Bài "Dạ cổ hoài lang" về sau được đổi là "Vọng cổ hoài lang" do nghệ sĩ Cao Văn Lầu sáng tạo đã chính thức biến chữ cải lương thành vọng cổ.
"Dạ Cổ Hoài Lang" ra đời được hơn nửa thế kỷ. Nó là nền móng cho nhiều thể khác nhau của vọng cổ.
Bản Vọng-Cổ lúc đầu có tên là Dạ Cổ Hoài Lang do nghệ sĩ Cao văn Lầu sáng tạo ra hồi năm 1920 (ba năm sau khi cải lương ra đời).
Ông Cao Văn Lầu lấy vợ mười năm không có con, cha mẹ bắt phải lấy vợ khác. Trong lúc buồn rầu ông tạo ra bản nhạc 20 câu (dòng) gọi là "Dạ cổ hoài lang" (đêm khua nghe tiếng trống nhớ chồng). Sau đó ít lâu vợ ông thụ thai. Bản nhạc sau được đổi thành "Vọng cổ hoài lang" có nghĩa rộng hơn là trông mối tình xưa mà nhớ đến chồng.
Sau đây là nguyên thủy bài "Dạ cổ hoài lang"
Lời bản Vọng Cổ đầu tiên của Việt Nam trong điệu Dạ Cổ Hoài Lang ca theo nhịp đôi:
Từ là từ phu tướng
Bửu kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Đêm năm canh mơ màng
Em luống trông tin nhàn
Ôi, gan vàng quặn đau
Đường dầu xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Còn đêm luống trông tin bạn
Ngày mòn mỏi như đá vọng phu
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng
Lòng xin chớ phụ phàng
Chàng hỡi, chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thuở đó đây xum vầy
Duyên sắt cầm đừng lạt phai
Thiếp cũng nguyện cho chàng.
Nguyện cho chàng hai chữ bình an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi
có bản chép là "Em luống trông tin chàng"
Theo thời gian , bản Vọng Cổ "Từ là từ phu tướng" ca giọng Bắc, nhịp đôi.
Bản nhạc thông dụng đến năm 1926 thì chuyển thành nhiều nhịp; nhịp đôi ca giọng Bắc giống điệu Hành Vân, sau tăng lên nhịp bốn, soạn giả viết nhiều lời hơn, ca sĩ kéo dài giọng ngân, và từ giọng Bắc biến thành giọng Nam pha lẫn hơi Oán.
Đầu thập niên 1940, Vọng cổ tăng lên nhịp tám. Từ nhịp tám , năm năm sau tăng lên nhịp 16. Thời này, soạn giả lồng vào bản Vọng Cổ những điệu hò, ngâm thơ Vân Tiên v.v... Mãi đến năm 1959 bản Vọng cổ mới tăng lên nhịp 32. Bản vọng cổ 32 nhịp do soạn giả Kiên Giang viết 6 câu (Hà Huy Hà tác giả bài thơ Hoa tím thôi cài trên Áo trắng) với nhan đề : "Đội Gạo Đường Xa", Hữu Phước đơn ca trên hãng đĩa Lam Sơn.
Năm 1960 Vọng cổ tăng lên 64 nhịp, tuy nhiên khi đờn nhạc sĩ bấm phím thành 128 nhịp. Thời này, soạn giả "gối đầu bản Vọng cổ " bằng Nói Lối, Ngâm Tứ Tuyệt, thơ Lục Bát, Tân Nhạc, Ngâm Tao Đàn, Ngâm Sa Mạc, Sương Chiều, Khóc Hoàng Thiên, Đảo Ngũ Cung v.v...Bản Vọng Cổ 64 nhịp của soạn giả Viễn Châu viết lần đầu tiên tựa đề "Ba Râu Đi Chợ Lớn" có tính cách trào phúng do nghệ sĩ Văn Hường thu trên hãng đĩa Hồng Hoa.