VỪA QUA BÁO SÂN KHẤU THÀNH PHỐ CÓ NHẬN ĐƯƠC MỘT BỨC THƯ KÝ TÊN MINH TƠ - THANH TÒNG GỞI ĐẾN TÒA SOẠN. NỘI DUNG BỨC THƯ ĐỂ CẬP ĐẾN NHỮNG BỨC XÚC KHI MỘT SỐ ĐƠN VỊ VÀ CÁ NHÂN CÓ SỬ DỤNG MỘT SỐ BÀI CA HAY NGUYÊN VỞ DIỄN CỦA LIÊN DANH TÁC GIẢ MINH TƠ - THANH TÒNG MÀ KHÔNG XIN PHÉP VÀ TRẢ TIỀN TÁC QUYỀN CHO TÁC GIẢ THEO ĐÚNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ VTTT&DL ĐÃ BAN HÀNH TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY. XÉT THẤY ĐÓ LÀ NHỮNG LÝ DO HẾT SỨC CHÍNH ĐÁNG NÊN BAN BIÊN TẬP BÁO SÂN KHẤU TP.HCM ĐĂNG TOÀN VĂN NỘI DUNG BỨC THƯ NÀY. VÀ CHÚNG TÔI CŨNG RẤT MONG CÁC ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN ĐƯỢC BỨC THƯ ĐỀ CẬP CÓ Ý KIẾN PHẢN HỒI ĐỂ LÀM GIẢI QUYẾT NHỮNG SỰ VIỆC ĐÃ NÊU TRONG THƯ.
Kính gởi: Ban biên tập Báo Sân Khấu thành phố Hồ Chí Minh.
Với bút danh Minh Tơ - Thanh Tòng, tôi xin trình bày nỗi đau của những người cầm bút từng bị bóc lột tim óc và danh dự của tác giả, mong được Báo Sân Khấu đăng tải bức thư này.
Trong các chương trình truyền hinh giải trí "Cùng Nhau Tỏa Sáng" của đài truyền hình Vĩnh Long phát sóng. Tôi cũng là một khán giả theo dõi chương trình từ đêm khai mạc đến chung kết. Đêm mà thí sinh của đội "Cùng Nhau Tỏa Sáng" diễn tiếc mục Phụng Nghi Đình có để tên tác giả: Mộc Quán, Nguyễn Trọng Quyền, Phùng Há, các thí sinh diễn rất tốt.
Nhưng đến khi ca nhạc trong vở, tôi phát hiện đã sử dụng ca từ của tác giả Minh Tơ - Thanh Tòng đã viết trong vở "Liên Hườn Kế Phụng Nghi Đình" cho hãng phim Tây Đô- Đài Truyền Hình Cần Thơ trong thập niên 1990 mà liên danh chúng tôi không được ghi tên và không được xin phép tác giả (theo tôi biết ba vị tác giả tiền bối này đâu có viết bài ca hồ quảng tuồng cổ). Không biết họ lấy từ đâu những bài hát của chúng tôi.
Đài truyền hình VTV3 phát hình hai chương trình giải trí "Gương Mặt Thân Quen", Ca sĩ Minh Thuận và một thí sinh khác diễn tiếc mục "Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ", thí sinh vai Phàn Lê Huê đã ca bài hát của tác giả nghệ sĩ Minh Tơ viết vào năm 1958, thí sinh này lúc biểu diễn có phát hình minh họa nghệ sĩ Trinh Trinh vai Phàn Lê Huê mà tổ chức không xin phép tác giả đồng ý cho hay không.
Chương trình "Gương Mặt Thân Quen Nhí" đã lấy tiểu phẩm "Phù Đổng Thiên Vương" của chúng tôi viết riêng cho đài truyền hình HTV
Chương Trình Nghệ Sĩ Mừng Xuân 2014, cũng không xinh phép tác giả.
Mới đây qua khán giả cho biết ở quận Bình Thạnh có một vài nhóm không chuyên đã quay video phát hành trên mạng vở "Xử Án Bàng Quý Phi" của tác giả Minh Tơ - Thanh Tòng mà chúng tôi không biết.
Mới đây qua Báo Sân Khấu số 1228, mục "Đôi Tình Nhân Sân Khấu Chúc Xuân" mùng 5 tết tại rạp Thủ Đô do nghệ sĩ Vũ Luân tổ chức liveshow, có diễn tiếc mục "Bao Công Vô Lò Gạch". Theo tôi được biết, trích đoạn này trong vở "Bích Vân Cung Kỳ Án" của tác giả Minh Tơ-Thanh Tòng viết cho đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ đã được Hội Đồng Nghệ Thuật thành phố duyệt.
Sở Văn Hóa Thông Tin cấp phép biểu diễn từ đầu thập niên 1990 đến nay. Thế nhưng chúng tôi không hề nghe nhà tổ chức xin ý kiến cho diễn hay không và cũng không hề được trả tiền bản quyền theo quy định chung mà các đoàn nghệ thuật thành phố từng áp dụng cho vở cải lương đến nay là 6% trên tổng số doanh thu của mỗi suất diễn.
Mấy năm qua, đã vài lần qua điện thoại, nghệ sĩ Vũ Luân xin tôi được diễn một số vỡ điễn tích nước ngoài, tôi không đồng ý và tôi đã động viên Vũ Luân cùng vài nghệ sĩ đến xin tuồng. Tôi khuyên họ nên diễn những vỡ lịch sử Việt Nam mà tôi đã viết cho đoàn tuồng cổ Minh Tơ rất thành công.
Nay qua Báo Sân Khấu ra ngày 2/3/2015 mới biết nghệ sĩ Vũ Luân tự ý ngang nhiên lấy kịch bản Bao Công của tôi diễn và còn cho báo chí biết đã lên kế hoạch tiếp tục diễn Bao Công trong 2015. Trong khi chúng tôi, tác giả kịch bản không hề nghe Vũ Luân báo chuyện này và không cần biết tác giả có đồng ý cho diễn hay không mà Vũ Luân đã ngang nhiên tuyên bố trên báo.
Nay viết bức thư này, chúng tôi mong các nhà tổ chức kinh doanh nghệ thuật trên tôn trọng tim óc của người cầm bút mỗi khi lấy kịch bản của bất cứ soạn giả nào, loại hình nào để sử dụng cũng phải thông qua và được sự đồng ý của người sáng tác. Nên tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tác giả.
Và mong các nghệ sĩ đương thời, các diễn viên trẻ đang lên đừng nên vô cảm và lãnh đạm với những đề tài lịch sử của dân tộc Việt Nam, nên tự hào về giá trị văn hóa mà ông cha ta để lại. Dù biết rằng nghệ thuật không có biên giới, nhưng tinh thần dân tộc cần được đề cao. Hãy cố gắng phấn đấu làm tốt để không thẹn mình khi nhận được những giải thưởng cao quý của nhà nước!