Nghệ sĩ Năm Châu
Nghệ sĩ tài hoa của sân khấu cải lương
18.05.2006 15:03
Nghệ sĩ Năm Châu là một nghệ sĩ tiên phong tài hoa của sân khấu cải lương, người có công đặt nền móng cho nghệ thuật cải lương từ thuở sơ khai. Ông đã nổi danh cùng với những nghệ sĩ Ba Du, Từ Anh, Tám Danh, Tư Út, Tư Chơi, Ba Vân, Hai Tiên, Bảy Nhiêu. Ông vừa là người thầy, vừa là người bạn diễn tâm đắc của nghệ sĩ Phùng Há. Chẳng những có tài diễn xuất, nghệ sĩ Năm Châu còn là tác giả nhiều vở cải lương giá trị như "Dân chúng trước pháp trường, Đêm dài vô tận, Men rượu hương tình, Tuyết băng và bạo lực, Gió ngược chiều, Vợ và tình, Khi người điên biết yêu, Sân khấu về khuya, Nước biển mưa nguồn, Tây Thi cô gái nước Việt".
Ông chủ trương nghệ thuật ca diễn phải thật và đẹp. Thật, để vở diễn sống thực, tạo cảm xúc sâu sắc trong khán giả. Đẹp, để thể hiện được tính thẩm mỹ của nghệ thuật sân khấu. Quan niệm về sáng tác và ca diễn của ông đã trở thành khuôn mẫu cho sân khấu và nghệ sĩ cải lương.
Nghệ sĩ Năm Châu cũng là bậc tiền bối có công đào tạo nhiều lớp diễn viên kế thừa để nghệ thuật cải lương không ngừng phát triển vững mạnh.
Nghệ sĩ Năm Châu tên thật là Nguyễn Thành Châu, sinh ngày 9/1/1908 tại làng Điều Hòa, tổng Thiệu Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (cùng quê với nghệ sĩ Phùng Há). Năm 9 tuổi, nghệ sĩ Năm Châu đã học ký âm pháp và đàn violon rất hay, năm 12 tuổi học cổ nhạc và đàn kìm. Từ thời thơ ấu, nghệ sĩ Năm Châu đã bộc lộ năng khiếu và niềm say mê ca nhạc. Khi được xem những vở kịch Tây Phương diễn ở trường học, nghệ sĩ Năm Châu lại yêu sân khấu và muốn ứng dụng cho nghệ thuật cải lương mới thoát thai từ "Ca ra bộ". Sau bậc trung học ở College Mỹ Tho, nghệ sĩ Năm Châu đã trưởng thành. Với tâm hồn một thanh niên yêu nghệ thuật và lòng ham muốn tạo được một sân khấu Việt Nam khác hẳn bộ môn hát bội. Năm 1922, nghệ sĩ Năm Châu soạn vở "Giọt Lệ Cương Thường". Nội dung kịch bản này diễn tả thực trạng xã hội nông thôn thời đó, chống cường hào ác bá. Ông quy tụ bạn bè, anh chị em đồng điệu, diễn cho bà con xem ở xóm Xoài Hột, Mỹ Tho. Cuối năm ấy ông lại soạn vở "Vẹn Tấm Lòng Son", diễn ở đình làng Điều Hòa, có bán vé. Thuở ấy cải lương đã có bài vọng cổ của nghệ sĩ Sáu Lầu sáng tác và được cải tiến dần thành bài bản chính của sân khấu, diễn tả nội tâm, tình cảm phong phú, tạo xúc động sâu sắc trong khán giả. Nghệ sĩ Năm Châu chuyển sang ca diễn chuyên nghiệp trên sân khấu Tái Đồng Ban và tiếp tay với thầy Năm Mạnh soạn vở cải lương ba màn "Tái Sanh Duyên" diễn vào năm 1925. Thời gian này thị hiếu khán giả còn chuộng tích truyện Tàu, nên nghệ sĩ Năm Châu viết chung với soạn giả Tư Chơi và diễn chung với nghệ sĩ Phùng Há, được khán giả ái mộ. Có vốn Pháp ngữ và am hiểu sân khấu Pháp, nghệ sĩ Năm Châu đã dựa theo những truyện và kịch Pháp để soạn ra tuồng cải lương. Sau đó nghệ sĩ Năm Châu có ý đưa thị hiếu khán giả về các vở diễn phản ánh xã hội. Cùng với tuồng cải lương, nghệ sĩ Năm Châu còn viết những vở kịch nói khi giảng dạy ở trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, những vở cải lương để dùng trong công việc đào tạo và diễn ở sân khấu kịch. Cũng có những vở kịch ông viết bài ca để soạn thành tuồng cải lương.
Bên lĩnh vực điện ảnh, nghệ sĩ Năm Châu từng viết kịch bản, làm đạo diễn và diễn viên các bộ phim "Quan Âm Thị Kính, Những Tấm Lòng Vàng (1965), Người Đẹp Bình Dương (1958), Người Thợ Vẽ (1959), Mưa Ngâu (1960), Hai Người Mẹ, Thế hệ Hai Mươi (1961), Chiều Kỷ Niệm (1969), Con Ma Nhà Họ Hứa (1971), Sợ Vợ Mới Anh Hùng, Quái Nữ Việt Quyền Đạo, Năm Vua Hề Về làng (1974)".
Về đời riêng, nghệ sĩ Năm Châu đã qua hai cuộc hôn nhân. Lần đầu, ông lập gia đình với nữ nghệ sĩ Tư Sạn, một danh ca vọng cổ nổi tiếng (đã mất). Sau này ông thành hôn với nghệ sĩ Kim Cúc, sống cuộc đời hạnh phúc êm ả. Hiện nay mười người con của ông (7 gái, 3 trai), có hai người con gái là Nguyệt Thu và Hồng Dung theo nghề. Cô Nguyệt Thu trước hát ở đoàn Ánh Chiêu Dương và đàn violon, bây giờ cô sáng tác bài ca, tuồng cải lương cho hãng băng. Còn Hồng Dung là diễn viên, đạo diễn sân khấu.
Nghệ sĩ Năm Châu mất ngày 21/4/1978 thọ 72 tuổi, giữa lúc ông còn say mê nghề nghiệp, giới nghệ thuật, nghệ sĩ cải lương, điện ảnh và đông đảo khán giả ái mộ luôn tiếc thương một bậc thầy tài hoa của sân khấu.
(tancogiaoduyen -cailuongvietnam.com)