đề "Tạ ơn cuộc đời" của nghệ sĩ Kim Cương diễn ra tối 6/8 tại Nhà hát TP HCM. Hàng trăm khán giả, đồng nghiệp đã đến ủng hộ nữ nghệ sĩ tài hoa. Giữa các lối đi của Nhà hát được kê thêm các ghế phụ nhằm giải quyết chỗ ngồi cho mọi người. Kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, chương trình đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.
Từ cổng vào Nhà hát Thành phố đến sân khấu được trang trí với những đóa hồng, cổng hoa. Đạo diễn Vũ Minh và êkíp mong muốn tái hiện lại không khí hoạt động sôi nổi một thời của Đoàn kịch Kim Cương ngày xưa.
NSND Kim Cương (trái) và NSƯT Hữu Châu trong trích đoạn "Trà hoa nữ".
Trên sân khấu được thiết kế không quá cầu kỳ, chương trình mở màn với nhạc phẩm Bông hồng cài áo, mang đậm không khí hoài niệm và hình ảnh thiêng liêng về tình mẫu tử. Kim Cương xuất hiện trên sân khấu một cách giản dị để nói về ý nghĩa của lần tổ chức đêm diễn mà bà từng nói có thể là lần cuối của đời nghệ sĩ.
Với giọng xúc động, bà chia sẻ, gần 15 năm rồi mới lại có được hạnh phúc đứng trên một sân khấu gợi nhắc quá nhiều kỷ niệm như thế này. Bà sinh ra và lớn lên gia đình có truyền thống sân khấu. NSND Bảy Nam, mẹ của Kim Cương, sinh thời từng hãnh diện mà nói với mọi người: "Bác 90 tuổi đời thì đã được 70 năm tuổi nghề". Lần tái ngộ khán giả này, Kim Cương bảo, bà không dám theo gót mẹ như thế nhưng nhìn lại mình cũng đã dành 40 năm đẹp nhất của đời người cho sân khấu. "Chính vì thế, những năm đầu tiên xa sân khấu, tôi hoang mang, hụt hẫng vô cùng. Tôi từng nghĩ, mang Kim Cương ra khỏi sân khấu như mang cá ra khỏi nước. Vậy mà hôm nay cá đã được về với nước...", lời tâm sự xúc động của bà nhận được tràng pháo tay vang dội từ mọi người.
Ban đầu, những người thực hiện chương trình định gọi đây là liveshow Kim Cương, nhưng chính bà đã đề nghị đừng dùng đến chữ này: "Chữ liveshow mới quá, nó không hợp với tôi cũng không đúng với ý nghĩa của 3 đêm diễn. Bởi nếu nói đúng nghĩa một liveshow bình thường thì chắc chắn tôi không đủ sức làm nổi. Một Kim Cương dù có tài năng cách mấy cũng không thể trở thành một NSND Kim Cương như danh hiệu cao quý mà nhà nước và khán giả vừa trao tặng cho tôi. Vì thế, với tôi 3 đêm diễn này như một lời cảm tạ chân thành với tổ nghiệp, với đồng nghiệp, khán giả, với tất cả mọi người...", bà nói.
Đêm "Tạ ơn đời" gây dấu ấn với khán giả không phải ở sự hoành tráng, lộng lẫy của dàn dựng mà ở sự lắng đọng của cảm xúc. Một trong những người góp phần tạo nên sự thành công đó chính là NSƯT Thành Lộc.
NSƯT Thành Lộc giữ vai trò quan trọng trong chương trình "Tạ ơn đời", anh như sợi chỉ gắn kết xuyên suốt các tiết mục.
Anh không chỉ là MC đơn thuần giới thiệu các tiết mục biểu diễn, mà còn là người dẫn chuyện, kể lại những kỷ niệm vui buồn của cuộc đời người nghệ sĩ mà anh rất hiểu, cũng như kỷ niệm của chính anh với bà. Những lời dẫn dắt mạch lạc, đầy đủ thông tin, lúc dí dỏm lúc trĩu nặng nỗi niềm của Thành Lộc giúp khán giả được sống lại một góc sôi nổi của sân khấu miền Nam một thời; giúp khán giả hiểu thêm về một nghệ sĩ Kim Cương, người tiên phong, mở đầu cho trào lưu kịch nói, mang phong cách đặc thù của người miền Nam.
Đoàn kịch Kim Cương ngày xưa, đầu mỗi buổi diễn thường dành 40-45 phút để phục vụ khán giả các tiết mục ca nhạc. Sau đó, ban nhạc lùi vào, tiếp tục đệm nhạc sống theo những trường đoạn cảm xúc của diễn viên diễn xuất trong các vở kịch sau đó. Điều này, tạo cảm xúc thật, gần gũi giữa nghệ sĩ và khán giả. Cách làm này đã được tái hiện phần nào trong Tạ ơn đời.
Các ca sĩ Đức Tuấn, Quang Dũng, Nguyễn Hồng Ân, Đàm Vĩnh Hưng... thể hiện lại thành công nhiều ca khúc viết riêng cho kịch nói Kim Cương ngày xưa. Cùng với các vở kịch, những ca khúc này nổi tiếng đến mức chúng có hẳn một đời sống riêng, được khán giả nhiều thế thệ yêu chuộng như: Duyên kiếp của Lam Phương viết riêng cho kịch Lá sầu riêng, hay Thôi của cố nhạc sĩ Y Vân viết cho vở Trà hoa nữ...
Sau các tiết mục ca nhạc, ở độ tuổi 75, Kim Cương một lần nữa hóa thành nàng Y Lan trong vở Trà hoa nữ. Vở diễn mà chị, với bút danh Hoàng Dũng, đã chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Alexandre Dumas (con) thành vở kịch nói gần gũi với tâm tư, tình cảm của hàng triệu khán giả Việt cách đây hơn 20 năm. Bên cạnh các diễn viên từng đứng trên sân khấu đoàn kịch ngày trước như: Bảo Anh, Diễm Kiều cùng đàn em Bạch Long, NSƯT Hữu Châu, Kim Cương một lần nữa thể hiện xuất thần thần thái của vai diễn để đời trong sự nghiệp diễn xuất của bà.
Trích đoạn thứ hai trong chương trình, Lá sầu riêng, Kim Cương dành như một sự ghi nhớ, một cách bày tỏ tình cảm với mẹ, NSND Bảy Nam, người đã mất 8 năm qua nhưng mãi mãi vẫn để lại trong bà cảm giác thiếu thốn không gì bù đắp được. Các diễn viên trẻ như: Lương Thế Thành, Xuân Thùy... phối hợp Kim Cương, Hữu Châu... cùng bà diễn lại trích đoạn.
Từ trái qua: nghệ sĩ Bạch Long, Bảo Anh và Diễm Kiều, những người em, đồng nghiệp thân thiết cùng góp mặt với Kim Cương trong trích đoạn "Trà hoa nữ".
Tối 6/8, có những khán giả của sân khấu 40 năm trước đã tìm đến Nhà hát TP HCM để một lần nữa xem kịch Kim Cương. "Đó là niềm hạnh phúc quá lớn với người nghệ sĩ mà không tiền bạc nào có thể mua được", nữ nghệ sĩ chia sẻ. Ngay cả những ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Đức Tuấn... sau phần trình diễn của mình cũng xuống ngồi dưới khán phòng để xem chương trình. Hay đạo diễn Phước Sang lặng lẽ ở hàng cuối để xem kịch. Tuổi tác dường như không làm sức hút của Kim Cương bị lu mờ mà lại càng khiến cho ngọn lửa nghề trong bà lan tỏa đến các thế hệ sau.
Chương trình Tạ ơn đời còn diễn hai đêm 7-8/8 tại Nhà hát TP HCM.
Không thể nói khác hơn được , NS Bảy Nam và NS Kim Cương chính là một trong những cây Đa cây Đề của SK Việt Nam nói chung của kịch nói Việt Nam nói riêng . Sẽ không có người thay thế bởi tài năng ấy quá tuyệt vời .