Nữ NS Bích Hợp của đoàn Kim Chung
Số nhà 67 Đinh Tiên Hoàng là nhà nghệ sỹ cải lương Mộng Dần lừng danh một thời. ông mua ngôi nhà này năm 1954. Nhà bình thường, không có gì đặc biệt về kiến trúc. Đầu thế kỷ XX, chủ của khu đất này (bắt đầu từ phở Thìn kéo đến Sở Điện lực hiện nay) là của một người họ Trần dân làng Kiếm Hồ. Cả dãy nhà có hai mặt phố (Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng). Thấy mặt phố Đinh Tiên Hoàng rộng rãi và buôn bán dễ hơn, ông đã sửa sang mở cửa hàng mặt phố này để cho thuê. Nhà nghệ sĩ Mộng Dần từng là phòng kiến trúc sư Phạm Thế Hệ. Sát về phía bên trên từng là hiệu may Lemur của nhà may Cát Tường nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc thập niên 30. Mộng Dần cùng lớp với Tuấn Sửu, Ngọc Dư, Lệ Thanh... (sau Sáu Chuẩn, Tư Ban, Cẩm Tú, Hồng Tường Vi...).
Cải lương có nguồn gốc ở Nam Bộ, bắt đầu từ đờn ca tài tử và ra đời vào năm 1918 với các trích đoạn Lục Vân Tiên, Bùi Kiệm ghẹo, Nguyệt Nga, Bùi Kiệm thi rớt... Năm 1920, ông Năm Thông lên Sài Gòn lập đoàn hát Tân Thinh và vở đầu tiên là Bạch Tuyết - Kiều Trinh. Các nhà nghiên cứu cắt nghĩa cải lương:
Cải cách hát cũ theo tiến bộ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh. Năm 1926, Hà Nội vẫn chưa có cải lương mang tính chuyên nghiệp mà vẫn chỉ là các nhóm trong đó đáng kể là hai nhóm Nhóm tài tử đồng ấu và Nhóm tài tử phố hàng Giấy. Các nhóm này học theo đĩa cải lương do Pathé và Béka sản xuất và phát hành. Năm 1927, Nghĩa Hiệp Ban, gánh cải lương đầu tiên ở Sài Gòn ra Hà Nội biểu diễn bốn đêm ở rạp Quảng Lạc. Trong cuốn "Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương", nghệ sĩ Sĩ Tiến (từng là diễn viên người Bắc duy nhất của gánh Tân Hí Ban ở Sài Gòn) mô tả, khán giả kéo đến xem đông nghịt. Chủ công ty Quảng Lạc thấy vậy liền gây khó khăn bằng cách tăng tiền thuê rạp, đồng thời bí mật dụ dỗ để mua chuộc một số đào kép chính. Lý do là chủ công ty thấy cải lương thu hút khách nên có ý định thay diễn tuồng bằng cải lương. Chủ gánh, ông Nguyễn Văn Đẫu bất bình liền sang thuê rạp ở Hàng Bạc (nay là rạp của Nhà hát cải lương Hà Nội) diễn luôn bảy tối liền. Song công ty Quảng Lạc vẫn không từ bỏ tham vọng bằng cách tiếp tục lôi kéo đào kép. Biết rạp chèo Sán Nhiên Đài của ông bầu Trương Văn Tố cũng có ý muốn thành lập gánh cải lương nên ông Đẫu đã nhường lại một số đào kép cho Sán Nhiên Đài và Nghĩa Hiệp Ban tan rã. Rồi cả Sán Nhiên Đài và Quảng Lạc đều có diễn viên miền Nam diễn chung với diễn viên Bắc mà hát không hề chênh. Đó là những bước đầu tiên của cải lương Bắc. Năm 1943, Hà Nội có 16 gánh hát cải lương lớn nhỏ.
Một đào kép cải lương xưa
Thánh 12/1946, Pháp tái chiếm Hà Nội, các gánh hát nhỏ tan rã, các gánh hát lớn tản cư đi diễn ở các vùng tự do. Năm 1949 mới quay về Hà Nội. Những vở diễn chủ yếu lấy tích cổ. Đến năm 1951 thì mô phỏng theo phim Mỹ như Sóng nhạc hương tình, Tình vương ý nhạc nên người ta gọi các vở này là "La Mã diễm Huyền.... Hai đoàn Kim Phụng và Kim Chung khá đông khách. ông Mộng Dần trước ở đoàn Kim Chung. Mặc dù chủ đoàn này bỏ đi Nam nhưng ông cùng một số diễn viên trong đoàn vận động anh em người ở lại và anh em tự bảo ban nhau tiếp tục diễn nên được gọi là Kim Chung mới. Trước tiếp quản còn lại 3 đoàn gồm Kim Chung, Kim Phụng và Kim Ngọc. Năm 1957, Kim Chung đổi thành Chuông Vàng còn Kim Phụng vẫn giữ nguyên tên và cả hai trở thành các đoàn cải lương quốc doanh.
nguyenkhoiktc - cailuongvietnam (Theo ST)