1. Minh_Răng
    Avatar của Minh_Răng
    Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng (tiền thân là Đoàn ca múa Võ Thị Sáu, Đoàn văn công Khmer tỉnh Sóc Trăng - Hậu Giang) được thành lập vào tháng 7/1961 tại xã Gia Hòa, Thạnh Trị, đã góp phần cùng quân và dân tỉnh nhà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu với phương châm:“Tiếng hát át tiếng bom, tay đàn, tay súng”.
    Lời ca, điệu múa của các nghệ sĩ luôn có mặt bên chiến hào, chiến trận, kịp thời động viên đồng bào, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu đánh thắng quân thù. Dưới mưa, bom bão đạn đã tôi luyện đội ngũ nghệ sĩ ngày càng trưởng thành, với hàng loạt tác phẩm nghệ thuật ra đời ghi dấu ấn cùng năm tháng còn vang vọng đến ngày nay. Nhưng điều không may khi vào những năm 1969, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền chống lại chiến dịch bình định của địch, nhiều cán bộ, diễn viên của Đoàn đã hy sinh gần hết, Đoàn Ca múa Võ Thị Sáu phải nhập vào Đoàn Ca múa nhân dân hoạt động cho đến ngày giải phóng.

    Sau năm 1975, đất nước thống nhất, đoàn mới bắt đầu củng cố gây dựng lại với đội ngũ diễn viên được tuyển từ các đoàn dù kê dân lập trong tỉnh, chương trình và địa bàn của đoàn được mở rộng khắp vùng là nơi có đồng bào Khmer sinh sống. Đoàn đã xây dựng nhiều chương trình với những vở tuồng dù kê và nhiều tiết mục ca múa nhạc dân tộc phản ánh đời sống sinh hoạt của bà con Khmer ở địa phương và khu vực Nam bộ chiếm được cảm tình và sự mến mộ của khán giả không chỉ trong khu vực, quốc gia mà còn ở nước ngoài thông qua các cuộc đọ sức, đua tài tại các cuộc liên hoan, hội diễn, hội thi toàn quốc và quốc tế. Từ hội diễn ca múa nhạc tổ chức tại tỉnh Đồng Nai (1978), thành phố Hồ Chí Minh (1983), Hà Nội (1985), thành phố Hồ Chí Minh (1990 và 1992, 2005), Cần Thơ (1995, 2000) và 2009 (Khánh Hòa), Đoàn đã gặt hái nhiều thành tích xuất sắc với hàng trăm các loại huy chương vàng, bạc, bằng khen và nhiều lần đứng đầu bảng được các đoàn bạn, khán giả trong và ngoài nước cổ vũ, hoan nghênh. Năm 1993, Đoàn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin đặc cách chọn thay mặt quốc gia tham gia hội thi quốc tế tại tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) và năm 2008, Đoàn lại lên đường tham gia Festival Mundial (Liên hoan Nghệ thuật quốc tế) tổ chức tại Hà Lan. Trước đó trong thập niên 80, Đoàn đã nhiều lần “xuất ngoại” phục vụ bộ đội và nhân dân Campuchia tại một số điểm vùng sâu, vùng xa của nước bạn...

    Có thể nói, đây là một mốc son chói lọi, đánh dấu sự bứt phá trưởng thành và phát triển của Đoàn, chương trình của đoàn được đầu tư hoành tráng có chủ đề tư tưởng sâu sắc mang tính nghệ thuật cao, ca ngợi quê hương đổi mới, tình đoàn kết kề vai sát cánh chống kẻ thù chung của các dân tộc anh em trong tỉnh luôn giàu bản sắc dân tộc.

    Trong suốt chặng đường gần 50 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng đã tập trung hoạt động theo hướng vừa ổn định và phát triển đội ngũ, vừa xây dựng được nhiều chương trình ca múa nhạc dân tộc, kịch hát dù kê đạt chất lượng nghệ thuật cao để phục vụ đông đảo quần chúng khán giả và tham gia hội diễn trong và ngoài nước. Định hướng nghệ thuật ấy đã được kiên trì thực hiện ngày càng có hiệu quả và có chất lượng, kế thừa và phát triển những di sản văn hóa tốt đẹp của quê hương Sóc Trăng, khẳng định chức năng nhiệm vụ của Đoàn là các chương trình, tiết mục biểu diễn, phục vụ chủ yếu dựa trên cơ sở phát triển dân ca, múa dân gian Khmer Nam bộ - Sóc Trăng theo đường lối văn hóa của Đảng, kết hợp với bộ môn kịch hát dân tộc để phục vụ bà con vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào Khmer, nội dung thường mang tính thời đại, đậm đà bản sắc dân tộc góp phần xây dựng con người mới, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo nghị quyết trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng.

    Trong quá trình xây dựng các chương trình nghệ thuật, Đoàn đã chú trọng khai thác và sử dụng vốn văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa nghệ thuật của các dân tộc trong nước và quốc tế, kết hợp các yếu tố dân tộc và hiện đại, truyền thống và cách tân để nâng cao chất lượng nghệ thuật các chương trình biểu diễn bằng cách mở rộng giao lưu nghệ thuật, mở rộng địa bàn hoạt động với các địa phương khác để học tập kinh nghiệm và góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân, tạo thêm vị thế và ảnh hưởng đối với đời sống xã hội. Trong quá trình hoạt động Đoàn luôn luôn tìm kiếm, khai thác, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, từng bước trẻ hóa đội ngũ diễn viên và xây dựng đội ngũ nghệ sĩ có chuyên môn vững vàng bằng các phương thức đào tạo tại chỗ, trường lớp nhằm không ngừng bổ sung đội ngũ nghệ sĩ có tâm huyết và tài năng cho Đoàn.

    Nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật của Đoàn, nâng cấp thành nhà hát tổng hợp đáp ứng nhu cầu phục vụ đồng bào trong tình hình mới. Ngoài đầu tư xây dựng chương trình nghệ thuật, thiết bị âm thanh, ánh sáng, trong năm qua (2010) Đoàn đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở, nhà diễn tập với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng, hiện đã khởi công xây dựng nhà diễn tập với kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay Đoàn đang gặp khó khăn về nơi ăn chốn ở vì nhà cửa đã xuống cấp nghiêm trọng, cán bộ diễn viên phải di dời ở trong lán trại tạm bợ, trong khi mùa mưa đang đến gần...

    Dù vẫn còn khó khăn, nhưng cán bộ, diễn viên, nhạc công của Đoàn luôn phấn đấu hết mình trong lao động sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà, đáp ứng sự mến mộ của khán giả và bà con dân tộc, nhất là chuẩn bị hành trang trở thành Nhà hát dân tộc Khmer tiêu biểu của khu vực Tây Nam bộ.

    Hồng Vân
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL