Lâu rồi mới gặp lại Tô Châu, trông anh vẫn vậy: vẫn với nụ cười thân thiện trên gương mặt rám nắng. Thấy tôi có vẻ bất ngờ với cái đầu anh đã cạo nhẵn, Tô Châu cho biết: ''Từ khi ba mất (1998) đến nay, cứ vào tháng Bảy âm lịch là tôi lại xuống tóc và ăn chay nguyên tháng để báo hiếu...'' Xuất thân trong gia đình gốc Bắc (Thái Bình) nhưng Tô Châu lại mê Cải lương và giọng hát của NS Thanh Tuấn đến kỳ lạ. Từ năm 15 đến 17 tuổi, ba năm liền anh đều thi vào khóa Cải lương của trường SKĐA nhưng đều thi trượt.
Năm 17 tuổi, Tô Châu làm công nhân bốc xếp ở Cảng Sài Gòn. Thấy Tô Châu có chất giọng, bạn bè kêu anh đi học ca ở lớp ngoại khóa ban đêm của trường SKĐA. Sau một tháng học ca, anh đậu thủ khoa kỳ thi tuyển sinh khóa 2 diễn viên Cải lương của Nhà hát Trần Hữu Trang năm 1984. Tốt nghiệp ra trường trải qua nhiều đoàn, rồi đoạt HCV Hội diễn SKCN 1990 (vai Mạc Đĩnh Chi trong “Dòng sông dĩ vãng”), HCB Hội diễn SKCN 1995 (vai kép độc trong “Dưới đáy dòng sông”) và Biểu tượng Xuất sắc Trần Hữu Trang năm 1997 (vai Tám Khỏe trong “Người ven đô)..., anh hay nói đùa: “Toàn đoạt giải thưởng trong các vở có “dòng sông”, có lẽ vì vậy mà sự nghiệp của tui cứ lênh đênh theo dòng nước”.
- Có bao giờ anh thấy buồn tủi không?
- Không. Khóa của tôi thi vô là 2000 người, tuyển sinh 45 người, ra trường chỉ còn 22 người nhưng hiện giờ chỉ có 3 người còn được theo nghề là Kim Tử Long, Thoại Mỹ và tôi. Nghề hát ngộ lắm, không phải yêu nghề, ca hay, diễn giỏi là có thể nổi tiếng mà nó cần nhiều yếu tố hội tụ; trong đó quan trọng nhất là may mắn và được “Tổ đãi”. So với rất nhiều bạn bè cùng khóa thì tôi may mắn hơn họ nhiều, vẫn được sống với nghề hát hàng đêm.
Tổ nghiệp cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, chính vì vậy mà tôi thấy nhẹ nhàng, thanh thản và vui vẻ...
Từ khi thi đậu rồi trở thành nghệ sĩ Cải lương thì cậu con trai út Tô Châu cũng được bố mẹ cưng chiều nhiều hơn. Cách đây 3 năm, mẹ Tô Châu qua đời để lại trong anh nhiều đau buồn. “Bây giờ mà hát bài nào hoặc vai nào có nói về Mẹ, tự nhiên tôi rất có cảm xúc. Như khi thu âm bài “Má ơi!” trong album VCD đầu tay vừa rồi chẳng hạn, tôi đã khóc đến độ phải thu lại nhiều lần”.
Album VCD “Má ơi!” vừa được Tô Châu phát hành vào ngày 17/7/2011, gồm 6 bài ca cố và trích đoạn Cải lương “Hòa thượng Cua”, với sự góp mặt của NSUT út Bạch Lan.
Sau 5 tháng cùng lưu diễn tại Mỹ vào 2007, Tô Châu đã được NSUT út Bạch Lan nhận làm con nuôi. cái thu hoạch lớn nhất trong nghề của tôi chính là được má út nhận làm con, được má chỉ dạy nhiều về cách ca, diễn và cách sống...” – Tô Châu cho biết thêm, trong trích đoạn “Hòa thượng Cua” còn có sự tham gia của bé Tô Tô, 11 tuổi, là con trai út của Tô Châu. Tô Tô rất có năng khiếu ca diễn và từng tham gia minh hoạ trong rất nhiều bài ca cổ do Đài TH hoặc nghệ sĩ thực hiện. Tô Tô học rất giỏi, chính vì vậy mà Tô Châu hạn chế hoạt động ca hát, đóng phim của con nhưng rất kỳ vọng cậu bé sẽ nổi nghiệp cha sau này.
Tô Châu có một mái gia đình khá êm ấm hạnh phúc, nhưng đời nghệ sĩ rày đây mai đó và quen biết nhiều nên khó tránh khỏi đôi lúc làm người bạn đời nghi ngờ ghen tuông. Chính vì vậy anh đã đem tâm sự đời mình nhờ tác giả Lâm Viên viết cho bài ca cổ “Niềm riêng” - để... gián tiếp trần tình cho “bà xã” hiểu rằng nghệ sĩ tuy có lúc lãng mạn nhưng là người chung thủy. “Niềm riêng” là bài ca cổ được Tô Châu tâm đắc nhất trong album ca cổ VCD vol.2. Album này có chủ đề “Hương thầm”, gồm 9 bài ca cổ: Thương hoài ngàn năm, Niềm riêng, Tâm sự Phà Ca, Hương thầm, Anh chàng nhà quê với sự góp mặt của các NSUT: út Bạch Lan, Thoại Mỹ, Cẩm Tiên; dự kiến phát hành trong tháng 10/2011.
Tô Châu vừa thu xong 5 vở Cải lương choài SCTV. Trong đó, anh thích nhất là vai diễn trong các vở: “Cuối đường danh vọng” (vai Nghiệp - từ quê lên thành phố theo nghề ca hát. Khi nổi tiếng thì chối bỏ quá khứ, nghe lời mẹ đem mẹ bỏ vào Viện dưỡng lão); “Nỗi đau và hạnh phúc” (vai Hải - bị liệt chân từ nhỏ, cùng với em trai yêu chung một người. Gia đình tổ chức đám cưới cho em trai, nhưng đêm đó lại phục rượu chú rể để tráo hôn cho Hải); “Phai màu áo trắng” (vai Hoàng Tích -trùm buôn ma túy và buôn người, tàn nhẫn đến độ lừa người yêu sa vào nghiện ngập rồi đem bán).
Từ đầu tháng 7 đến nay, Tô Châu làm thêm công việc biên tập chương trình ca cổ và tuồng Cải lương cho Đài SCTV, với bút danh Như Đức- pháp danh của anh. Hiện Đài SCTV vừa mời Tô Châu thu thêm 5 vở Cải lương, anh nhận lời nhưng xin “khất nợ” cho đến hết tháng Bảy âm lịch mới thu âm, thu hình được. Nguyên nhân là trong suốt mùa Vu Lan này, Tô Châu và má út ngày nào cũng đi hát phục vụ chùa ở khắp các tỉnh thành. Tham gia hơn trăm vở diễn và đóng qua đủ các loại vai, có một loại vai mà Tô Châu rất thích được thể hiện, đó chính là nạn nhân của chất độc màu da cam. Nếu được vào vai đó, Tô Châu sẽ thể hiện thế nào “Chưa biết nữa! Vai đó rất khó diễn chính vì vậy mà tôi mới ao ước” -Tô Châu cười hồn nhiên như một diễn viên mới vào nghề. Mà đúng vậy, mang trong mình tình yêu và sự thanh thản khi đến với nghề thì vai diễn mới lạ nào cũng làm ta thích thú, say mê lẫn bở ngỡ của cái thuở ban đầu...”.
T.Châu
ngocanh - cailuongvietnam (Theo Báo sân khấu)