Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sanh năm 1943 tại xã Phước Hải, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu. Cha mẹ của Thu là người quê ở Bình Định, làm nghề ngư phủ. Hai ông bà đã đi đánh cá khắp các vùng biển từ Quy Nhơn đến Cà Mau, Phú Quốc. Hai ông bà chọn xã Phước Hải để định cư . Vì vậy bốn chị em của Thu đều sanh ra tại xã Phước Hải.
Cha của Thu mất năm 1949. khi Thu được 7 tuổi. Người chị thứ hai, 10 tuổi đã phải đi bán khoai lang, chuối nấu để kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi em. Thu tuy mới 7 tuổi, cũng phải đi làm mướn cho chủ ghe cá, phụ việc khoanh chạc, tát nước, gở cá khi ghe đi biển đánh cá về.
Thu theo ghe đi biển, tập chèo sĩ, tát nước ghe, gở cá khi lưới kéo lên và nấu cơm, lo nước uống cho các ngư phủ khác.
Năm 14 tuổi, theo ghe ra biển, bị một trận bảo dử dội, nhiều ghe trong đoàn đánh cá bị chìm, ghe của Thu thoát nạn, khi em vô đến bải, chạy về nhà thì thấy mẹ và các chị em đang quỳ trên bải biển, cầu trời khẩn phật mong cho Thu tai qua nạn khỏi.
Mẹ của Thu thấy con trở về bình yên, hai mẹ con ôm nhau mà khóc, cả xóm đều cảm động. Bà nhứt quyết không cho Thu theo ghe cá đi biển nữa, nhưng nghèo quá, đành phú cho số trời, Thu lại theo ghe cá đi biển. Thu có sức khỏe nên chuyên chèo sĩ và đánh lưới rùng.
Hơn năm mươi năm trước ghe đi biển chưa có máy nổ, người ta phải chèo hoặc dong buồm. Chèo lái dành cho người có kinh nghiệm và chèo mủi dành cho trai tráng có sức khỏe vì sóng gió đập mạnh vô người chèo sĩ, tức là chèo mủi, người ta thường nói là đứng mủi chịu sào, phải có sức khỏe mới chống cự được với gió to sóng lớn.
Ở Phước Hải có câu hát: “ Gỏi nào ngon bằng gỏi cá Mai”
“Trai nào giỏi bằng trai lưới Rùng”
Cái lưới rùng là do dân Phước Hải đặt tên cho, trai làng biển phải Rùng Mình kéo lưới cá rất nặng, rồi khiên "Con Bò Lưới" nặng trên 100 kílô, ngày nào cũng gánh cá đi cả chục cây số, từ bải biển đến nhà chủ ghe hay ra chợ cá Phước Hải.
Cơ duyên đặc biệt
Thu sanh ra và lớn lên trong một gia đình ngư phủ, theo nghề đi biển đánh cá từ năm 11 tuổi cho đến năm 17 tuổi, nhờ cơ duyên đặc biệt, số phận của Thu thay đổi.
Cơ duyên đó là: gia đình của Thu mướn một căn nhà nhỏ ở sau rạp hát Hải Lạc, xã Phước Hải, vì vậy nếu có đoàn hát nào về hát ở rạp Hải Lạc thì Thu ngồi trong nhà cũng nghe được tiếng đờn câu ca. Nghe hát cải lương riết rồi đâm ra ghiền, mê vọng cổ, Thu theo các bạn học ca cổ nhạc để ca hát nghêu ngao những khi ngồi vá lưới hay đụng trận nhậu, ca chơi trợ hứng cho cuộc nhậu thêm vui.
Làn hơi của Thu rất dũng mảnh, giọng sang sảng, học lóm theo dĩa hát các bài vọng cổ do các danh ca Thành Công, Chín Sớm, Út Trà Ôn ca, Thu ca nhại theo rất giống nên được người trong làng ưa thích. Năm 1960, đoàn cải lương Ngọc Kiều của bầu Hoàng Kinh, Ngọc Đán về hát ở rạp Hải Lạc,, trong bửa nhậu chung với các nghệ sĩ đoàn Ngọc Kiều, giọng ca của Thu được nữ nghệ sĩ Kim Nên chú ý.
Cô Kim Nên là thân mẩu của nghệ sĩ tân nhạc Thái Châu. Cô Kim Nên lúc đó là đào chánh, cô xin ông bầu Hoàng Kinh cho Thu theo gánh hát học hát. Thu được nhận cho đóng vai quân sĩ . Bản tánh của Thu cần cù, chịu học hỏi nên đêm đêm Thu ngồi bên cánh gà coi hát và học thầm theo tuồng hát. Đoàn đang hát vở “ Chiều Đông Gió Lạnh Về ”. Thu học thuộc được nhiều vai trong tuồng nầy Khi các vai quân báo hay kép cạnh đau yếu không hát được thì Thu thế vai đó được tròn vẹn, ông bầu Hoàng Kinh mới đặt nghệ danh cho Thu.
Thu nhận tên mới Thanh Sang và dẹp cái tên Thu vào trong quên lảng. Trong các thập niên 70, 80, người làng Phước Hải quên mất tên Thu mà chỉ nhớ và hảnh diện với tên Thanh Sang của anh dân chài làng biển trở thành ngôi sao sân khấu.
Thanh Sang có một dịp may bằng vàng: năm 1962, kép chánh Hùng Cường đánh anh hề Nguyễn Mỹ (con của danh hề Sáu Dình và nữ nghệ sĩ Năm Đặng) Hùng Cường đá Nguyễn Mỹ té xuống phòng khán giả. Hồi đó, Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu, Hội Công Nhân sân khấu, Chi hội Soạn giả, Hội ký giả kịch trường, Hội nào cũng bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ nên bảo trợ cho Nguyễn Mỹ kiện Hùng Cường ra Tòa, làm rùm beng lên để cho Hùng Cường bớt tánh hung hăng.
(Trước đó khi Hùng Cường ca rớt, anh thoi danh cầm mùVăn Vĩ và đá bể thùng âm phi của Văn Vĩ khiến cho danh cầm nầy thề là sẽ không bao giờ đờn cho gánh hát nữa. Văn Vĩ đã giử lời thề nầy cho tới khi anh chết).
Hùng Cường phải đi hầu Tòa nhiều lần, không thể theo gánh hát đi lưu diễn nên ông bầu Hoàng Kinh tập cho Thanh Sang thế vai của Hùng Cường. Đó là vai Đông Nhật trong tuồng Tuyết Phủ Chiều Đông, Thanh Sang trở thành kép chánh đoàn Ngọc Kiều. Các vai hát của Hùng Cường ở đoàn Ngọc Kiều đều được Thanh Sang thay thế.
Chất giọng trầm buồn
Thanh Sang có giọng ca trầm buồn, hơi khỏe khoắn, ngân vang lồng lộng, phong cách diễn xuất chững chạc, gặt hái được nhiều thành công nhưng phần số của Thanh Sang còn nhiều lận đận, Đoàn Ngọc Kiều về Sàigòn, đến trạm Bà Quẹo là rã gánh. Thanh Sang qua hát cho đoàn Ngọc Kiều Mới, nhưng ba tháng sau, Ngọc Kiều mới cũng rã gánh. Thanh Sang lại được mời về làm kép chánh cho đoàn Song Kiều, nhưng Song Kiều chỉ hát được một năm rồi rã gánh.
Thanh Sang nhận được Huy Chương Vàng giải Thanh Tâm năm 1964. Năm đó, đoàn cải lương Dạ Lý Hương hát vở Cô Gái Đồ Long, Tấn Tài thủ vai Trương Vô Kỵ, Bạch Tuyết vai Triệu Minh quận chúa, Út Hiền vai Trương Thúy Sơn, Ngọc Giàu vai Hân Tố Tố, Thanh Sang vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.
Thanh Sang mới 20 tuổi mà phải thủ diễn một nhân vật lão mù, trên năm mươi tuổi, lại đang trong tâm trạng nữa tỉnh nữa điên. Diễn viên rất sợ phải thủ diễn một nhân vật mù. Đôi mắt của diễn viên là một lợi khí sắc bén giúp cho diễn viên chinh phục khán giả trên sân khấu, cái liếc mắt tống tình, liếc mắt căm hờn, liếc mắt nghi ngờ, đôi mắt ngạc nhiên, đôi mắt bối rối... đôi mắt diễn đạt nhanh hơn và hiệu quả hơn lời nói, lời ca.
Diễn một nhân vật mù thì đã mất hết cái lợi thế của đôi mắt nên rất khó diễn. Nhưng Thanh Sang lại diễn nhân vật Tạ Tốn mù rất hay, anh được thưởng huy chương vàng giải Thanh Tâm nhờ vai tuồng nầy.Chỉ sau bốn năm theo nghề hát, Thanh Sang, một chàng trai chài lưới, chưa qua trường lớp nào của sân khấu đã trở thành một ngôi sao cải lương với cái huy chương vàng giải Thanh Tâm.
Thanh Sang thành công trong rất nhiều vai tuồng trước năm 75. Thanh Sang có chất giọng trầm, buồn, những vai nào cần diễn xuất nội tâm nhiều thì Thanh Sang thành công dể dàng như trong tuồng Kiều Phong – A Tỷ, Bạch Tuyết trong vai A Tỷ, Du Thản Chi – Thanh Sang, đầu bịt mặt sắt, lại cỏng A Tỷ trên lưng nhưng Thanh Sang đã dùng diễn xuất tỏ thái độ yêu đương mù quáng, ngu khờ, lúc nào cũng tuân theo mệnh lệnh của trái tim, nên làm cho khán giả thích thú và yêu mến chàng Du Thản Chi si tình.
Thanh Sang có nhiều vai tuồng “ Để Đời” như vai Trần Minh trong vở Bên Cầu Dệt Lụa, vai Thi Sách trong vở Tiếng Trống Mê Linh, vai Lê Hoàn trong vở Thái Hậu Dương Vân Nga, vai Thế Tử Ngũ Châu trong vở Đường Gươm Nguyên Bá.
Về nghệ thuật, Thanh Sang biết kếp hợp nhuần nhuyển giữa ca và diễn, biết khai thác ưu thế diễn xuất của mình để giọng ca trầm thêm tác dụng trong các vai lão. Thanh Sang tha thiết với sân khấu, sẳn sàng giúp bạn diễn và là người có kỹ luật, không bao giờ trể giờ tập tuồng, không trể giờ hát, nổi tiếng là một nghệ sĩ biết giữ chữ tín trong giới sân khấu.
Theo Nguyễn Phương