Cao Thị Thắng - Tiếng hát vượt thời gian
Ca hát là thiên khiếu từ nhỏ và trở thành niềm đam mê nghề nghiệp của cô đến bây giờ. Cũng có những lúc tưởng chừng không trụ nổi với nghề, với bệnh tật, nhưng rồi chính niềm đam mê đó đã giúp cô chiến thắng.
Người mà chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết này chính là nghệ sĩ Cao Thị Thắng, hiện đang sinh sống tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Bao nhiêu năm ca hát là bấy nhiêu năm cô chinh phục lòng người hâm một bằng giọng hát buồn êm của mình…
Những ngày đầu đến với ca hát
Cách đây 58 năm, cô bé Cao Thị Thắng cất tiếng khóc chào đời trên vùng đất cây trái Lái Thiêu nổi tiếng, thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nhà có đến 12 anh chị em, nhưng chỉ có cô bé Cao Thị Thắng là thích ca hát. Từ ngày biết hát, như con chim vàng oanh lúc nào tiếng ca của cô bé líu lo. Thấy cô bé còn nhỏ, có chất giọng tốt lại mê ca hát nên mấy chú ở gần nhà thường hay gọi sang tập cho cô hát tân nhạc.
Mới 6-7 tuổi, cô đã được tham gia trong các chương trình văn nghệ tổ chức tại địa phương. “Hồi đó, cứ đến chiều thứ hai là mấy chú kêu cô đi hát trực tiếp phục vụ đồng bào. Người mình thì nhỏ con quá, nên khi đứng hát thấy tức cười lắm. Đi hát mà phải đứng trên một cái ghế, micro cũng được hạ thấp hết cở rồi nhưng miệng vẫn chưa đụng tới micro. Vậy mà vẫn mê, ai kêu đi hát đâu cũng đi hết”. Đó là những kỷ niệm ngày đầu khi cô đến với ca hát.
Cô kể: “Hồi đó, nhà có chiếc máy đĩa cô quý lắm, có tuồng nào hay má cũng mua về cho nghe. Nghe riết nên đâm mê, có nhiều tuồng cô thuộc hết và còn ca được vài bản. Chỉ nghe mấy nghệ sĩ ca rồi ca theo thôi, nhưng trong xóm ai cũng khen, cũng biết đến cô bé vừa đen vừa nhỏ con nhưng có giọng ca rất ngọt”. Rồi mấy người bạn của má cô lại chơi nhà, nghe cô ca xong, họ khuyên mẹ cô: “Cho nó tập ca chuyên nghiệp đi. Ca với đờn cho nó quen chứ hát suông vậy sao được”. Nghe thế má cô gật đầu đồng ý, vậy là cô bắt đầu tìm thầy học đờn ca. Người thầy dạy ca cho cô đầu tiên là chú Sáu Tôn ở trong xóm - một người làm nghề chích (tiêm) mướn, nhưng lại biết đờn ca.
Cô thường đến nhà chú Sáu Tôn học đờn ca và học nhịp. Học khoảng 2-3 tháng, cô đã ca được vọng cổ theo nhịp đờn. Dù không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, thường ở nhà đờn ca chơi cho vui thôi nhưng chú Sáu Tôn dạy rất căn cơ. Cô kể: “Mấy ngày đầu chú Sáu không cho ca chung với đờn. Chú đờn rồi bảo mình nhịp tay chân theo thôi. Đến khi nào mình nhịp đều rồi chú mới tập cho mình từng vế một, khi nào thuộc rồi mới cho tập cả câu…” Hàng ngày chú Sáu chỉ dạy từ 1-2 tiếng, nên về nhà cô phải tập luyện thêm rất nhiều. Vừa tập, vừa phải nghe thêm trên radio để học hỏi. Không những thế, cô còn luyện bằng cách nghe một bài ca với nhiều tiếng đờn khác nhau. Nhờ khổ luyện như thế nên giọng ca của cô mới đạt đến độ chín như ngày hôm nay. “Hình như nó ăn sâu vào máu của mình rồi, giờ muốn ca rớt cũng không được”, cô Thắng chia sẻ.Năm cô 17 tuổi, Đài phát thanh Saigon tổ chức chương trình thi giọng ca tài tử cải lương, cô hồ hởi đi đăng ký dự thi. Được tập luyện căn cơ, lại có giọng ca hay, nên cô đã giành được giải nhì ngay cuộc thi đầu tiên trong đời này.
Buồn vui nghề ca hát
Cứ nghĩ, nếu thi đạt giải có khi sẽ được chọn vào các đoàn hát nên cô đi thi với một tâm trạng rất hồ hởi, tự tin. Kết quả thi đạt được cũng khá cao, nhưng chỉ vì lời nhận xét của một vị giám khảo đã làm cô hết sức thất vọng về cái nghề ca hát này. “Sau khi thi xong một vị giám khảo nói rằng, em Cao Thị Thắng ca rất hay nhưng thể chất không có, vừa lùn, vừa đen nên rất khó đi theo nghề ca hát này. Nghe chú ấy nói thế mình nghĩ, không có sắc vóc thì không thể đi theo nghề ca hát được nên sau đó mình không còn nghĩ tới chuyện theo đoàn hát nữa”, giọng cô chùng xuống. Vậy là, bao nhiêu công sức tập luyện, bao nhiêu mộng mơ như trôi ra biển cả.
Dù không còn mộng đi theo các đoàn hát nữa, nhưng Cao Thị Thắng vẫn mê ca hát lắm. Thấy con gái mê ca hát, nên ba dẫn cô xuống nhà người bạn ở TP.HCM chơi và nhờ người bạn dẫn cô đến chỗ nhà một nghệ sĩ trong nghề thử giọng. Cô kể: “Lúc đó, cô này phụ trách một chương trình của đài phát thanh thành phố, một tháng thu chương trình một lần. Cô bảo mình ca thử cho cô nghe. Nghe giọng mình ca cô ấy thích lắm nên rất tận tình giúp đỡ, một tuần cho đi thu chương trình của đài một lần. Hồi đó, mình khoảng 21-22 tuổi, nhưng mấy cô cũng cho tập diễn mấy vai nhỏ trong tuồng cải lương. Có khi người ta tập tuồng, còn mình ở phía trong nhắc tuồng hoặc ra gom tuồng. Những hôm tập tuồng mà không có nghệ sĩ chính thì mình được thoại thế chongười ta tập. Vì thế, trong bụng lúc nào cũng trông cho thiếu vai để mình có cơ hội thế vào, dù chỉđứng bên trong thoại thế thôi cũng thấy vui lắm rồi. Bởi thế, mình biết rất nhiều thứ trên sân khấu là nhờ vậy”.
Sau giải phóng, lần đầu tiên tỉnh Bình Dương (trước đây là tỉnh Sông Bé) tổ chức cuộc thi văn nghệ quần chúng tổng hợp. Cao Thị Thắng lại đi thi. Nhờ chương trình đó mà giọng ca của cô được thu và phát trên đài, tiếng hát của cô được nhiều người biết đến hơn. Khi chương trình của đài phát đi, thư yêu cầu của thính giả khắp nơi liên tục gửi về. Người khen ngợi, người động viên, người đề nghị phát lại… Hạnh phúc của người nghệ sĩ chính là những lời chia sẻ của khán thính giả như lúc này đây: “Thư của khán giả gửi về đọc và trả lời không kịp. Sự yêu mến của thính giả giành cho mình chính là động lực giúp mình tiếp tục gắn bó với nghề ca hát này…”
Quả ngọt
Với khả năng ca hát của mình, cô Cao Thị Thắng được mời về công tác ở phòng văn hóa thông tin (VHTT) huyện Lái Thiêu. Từ ngày về công tác ở phòng VHTT, cô có dịp đi cơ sở biểu diễn phục vụ bà con nhiều hơn. Lúc này, cô vẫn thường xuyên được đài phát thanh thành phố mời thu chương trình. Có tuần, cô phải có mặt ở đài đến 5 ngày. Hết thu chương trình hát dân ca, vọng cổ, rồi đến chập cải lương. Cứ thế mà giọng ca của cô được chắp cánh bay cao và bay xa hơn. Khán thính giả khắp nơi biết đến giọng ca Cao Thị Thắng ngày càng nhiều hơn. “Trời không ban cho mình sắc vóc như người ta, nhưng đổi lại mình có giọng nên phải biết phát huy thế mạnh ca hát của mình”, cô nói. Năm 1978, Cao Thị Thắng gặt hái được thành công lớn trong nghề nghiệp, đó là tấm Huy chương vàng của Bộ VHTT. Niềm vui nghề nghiệp của cô tiếp tục được nhân lên với một Huy chương vàng cá nhân của Bộ VHTT vào năm 1979. Những năm đó, đoàn nghệ thuật có sự tham gia của cô trong đó đi thi ở đâu cũng đạt giải cao. Có thể nói, đây là thời kỳ cô hoạt động nghệ thuật sôi nổi và gặt hái được nhiều kết quả nhất. Từ đó, giọng ca của Cao Thị Thắng liên tục xuất hiện trong các chương trình văn nghệ trên làn sóng phát thanh của Đài TP.HCM và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Vì cuộc sống khó khăn khi cả hai vợ chồng cùng chung một nghề, nên cô quyết định xin nghỉ việc để về nhà chăm lo gia đình nhỏ của mình. Thế nhưng, cái máu văn nghệ trong người cô vẫn chảy đều đặn: “Nhiều khi khó khăn quá phải đi phụ nấu đám tiệc, may vá cho người ta, nhưng văn nghệ vẫn không bỏ được. Cả ngày làm việc, tối về được đi hát, trao đổi với các cô chú, anh chị em cùng đam mê thấy thích lắm nên mệt mỏi cũng không còn nữa. Dù vất vả, nhưng nhận được tình cảm của nhiều người, được Tổ độ cho trong nghề nghiệp nên cũng thấy hạnh phúc…”.
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, cô tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở địa phương, hoặc đi giao lưu với các câu lạc bộ bạn ở khắp mọi nơi. Có nơi, thấy cô đi lại xa xôi, ưu ái lắm cũng chỉ thêm được một bài. Vậy mà, bỏ thì không bỏ được. Đến hẹn mà không đi được là trong người cô thấy bứt rứt không chịu nổi. Có lẽ, đó chính là sợi dây vô hình gắn kết người nghệ sĩ với nghề nghiệp mà họ đã chọn. Đến bây giờ, cô sinh hoạt nghề nghiệp chủ yếu vẫn là các dịp sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu thế này. “Về miền Tây bây giờ vẫn còn nhiều khán thính giả nhớ đến cái tên Cao Thị Thắng. Gặp mình, họ lại đề nghị mình ca những bản cũ từng phát trên đài. Còn niềm vui nào hơn khi có những người chưa từng gặp mặt mà vẫn nhớ hoài bài mình ca. Vậy là Tổ đã đãi ngộ mình lắm rồi, không nên đòi hỏi gì hơn nữa…”.
Hồng Thuận ANVN12 (07/2010)