DẤU ẤN GIAO THỜI", là một tác phẩm không chỉ có giá trị về nội dung mà còn có sức nặng về nghệ thuật. Vở kịch đề cập đến giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần. Giai đoạn chuyển giao này đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử, trong đó có nỗi đau, mối hận thù sâu sắc của hai nhà Lý- Trần. Xuyên suốt tác phẩm là câu chuyện kể về đời vua thứ 8, đời vua cuối cùng - Lý Huệ Tông và vụ án bức tử mà Trần Thủ Độ là người khởi sướng. Để thực hiện âm mưu to lớn là chuyển giao quyền lực của nhà Lý về tay mình, Trần Thủ độ đã tìm mọi cách, không từ thủ đoạn nào kể cả việc đem dâng hiến người yêu dấu nhất của mình là Trần Thị Dung (Thu Ngừ) cho vua Lý Huệ Tông.
Mưu kế dùng mỹ nhân làm lung lạc lòng quân tử. Đây không phải là mưu kế mới nhưng với tài năng và sự khéo léo của Trần Thị Dung đã làm điên đảo cả một triều đại. Lợi dụng tình yêu và sự ưu ái mà Lý Huệ Tông dành cho Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ từ một cơ trưởng cơ đội của dân chài miền biển đã leo lên làm Điện tiền chỉ huy sứ nắm giữ toàn bộ quân đội trong hoàng thành và từng bước thao túng triều đình, chuyển giao quyền lực từ nhà Lý về tay mình. Nhưng công bằng mà nói, trong buổi giao thời, xã hội rối ren, thù trong, giặc ngoài...phần lớn đều do một tay Trần Thủ Độ chèo chống.
Nhiều khi phải biết hy sinh chuyện riêng tư, lợi ích cá nhân để vì lợi ích chung của tập thể, lợi ích lớn lao của dân tộc...Đó chính là ý nghĩa lớn nhất mà tác phẩm muốn gửi tới mọi người. Cái chết tự nguyện của Lý Huệ Tông ở cuối tác phẩm không chỉ hoá giải được thù hận của hai nhà Lý - Trần mà còn là minh chứng sống động cho điều này. Chấp nhận cái chết, tự nguyện hy sinh để muôn dân được thái bình, tránh cảnh “nồi da nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn”. Với sự sáng tạo trong việc xây dựng cốt truyện, ở cuối tác phẩm, Lý Huệ Tông hiện lên không còn là một ông vua chỉ biết hưởng thụ, sống cho riêng mình mà là một người đầy nghĩa tình với người mình yêu (Thu Ngừ) và là một ông vua có trách nhiệm, biết nghĩ cho muôn dân, trăm họ.
Trung thành sử, sách nhưng với cách cảm, cách nghĩ của riêng mình, trong tác phẩm, tác giả và đạo diễn đã tập trung xây dựng hình tượng nhân vật Trần Thủ Độ với những công và tội rất rõ ràng. Bên cạnh những âm mưu và tội ác tàn bạo mà Trần Thủ Độ gây ra chúng ta cũng phải có cái nhìn công bằng và thẳng thắn về những đóng góp to lớn của ông đối với việc giữ yên bờ cõi, chấn hưng nước nhà giai đoạn cuối Lý, đầu Trần.
Qua bàn tay dàn dựng của phù thủy sân khấu đạo diễn NSƯT Hoa Hạ cùng với dàn diễn viên trẻ đẹp, tài năng của Nhóm Thắp sáng niềm tin – Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã làm sống lại một bức tranh lịch sử của giai thoại Lý – Trần. Đạo diễn có cách xử lý thông minh, đan xen giữa quá khứ và hiện tại, vì thế mạch kịch lúc nào cũng xuyên suốt, dồn dập nên hấp dẫn người xem. Hợp cùng dàn diễn viên: Trọng Nghĩa, Mỹ Hằng, Lê Tứ, Lê Hồng Thắm, Thy Phương, Võ Minh Lâm, Quỳnh Khôi…ca diễn nhiệt tình, vì thế tạo cho vở diễn thêm chất men say lôi cuốn người xem.
Thời gian qua xã hội quan tâm đến vấn đề “dân ta phải biết sử ta”, vì thế việc cho ra đời vở cải lương “Dấu ấn giao thời” là vấn đề cấp thiết. Bởi thông qua vở diễn này, giới trẻ, công dân Việt Nam sẽ hiểu hơn về những giai thoại hào hùng của dân tộc.
Tuồng này có xem Nhà hát cải lương Trung Ương diễn qua dĩa được thu trực tiếp tại SK năm 2007, với Triệu Trung Kiên vai Đại sư Huệ Quang, Hoàng Tùng vai Lý Huệ Tông, Dạ Ngọc Huơng vai Trần Thị Dung, Thu Hà vai Thái Hậu.
Vở được dựng theo phong cách cải lương Bắc nên thấy lạ lạ. Tuy nhiên các diễn viên của nhà hát ca cải lương cũng rất tuyệt vời.
Còn vở diễn của đoàn Thắp sáng Niềm tin, mấy lần định đi xem nhưng lại không sắp xếp được. Tiếc quá. Không biết đoàn có lịch diễn lại nữa không ?