Ðệ nhứt danh ca Út Trà Ôn và dĩa hát 'Sầu Vương Biên Ải'
Dĩa hát “Sầu Vương Biên Ải” do Út Trà Ôn ca thu thanh năm 1952
Khoảng đầu thập niên 1950 hãng dĩa hát Hoành Sơn ra đời, chủ nhân là ông Ba Bản, con một đại điền chủ ở Bến Tre. Nhà đại tư bản có căn nợ với nghiệp cải lương cổ nhạc này thấy Út Trà Ôn có làn hơi ca rất hay, nên kêu về cho ký hợp đồng để vô dĩa “Ngày Về Cố Quận” mà cốt truyện do chính ông sáng tác, và soạn giả Thái Thụy Phong viết lời ca.
Thời bây giờ Út Trà Ôn đang hát cho gánh Thanh Minh, được ông Ba Bản cho một triệu đồng về thu dĩa để hãng Hoành Sơn độc quyền thu thanh tiếng ca. Số tiền này Út Trà Ôn lấy mấy chục ngàn thối lại số tiền vay của hãng dĩa Asia mà ông đang nợ, số lớn còn lại mua sắm đủ thứ. Một triệu đồng vào thời điểm đó quá lớn, mua chiếc xe hơi du lịch hiệu Simca mới tinh chỉ 60 ngàn, Út Trà Ôn thay đổi hẳn bề ngoài, lột bỏ hẳn lớp áo vải nhà quê và bắt đầu cuộc sống vàng son đế vương.
Út Trà Ôn tên thật là Nguyễn Thành Út, và theo lời ông Ba Bản thì Cậu Mười cùng một tuổi với ông, tuổi con rồng, sinh năm Bính Thìn 1916. Là người sinh quán ở quận Trà Ôn, miền Lục Tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Miền Tây Nam Việt, là nơi mà cổ nhạc cải lương ảnh hưởng rất sâu rộng trong mọi từng lớp người dân. Do điều kiện đó mà ngay từ lúc còn trẻ, Út Trà Ôn đã bắt đầu tập ca hát nghêu ngao ở những nơi có người qua lại, và ai cũng khen ông có giọng ca hay, ca mùi và tiếng ca rất trong trẻo, đó là yếu tố chính để cho ông trở thành kép hát lừng danh, là đệ nhứt danh ca sau nầy. Thế nhưng, khổ nỗi là ông không đọc được chữ Quốc Ngữ nên học tuồng phải có người đọc.
Lúc mới về cộng tác với hãng dĩa Hoành Sơn, Út Trà Ôn vẫn còn mặc đồ bà ba, mang guốc trông ông hết sức quê mùa, nếu so với hình ảnh sau nầy. Về đây chỉ trong tháng đầu, Út Trà Ôn được ông Ba Bản dạy cho mặc đồ Tây, thắt cà vạt, mang giầy, xài dầu thơm, đồng thời dạy cho lái xe hơi và nhiều thứ văn minh khác như tập sử dụng muỗng nĩa đi ăn đồ Tây ở nhà hàng Majestic. Tóm lại là ông chủ hãng dĩa hát Hoành Sơn đã biến Út Trà Ôn từ một anh nhà quê cục mịch (dù rằng lên Sài Gòn đã lâu) trở thành một người ăn mặc sang trọng với các bộ đồ may ở tiệm lớn Sài Gòn, chứ không còn là người chăn trâu làm ruộng ở Lục Tỉnh.
Tuy ngon lành tươm tất với các bộ đồ Tây mới may, hằng ngày đi xe hơi ra vẻ dân thầy chú, mà học tuồng thì vẫn còn phải nhờ người đọc, và lúc đầu ông Ba Bản cũng chưa để ý nhiều vấn đề đó, nhưng đến lúc bộ dĩa “Ngày Về Cố Quận” phát hành bán chạy quá, thì vấn đề Út Trà Ôn học tuồng có người đọc gây trở ngại mới được đặt ra. Ông Ba Bản cho thâu tiếp bộ “Sầu Vương Biên Ải” (3 dĩa), bộ dĩa này chỉ mỗi mình Út Trà Ôn ca suốt luôn 20 câu vọng cổ, và với cái kiểu học tuồng có người đọc đã không đáp ứng được thời gian mong muốn của hãng dĩa. Lúc này tuy về với hãng Hoành Sơn vô dĩa, Út Trà Ôn vẫn còn đang hát hằng đêm cho gánh Thanh Minh, và chỉ có mặt ban ngày ở hãng dĩa để học tuồng. Tuy rằng hai thứ khác nhau, không ảnh hưởng gì trong khai thác, nhưng ảnh hưởng đến vấn đề học tuồng, cùng một lúc vừa học bên này vừa học bên kia tức nhiên phải kéo dài thời gian.
Trong khi đó thì các tiệm buôn dĩa hát ở Sài Gòn cũng như khắp các tỉnh trông chờ bộ dĩa mới “Sầu Vương Biên Ải” phát hành để mua về bán cho khách hàng đang mong đợi, mà Út Trà Ôn thì cứ học tuồng có người đọc, lại học tới 20 câu vọng cổ, khó thuộc hơn nhiều so với học tuồng vừa đối thoại vừa ca đôi ba câu. Trong khi đó thì bên gánh Thanh Minh cũng đang tập tuồng mới, nên Út Trà Ôn phải học thêm vai tuồng của bên gánh hát, thành ra bài ca vọng cổ Sầu Vương Biên Ải nhận của hãng dĩa Hoành Sơn gần cả tháng vẫn chưa thuộc thì làm sao vô dĩa đây? Phải chi biết đọc chữ, trong trường hợp nầy không thuộc hẳn cũng có thể cầm giấy ca vô dĩa cũng được, nhưng với Út Trà Ôn thì bắt buộc phải thuộc làu mới dám cho vô dĩa, vậy mà cũng bị hư nhiều lần, bởi ca vấp thì coi như bỏ hết. Do đó mà chờ mãi bộ dĩa vẫn chưa thâu xong. Và khi thu thanh hoàn tất lại còn phải gởi đi Pháp để in dĩa. Thật là cả một vấn đề vậy!
Trong khi đó thì các nhà có giàn máy hát quay dây thiều ở khắp nơi, kể cả bên Nam Vang, trên Lào cứ hàng ngày đến các nhà buôn hỏi thăm tin tức coi dĩa mới “Sầu Vương Biên Ải” về chưa để mua, khiến các nhà buôn mỗi ngày hối thúc hãng dĩa Hoành Sơn, mà họ càng hối thúc thì ông Ba Bản chủ hãng càng sốt ruột. Rồi thì bộ dĩa “Sầu Vương Biên Ải” cũng thu xong, và đúng như dự đoán của nhiều người, dĩa từ bên Pháp gởi về bao nhiêu cũng bán hết sạch. Lúc thu thanh bộ dĩa “Sầu Vương Biên Ải” đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn đã ngoài 30 tuổi, nhưng tiếng ca thì trong trẻo ngọt ngào, người nghe tưởng chừng như ông mới ngoài 20 vậy.
Ngành Mai
Theo Nguoiviet
Dạ đúng rồi đó ạ, chú Mem.. Vọng cổ nhịp 16 với trọn 20 câu đó ạ, nó giống như là bài vọng cổ bây giờ vậy mà thời này chưa thu ngắn 6 câu, NS ca mệt muốn chết !!