Nghệ sĩ Như Ngọc là đệ tử của nhạc sĩ Kim Anh. Mối thâm tình như ruột thịt gia đình. Nên khi chị về cộng tác với đoàn Kim Chung 5, nhạc sĩ Kim Anh cũng được mời về đờn cho đoàn, Tô Kim Hồng có mặt ở Kim Chung 5 tử đó, nhưng chưa có vai diễn. Hàng đêm cô theo cha vừa coi hát vừa học nghề. Một lần, đoàn về Long An diễn vở Người mang song núi NS Như Ngọc, kẹt xe không xuống kịp, vậy là Tô Kim Hồng được cho đóng thế vai. Như Ngọc là một nghệ sĩ diễn lẳng rất hay (được báo giới Sài Gòn thời bấy giờ phong tặng danh hiệu ''Đệ nhất đào lẳng"), thế vai cho chị không phải là chuyện dễ dàng.
Một phần đã từng chung sống với nhau như chị em ruột, một phần Tô Kim Hồng cũng rất mê và học hỏi ở Như Ngọc rất nhiều. Nên khi cơ hội tới, bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu vốn liếng học được từ Trương Ánh Loan, Tô Kiều Lan và Như Ngọc, Tô Kim Hổng đem vào vai diễn đêm ấy. Cả đoàn Kim Chung 5 bất ngờ, dù không thể sánh với Như Ngọc, nhưng Tô Kim Hồng cũng đã giới thiệu được nét riêng của mình. Như một phát hiện thú vị, công ty Kim Chung chính thức ký contract với Tô Kim Hồng, lót tay 100 ngàn, chưa kể lương tháng, một cuộc đổi đời với cô gái vừa tròn 17 tuổi.
Đoàn Kim Chung 3 thời ấy đang thử nghiệm một lớp nghệ sĩ trẻ triển vọng như Minh Vương, Kiều Tiên, Lan Thảo, Kim Tuyến, Hoài Trúc Phương... Tô Kim Hồng được điều từ đoàn Kim Chung 5 sang, hòa nhập cùng với các nghệ sĩ này, tạo thành một ê-kíp tươi trẻ, mượt mà, nhiều triển vọng của công ty Kim Chung. Đoàn Kim Chung 3 lưu diễn tuy Hòa, đoàn Kim Chung 6 cũng diễn ở gần đó. Đoàn Kim Chung 6 với lực lượng nghệ sĩ tài danh như: Út Trà Ôn, Út Hiền, Út Hậu, Diệu Hiền, Ngọc Bích...
Một hôm, đoàn Kim Chung 6 dời bến, một số nghệ sĩ trong đoàn ghé lại Tuy Hòa xem đoàn Kim Chung 3 diễn, sự đến thăm đột ngột của lớp nghệ sĩ bậc thầy, bậc anh chị vừa là niềm vui, vừa là áp lực không nhỏ cho nhóm nghệ sĩ trẻ. Tất cả cố gắng biểu diễn thật tốt như để tự giới thiệu mình. Sau đêm diễn, NS Út Trà Ôn đã dành nhiều lời khen tặng, khích lệ tinh thần Tô Kim Hồng.
Đoàn Kim Chung 6 về Sài Gòn tập vở cải lương Nợ anh, một vở tâm lý xã hội tình cảm. Trong vở có vai Ngọc thủy, một cô gái trẻ trung, bên ngoài thì luôn tươi tắn, duyên dáng, hồn nhiên mà nội tâm thì chất chứa nhiều đau buồn ẩn khuất, một vai diễn có nhiều đất để thi thố tài năng. NS Út Trà Ôn đã chọn Tô Kim Hồng vào vai này, ông xin với Ban giám đốc công ty Kim Chung điều Tô Kim Hồng từ đoàn Kim Chung 3 sang, lại thêm một bất ngờ thú vị trong quãng đời làm nghề của một nghệ sĩ trẻ. Tô Kim Hồng đã không phụ lòng tin tưởng của một nghệ sĩ bậc thầy. Đây là vai diễn tâm lý xã hội đầu tiên của chị trên sân khấu Kim Chung, một sân khấu sở trường về loại tuồng kiếm hiệp, màu sắc, hương sa. Đây cũng là vai diễn đầu tiên, làm vốn liếng để sau này chị trở thành một nghệ sĩ diễn tâm lý xã hội rất xuất sắc.
Khi mới vào nghề, Tô Kim Hồng được lợi thế về ngoại hình, nhan sắc, lại được học múa, vũ đạo, diễn xuất và hơn hết được cha truyền căn bản nhịp nhàng, các thể loại bài bản, đủ bản lĩnh để trở thành một nghệ sĩ ngôi sao. Nhưng số phận trớ trêu, trong niềm vui được diễn những vai phù hợp với khả năng thì Tô Kim Hồng mang mặc cảm vì mình không có được làn hơi phong phú, độc đáo.
Chính hạn chế về hơi ca đã cản trở không ít con đường sự nghiệp của chị. Tô Kim Hồng là một cô đào đẹp, vóc dáng đủ chuẩn trở thành cô đào chánh thượng thặng, nhưng làn hơi lại phù hợp với những vai có tính cách. Vốn bản tính hiền lành, cầu thị, sau nhiều đêm suy nghĩ, cân nhắc, Tô Kim Hồng tự an ủi mình, thôi thì trời cho sao nhận vậy. Như trút được tâm lý gánh nặng về làn hơi của mình, từ đó Tô Kim Hồng tập trung vào nghiên cứu tính cách các nhân vật để diễn thật hay. Dùng ngoại hình, diễn xuất để che lấp những nhược điểm của giọng ca, không may mắn được trời ban cho làn hơi bạc triệu.
NHỮNG VAI DIỄN HAY
Tô Kim Hồng có may mắn là được cộng tác với những đoàn hát lớn, nổi tiếng như Thủ Đô, các đoàn Kim Chung (2, 3, 5, 6), đoàn Thái Dương, đoàn Thanh Hải - Văn Hường, đoàn Tiếng hát Dân Tộc, đoàn cải lương Sài Gòn 1, đoàn 2-84. Chị đã từng đóng phim nhựa màu cải lương trong vở Cô Lành cầu Bông (trước 1975), Làm lại cuộc đời, Đêm giao thừa (sau 1975). Với ưu thế nhan sắc mặn mà, năm 1974, Tô Kim Hổng được bầu chọn là nữ nghệ sĩ đẹp nhất trong năm do độc giả báo chí ở Sài Gòn bình chọn. Ở các đoàn cải lương trước 1975, Tô Kim Hổng có nhiều vai diễn thành công, nhưng cũng chỉ ở mức độ lăng-xê, giới thiệu một nghệ sĩ trẻ đóng vai tính cách ấn tượng phần lớn chỉ là những vai đào nhì, đào ba bên cạnh những vai chính do các nghệ sĩ tài danh khác thủ diễn. Tô Kim Hồng đã chứng tỏ được bản lĩnh nghề nghiệp của mình nhưng để có được những đột phá, những vai diễn lớn để đời, đánh dấu tài năng của một nghệ sĩ ngôi sao thì chỉ ở sân khấu đoàn Sài Gòn 1 và đoàn 28-4 thì chị mới bộc lộ hết tài năng của mình.
Khởi đầu là vai Nghĩa trong vở Người ven đô, một thôn nữ đẹp người đẹp nết ở Mười Tám Thôn Vườn Trầu, mưu trí, thong minh, chung thủy... đây là vai diễn có những sự trùng hợp ngẫu nhiên giống với tính cách thật ngoài đởi của Tô Kim Hồng. Mái tóc dài xõa ngang lưng, trang phục áo bà ba, đẹp dịu dàng, mang nét đặc trưng của người phụ nữ Nam bộ. Đặc biệt là người con gái Bà Điểm - Hốc Môn trong thời kỳ đấu tranh ác liệt với quân thù, giữ làng giữ đất, chống lại âm mưu ly gián, chia rẽ, giữ vững lòng trung kiên với cách mạng. Tô Kim Hồng đã vào vai một cách nhẹ nhàng, nhìn chị diễn, khan giả quên đi đó là vai diễn mà thực sự có một cô Nghĩa đang chia sẻ buồn vui với bà con làng xóm. Phương châm sân khấu thật và đẹp của NSND Nguyễn Thành Châu đã được nghệ sĩ tô Kim Hồng vận dụng rất thành công. Đánh dấu bước lột xác của một nghệ sĩ chuyên diễn tuồng kiếm hiếp. Hiếm khi, có sự giống nhau giữa tính cách nhân vật sân khấu và tính cách thật của người nghệ sĩ biểu diễn. Âu cũng là do duyên nghiệp.
Vai Trinh con ông lái đò trong vở Bình Tây Đại Nguyên Soái của soạn Năm Châu cũng là một vai hợp với tính cách của Tô Kim Hồng. Có phần giống như cô Nghĩa nhưng ở bối cảnh lịch sử xa xưa hơn. Thủy chung, tiết nghĩa là những nét đặc trưng tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam đã được thể hiện một cách chân thật, thu hút.
Vai bà Huyện trong vở Ngao Sò Ốc Hến một vai diễn ấn tượng của Tô Kim Hồng trong đời nghệ sĩ. Có dịp xem chị diễn trực tiếp trên sân khấu mới cảm nhận hết sáng tạo mới mẻ của Tô Kim Hồng qua vai bà Huyện, không khoa trương, cường điệu. ánh mắt sắc lém, đôi môi đỏ chúm lại đầy vẻ đe dọa, từng cái nhíu mày, từng lời nói trong cái nghiến răng khiêu khích quan Huyện cho thấy đó là người đàn bà đáo để.
Lớp bà Huyện lột áo quan Huyện (
NSUT Thanh Điền) rồi tru tréo nỗi khổ đàn bà... thật thú vị, bật lên nétduyên lạ lùng. Khi bà Huyện cùng bà Lý, bà Đề đi bắt quả tang chồng khám điền thổ nhà Thị Hến, giữa đường sợ... ma cũng tạo tiếng cười thú vị. Dào dác ngó quanh, từng cái rùng mình của ba bà vợ tội nghiệp đã thể hiện cái ghen dữ dội của ba người đàn bà lấn át cả nỗi sợ... Bà Huyện Tô Kim Hồng có nét riêng, khó quên bên cạnh các ngôi sao. Dù hát chung vở ngôi sao nào, chị không bị chìm khuất dưới cái bóng của họ...
(Theo Báo Sân Khấu TPHCM)