VÙNG SÂU QUÊ TÔI
* NGUYỄN TRUNG NGUYÊN
Quê tôi – bạn bè gọi “vùng sâu”
Độ mặn của nước – tính bằng lớp lớp váng phèn
bám vào da cha, da mẹ
Tóc ông nội bạc - lẫn cả màu vàng của nắng
Lưng bà còng – cong như con ốc lác mùa khô
Ngày cha sinh - ông nấu nước chụm rơm
Bà đẻ rớt trên đồng mùa giáp hạt
Bông súng, cù nèo cũng qua ngày đói rét
Hạt gạo dầu hơi – nữa trắng nữa vàng không đủ mà ăn
Ông hay tự trào: “Tao dốt đặc cán mai!
Bây ráng học để làm người nhân nghĩa”
Vậy mà Lục Vân Tiên – không hiểu sao ông chẳng quên một chữ
Cái nghĩa “bất bằng…” bám vào ông như rể đước, rể còng
Chúng tôi lớn lên nghe quen vần trắc, vần bằng
Đã thuộc tự bao giờ câu thơ lục bát
Mẹ bảo chúng tôi nhớ câu: “Nhân sinh tự cổ…”
Cha dạy chúng tôi: “Cái cò lặn lội bờ sông…”
Vùng sâu quê tôi – hạt lúa lớn lên cũng chẳng dễ dàng
Mùa khô nức nẻ – lũ cuối nguồn đầy mãi
Thế kỷ mới – vẫn còn chuyện lo cứu đói
Chỉ có chữ tình – mái lá nào cũng thật dư thừa
Tôi đi học xa – Thiếm Bảy chèo xuồng tiển đưa
Bác Năm dúi vào bọc đòn bánh tét
“Ráng học nghe con! Thành tài về giúp quê – giúp nứoc”
Câu dặn dò chung của cả xóm nghèo
Thành thị xa cứ nhớ mãi vùng sâu
Đêm thắt thỏm tiếng ễnh ương: “Quềnh quệch…”
Mẹ lên thăm kể: “Quê mình có điện…”
Tôi nghe mà nước mắt rưng rưng.