Cải lương là bộ môn có sức phổ biến sâu rộng. Sự tồn tại và phát triển suốt gần một thế kỷ cho thấy khi nào cải lương biết phát huy ưu thế và điều chỉnh những hạn chế, lại bắt gặp hoàn cảnh xã hội, kinh tế thuận lợi thì sẽ vượt lên trước so với các bộ môn sân khấu khác. Ngược lại, khi nào cải lương xa rời đặc trưng vốn có, cuốn mình theo cung cách làm ăn dễ dãi, tùy tiện, cộng thêm tác động bởi mục đích thương mại và bị các áp lực phức tạp khác chi phối thì sẽ sa sút, thậm chí đối mặt với nguy cơ tàn lụi.
Sân khấu cải lương hiện đang trong thời kỳ khó khăn. Sự khó khăn lần này kéo dài suốt từ cuối thế kỷ 20 sang tới tận thập niên đầu thế kỷ 21, càng lúc càng tăng cấp, chưa biết lúc nào dừng. Ðây cũng là thời kỳ khó khăn toàn diện của sân khấu cải lương, từ sáng tác kịch bản đến biểu diễn; từ đội ngũ nghệ sĩ đến khán giả… Thậm chí đã có ý kiến đặt vấn đề, phải chăng cải lương đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và đến lúc phải giã từ sàn diễn, chia tay công chúng, lui vào hậu trường, ’sống’ với tư cách làm vật chứng cho quá khứ vàng son một đi không trở lại.
Cảnh trong vở Dấu ấn giao thời (Nhà hát cải lương Trung ương).
Ðể tìm lại sức sống cho cải lương, các cơ quan chức năng, các tổ chức nghề nghiệp và bản thân đội ngũ nghệ sĩ đã đồng loạt lên tiếng, bằng cả những động thái cụ thể, nhập cuộc dấn mình vào sự nghiệp ‘thiên nan vạn nan’, tìm kiếm những con đường, những biện pháp, mạnh dạn đề xuất giải pháp, ý tưởng cần làm ngay trong thực tế để từng bước tháo gỡ khó khăn. Ngay từ năm 2000, TP Hồ Chí Minh, một trung tâm của cải lương, đã thành lập bộ phận chuyên trách chăm lo việc chấn hưng cải lương, nhưng chỉ xới lên một số phong trào, khuấy động tinh thần xã hội trong một thời gian, rồi lại chìm lắng, ít hiệu quả thiết thực. Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng mở chương trình Vầng trăng cổ nhạc, phát sóng thường xuyên nhằm gây lại sinh khí không gian văn hóa nguyên sinh của cải lương, nhưng với hơn 100 buổi đã qua cho thấy chất lượng thất thường cũng không có tác động thúc đẩy mạnh mẽ khả dĩ xoay chuyển tình thế. Nhà hát Trần Hữu Trang, đơn vị công lập bề thế của TP Hồ Chí Minh, vào năm 2004 có sáng kiến thành lập nhóm Thắp sáng niềm tin quy tụ gần 30 gương mặt nghệ sĩ trẻ có triển vọng như là một nỗ lực tạo ra sân chơi thuận lợi nhằm đào luyện thế hệ diễn viên triển vọng cho cải lương kế tục lớp đàn anh đàn chị, nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Nhà hát còn đưa các tốp nhóm tiến hành lưu diễn tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực ngoại vi, nơi khán giả ít có điều kiện thưởng thức sân khấu nhưng cách làm này cũng ngày càng bộc lộ nhiều hụt hẫng do tính chất biểu diễn lưu động gây ra. Rạp hát Trần Hưng Ðạo, tụ điểm biểu diễn quen thuộc dành cho cải lương, sau đôi lần nâng cấp, sửa chữa nhỏ nhưng vẫn thiếu tiện nghi, gần đây UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định tháo dỡ để xây mới thành một nhà hát hiện đại xứng tầm một đô thị lớn sầm uất, hứa hẹn cung cấp cho nhạc sĩ và công chúng một thiết chế biểu diễn đáp ứng nhu cầu của thị hiếu thẩm mỹ thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giao lưu hội nhập quốc tế, nhưng trước mắt vẫn còn ngổn ngang nhiều việc phải làm, do vậy nó còn là chuyện của tương lai gần.
Ðội ngũ nghệ sĩ cải lương cũng có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận, khi một số diễn viên tên tuổi vang bóng một thời tự đứng ra tổ chức những đêm diễn, những chương trình biểu diễn chọn lọc mang tính chất chuyên đề như Bài ca tặng mẹ, Dòng sông và nỗi nhớ, Hoài niệm trong tôi, v.v. tuy có gây xôn xao công chúng nhưng chỉ mang tính khua động nhất thời và gói gọn trong phạm vi tôn vinh, tưởng niệm sự nghiệp nghệ thuật của một cá nhân nên khó lay chuyển được tình trạng xuống cấp của hoạt động cải lương nói chung. Bên cạnh đó lại có cách trở về dựng lại những tác phẩm tiêu biểu của cải lương như Lá sầu riêng, Sông dài, Tô Ánh Nguyệt, Ðoạt tuyệt, Lan và Ðiệp, Máu nhuộm sân chùa, Tình sử Dương Quý Phi, Mạnh Lệ Quân, v.v. nhằm thu hút sự chú ý của khán giả với nhà hát.
Ngoài ra còn có hướng đưa vào trong lòng vở diễn cải lương những nhân tố đang hấp dẫn công chúng như tăng chất hài, hoặc bổ sung tính tạp kỹ với sự tham gia của xiếc, của ca nhạc nhẹ, múa hiện đại… để đa dạng hóa mầu sắc biểu cảm bộ môn sân khấu này. Nhưng tất cả những nỗ lực như thế đều chỉ làm thay đổi bề mặt, hoặc chỉ đem thêm gia vị làm xôm trò từng tiết mục cụ thể, không động chạm tới toàn bộ hoạt động của sân khấu cải lương, không ngăn chặn được đà suy thoái của loại hình sân khấu này.
Trên diễn đàn một số hội thảo khoa học bàn về thực trạng của nghệ thuật cải lương, cũng đã có một số ý kiến đưa ra những đề xuất mang tính giải pháp, nhưng rồi việc hiện thực hóa các đề xuất đó không tới được thực tiễn hoạt động của các đoàn nghệ thuật, không thấm vào cách nghĩ, cách nhìn của đội ngũ nghệ sĩ, thành thử đâu vẫn hoàn đấy. Các hội thảo chỉ có ý nghĩa như một dịp tập hợp giới nghề nghiệp để khua động tình hình.
Trong khi chờ đợi việc hoàn thành soạn thảo một chiến lược tổng thể cho cải lương và nhất là áp dụng, thực hiện nó trong đời sống, thiết nghĩ việc cấp bách nhất, cần làm ngay trong hoàn cảnh hiện nay, thậm chí không chỉ hiện nay mà có thể kéo dài từ nay đến 2015, 2020, theo thiển nghĩ của chúng tôi là hãy tập trung mọi nguồn nhân lực và tài lực của không chỉ giới sân khấu mà rộng ra là của toàn xã hội, không phải của một địa phương mà cả đất nước. Hãy lo lắng và làm tất cả để cải lương tồn tại một cách bình thường với các vở diễn có sự chứng kiến của công chúng. Hãy khoan đòi hỏi nó phải nâng cao chất lượng, phải có vở diễn hay, chớ đòi hỏi điều này, điều nọ, vượt quá khả năng hiện tại của nó. Cũng chưa vội tính đến chuyện xã hội hóa nó như một số lĩnh vực khác.
Theo: NGUYỄN VĂN THÀNH (Nhân Dân Cuối Tuần)