Nữ nghệ sĩ Tư Thanh Tùng với mối duyên ngàn dặm Soạn giả Nguyễn Phương
Cô Tư Thanh Tùng tên thật là Lê Thị Thanh, tự bé Tư, sanh năm 1916 tại xóm Thiềng Đức, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình nghèo ở xóm Cầu Lầu Vĩnh Long.
Cha cô có chiếc xe thổ mộ, mỗi ngày đi chở mướn rau cải từ các ruộng vườn trong xóm Cầu Lầu ra chợ Vĩnh Long. Từ năm 14 tuổi bé Tư phải cắt cỏ, giữ ngựa mỗi ngày để giúp đở cho cha cô. Nhà của bé Tư ở gần rạp hát Cầu Lầu, bên kia kinh Huỳnh Tá, đối diện với phố chợ. Phía sau rạp hát là đất hoang, nhiều cỏ rác và lau sậy. Bé Tư đến đây cắt cỏ cho ngựa ăn. Sau khi cắt xong hai giỏ cỏ, cô vô rạp hát coi các nghệ sĩ tập tuồng, bắt chước động tác múa may và học các bài ca của các nghệ sĩ. Bé Tư cũng được nhóm đờn ca tài tử trong xóm dạy cho ca cổ nhạc. Năm 16 tuổi Bé Tư thuộc các bài bản cổ nhạc, Ba Nam, Sáu Bắc và vài bản vọng cổ học theo các dĩa hát nên khi xóm Cầu Lầu tổ chức đờn ca tài tử thì cha con cô được mời tham dự. Bé Tư ca rất hay, giọng khoẻ khoắn, trong trẻo, luyến láy trữ tình. Về sắc vóc, Bé Tư cao ráo, dáng đi dịu dàng. Cô có nước da trắng mịn như nhung, môi đỏ tự nhiên như thoa son, hai hàm răng đều đặn, nụ cười rạng rở. Dù xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng nhan sắc của Bé Tư mang vẻ cao sang đài các. Cô nổi danh là một hoa khôi của xóm Cầu Lầu.
Năm 1933, khi đoàn hát Huỳnh Kỳ hát tại rạp miễu Quốc Công, tỉnh Vĩnh Long, cô Phùng Há, đào chánh và là vợ của ông Bầu Phước Georges phản đối ông chồng xài phung phí trong việc hút sách, cờ bạc và cung phụng các cô gái đẹp trên mâm đèn, bỏ về Sài Gòn. Gánh hát mất cô đào chánh, ông Bầu Phước Georges không biết xoay sở ra làm sao. Khi nghe đồn ở xóm Cầu Lầu có một danh ca hoa khôi, ông đích thân tìm đến và mời cô Bé Tư hát thế vai cho cô Phùng Há. Ông Bầu Phước Geores đặt nghệ danh cho cô là Thanh Tùng , cô giữ thêm cái tên Tư cũ thành ra nghệ danh của cô là Tư Thanh Tùng.
Nhờ sáng dạ, học tuồng mau thuộc, cô Tư Thanh Tùng có giọng ca hay, lại được các nghệ sĩ tài danh như Tư Út, Ba Vân, Sáu Ngọc Sương hết lòng chỉ dạy và khi hát chung, họ hết lòng giúp đỡ nên cô Tư Thanh Tùng thế được vai hát của cô Phùng Há, dù chỉ đạt được hiệu quả một tám một mười nhưng nhờ vậy mà gánh hát Huỳnh Kỳ tiếp tục hát có khán giả dù vắng bóng cô đào chánh Phùng Há.
Ông Bầu Phước Georges đổi bảng hiệu thành đoàn hát Thanh Tùng (thay cho bảng hiệu Huỳnh Kỳ) để cho khán giả không đòi hỏi sự có mặt của đào chánh cũ Phùng Há. Cô Tư Thanh Tùng đóng vai chánh trong vở tuồng mới của tác giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, đó là vở Điên vì thế sự (1934).
Năm 1935 ông Phước Geoges vì thiếu nợ, bị Chà Chetty kiện ra tòa, gánh hát bị tịch biên và rã tại Mỹ Tho. Cô Tư Thanh Tùng theo anh Ba Vân và cô Sáu Ngọc Sương gia nhập gánh hát Trần Đắc. Gánh Trần Đắc sau chuyến ra Hà Nội hát, trở về rã gánh. Cô Tư Thanh Tùng lại theo các bạn nghệ sĩ đi hát qua vài gánh hát khác.
Năm 1941, cô Tư Thanh Tùng vay vốn, lập ra gánh hát Thanh Tùng 2, cô đưa gánh hát lưu diễn từ miền Nam ra miền Bắc. Đoàn hát Thanh Tùng 2 được khán giả Hà Nội, Hải Phòng nhiệt liệt ủng hộ nên đoàn hát ở miền Bắc được hơn một năm trời trong khi đó thì các gánh hát đại ban như Đại Phước Cương, Phụng Hảo, Nam Phi chỉ hát được một vài tháng rồi phải trở vào Nam. Đoàn hát Thanh Tùng 2 hát ở Hà Nội, khán giả rất ái mộ cô Tư Thanh Tùng qua các vai tuồng như Bạch Thu Hà, tuồng Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà (tuồng còn có thêm tựa khác là Giọt Máu Chung Tình), vai Dương Quí Phi tuồng Trường Hận, vai Tô Ánh Tuyết tuồng Tái Sanh Duyên… Đó là những vai hát thể hiện những mỹ nhân chung thủy với chồng mà số phận của họ bi đát vì phải chịu cảnh sanh ly tử biệt trong những cuộc chiến tranh đẫm máu mà họ chỉ là những nạn nhân.
Cô Tư Thanh Tùng đã đẹp sẵn trong đời sống bình thường, cô lại càng đẹp mê hồn khi vào vai Dương Quí Phi hay Bạch Thu Hà, cô diễn xuất thần, giọng ca lâm li bi đát khiến cho khán giả xem hát phải khóc mùi mẫn vì số phận đau thương của nhân vật. Do đó, khán giả thêm thương người nghệ sĩ đã đem đến cho họ những cảm xúc chân thật tuyệt vời.
Trong số hàng trăm khán giả mến mộ nữ nghệ sĩ Tư Thanh Tùng, hàng ngày đến rạp hát xin ảnh, xin chữ ký tên và đêm đêm chen nhau mua vé hát để vào rạp hát mà chiêm ngưỡng người đẹp trên sân khấu, có một khán giả si mê nữ nghệ sĩ Tư Thanh Tùng đến độ sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời của mình để chia sẻ vui buồn với số phận của người đẹp thần tượng của mình. Đó là anh chàng sinh viên Đại Học Y Khoa, người gốc Cần Thơ, tên Nguyễn Văn Kỉnh. Anh Kỉnh làm quen với các nam nghệ sĩ Ba Vân, Tư Út để dọ hỏi thân thế và tánh tình của cô Tư Thanh Tùng.
Nghệ sĩ Tư Út, kép mùi tên thật là Phạm Thế Đẩu, có vợ là nữ nghệ sĩ Sáu Ngỏng cùng đi chung trong gánh hát. Nghệ sĩ Ba Vân tên thật Lê Long Vân, anh cũng có kế bên mình bà vợ tên là Lê thị Hồ. Tư Út và Ba Vân là hai bạn diễn ăn ý nhứt với nữ nghệ sĩ Tư Thanh Tùng. Khi Tư Út thủ vai người tình thì Ba Vân trong vai kép lẳng, xen vào tranh tình hoặc phá hoại hạnh phúc của cặp tình nhân đẹp đôi kia. Lần nầy hai người hợp tác nhau để làm mai mối cho cặp nam nữ tài sắc Thanh Tùng và sinh viên y khoa Văn Kỉnh. Chị Ba Vân và chị Tư Út cũng đồng ý với hai ông chồng nên thường tỉ tê kể cho cô Tư Thanh Tùng nghe những hành động si mê của sinh viên Kỉnh đối với cô Thanh Tùng để mở màn cho việc chánh thức cầu hôn của sinh viên Kỉnh.
Sinh viên Kỉnh nhờ anh Ba Vân giới thiệu với cô Tư Thanh Tùng cho anh xin gia nhập gánh hát. Anh đã học đến năm thứ ba Đại học y khoa, anh biết đờn kìm, anh xin làm nhạc công trong ban cổ nhạc và khi theo đoàn, anh nguyện kiêm nhiệm chức y tá của đoàn hát để chăm sóc sức khoẻ cho bà Bầu Thanh Tùng và các nghệ sĩ và nhơn viên của đoàn hát.
Anh Ba Vân và Tư Út thấy sinh viên Kỉnh là người miền Nam mà học được Đại học thiệt là quí hiếm nếu bỏ học đi theo gánh hát, nếu không được cô Tư Thanh Tùng đáp lại tình yêu đó thì lỡ cả cuộc đời và mang tội bất hiếu với cha mẹ. Nếu không được yêu, lại dở dang việc học, mất con đường tiến thủ và phụ lòng kỳ vọng của cha mẹ thì liệu anh Kỉnh có thể sống được trong tuyệt vọng hay là anh sẽ tự huỷ mình. Do đó Ba Vân đề nghị tổ chức một cuộc gặp gỡ chuyện trò với nhau dưới danh nghĩa là nghệ sĩ miền Nam hội ngộ cùng các sinh viên của miền Nam du học Hà Nội. Anh Tư Út bỏ thì giờ dạy cho anh Kỉnh mấy câu hò đối đáp huê tình và anh cũng dạy cho cô Tư Thanh Tùng một số câu hò đáp lại với dụng ý cho hai người gặp gỡ nhau, tỏ tình với nhau.
Thật ra thì hai anh đã hoài công mở một cánh cửa đã mở sẵn. Cô Tư Thanh Tùng đã nhận nhiều hoa và quà tặng của anh Kỉnh, khi hát tuồng Giọt Máu Chung Tình (lớp ca của Bạch Thu Hà với Võ Đông Sơ), ánh mắt của cô hướng về người khán giả si tình đang đắm đuối nhìn cô, tưởng chừng như lời ca của cô là nhắn gởi riêng cho anh. Anh Kỉnh nghe ca, nhìn ánh mắt và điệu bộ của Bạch Thu Hà – Thanh Tùng mà thấy tâm hồn mình rung động, đê mê sung sướng.
Đêm hội ngộ giữa những sinh viên du học gốc miền Nam với các nghệ sĩ Sài Gòn tổ chức trong nhà hàng Hoa Anh Đào ở góc đường Puginier được tổ chức long trọng. Các sinh viên ca tân nhạc, có người đàn violon biểu diễn, có rượu Champagne và bánh Tây, có anh Kỉnh hò mấy câu hát huê tình: Hò ơ… cây trên rừng hóa kiểng,
Cá dưới biển hóa long,
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong, ờ…
Anh đi Nam Bắc giáp vòng,
Đến đây trời khiến…ờ… đến đây trời khiến anh phải lòng thương em… ơ… Mọi người trong bàn tiệc vỗ tay hoan hô anh Kỉnh và thúc giục cô Tư Thanh Tùng hò đáp lại. Cô Tư Thanh Tùng mỉm cười, cám ơn anh Kỉnh và các bạn sinh viên. Cô nói: “Nếu các anh thích nghe em hát thì xin mời đến rạp hát xem em hát, còn chuyện hò đối đáp huê tình, em dở lắm. Em xin chịu thua”. Lời nói khiêm tốn dịu dàng của cô Tư thuyết phục được anh em sinh viên, chỉ riêng nghệ sĩ Tư Út thì ấm ức vì đã bỏ công ra dạy cho cô Tư hò đối đáp lại cho ăn ý với những câu hò của anh Ba Vân đã dạy cho anh Kỉnh. Không ngờ cô Tư không mắc bẫy, cô khôn khéo tránh né, làm tan đi hy vọng có cuộc hò đối đáp huê tình lý thú giữa sinh viên Kỉnh và cô nữ nghệ sĩ khả ái miền Nam.
Mọi người tưởng cuộc tình của anh chành sinh viên Kỉnh và cô Tư Thanh Tùng sẽ không xảy ra, nhưng… một buổi sáng chúa nhựt đẹp trời, nhân dịp đoàn hát không có tập tuồng, hai nghệ sĩ Ba Vân và Tư Út rủ nhau đi dạo bờ hồ, bất ngờ họ thấy anh Kỉnh và cô Thanh Tùng cặp tay nhau đi qua cầu Thê Húc để vào lễ trong đền Ngọc Sơn.
Anh Ba Vân và Tư Út lại ngồi chờ ở đầu cầu, từ đền Ngọc Sơn muốn qua phố phải đi qua cầu Thê Húc. Hai cô cậu đành phải ra gặp mặt anh Ba Vân và anh Tư Út. Thì ra hai người đã thề non hẹn biển trước khi anh Ba Vân tổ chức cuộc tiệc hội ngộ giữa các sinh viên miền Nam và các nghệ sĩ Sài Gòn.
Theo lời của cô Thanh Tùng thì chưa biết gia đình của anh Kỉnh chấp nhận cuộc hôn nhơn giữa con một nhà đại điền chủ, một bác sĩ y khoa với một cô đào hát cải lương không. Hồi đó những người tư sản, địa chủ hay quan quyền vẫn còn nặng thành kiến xướng ca vô loại đối với các nghệ sĩ (dù tân nhạc hay cổ nhạc). Cô Tư Thanh Tùng không muốn có cuộc hát hò đối đáp trước mặt các sinh viên khác vì cô sợ gây ra tai tiếng đồn tới cho cha mẹ của anh Kỉnh biết. Trong khi anh còn đang học, chưa chủ động được cuộc sống, chưa hỏi ý cha mẹ nên cô muốn cuộc tình của cô và sinh viên Kỉnh chỉ diễn ra âm thầm. Họ đang chuẩn bị cho một tương lai chung sống với nhau mà không gặp sự chống đối của cha mẹ của anh Kỉnh.
Cuộc sum họp nào cũng phải có lúc chia ly, đoàn hát Thanh Tùng 2 phải trở về miền Nam sau hơn một năm lưu diễn ở miền Bắc. Đêm nay là suất hát cuối cùng trên sân khấu rạp Quảng Lạc. Vãn hát rồi, phông màn, y trang, mũ mãng đều được cho vô thùng, vô rương để vận chuyển ra ga xe lửa. Một số anh chị em diễn viên phụ, các anh em công nhân dàn cảnh cũng đã ra nhà ga. Một số ít diễn viên quan trọng còn ở lại rạp hát, ngủ qua đêm, sáng sớm mới lên xe.
Anh Kỉnh và cô Thanh Tùng ngồi trên chiếc chiếu trải trên sàn diễn, anh Kỉnh ôm cây đàn kìm của gánh hát tặng cho, đờn rao một khúc nhạc buồn. Anh cho biết khi đoàn hát Thanh Tùng trở về Nam rồi thì anh không còn ở Hà Nội để tiếp tục học nữa. Anh nói: “Quân đội Nhựt Bổn đã vào Đông Dương, trú đóng ở Hà Nội, Hải Phòng, Đồ Sơn và một số tỉnh gần biên giới Việt Hoa. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai ảnh hưởng tới Việt Nam. Trường Đại Học Hà Nội đã đóng cửa một số phân khoa. Cha mẹ muốn anh trở về Nam cưới vợ, kiếm việc làm, khi điều kiện cho phép thì tiếp tục việc học. Anh quyết định xin qua Pháp học tiếp, vì chánh phủ Pétain hợp tác với Đức nên ở Paris vẫn còn các trường Đại học. Và anh đã làm hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh, anh sẽ về Sài Gòn gặp lại cha mẹ trước khi sang Pháp tiếp tục hoàn tất chương trình Đại học của anh.’’ Cô Tư rất buồn, khẽ nói: “Em sợ chúng mình sẽ chẳng gặp nhau nữa”. – Tại sao không gặp nhau? Lần du học nầy, anh sẽ không tiếp tục học ngành y khoa. Anh sẽ học lấy bằng kỹ sư về Điện toán và Âm Thanh học (électronique ct acoustique) để về giúp em canh tân ngành hát cải lương. Chúng mình sẽ cùng một nghề nghiệp, sẽ chung sống trọn đời. Anh hứa khi trở về nước, anh sẽ xin làm lễ kết hôn với em. Em hứa sẽ đợi anh không?” – Dù phải đợi anh năm năm hay mười năm, em vẫn đợi! (cô Tư nói với một giọng đầy nước mắt)
– Anh chỉ sợ… sợ bên trời Tây… nơi đó đang có chiến tranh. Cuộc chiến ở bên Pháp…, bom đạn dữ dội lắm, không biết anh có mệnh hệ gì không?. Anh Kỉnh ngưng đàn, nắm chặt tay người yêu như không nỡ xa rời nhau.
– Anh đàn đi, em ca bài ca của Bạch Thu Hà cho anh nghe, bài ca này coi như là tâm nguyện của em, lời hứa của em khi chia tay với anh. Anh Kỉnh dạo đờn, Thanh Tùng ca bài ca trong tuồng Giọt Máu Chung Tình.
Ca dứt, cô Tư ôm chặt anh Kỉnh, khóc òa lên. Anh Kỉnh buông đờn, ôm cô Tư, nói khe khẽ: “Đừng khóc… em…đừng khóc!” Tuy bảo người yêu đừng khóc mà giọng nói của anh nghẹn ngào, đôi dòng lệ tuôn dài trên má…
Dưới khán phòng có nhiều tiếng khóc xụt xùi, không phải của khán giả vì đêm nay đã là đêm hát cuối cùng, đó là tiếng khóc cảm xúc của các nghệ sĩ còn ngủ lại trong rạp hát. Dù đêm đã gần tàn, tuy họ không ngủ được nhưng vẫn lặng im để không trở ngại đến đôi bạn tình đang tâm sự chia tay, nhưng giờ đây họ không kềm được xúc cảm, họ bật khóc theo tiếng khóc của cặp tình nhân đau khổ. Anh Ba Vân mếu máo, nói: “Tụi bây khóc, làm tao cũng khóc theo. Nó đi bên Tây rồi nó về. Bộ chỗ nào có chiến tranh rồi ai cũng chết hết sao?” 8 giờ sáng, mọi người lên xe lửa, cô Tư Thanh Tùng bước vô góc toa xe, ngồi tựa lưng vào ghế, hai bàn tay ôm mặt, che đôi mắt, cô không muốn các bạn nghệ sĩ thấy cô khóc hay là cô không dám nhìn qua cửa sổ xe để thấy hình ảnh của người yêu… Khi xe lửa khởi hành, hình bóng của người yêu sẽ lùi xa dần và sẽ mất hút đi khi xe ra khỏi ga. Xe lửa tốc hành chạy hai ngày một đêm rưỡi mới đến ga Saigon, và cũng đã hai ngày một đêm rưỡi, cô Tư Thanh Tùng ngồi yên bất động, tâm hồn thể phách như đã gởi lại nơi sân ga Hàng Cỏ hay dọc theo bờ hồ, những nơi lưu dấu kỷ niệm một cuộc tình vừa chớm nở đã vội phai tàn vì chia cách. Nữ nghệ sĩ Thanh Tùng vang danh Băng Tuyền Nữ Chúa Đoàn hát Thanh Tùng 2 trở về miền Nam, lưu diễn ở các tỉnh Hậu Giang. Cô Tư Thanh Tùng có dịp hát trên sân khấu Cầu Lầu, nơi mà ngày xưa cô mới tập tễnh học đờn ca. Cô tặng vé hát mời nhiều bà con thôn xóm, giúp thuốc men, hàng vải và một số tiền cho những gia đình nghèo khó neo đơn. Cô rước mẹ cô theo gánh hát để tiện bề phụng dưỡng sau khi cha cô mất.
Cuối năm 1944, đoàn hát Thanh Tùng 2 rã gánh vì thời cuộc. Phi cơ Đồng Minh liệng bom oanh tạc quân Nhựt Bổn đóng ở Saigon. Ban đêm giới nghiêm, dân chúng không đi xem hát hay giải trí vui chơi như trước nên nhiều gánh hát phải chịu rã gánh.
Năm 1948, cô Tư Thanh Tùng gia nhập gánh hát Con Tằm, hát qua vai Băng Tuyền Nữ Chúa trong tuồng Tuyết Băng và Bạo Lực của soạn giả Nguyễn Thành Châu. Cô nổi tiếng chẳng những vì tài hát hay, thể hiện được một cách sâu sắc tính cách nhân vật của Băng Tuyền Nữ Chúa mà còn do phẩm cách của cô Thanh Tùng đặc biệt nổi bật vì sự chung thủy với người yêu dù hai người đã xa nhau hơn năm năm trời và không được tin tức gì của nhau cũng bằng ấy năm trời cách biệt.
Từ khi sinh viên Kỉnh đi du học bên Pháp cho đến khi cô Tư Thanh Tùng được chói sáng trên sân khấu Phụng Hảo qua các vai Dương Quí Phi, Tô Ánh Tuyết, Điêu Thuyền, Băng Tuyền Nữ Chúa… đã hơn năm năm trời. Trong thời gian năm năm dài đằng đẵng bặt vô âm tín của nhau, nhiều đại phú gia chạy theo cung phụng tiền bạc và cống hiến một cuộc sống sang giàu để đổi lấy tình yêu của cô Tư Thanh Tùng nhưng họ đã hoài công vô ích, vì trước bạc tiền, trước những cám dỗ của xa hoa vật chất, cô Tư Thanh Tùng chỉ đáp lại bằng sự dửng dưng lạnh lùng như băng như tuyết, giống y như tính cách của Băng Tuyền Nữ Chúa. Cô Tư Thanh Tùng giữ đúng như lời hẹn ước: “dù năm hay mười năm vẫn đợi…’’ lời hứa khi cô và anh Kỉnh chia tay cái đêm diễn cuối cùng ở rạp hát Quảng Lạc năm 1942.
Năm 1948, trong dịp cúng Tổ Sân Khấu, tôi gặp cô Tư Thanh Tùng nơi nhà Hội Nghệ Sĩ, khi tôi hỏi về chuyện anh Kỉnh, cô nói không được thư từ của anh, cô có vẻ buồn. Tôi nói khi anh Kỉnh đi Pháp năm 1943, năm sau gánh hát Thanh Tùng 1, Thanh Tùng 2 đều rã gánh, có thể anh Kỉnh có gởi thư về, nhưng địa chỉ của chị thay đổi, làm sao chị nhận được. Chị nhờ tôi viết thư cho anh Kỉnh. Tôi viết theo lời chị kể, cuối thư tôi thêm bốn câu thơ: “Anh như chiếc sao băng, băng mãi
Để em buồn, buồn mãi không thôi.
Bao giờ sao sẽ đổi ngôi,
Để anh trở lại, anh ngồi bên em?” Chị Tư nghe tôi đọc bốn câu thơ, chị khóc quá trời!
Tôi xin phép rút lui, tới nhà sách Albert Portail ở đường Catinat hỏi địa chỉ trường đại học Sorbonne phân khoa Électronique et Acoustique (Điện Toán và Âm Thanh Học) để gởi thơ cho sinh viên Nguyễn Văn Kỉnh. Thơ gởi đi, không có hồi âm. Không biết địa chỉ ghi đó có đúng không!
Năm 1949, sinh viên Nguyễn Văn Kỉnh trở về Việt Nam với văn bằng kỹ sư Điện Tử và Âm Thanh. Kỹ Sư Kỉnh làm lễ thành hôn với nữ nghệ sĩ Tư Thanh Tùng, lập ra hãng dĩa hát Tri Âm, văn phòng tọa lạc tại số 42 – 44 đường Nguyễn Cư Trinh Saigon, gần rạp hát Hưng Đạo hiện nay.
Năm 1950, cô Tư Thanh Tùng gia nhập đoàn hát Phụng Hảo, hát chung với các nghệ sĩ Phùng Há, Bích Thuận, Ngọc Hải, Tường Vi, Ngọc Xứng, Ba Vân, Từ Anh, Minh Tạo, Hai Tiền. Nữ nghệ sĩ Tư Thanh Tùng diễn trong vai đào nhì, sau đào chánh Phùng Há trên sân khấu Phụng Hảo.
Năm 1955, Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế tổ chức hát hội để quyên tiền xây dựng Hội quán và giúp cho các nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn, cô Tư Thanh Tùng đã hát xuất sắc trong vai Điêu Thuyền với Phùng Há trong vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Đình.
Trong những năm 1960 trở về sau này, các danh ca vọng cổ chiếm lĩnh sân khấu mặc dầu về phương diện diễn xuất họ còn nhiều yếu kém. Các diễn viên tiền phong như Năm Châu. Kim Cúc, Kim Lan, Sáu Ngọc Sương, Bảy Nhiêu, Văn Lâu, Thanh Tùng, Thanh Tao, Duy Lân, Duy Chức… hoặc đổi nghề hoặc chỉ giữ một địa vị khiêm tốn trong sinh hoạt của sân khấu cải lương.
Cô Thanh Tùng chỉ còn xuất hiện trong những xuất hát Hội để quyên tiền làm nghĩa. Kỹ sư Kỉnh khi về nước đã phổ biến cách sử dụng dàn đèn Tử ngoại tuyến, cực lam tuyến, hồng ngoại tuyến làm tăng thêm vẻ mỹ quan cho cảnh trí của các đoàn hát Phụng Hảo, Việt Kịch Năm Châu và truyền bá cho các gánh hát khác sử dụng ánh sáng đèn khoa học trên sân khấu. Hãng dĩa Tri Âm của ông kỹ sư Kỉnh có thâu thanh nhiều dĩa hát hoặc những dĩa hòa đờn cổ nhạc, đờn các bài bản lớn, giúp phần phổ biến và lưu truyền cái vốn quý giá về cổ nhạc cho các thính giả ái mộ và cho nghệ sĩ các thế hệ sau này.
Tôi có nhiều lần đến nhà của anh Kỹ sư Kỉnh để mời cô Tư Thanh Tùng tham gia hát Hội hoặc hát trong một tuồng hát của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, tôi rất mến phục phong cách đối xử của anh chị Kỉnh và Thanh Tùng đối với các nghệ sĩ đàn em như tôi và tôi ngưỡng mộ cuộc tình tuyệt đẹp, đầy trắc trở nhưng chung thủy của hai anh chị, nhất là trong giới nghệ sĩ, một giới có nhiều đổi thay… Khi tôi nhắc lại chuyện xưa của anh chị, anh Kỉnh cười, nói: “Anh Năm Châu, anh Ba Vân thương chúng tôi nên nói vậy, chớ không có gì ghê gớm lắm đâu. Chúng tôi yêu nhau, tin nhau và sống vợ chồng hạnh phúc trong thế hệ của chúng tôi”. Sau năm 1975, chúng tôi, những nghệ sĩ Saigon, mỗi người một ngả, không gặp nhau, không có tin tức của nhau. Tôi định cư ở Montréal năm 1989, tới xứ người mới biết là anh chị Kỉnh vượt biên năm 1979 và được tàu của Anh Quốc vớt. Anh chị định cư ở nước Anh. Tôi có liên lạc nói chuyện điện thoại với anh và gởi e-mail, anh cho biết khi vượt biên, anh mang theo nhiều băng và dĩa cổ nhạc nhưng nước biển làm hư rất nhiều.
Chị Tư Thanh Tùng mất ngày 15 tháng 9 năm 1989.
Bây giờ nhớ lại, viết về cô Tư Thanh Tùng, tôi nhớ mãi hình bóng của một mỹ nhân lạc giữa dòng sân khấu và nhớ mối lương duyên ngàn dặm của kỹ sư Kỉnh và mỹ nhân sân khấu Thanh Tùng.