1. hongnhung
    Avatar của hongnhung
    Nghệ sĩ nhân dân PHÙNG HÁ




    Phùng Há, tên thật là Trương Phùng Hảo (30 tháng 4 năm 1911 - 5 tháng 7 năm 2009) là một nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Bà được xem là một trong những vị tổ của bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam. Hầu hết cuộc đời bà gắn bó với bộ môn nghệ thuật này và để lại dấu ấn với nhiều vai diễn khác nhau cũng như đào tạo ra nhiều môn sinh xuất sắc. Một trong những ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ là điệu hát của vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình.

    Xuất thân gia đình


    Thời niên thiếu
    Bà tên khai sinh là Trương Phụng Hảo, sinh tại làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, Mỹ Tho, Tiền Giang. Thân phụ của bà là ông Trương Nhân Trưởng, người làng Phú Lạng, huyện Hạc Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, còn thân mẫu bà là Lê Thị Mai, người làng Ðiều Hòa, Mỹ Tho.

    Bà là người con thứ 6, và cái tên Phụng Hảo được phát âm theo âm Quảng Đông là Phùng Há, vì vậy bà còn được gọi là Bảy Phùng Há (theo thứ bậc gia đình của người miền Nam).

    Thân phụ qua đời
    Năm bà lên 9 tuổi thì thân phụ bà qua đời. Cả gia đình bà đưa ông về Hạc Sơn để chôn cất. Khi gia đình bà trở về Việt Nam thì gia sản đã bị người khác chiếm đoạt. Tuy có đi học tiểu học một thời ngắn, vì vì hoàn cảnh gia đình nên bà sớm nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Năm 13 tuổi, bà đã phải đi làm công trong một lò gạch để kiếm tiền. Tuy nhiên, giọng ca thiên phú của bà khi đó lọt vào tai ông bầu Hai Cu của gánh hát Nam Đồng Ban cũ và đó là bước ngoặt cuộc đời bà để đi theo con đường nghệ thuật.

    Một đời vì nghệ thuật cải lương


    Con đường đến với nghệ thuật
    Năm 1924, khi ông bầu Hai Cu thành lập gánh hát Tái Đồng Ban và mời bà tham gia với vai trò đào chính để đóng cặp với kép chính Năm Châu. Ông cũng là người gợi ý bà sử dụng cái tên Phùng Há làm nghệ danh. Thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh, nghệ sĩ Năm Châu và nhạc sĩ Tư Chơi (tức là nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung) là những người thầy đầu tiên của bà trong cuộc đời nghệ thuật. Cũng chính nghệ sĩ Năm Châu và Tư Chơi là 2 người đàn ông có mặt trong cuộc đời tình cảm của bà về sau này.

    Vai diễn đầu tiên đánh dấu cuộc đời hoạt động nghệ thuật của bà đó là vai Giả Thị trong vở cải lương Hoàng Phi Hổ quy Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Sau đó là các vở Thôi Tử thí Tề Quân, Mổ tim Tỷ Can, Anh hùng náo Tam Môn Nhai của soạn giả Nguyễn Châu Thành; Khúc oan vô lượng; Tội của ai của soạn giả Tư Chơi. Thời gian này, bà đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu và rất được công chúng rất yêu thích.

    Năm 1926, bà cùng các nghệ sĩ Năm Châu và Tư Chơi, Ba Du gia nhập gánh hát Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa. Cùng năm này, bà kết hôn với nghệ sĩ Tư Chơi. Không lâu sau thì nghệ sĩ Năm Châu rời gánh Trần Đắc.

    Năm 1929, bà li dị, sau đó kết hôn với nhà phú hộ Bạch công tử Lê Công Phước. Vốn là người rất mê cải lương, ông đã thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ cho bà làm bầu gánh khi mới 18 tuổi. Gánh hát quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ, như Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne... Theo nhiều tài liệu ghi lại thì đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam kỳ. Ông cũng cho xây dựng rạp hát cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho để làm nơi gánh hát biểu diễn thường xuyên.

    Thời đó những gánh hát khác đều đi bằng ghe chèo thì Bạch Công tử lại sắm một lúc tới 3 chiếc ghe có gắn máy dùng để chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như là du thuyền. Theo mô tả thì chiếc đi đầu chở Bạch Công tử và Phùng Há, có lầu, phía trước có cột cờ và treo cờ vàng, biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Đào kép thì đi trên chiếc ghe thứ hai, được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ, có bếp ăn, chỗ vệ sinh... Chiếc thứ ba thì chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng. Mỗi khi gánh hát đi tới đâu, Bạch Công tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền sở tại. Sau đó thì hát bản Đoàn ca, cờ vàng được kéo lên và Bạch Công tử lấy súng lục ra đưa lên trời nổ liền mấy phát. Sau đó, trong lúc đào kép lo chuẩn bị cho đêm diễn thì đội bóng thi đấu giao hữu với đội bóng của địa phương, với mục đích thu hút khán giả tối đi xem hát. Và cho dù thắng hay thua, đội bạn cũng được chiêu đãi và mời xem hát. Khi gánh hát dời đi nơi khác, Bạch Công tử lại cho kéo cờ vàng, đốt pháo và rút súng lục ra bắn. Khán giả thì đứng chen trên bờ vẫy tay chào.

    Nhờ lưu diễn bằng ghe nên thời đó dù ở những vùng chợ quê xa xôi như Vĩnh Kim, Ba Dừa, Cái Thia... đều có gánh hát tới. Được biết trong hồi ký của nghệ sĩ Ba Vân cũng có nhắc tới việc này.

    Vở tuồng ăn khách nhất của gánh Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình, do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ và Phùng Há vai Bạch Thu Hà.

    Không chỉ để lại dấu ấn trong lòng người dân miền sông nước, gánh Huỳnh Kỳ của Bạch Công tử còn thu hút được khán giả Sài Gòn. Trong hồi ký Nổi trôi trong ánh đèn màu, nghệ sĩ Bảy Nhiêu đã viết: "Đến 3 giờ chiều thì vé các hạng của gánh Huỳnh Kỳ đều hết. Nhiều người thất vọng đón buổi tối để mua cho được vé đêm mai".

    Giai đoạn cuối đời

    Năm 1958, bà đề xuất mua đất, xây dựng nên Chùa Nghệ sĩ tại Sài Gòn để làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ cải lương[5]. Bà cũng tự xuất tiền để xây dựng bia mộ cho các nghệ sĩ lão thành và cấp dưỡng cho vài nghệ sĩ nghèo.

    Bà không chỉ là nghệ sĩ với giọng hát xuất sắc, diễn xuất tinh tế, mà bà còn có công đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhiều người đạt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Với những đóng góp cho nghệ thuật, năm 1984 bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân

    Qua đời
    Ngày 5 tháng 7 năm 2009, bà đã qua đời tại bệnh viện Nguyễn Trãi (Thành phố Hồ Chí Minh) hưởng thọ 99 tuổi.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. hongnhung
    Avatar của hongnhung
    Mối tình Nghệ sĩ Phùng Há và Bạch Công Tử



    Thuở xưa đất Nam Kỳ Lục Tỉnh có hai chàng công tử nổi tiếng trong thiên hạ thời bấy giờ, mà trong dịp tiếp xúc với Má Bảy Phùng Há, chúng tôi đã thu thập khá nhiều sự kiện có liên quan đến một trong hai chàng công tử nói trên.

    Trước hết xin nói về chàng công tử Bạc Liêu, mà cho đến nay thỉnh thoảng trong những câu chuyện người ta vẫn còn nhắc đến, nhứt là ở các tỉnh miền Tây thì nhiều người biết hơn, do những di tích còn lưu lại như nhà cửa, vườn đất, tài sản, v.v... cũng như trong sử sách của tỉnh Bạc Liêu cũng có đề cập đến chàng công tử này.

    Cái biệt danh “Công Tử Bạc Liêu” đã nói lên nơi sinh trưởng của chàng công tử ở một tỉnh được coi như vựa lúa miền Tây, và cũng nhờ sự trù phú của tỉnh đã đem lại cho Tổ Phụ của cậu công tử nhiều tài sản ruộng vườn, để rồi đến đời của cậu thì tung ra xài tiền như nước, không biết bao nhiêu mà kể. Công Tử Bạc Liêu, cũng có người gọi là “Hắc Công Tử” (có lẽ do nước da không được trắng), để phân biệt với chàng Bạch Công Tử ở Mỹ Tho, cũng con nhà giàu, ruộng đất cò bay thẳng cánh và cũng nổi tiếng ăn chơi không kém Hắc Công Tử nhưng với hình thức khác.

    Thế nhưng, Bạch Công Tử là ai, liên hệ như thế nào với Má Bảy Phùng Há? Cái điều đáng ghi ở đây là Bạch Công Tử liên hệ nhiều đến Má Bảy cả về tình cảm lẫn nghệ thuật. Về tình cảm thì Má Bảy chung sống với Bạch Công Tử đến 7 năm và có hai mặt con (cả hai đều chết khi còn nhỏ nên sau này ít được nói đến). Còn về nghệ thuật thì Bạch Công Tử là bầu gánh hát Huỳnh Kỳ, một gánh hát lớn thời đó, mà toàn bộ nghệ thuật do Má Bảy điều khiển.

    Bạch Công Tử tên thật là Lê Công Phước, biệt danh là Phước George, sinh tại Mỹ Tho vào khoảng đầu thế kỷ 20 hoặc trước đó vài năm, tức khoảng 1896-1897, thiên hạ đã căn cứ vào những người đồng chạng cùng đi học để định tuổi chớ không ai biết chính xác. Có người nói rằng do lớn hơn Má Bảy nhiều tuổi, sợ rằng Má Bảy mặc cảm nên ông giấu tuổi (lớn hơn khoảng 15 tuổi).

    Công tử Phước George du học từ bên Pháp về, ăn chơi khét tiếng đất Mỹ Tho (Má Bảy cũng sinh trưởng tại Mỹ Tho), và mê mệt cô đào cải lương Phùng Há nên bỏ tiền ra lập gánh hát, để có cơ hội chiếm con tim của cô đào trẻ đẹp lúc bấy giờ. Người ta nói mục tiêu lập gánh hát của Phước George vì nghệ thuật thì ít, mà vì cô đào làm nghệ thuật thì nhiều.

    Mỹ Tho, một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cách Sài Gòn 70 cây số, nổi tiếng với món đặc sản chuối khô cung cấp khắp các tỉnh từ Nam ra Trung, và người ta dùng làm quà tặng mỗi khi thăm viếng nhau. Ðất Mỹ Tho cũng là nơi chào đời của một cậu công tử nổi tiếng trong thiên hạ nhờ ăn chơi, và mối tình của ông với nghệ sĩ Phùng Há đã một thời gây xôn xao dư luận, không chỉ ở Mỹ Tho mà lan ra nhiều nơi kể cả Sài Gòn cũng nghe.

    Trong cuộc tiếp xúc với nghệ sĩ tiền phong Phùng Há tại Chùa Nghệ Sĩ ở Gò Vấp hôm tháng 7 vừa qua, về vấn đề Bạch Công Tử, chúng tôi đặt câu hỏi và câu trả lời của nghệ sĩ Phùng Há:


    - TG: Thưa Má Bảy, công tử Phước George, mà người đời gọi là Bạch Công Tử, là con trai duy nhứt của ông Ðốc Phủ Sứ Lê Công Xũng, giàu có vào bực nhứt ở Mỹ Tho thời bấy giờ, xin Má Bảy cho biết đã gặp Bạch Công Tử trong trường hợp nào?


    - MB: Lúc gánh hát Trần Ðắc về trình diễn ở Mỹ Tho, thì ông (Bạch Công Tử) được bạn bè rủ đi coi hát, chớ trước đó ông chẳng để ý gì đến cải lương hết. Ðêm đó tôi đóng vai Mạnh Lệ Quân trong tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài, và khi vãn hát ra cửa thì thấy ông đứng ngay ở đó, ông không ra về như mọi người mà ra phía sau hậu trường rạp hát chào tôi, đưa tay cho tôi bắt. Tôi rụt rè không dám đưa tay, dù là đào hát tôi chưa từng bắt tay ai bao giờ, và nói thẳng với ông như vậy.

    Ông cười, bắt đầu làm quen và kể từ đó thì đêm nào nếu không ngồi ở hàng ghế khán giả, thì cũng vào hậu trường ngồi bên cánh gà coi tôi hát không trừ bữa nào. Thời đó lúc gánh hát đang trình diễn thì cánh cửa phía sau hậu trường được đóng lại, nhưng thấy ông thì đâu ai dám không mở cửa (Bạch Công Tử là con trai của Ðốc Phủ Sứ Mỹ Tho, tức tỉnh trưởng đương quyền).


    - TG: Bạch Công Tử nổi tiếng trong thiên hạ, ở Sài Gòn cũng nghe danh, xin Má Bảy cho biết vài nét về Bạch Công Tử?


    - MB: Ông là một cậu công tử hào hoa phong nhã, tuy là con nhà quyền quý giàu sang, lại du học từ bên Tây về, nhưng không có tính kiêu căng khi người, mà đối xử với mọi người chung quanh một cách bình dân, đối xử tốt với bạn bè, chỉ có cái là ăn chơi quá mức thành ra hư người luôn.

    - TG: Do đâu mà Má Bảy ưng thuận kết hôn với Bạch Công Tử, cảm mến ông ở điểm nào?

    - MB: Ông đeo đuổi tôi sát quá, ngày nào cũng theo, đêm nào cũng ở rạp hát, lúc đó không phải tôi ham mê địa vị về làm dâu gia đình đốc phủ sứ, cũng không phải vì sự giàu sang phú quý của ông, tôi bằng lòng là do ông rất quý trọng tôi, quý trọng cái nghề ca hát, không coi đó là “xướng ca vô loại” như một số người mà còn khuyến khích. Ông thành lập gánh Huỳnh Kỳ, một gánh hát cải lương lớn nhứt vào thời đó và mời tôi nhận vai đào chánh.

    - TG: Chắc điểm nầy thích hợp nhứt với Má Bảy, và Má Bảy đã đồng ý kết hôn?

    - MB: Cũng một phần thôi, vì lúc đó rất nhiều gánh hát kêu tôi nhận vai đào chánh, nhưng đối với gánh Huỳnh Kỳ của Bạch Công Tử thì tôi hoàn toàn điều khiển về nghệ thuật, cái việc mà ở các gánh khác tôi không có được.

    Chinh phục cô đào hát trẻ đẹp Phùng Há, Bạch Công Tử đã thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ, để cho cô đào điều khiển toàn bộ về nghệ thuật, và thời gian thì đi đến hôn nhân. Gánh hát Huỳnh Kỳ đã một thời đem lại cho giới hâm mộ cải lương những buổi đi coi hát đầy thích thú với các vở tuồng ăn sâu vào lòng khán giả như: Giọt Máu Chung Tình, tức Võ Ðông Sơ -Bạch Thu Hà, Người Ðàn Bà Không Tên, Sơn Hà Xã Tắc, Kim Tinh Nương Xuất Hiện...

    Vào thời thập niên 1930 xe cộ rất hiếm, trên bộ chỉ xe ngựa, xe bò là nhiều, còn xe vận tải thường gọi là xe cam nhông thì mấy khi thuê mướn được, do đó hầu hết các gánh hát cải lương đã di chuyển bằng đường thủy, gánh nào khá lắm thì sắm được vài ba chiếc ghe loại nhỏ, chớ còn đa số thì mướn ghe vận chuyển đồ đạc, đi tới đâu thì đào kép công nhân mua ăn nấu nướng tại chỗ, không mang đồ đạc cồng kềnh (đúng là nước sông gạo chợ). Riêng gánh hát Huỳnh Kỳ thì Bạch Công Tử mua ghe chài làm phương tiện cho gánh hát lưu diễn, đồng thời làm nơi trú ngụ cho đào kép công nhân.

    Ghe chài là loại ghe lớn có trọng tải nặng, một chiếc ghe chài chuyên chở nhiều gấp 4, 5 chiếc xe cam nhông, mà vào thời đó người nào sắm được một chiếc thì kể như nhà giàu, vậy mà Bạch Công Tử đã mua đến 4 chiếc dành cho gánh hát hoạt động, đi tới tỉnh nào cũng đậu chật bến phô trương bảng hiệu Huỳnh Kỳ. Ba chiếc dành cho gánh hát và một chiếc đặc biệt làm nhà ở di động, được trang hoàng sang trọng không thua dinh thự, nguy nga tráng lệ chẳng kém lâu đài, Bạch Công Tử đã tạo cho nghệ sĩ Phùng Há một cuộc sống như Bà Hoàng được kể trong sử sách vậy.

    Gánh hát Huỳnh Kỳ với thực lực hùng hậu, lưu diễn miền Tây đi đến tỉnh nào cũng đông đảo khán giả, thiên hạ quanh vùng bơi xuồng coi hát đậu chật bến, và đây là thời kỳ mà gánh hát Huỳnh Kỳ lên như diều gặp gió, ở ngoài nhìn vô ai cũng nghĩ rằng gánh hát làm ăn phát đạt. Thế nhưng, với cái lối ăn xài của Bạch Công Tử, tiền bạc dành cho gánh hát bị tuôn ra nên luôn thiếu hụt, Bạch Công Tử cứ mãi lo ăn chơi chẳng ngó ngàng gì đến vấn đề kinh doanh, lời lỗ chẳng biết, hễ cần tiền thì bảo quản lý đưa. Còn nghệ sĩ Phùng Há thì mãi lo về nghệ thuật, đâu còn thì giờ lo việc điều hành, tóm lại mọi thứ chi thu đều do người quản lý, gánh hát bị lỗ thì bán ruộng đất đắp vào, làm ăn kiểu đó thì bảo sao chẳng suy sụp, núi non rồi cũng hết.

    Bao nhiêu tiền cũng không đủ cho Bạch Công Tử tiêu xài, ông rất rời rộng, tốt với bạn bè, với mọi người, và thiên hạ đồn rằng vào thời đó mỗi lần ông ra đường gặp bất cứ ai lên tiếng “chào Bạch Công Tử” thì ông móc tiền cho ngay, nhiều ít chẳng cần để ý, cho hết thì thôi, bữa khác lại cho nữa nên họ rất thích ông ra đường ra chợ. Còn lên xích lô ngồi thì chỉ ngồi một chiếc, cả chục xe khác chạy xe không theo tới nơi cũng được ông trả tiền.

    Bạch Công Tử được người đời thêu dệt quá nhiều huyền thoại, có lý cũng nhiều mà vô lý cũng có, huyền thoại bao quanh ông không biết bao nhiêu là chuyện, cho đến khi nằm xuống vẫn còn. Nếu viết riêng về Bạch Công Tử thì rất nhiều, nhưng trong bài ký sự gặp gỡ nghệ sĩ Phùng Há, chúng tôi chỉ lướt qua đôi dòng, nếu có dịp sẽ nói riêng về Bạch Công Tử.

    Thời gian bảy năm chung sống với Bạch Công Tử, Má Bảy hạ sinh hai người con, đứa đầu con trai tên Paul Lộc, vừa lên hai đã qua đời do chứng bệnh ban trắng, mà theo bà thì do uống lầm thuốc Tây. Lúc sinh đứa thứ hai, con gái tên Suzane Lý, cũng là lúc gánh hát Huỳnh Kỳ suy sụp.

    Do cái đà ăn chơi quá mức của Bạch Công Tử, tiền bạc gánh hát thu vào không đủ tuôn ra, đã đưa đến tình trạng gánh hát Huỳnh Kỳ suy sụp, và do không còn trình diễn nên đào kép mạnh ai nấy đi, chớ nằm chờ thì ai phát lương chớ!

    Mấy chiếc ghe chài, thực lực hùng mạnh của đoàn hát bị kéo về cho nằm ở bến sông Cầu Ông Lãnh, và vì ghe chài quá lớn nằm một chỗ làm chật bến, trở ngại sinh hoạt làm ăn của bến nên bị phản đối phải dời đi, cho đậu ở mé sông phía trước tòa nhà trụ sở Ngân Hàng Ðông Dương, mà về sau là Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam.

    Gánh hát không còn hoạt động, nghệ sĩ Phùng Há lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau, đứa con gái Suzane Lý đau bệnh nặng mà Bạch Công Tử thì không có mặt dưới ghe, bỏ mặc cho bà. Không còn tiền chạy thuốc thang, đi tìm Bạch Công Tử thì có người cho biết một ngôi biệt thự, người ta mở cửa cho bà vào để nhìn thấy cảnh ăn chơi trác táng của chồng, bà than trời:

    - Con nó đau bệnh gần chết, không có tiền chạy thầy chạy thuốc mà anh đành lòng nào vui chơi như vầy được sao?

    Nói xong câu bà gạt nước mắt lui trở ra, đi về chiếc ghe mà thời gian trước hai người sống trong hạnh phúc, giờ đây có mặt thêm một ngày là khổ tâm thêm một ngày. Mấy hôm sau thì Suzane Lý qua đời, và nghệ sĩ Phùng Há cũng từ giã gánh hát Huỳnh Kỳ, đồng thời chấm dứt luôn mối tình với Bạch Công Tử, coi như cuộc tình kéo dài được 7 năm, lúc đó vào khoảng 1933.

    Nghệ sĩ Phùng Há ra đi, Bạch Công Tử kêu nghệ sĩ Thanh Tùng về thay thế vai chánh, gánh Huỳnh Kỳ hoạt động đến khoảng 1939 thì rã gánh. Ghe chài, đồ đạc bán hết, tài sản vườn đất của ông già để lại cũng tiêu xài hết, lại mang bệnh ghiền, thân tàn ma dại sống cảnh lang thang không nhà cửa ở Sài Gòn. Thấy vậy, người con của một quan Huyện từng làm việc dưới quyền của Ðốc Phủ Sứ Lê Công Xũng đã đem Bạch Công Tử về Mỹ Tho chăm sóc, và do hậu quả của việc hút xách, thiếu thuốc nên bệnh ghiền hành hạ, sống thêm vài năm thì lìa đời và huyền thoại về Bạch Công Tử cũng phai dần theo thời gian.



    * tancogiaoduyen (Theo Triều Giang - NV)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL