Sài Gòn nhộn nhịp, nên giới bầu sô sân khấu ca nhạc ở mảnh đất chật người đông này càng tỏ ra bận rộn khác thường. Những pha “bắt cóc” ca sĩ ngôi sao, những cuộc chiến sân bãi từ TP.HCM cho đến tỉnh lẻ càng trở nên gay cấn. Bầu nào cũng muốn có những “ngôi sao thượng hạng”, sân bãi tốt để phục vụ cho khán giả vui chơi nhằm kiếm tiền.
Nên việc bí mật các chương trình biểu diễn đến phút chót là nguyên tắc số một nếu không muốn bị “nẫng tay trên”. Thế nên các bầu sô không ngần ngại tung hết “tuyệt chiêu”, kể cả “độc chiêu” để hạ đối thủ, không may chí ít cũng chiếm được thế “thượng phong”. Song, chừng nào các ngôi sao của họ chưa bước lên sân khấu, họ chưa hết hồi hộp.
Điểm mặt những ông “bầu vua”
Bất cứ nhà tổ chức đại nhạc hội ca nhạc nào ở Sài Gòn trước đây và TP.HCM hiện tại cũng tỏ ra thán phục mỗi khi nhắc đến “tứ quái” bầu sô, người trong làng còn tôn họ là “vua” đại nhạc hội. Đó là nhất Biếu (Hoàng Biếu), nhì Giao (Ngọc Giao), tam Ngọc (Duy Ngọc), tứ Đặng (Sỹ Đặng).
Họ đã thôn tính sân khấu Sài Gòn suốt gần 3 thập niên 60, 70 & 80 của thế kỷ trước. Các rạp hát lừng danh thời ấy như Quốc Thanh, Quốc Tế, Trần Hưng Đạo, Hào Huê, Hoàn Kiếm… được mấy ông “vua” chia nhau ký hợp đồng độc quyền khai thác từ 5 -10 năm là chuyện quá đỗi bình thường.
Không chỉ sở hữu rạp hát, mấy ông “vua” này còn sở hữu luôn những ca sĩ hàng đầu của Sài Gòn thời bấy giờ, như Elvis Phương, Thái Châu, Duy Quang, Phương Đại, Thái Thanh, Phương Dung, Thanh Thúy, Khánh Ly, Giao Linh, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền… Trong số mấy ông “bầu vua” này chỉ có bầu Duy Ngọc là người may mắn nhất khi mời được ca sĩ Hoàng Oanh biễu diễn 3 lần, bởi nữ danh ca này lúc bấy giờ chỉ hát cho đài phát thanh.
Đến nay ba ông vua trong nhóm “tứ quái” bầu sô đã qui tiên, chỉ còn mỗi bầu Duy Ngọc, nhưng ông cũng đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy.
Ở cái tuổi có thể coi là tri thiên mệnh, người ta nghĩ ông ngồi chơi xơi nước, trái lại ông vẫn là cây đa trong làng bầu sô hiện tại. Những chuyến lưu diễn dài ngày, những sô đại nhạc hội hoành tráng được ông tổ chức thường xuyên, thu hút hàng loạt ngôi sao ca nhạc, nghệ sĩ cải lương, danh hài hàng đầu tham gia.
Ngày thường, ông bảo mỗi tháng tổ chức vài ba sô diễn nho nhỏ cho đỡ nhớ nghề. Bởi Sài Gòn bây giờ có quá nhiều “bầu”, cái cảnh “thóc ít gà nhiều”, còn khán giả “no xôi chán chè” nên khó tổ chức. Nhưng hễ đến dịp lễ, tết mới chính là thời điểm làm ăn của mấy ông bầu.
Mấy ông bầu có năng lực, uy tín thường tổ chức những sô lớn ở thành phố, hoặc lưu diễn dài ngày ở các tỉnh. Bầu Duy Ngọc cho biết, có năm Tết ông tổ chức lưu diễn 10 ngày, có năm diễn hết tháng giêng mới về Sài Gòn ăn tết.
Cứ mỗi chuyến lưu diễn ông kéo theo hàng chục ngôi sao, khiến trong giới bầu sô lo ngại. Một ông bầu sô thuộc hàng có “số má” than thở: “Tết năm nào bầu Duy Ngọc đi tỉnh biểu diễn là y như Sài Gòn vắng ngôi sao”.
Để chuẩn bị cho các sô diễn tết, thường vào đầu tháng 10, 11 mấy ông bầu lớn bắt đầu “tung lưới” hốt các ngôi sao thượng hạng bằng những hợp đồng ứng trước. Trung bình một ngôi sao đi tỉnh mỗi suất không dưới 30 triệu đồng, nếu biểu diễn vào những ngày mùng 1 đến mùng 10 tết, họ sẳn sàng ứng trước cho 10 suất, một chương trình có 9, 10 ngôi sao, ông bầu phải tạm ứng bạc tỷ như chơi.
Những ông bầu đủ sức bao sô kiểu này hiện nay không nhiều, chỉ một vài người như bầu Duy Ngọc, Minh Dzũng hoặc Hương Loan. Vì vậy các ngôi sao được coi là “ăn khách không chịu nỗi” hiện nay như Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Thanh Thảo, Vũ Linh, Hoài Linh… điều khó thoát khỏi tay mấy ông bầu lớn.
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền ? Điều đó chỉ đúng phần nào. Một trong những ngôi sao ca nhạc hàng đầu hiện nay cho biết, cái mà ít ông bầu nào bì được với bầu Duy Ngọc là cung cách tổ chức chuyên nghiệp, lấy uy tín làm trọng và đặc biệt là trả cát sê rất đàng hoàng. Đáp lại, nhiều ngôi sao tỏ ra rất dễ dãi với ông. Họ sẳn sàng “lì xì” cho ông 5 - 10 triệu đồng, nếu suất diễn có khán giả lèo tèo. Còn hiện nay chuyện bầu sô quịt tiền cát-xê của ngôi sao cũng là không hiếm.
Bầu “tèo”, bầu “khóc” và bầu… “lựa đạn”
Tuy nhiên không phải ca sĩ nào cũng “lì xì” cho bầu sô. Nó còn tùy thuộc vào tư cách và cái bóng của từng người. Đối với những ông bầu lớn, các ngôi sao thường không đặt nặng vấn đề tiền cát sê, vì đối với nhà tổ chức chuyên nghiệp nó luôn có sẳn “ba rem”. Nhưng đối với “bầu tèo”, tổ chức lôm côm, kiểu “mượn đầu heo nấu cháo” thì ca sĩ chỉ có lấy thêm chứ không bớt.
Một suất diễn của “bầu tèo” thường mời cỡ 1, 2 ngôi sao, đôi khi là ngôi sao “sắp lặn” cũng được coi là bầu chịu chơi. Còn lại 6,7 ca sĩ hát lót, hầu hết là những ngôi sao chưa mọc. Nên họ rất sợ tổ chức gần những ông bầu lớn có nhiều ngôi sao thượng hạng. Hơn nữa các chương trình luôn được giữ bí mật đến phút chót, vì thế bầu nhỏ thường cho “trinh sát” thám thính kỷ sân bãi rồi mới xin giấy phép, ký hợp đồng, nhưng cách né bầu lớn tốt nhất là vô tuốt vùng sâu, vùng xa.
Dân gian có câu “Trâu chậm uống nước đục”, ở đây xem ra đúng với các “bầu tèo”. Do quá thận trọng trong việc chọn lựa sân bãi, nên những điểm “xôi thịt” ở thị xã hoặc thành phố thường bị mấy ông bầu lớn “xơi” hết.
“Bầu tèo” bị đẩy vào những nơi “khỉ ho cò gáy”, nhưng hóa ra nó cũng có cái lợi. Vì từ nhà tổ chức cho đến khán giả không mấy quan tâm đến chất lượng nghệ thuật, họ ngầm hiểu đi xem biểu diễn chỉ là cái cớ, vui mới là chính. Nên chất lượng biểu diễn “cóc nhái” đôi khi cũng được chấp nhận.
Chất lượng nghệ thuật “bình dân” nên giá vé cũng bình dân, 30- 50 ngàn đồng, tùy theo diễn ở bến chợ hay sân đình. Trong khi đoàn của các “bầu vua” có cả chục ngôi sao thì giá vé gấp 3 - 4 lần là chuyện đương nhiên. Coi như chia nhau đất mà sống, một bầu sô chia sẻ. Nhưng nhờ vậy mà bà con vùng sâu cũng có lợi, được coi hát nhiều hơn, đôi lúc may mắn gặp được các ngôi sao thật ở ngoài đời. Song, tổ chức ở những vùng sâu lo nhất vẫn là mấy ông điện đóm.
Nhiều bầu non kinh nghiệm, không chu đáo với mấy “ông điện” rất dễ “dính” sự cố “mất điện đột xuất”. Biểu diễn nghệ thuật mà gặp sự cố mất điện kể như “toi”, chỉ còn cách hoãn hoặc hủy chương trình. Gặp những đêm diễn có mời nhiều ngôi sao, khán giả dẫu có dễ dãi thông cảm, nhưng bầu sô thì chỉ còn nước bán đạo cụ để trả tiền cát sê cho ca sĩ.
Từ đó mới có chuyện bầu sô quỵt tiền ca sĩ, được ca sĩ đặt cho biệt danh là bầu “lựu đạn”. Còn bầu không quỵt tiền thì cũng làm bộ khóc lóc than vãn để được ca sĩ giảm cát sê nên mới có biệt danh “bầu khóc”.
Trường hợp này thường xuyên xãy ra với ca sĩ trẻ, ngôi sao “chưa mọc”. Những ca sĩ này bị bầu sô ăn chặn, ăn quỵt nhưng không bao giờ dám đứng ra rố cáo, vì sợ tương lai không còn đất diễn. Trước đây đã có một vài trường hợp ca sĩ chưa mấy tên tuổi đứng ra tố cáo bầu sô đã phải nghĩ hát luôn vì giới bầu sô đã thông báo cho nhau: “Thằng đó phản chủ”!
Chọn mặt…gửi tiền
Thông thường, ca sĩ ngôi sao thích biểu diễn cho những ông bầu lớn, có uy tín. Một ca sĩ nhạc sến hàng đầu ở TP.HCM cho rằng, bầu nhỏ thường trả tiền cát xê cho ca sĩ không cao, thiếu sòng phẳng, làm ăn lại lôm côm, biểu diễn cho họ dễ mang tiếng. Bởi vậy có ngôi sao rất dễ dãi cát xê với bầu lớn nhưng ngược lại khắc nhe từng đồng với mấy ông bầu nhỏ.
Khác với ca sĩ ngôi sao, các ca sĩ hát lót hay các ngôi sao “chưa mọc” thì lại cần đến những ông bầu nhỏ. Họ coi đó là cơ hội tốt để rèn luyện, làm quen với công chúng. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngôi sao thượng thặng đi diễn cho bầu nhỏ, đó chẳng qua là mối ruột, lâu lâu ban phát theo kiểu “tình thương mến thương”, thật tình họ chẳng muốn biểu diễn cho bầu nhỏ chút nào. Từ đó mới có trường hợp, gần tết bầu nhỏ năn nỉ bầu lớn nhường ngôi sao này, ca sĩ nọ cho họ một hai đêm.
Đặc biệt trong những ngày lễ, tết, ngoài những sân khấu nổi tiếng lâu nay ở Sài Gòn đã có người cát cứ, mảnh đất màu mỡ của bầu sô vẫn là khán giả miền Tây. Theo bầu Xuân Tài, một người khá nổi tiếng trong giới bầu sô, cho biết trong những ngày lễ, tết ông thường tổ chức hơn 10 suất diễn ở miền Tây.
Bầu Xuân Tài tâm sự: Đừng thấy dân miền Tây trữ tình, chất phát mà nói họ không biết thưởng thức nghệ thuật. Vài năm trước thánh địa của họ còn là sân khấu cải lương, nay đã đổi “gu” sang nhiều thể loại khác.
Chẳng hạn, khán giả An Giang thích nhạc sôi động, nhạc trữ tình hơn cải lương. Khán gia Cần Thơ thì thích nhạc trẻ. Khán giả vùng sâu, vùng xa Đồng Tháp Mười, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh thì thích trích đoạn cải lương hoặc ca nhạc tạp kỹ. Cho nên tiêu chí của nhiều ông bầu giờ đây thích chọn ca sĩ hát tân nhạc được mà hát cổ nhạc cũng hay.
Trong giới bầu sô hiện nay cũng có không ít ông làm ăn theo kiểu liều mạng. Tờ rơi, áp phích thì giới thiệu toàn ca sĩ ngôi sao, lúc biểu diễn chỉ thấy ngôi sao “nửa mùa”. Có ông còn quảng cáo theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, nhái tên ngôi sao Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Sơn, Hiệp “gà” thành Đàm Vĩnh Hùng, Nguyễn Ngọc Sơn, Hiệp “vịt”…Một ngôi sao trẻ trưởng thành nhờ mấy ông bầu tỉnh lẻ, chia sẻ: Lúc mới vào nghề, để có tiền, có kinh nghiệm diễn xuất các ca sĩ teen phải chấp nhận đi hát hội chợ, hát đám cưới, hát sinh nhật, thậm chí hát đám…tang ở tỉnh.
Nhục nhất là đi hát với mấy ông “bầu tèo”, không được bước lên sân khấu với nghệ danh thật của mình, ông bầu bắt phải “đội” tên của các ca sĩ thành danh khác để bịp khán giả. Nhiều lúc khán giả phát hiện cũng bỏ qua, không có ngôi sao này thì thế ngôi sao khác có sao đâu. Vui là chính mà. Nhưng có nơi khán giả chẳng kiên cử gì mà không dám chưởi đồ này, đồ nọ, làm ăn bất chính, lừa đảo, ném đất đá, vật dụng lên sân khấu để phản ứng. Khi đó bầu sô rơi vào cảnh dở khóc dở cười, muốn chui xuống đất trốn cũng chẳng được. Đến nước này thì không có bầu nào dám nghỉ đến chuyện quay lại tổ chức thêm lần nữa.
Người ta gọi bầu sô là những người ăn đình, ngũ chợ, lăn lóc chợ đời. Nhiều người lầm tưởng họ gan lì. Nhưng có nghe một ông bầu làm ăn tử tế tâm sự mới biết họ sợ tất cả, từ khán giả, ca sĩ ngôi sao, giang hồ “ruộng” cho đến ông nhà đèn. Chỉ cần làm mất lòng bất cứ một ai trong số đó, dẫu đó là ngày mùng một Tết họ cũng chẳng nể nang. Một khi thiếu nể nan thì bể sô là cái chắc.
(Theo PNTD)