Thứ Hai, 14/01/2008, 13:47 (GMT+7)
Nghệ sĩ Hồng Nga: Phong trần để gió cuốn đi!
TTCT - Trong các ngày 16, 17 và 24-1-2008, live show “48 năm nước mắt, nụ cười!” của nghệ sĩ Hồng Nga sẽ diễn ra tại sân khấu Trống Đồng (TP.HCM) với qui mô lớn nhất từ trước đến nay trong giới cải lương.
Những ngày này, 63 tuổi, bà vẫn một mình phong trần trong gió bụi đường xa trên chiếc xe máy cũ, bươn bả xuôi ngược từ Lái Thiêu về Sài Gòn lo cho các đêm diễn. Những thăng trầm vinh nhục của cả một kiếp người làm vui cho thiên hạ, bà thả trôi vào gió trong tiếng cười giòn tan nghe như muốn khóc!
Live show của nghệ sĩ Hồng Nga có đến bốn danh hài Bảo Quốc, Phước Sang, Quyền Linh, Anh Vũ làm MC theo lối tấu hài, bởi bà nói với đạo diễn bằng cái giọng lúc nào cũng giỡn giỡn, quậy quậy của mình: “Tôi rất sợ không khí nghiêm trọng. Cái gì cũng nghiêm trọng quá chắc chết!”. Đời bà kể ra có quá nhiều chuyện đau lòng; hài hước, têu tếu là cách bà giấu nỗi buồn, quên nỗi đau để sống tiếp.
Bà cười, nhớ xa xăm: “Đời này chắc không ai nếm cảnh khổ qua tôi. Đã bao lần tôi như chết nửa con người, chân khuỵu xuống mà vẫn phải chống đỡ nửa tỉnh nửa mê bước ra sân khấu. Khán giả khen tôi diễn hay quá, đồng nghiệp hỏi tôi tại sao khóc dữ quá, nhưng họ đâu biết là tôi đang khóc cho chính mình. Sống như vậy nên chưa bao giờ tôi diễn giả vờ trên sân khấu. Thôi thì cứ cho là cái nghiệp. Đắng cay mình nhận để làm ra mật ngọt cho đời!”.
Đoạn trường tình mẹ!
Cớ gì phải xin!
Dù được khán giả yêu mến nhiều đến vậy, nhưng đến bây giờ Hồng Nga vẫn chưa là nghệ sĩ ưu tú trong khi diễn viên hàng con cháu đã ưu tú cả rồi. Chuyện này gây xôn xao một thời khi báo chí đứng về phía bà, nhắc lại bà cười xòa rất ư giang hồ: “Thôi bỏ đi, tôi không làm đơn xin nghệ sĩ ưu tú nữa. Nếu thấy tôi xứng đáng, Nhà nước hãy phong danh hiệu cho tôi, không thì thôi vậy”.
Từ năm 2000, vở kịch Mẹ yêu nổi đình nổi đám trên sân khấu Kịch Sài Gòn, ăn khách từ năm này qua năm kia, vai bà mẹ của Hồng Nga gây chấn động khán giả, giúp bà đoạt giải Cù nèo vàng.
Trên sân khấu, bà mẹ già lụm cụm, cả đời lo cho đàn con thành tài, bây giờ chúng tị nạnh nhau nuôi mẹ, than tốn than phiền. Chỉ khi biết bà có gia tài để lại, chúng tranh nhau nuôi bà xem ai nuôi tăng ký hơn sẽ được phần nhiều. Đứa con cả của bà đã nhẫn tâm đến mức cho mẹ uống thuốc tăng trọng như... heo. Bà mẹ run rẩy, khóc ngất khi phát hiện sự thật.
Vậy mà không một lời trách mắng, bà thủ thỉ kể với con bằng tiếng nấc: “Hồi còn nhỏ con lúc nào cũng quấn quít mẹ, con đau bệnh mẹ bế trên tay cả đêm, đói lòng hai mẹ con nhường nhau chén cơm, con nói khi mẹ chết con sẽ chết theo...”. Chẳng còn khoảng cách giữa sân khấu và đời thường, khán giả thổn thức cùng nghệ sĩ Hồng Nga trong nỗi buồn mênh mang lan từ sân khấu ra cuộc đời. Riêng với Hồng Nga, kịch là đời, đời thật của bà cũng đoạn trường không kém.
Hồng Nga diễn tuyệt hay trong những vai bà mẹ phải đau khổ rứt ruột xa con, xa cháu như trong tuồng Tô Ánh Nguyệt, Kim Vân Kiều, Thái hậu Dương Vân Nga... và tạo ấn tượng đặc biệt như vai bà mẹ nghèo lên thăm con trong một gánh hát ở vở kịch Tình nghệ sĩ gây sốt vé những năm 1990-1991. Khi xem những vai diễn đó, nhiều khán giả xé lòng với nhân vật của Hồng Nga nhưng mấy ai biết lòng bà đau thật như trăm ngàn mối cắt...
Hồng Nga bảo: “Tôi thật tình nhờ ơn cách mạng. Không có mấy ổng vô chắc suốt cuộc đời tôi trả nợ góp!”. Thời trẻ, trước 1975 bà nổi như cồn với những vai khắc dấu ấn trong tim khán giả như bà giáo Lan khóc đời lẻ mọn trong Tuyệt tình ca, mẹ của cô Hương bất lực nhìn chồng đuổi con trong Nửa đời hương phấn..., nhưng chỉ là những vai đào mụ, catsê không nhiều, không đủ nuôi nổi năm đứa con, Hồng Nga phải chuyên mượn nợ góp. Tới cuối tháng, lãi mẹ đẻ lãi con, lương đã bị trừ hết, cô đào trẻ đành cắn răng mượn nợ tiếp gửi về cho mẹ nuôi con.
Rồi có mượn nợ cũng chẳng đủ lo cuộc sống, Hồng Nga nuốt nước mắt gửi một đứa con gái 10 tuổi cho người em nuôi giúp, một đứa con gái khác 9 tuổi cũng được một người bạn thân nhận nuôi cho. Sài Gòn giải phóng bất ngờ, hai gia đình kia đem theo những đứa con của Hồng Nga cùng di tản. Hai cô bé được gửi sang Đức, rồi biệt vô âm tín. Hơn 20 năm sau, năm 1995, lần đầu tiên được mời sang Đức diễn, Hồng Nga đã khóc nức nở vì nhớ con. Nghệ sĩ Bảo Quốc mới kể câu chuyện hai đứa con thất lạc của bà cho khán giả Việt kiều nghe. Mọi người ồ lên, đề nghị kiếm giúp. Hồng Nga nửa mừng nửa lo đưa ra cái địa chỉ cũ bà cất giữ mấy chục năm trời, ai ngờ chỉ ngay sáng hôm sau đã nhận được điện thoại báo đã tìm ra manh mối. Lòng nóng như lửa, nhưng Hồng Nga đành phải về nước vì hợp đồng đã hết, không thể ở lại. Phải hơn một năm sau bà mới có thể sang Đức gặp con.
Những ngày chờ đợi trong lòng bà buồn tủi, vui mừng lẫn lộn. Bà sợ con không nhìn! Mà thật, khi gặp, cô con gái nhỏ nhìn bà như người xa lạ. Sợ con nghĩ mình đến xin tiền, bà nói với người phiên dịch: “Làm ơn nói với con tôi, tôi thương nó, nhớ nó, tôi chỉ muốn gặp nó, biết nó sống thế nào thôi rồi tôi đi, không làm phiền gì nó đâu”. Khi đứa con giật tay về, nhún vai xa lạ, tim bà nhói đau. Cái khoảng cách mấy mươi năm giữa mấy mẹ con vẫn đè nặng một góc nào đó trong tim bà!
Giang hồ nửa kiếp - sân khấu một đời!
Hồng Nga diễn vai buồn khổ lấy nước mắt khán giả như mưa vì thương cảm bao nhiêu thì khi bà diễn vai ác chuyên môn đánh ghen, cho vay nặng lãi, đày ải con dâu, người ở... người xem cười rần rần và ghét cay ghét đắng bấy nhiêu. Có những đứa con nít đã lượm đá ném theo bà sau khi vãn hát vì... bà đóng vai ác đạt quá. Nói với Hồng Nga rằng khi xem tuồng có cảm giác ngoài đời bà rất dữ, thì bà gật đầu: “Đúng, ngoài đời tôi rất dữ. Tôi phải dữ để bảo vệ mình, để đừng bị hiếp đáp, để sống nuôi con vì cuộc đời đã dạy cho tôi như thế. Tôi tuy sống đời như giang hồ nhưng không bao giờ sống hèn, sống giả!”...
Hồng Nga mồ côi cha năm 3 tuổi, mẹ bà đi bước nữa nên bà thường bị cha kế đánh chửi. Hơn 10 tuổi bà phải đi ở đợ, 15 tuổi bắt đầu bỏ nhà đi hát đám, sau đó theo đoàn hát cải lương vì không chịu nổi sự hành hạ của cha dượng. 16-17 tuổi, vào được đoàn cải lương có tiếng ở tỉnh, ký hợp đồng lương 80.000 đồng/tháng, nhưng thường xuyên bị trả có 30.000, 50.000 đồng. Ức quá, cô diễn viên trẻ chịu hết nổi bỏ đi khi trong túi không có một xu.
Được một người làm hậu đài trong đoàn cho 30 đồng để cô mua vé về Sài Gòn. Về đến rạp Quốc Thanh, một khán giả từng xem cô diễn thấy thương tình, mướn cho một cái ghế bố, bao cho cô ăn cơm thiếu hằng ngày, thỉnh thoảng cho cô vài trăm tiêu vặt... Đi hát, niềm vui lắm nhưng thân phận một cô đào mụ cũng lắm nỗi ưu phiền. Lương tháng không đủ nuôi con, Hồng Nga còn mang nặng tâm trạng của người thế vai.
Bà kể buồn buồn: “Tôi hồi đó xấu hoắc à, ra sân khấu khán giả chê nghệ sĩ gì mập lùn, xấu quá; trong khi Bạch Tuyết, Phượng Liên ra là khán giả trầm trồ. Khán giả nói trung thực đó chứ, người ta bỏ tiền mua vé có quyền khen chê. Mình cũng biết thân phận mình nên không bon chen gì. Nhưng tôi buồn một chuyện là hay phải thế vai cho Bạch Tuyết những khi cô ấy bận việc. Có khi hóa trang xong để chuẩn bị diễn thế thì Bạch Tuyết vô tới nơi, chủ gánh hát hối mình lau mặt cho lẹ...”.
Rồi Hồng Nga lấy chồng, đến bốn đời chồng, sinh được năm mặt con. Bà ngậm ngùi: “Chưa có người chồng nào đưa tôi được một hộp sữa nuôi con, nói được với tôi một câu tình nghĩa!”. Người chồng cuối, đi hát với nhau, xe bể bánh, ông đứng hút thuốc, bà bò lăn ra thay bánh xe. Ở với nhau mười năm, ông bảo ông thương người khác rồi, bỏ bà cái rụp. Ngày ông đến với bà hoàn toàn tay trắng, khi đi, nhà có chiếc giường ông cũng mang theo.
Rồi Hồng Nga một mình vừa đi hát vừa làm đủ thứ để nuôi con. Hồng Nga chơi hụi, đi buôn, rồi bị giựt hụi, giựt tiền... nợ nần ngập đầu, tưởng phải tự tử, bỏ xứ hay làm những chuyện hạ đẳng nhất để sống, để trả nợ. Những lúc như thế bên Hồng Nga luôn có khán giả giúp đỡ, vực dậy. Rồi sân khấu cho bà những vai diễn, những show diễn liên tiếp trong và ngoài nước để bà tạo dựng lại cuộc đời. Bà lại cống hiến cho đời những vai diễn hay.
Bà đoạt giải Mai vàng, giải diễn viên hài được khán giả yêu thích nhất. Hai nhân vật “bà già giang hồ” của bà trong Xóm Gà và Phận làm trai ở Liên hoan sân khấu xã hội hóa năm 2006 khiến sàn diễn tưng bừng, khán giả vừa khóc vừa cười vừa thương vừa giận, vở diễn đoạt giải liên hoan, đoạt luôn giải Cù nèo vàng năm đó...
Nhớ ân nghĩa khán giả, Hồng Nga dám mượn nợ hơn cả trăm triệu đồng để đầu tư vào live show của mình để không phụ lòng người mua vé. Bà bảo dù live show này có lỗ đi nữa bà cũng sẽ trích ra 200 triệu đồng ủng hộ người nghèo. Không chỉ bây giờ, mà từ lâu lắm rồi, nhớ về gần nửa cuộc đời sống lang bạt giang hồ của mình luôn được khán giả bảo bọc, những khi đi hát về khuya, đường vắng, thấy một người già co ro nơi đầu cầu hay góc phố, bà quay xe lại dúi cho họ năm mười ngàn đồng.
Từ hơn mười năm nay, khi cửa nhà êm đẹp, bà nhận bảo trợ gạo mắm hằng tháng cho hơn mười người già ở gần nhà mình với tâm niệm tri ân cuộc đời, tri ân tổ nghiệp đã cho bà đi trọn một nghiệp hát lắm tiếng khóc cười. Đêm nằm gác tay trên trán, bà cố nhớ xem còn nợ ai không để trả cho xong. Bây giờ vui buồn gì bà cũng cười tiếu lâm để gió cuốn đi, chỉ có nghề hát là bà xin ở lại với mình!
HÒA BÌNH