NSƯT Lệ Thủy: Định mệnh đã đưa tôi đến với cải lương
Thứ hai, 18/3/2002, 03:23 GMT+7
Ở tuổi 54, nghệ sĩ này vẫn rong ruổi trên khắp nẻo đường đến cả vùng sâu phục vụ bà con. Đối với chị, dù đi bất cứ đâu, cát-xê ít nhiều không quan trọng mà điều cốt yếu là được hát và được khán giả yêu mến.
Chị kể lại: “
Có lần đi diễn, một cụ già đến cầm tay tôi nói: Cho má gặp con một lần rồi má chết cũng được. Tôi ôm chầm lấy cụ và bảo: Ý trời, gặp con rồi phải sống chớ má! Sống để coi con hát!”.
Lệ Thuỷ có một tuổi thơ đầy cơ cực và gian nan. Mới 3 tuổi, chị đã theo mẹ lưu lạc từ Vĩnh Long lên Sài Gòn, chui rúc vào xóm nghèo lao động ở Khánh Hội. Căn nhà 16 m2 chứa 8 người, Lệ Thuỷ là chị cả mới 9 tuổi đã biết nấu cơm, bưng bánh tằm, bánh chuối đi bán giúp mẹ và chăn một đàn em lem luốc.
Thời đó nhà nghèo như vậy nhưng cô bé Lệ Thuỷ vẫn học giỏi nhất lớp, nhưng rồi cũng không trụ nổi ở trường. Đến năm lớp 6, chị đành nghỉ học và bắt đầu nghiệp hát để có tiền nuôi mẹ, nuôi em. Con đường nghệ thuật của nghệ sĩ này đến như một định mệnh. Những lúc ru em ngủ, cô bé cất giọng thánh thót theo mấy câu vọng cổ học từ radio, ai ngờ lọt vào tai một anh mê văn nghệ, thế là anh tình nguyện dắt cô bé đi “tầm sư học đạo”. Lệ Thủy được gia nhập vào gánh hát của ông Tám Đen nhưng chưa kịp đóng vai nào thì soạn giả Viễn Châu phát hiện và viết liền cho Thuỷ mấy bản hát đúng với chất giọng của chị. Lập tức, cô bé mới 13 tuổi được các hãng băng mời thu thanh tới tấp. Sau đó, chị được đoàn Kim Chung ký hợp đồng 50.000 đồng/show. Số tiền lớn quá đến nỗi khi đem về, mấy mẹ con chẳng biết cất vào đâu bởi cả nhà trống hoác chỉ có một cái giường trơ trọi. Năm 16 tuổi, chị đoạt Huy chương vàng giải Thanh Tâm và lúc này mức cát-xê đã lên đến 1 triệu đồng. Có tiền, Lệ Thuỷ trang trải hết nợ nần, mua một căn nhà cho gia đình.
Trời cho Lệ Thuỷ một chất giọng trong trẻo và dân dã, chị dường như không điệu nghệ luyến láy mà cứ mộc mạc có sao hát vậy. Các vai diễn của chị cũng toát lên sự chân phương, bình dị. Lệ Thuỷ để lại dấu ấn với người xem ở vở Tô Ánh Nguyệt, Kim Anh trong Đời cô Lựu. Đến bây giờ, sau 25 năm, những trích đoạn Tô Ánh Nguyệt do chị thể hiện vẫn còn sức sống mạnh mẽ và đầy cuốn hút.
Nhưng trong tình hình nghệ thuật hiện nay, càng đi hát, chị càng buồn. Lệ Thủy tâm sự: “
Những vở mình tập dượt công phu, sống chết cùng số phận nhân vật, vậy mà khi diễn rất ít người xem, còn ở những chương trình chỉ diễn một trích đoạn ngắn lại nhiều khán giả. Dường như họ ngán xem cả vở. Cứ tình hình thế này thì không biết cải lương sẽ ra sao?"