Thật ra, tên gọi của từng hơi - giọng xuất hiện do qui ước của người trong giới mà ra. Ban đầu các tên gọi: Kim, Đồng, Thổ nghe tưởng chừng như hoàn toàn võ đoán theo kinh nghiệm của người trong nghề; nhưng khi đi vào nghiên cứu khoa học về ngữ âm thì các giọng này vô cùng thú vị; là người trong giới ước định như thế là có cơ sở khoa học. Lúc sinh thời NSND út Trà Ôn - Vua Vọng cổ cho là: giọng Kim là giọng vàng, là loại hơi - giọng cao nhất trong các loại giọng, nghe thanh thoát hơi - giọng Đồng là loại hơi - giọng trung cao, âm như tiếng chuông đồng kêu, vừa ngân và vang xa; còn hơi - giọng thổ là loại (đất) có cao độ thấp nhất trong các loại giọng, bởi ''Trời cao đất thấp'' nhưng lại đầy (dày).
Quả thật, khi nghiên cứu, so sánh, phân tích về phép Âm - Dương, Ngũ hành với cung bậc nhạc Ngũ âm ta thấy lời giải thích của NS út Trà Ôn là chí lý. Trong nhạc Ngũ âm, cung Hò thuộc về cung thổ, cao độ thấp nhất trong 5 cung; về ngữ âm nó mang thanh điệu dấu huyền cũng có cao độ thấp nhất trong 6 thanh điệu. Đồng, là loại kim loạì có độ ngân và vang xa cho nên người ta dùng đồng để đúc chuông, chứ không dùng bạc hay vàng vì hai loại này không ngân và vang xa; Đồng lại có cao độ vừa trung vừa cao, nó tương ứng với cung Xang và Xê trong Ngũ Cung, trong Ngũ hành thì Đồng nằm ở cung Hỏa (cháy lan tỏa). Còn Kim, có cao độ bổng và rất cao, âm thanh trong trẻo, thanh thoát nhưng không vang như Đồng hoặc rền như Thổ; hiệu quả của cao độ hơi - giọng Kim có thể xé không gian.
NSƯT MINH VƯƠNG: VỪA TỰ SỰ VỪA TRỮ TÌNH
Nếu nói về kép có hơi - giọng Kim ở thế hệ sau NSND út Trà Ôn thì NSƯT Minh Vương là đại biểu xuất sắc nhất. Anh có làn hơi chất giọng gọi theo nghề là thiên phú, khi ca nghe chân phương, không luyến láy nhiều, không cầu kỳ lạng lách mà có sức truyền cảm mạnh, cuốn hút người nghe như ru ngủ...
Có thể nói, từ giữa thập niên 60 của thế kỷ XX, NS Minh Vương đã là kép đẹp và kép ca rất triển giọng của Cty Kim Chung. Đến cuối thập niên 60 đầu 70 thì anh trở thành kép ca nổi tiếng, trong hàng loạt bài Tân cổ gJao duyên và Vọng cổ như Tình nước (ca chung với NS Minh Cảnh), Vườn tao ngộ, Những đồi hoa sim, Xin gọi nhau là cố nhân...; trong giai đoạn này, anh có hai bài để đời là Lòng dạ đàn bà của Viễn Châu và Bánh bông lan của Loan Thảo (ca chung với NSƯT Lệ Thủy). Những vai chánh mà anh cũng nổi tiếng nhở giọng ca như Thượng tướng Nguyên Bá trong “Đường gươm Nguyên Bá”, Lý Kim Tùng trong “Nửa bản tình ca”, Cổ Thạch Xuyên trong “Người tình trên chiến trận”, Tần Lĩnh Sơn trong “Đêm lạnh chùa hoang”...
Sau năm 1975, NSƯT Minh Vương ca cũng khá nhiều bài Tân cổ giao duyên nổi tiếng; trong đó có hai bài tạo dấu ấn lâu dài mà khán –thính giả còn nhớ là Tặng đời chiếc nón bài thơ của Trần Phán (ca chung với NSUT Bạch tuyết) càng khẳng định phong cách ca ngâm của một danh ca Minh Vương. Những vai diễn chánh nổi tiếng như Minh trong “Tô ánh Nguyệt”, Luân trong “Đời cô Lựu”, Nguyễn Trái trong “Rạng ngọc Côn Sơn”... ngoài diễn xuất thì giọng ca NSƯT Minh Vương vẫn là yếu tố làm say đắm lòng người. NSUT Minh Vương ca hay không chỉ ở bài Vọng cổ mà anh xử lý hơi - giọng ở nhiều thể điệu Cải lương cũng rất tinh tế. Có thể thấy ở các tuồng nói trên, khi xử lý hơi - giọng ở các thể điệu Bắc, anh ca hùng mạnh, xôm tụ như trong Đường gươm Nguyên Bá, Nửa bản tình ca, Đêm lạnh chùa hoang...; xử lý hơi - giọng Nam và Oán bi ai, mùi mẫn ở vở nổi bật là Tô ánh Nguyệt và Rạng ngọc Côn Sơn. Với lối ca ngâm vừa tự sự vừa trữ tình: tự sự ở chỗ, anh xử lý kỹ thuật ca trong nói và nói trong ca; trữ tình ở chỗ khi ca ngân nga, nhấn giọng, buông hơi. Dường như giữa vai Nguyễn Trái lúc giãi bày tâm sự cùng Thị Lộ, và Minh giãi bày với Nguyệt của NSƯT Minh Vương có điểm gặp nhau ở tâm trạng đầy trắc ẩn, cảm xúc của anh bộc lộ qua hơi - giọng bi thương ai oán. Lúc này làn hơi anh không buông như lúc xuống “Hò” Vọng cổ hay ngân dấu sắc, mà anh tiết chế ngân nhẹ nghe như giọng bị nghẹn nghẹn, nhấn trọng âm ở “Xang” ca Nam ai, “Xừ” ở Phụng hoàng, Oan ở Tứ đại Oán, Văn Thiên Tường...; lúc ém hơi một chút, lúc ngân trong thanh quản, kỹ thuật này trong nghề gọi là kiểu “bỏ nhỏ” của Minh Vương. Ca như đang nức nở nên đầy xúc cảm. Cũng lối ca tự sự, ta thấy rõ NSUT Minh Vương ca trong bài Vọng cổ “Lòng dạ đàn bà” và bài Tân cổ giao duyên trong “Bánh bông lan” hay “Tặng đời chiếc nón bài thơ” rất khác nhau về phong cách ca ngâm. Ở “Lòng dạ đàn bà” thì âm giọng không bốc lên, mà luôn trầm tư sâu lắng, lối tự sự than thân trách phận, trách đời sao lắm “trắng đen dời đổi”; thanh điệu trong ca từ: dấu huyền, thanh ngang chỉ ngân nhẹ, thanh hỏi và sắc chỉ nhấn mà không ngân rung như những bài khác, nên âm lực chan chứa một nỗi buồn miên man...
Ngược lại, ở những bài Tân cổ giao duyên anh cũng với lối tự sự, nhưng không theo tâm trạng buồn thảm nữa, mà lối tự sự hóm hỉnh hơn, nói trong ca là kiểu nói theo âm điệu của nhạc. Nghe kỹ, thấy NSƯT Minh Vương nói như là xướng âm vậy, có nghĩa là anh nói bằng các âm tiết đều mang âm hưởng của nhạc và nói rơi ngay nhịp nhạc như là ca. Nét độc đáo của NSƯT Minh Vương tuy hơi - giọng không lạng lách cầu kỳ, nhưng lúc anh ngân dấu sắc hay hỏi là xử lý hơi bụng (phổi), nên lực rất mạnh, độ ngân kéo dài; nếu dứt câu 1 Vọng cổ anh có thể ngân dài hơn 4 nhịp nhạc. Anh ít khi ngân, nhưng làm cho người nghe khoái nhĩ thỏa mãn thính giác. Bởi đặc thù của hơi - giọng Kim là trong trẻo, thánh thót, vút cao... không cần ca, chỉ nghe giọng nói cũng đã có thiện cảm với người kiến diện, mà thêm vào vài kỹ thuật ngân nga, nhấn giọng thì quả là sức chinh phục người nghe sẽ nâng lên gấp bội.
Lối ca trữ tình với cách xử lý hơi - giọng của NSUT Minh Vương khéo hơn. Có thể thấy, anh luyến nhẹ âm tiết các nhịp chính của ca từ rồi ngân nhiều hơn là nhấn giọng như ở lối tự sự; và trong 5 thanh điệu (sắc huyền, ngang, hỏi, nặng) khi cần thiết, canh nhịp chính là anh ngân lên. Ví dụ, ở thể điệu Sương chiều qua Tú Anh trong vở Đêm lạnh chùa hoang chẳng hạn, “Đời của tôi, đâu có gì đáng luyến lưu, một nỗi buồn ưu tư, khi quê hương đang đau thương thì lòng ai không sầu tha thiết....
Những giọng ca ít nhiều chịu ảnh hưởng kỹ thuật xử lý kỹ thuật hơi - giọng của NSUT Minh Vương, có NSUT Ngân Vương (Đoàn CL Đồng Nai), NSƯT Trọng Vương (Đoàn Văn công Đồng Tháp), NS Minh Nghĩa (Đồng Nai), NS Vũ Minh Vương... mặc dù mỗi người đều có cái hay riêng. Khó mà phân tích đầy đủ về kỹ thuật xử lý hơi - giọng của NSƯT Minh Vương, một hơi -giọng Kim được định hình suốt cuộc đời làm nghệ thuật của anh, khá nhiều giọng ca trẻ bị ảnh hưởng học theo nhưng chưa ai có thế kế thừa anh. Một điều mà chúng tôi cảm nhận ở anh, là hơi - giọng Kim mẫu về kép ca.
NSƯT THANH KIM HUỆ: HƠI – GIỌNG KIM TRỮ TÌNH
Có thể nói, NSUT Thanh Kim Huệ là một trong những cô đào trẻ nhất của SKCL trước 1975 ở lò Kim Chung và nói cách nào đó, dường như cha mẹ sinh chị ra và thiên phú cho chị làn hơi chất giọng là để ca ngâm thì phải. Thêm vào đó, chị biết tạo cho mình một phong cách ca ngâm riêng, không ảnh hưởng bất cứ nghệ sĩ tài danh nào trước đó.
Ngay từ lúc NS Thanh Kim Huệ còn hát những vai phụ ở Kim Chung, nhiều nghệ sĩ đi trước cũng đã có những nhận định về chị “Hơi - giọng cô này lạ và hay quá, sau này dễ thành danh lắm". Quả thật như vậy, sau đó không lâu, Thanh Kim Huệ nổi tiếng với khá nhiều bài Vọng cổ và Tân cổ giao duyên (TCGD) trên Đài phát thanh Sài Gòn và hãng băng cassette. Bài TCGD mở đầu cho hơi - giọng lạ của Thanh Kim Huệ vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước là bài “Yêu lầm”, kế đó là “Chuyện tình Lan và Điệp” chị ca với NS Chí Tâm. Hai bài này đã đưa NS Thanh Kim Huệ lên hàng ngôi sao trẻ của thời đó. Bên cạnh đó, chị có những vai diễn cũng nổi bật nhờ giọng ca như Thủy Cúc trong “Đường gươm Nguyên Bá", Lan trong "Lan và Điệp" Trong giai đoạn này, hơi - giọng của Thanh Kim Huệ đã trở thành một điểnm sáng trên SKCL; một hơi giọng Kim mới lạ, cùng với kỹ thuật xử lý thanh đới có sắc thái riêng.
Khi chị cất giọng ca là người ta có thể nhận ra ngay, dù không nhìn thấy mặt chị. Hơi -giọng trong trẻo, âm lực đấy đặn là tố chất sẵn có của cơ thể sinh học. Nhờ rèn luyện. chăm chút câu ca, khuôn nhịp, xử lý hơi - giọng (ngân nga, nhấn nhá, luyến láy lạnh lách...) để tạo thành nét riêng là phong cách ca ngâm của NSThanh Kim Huệ. Giọng Kim tự nhiên của chị vốn đã hay rồi, lại thêm xử lý kỹ thuật nên tiếng ca trở nên bay bổng hơn. Có thể thấy nét chấm phá đó, là chị xử lý thanh điệu dấu sắc và hỏi ở bài Vọng cổ tuyệt vời: dấu sắc thì chị ém hơi bụng nhấn âm tiết trong ca từ có dấu sắc rồi buông hơi sau để ngân hoặc luyến lên; và trong lúc luyến chị buông hơi hai, ba lượt để ngân tướng chừng như lạng qua, lách lại, vừa duyên dáng và mượt mà trữ tình... Còn dấu hỏi thì chị khép môi. Ngân trong cổ khi nhấn âm tiết dấu hỏi rồi thả âm lực sau từ từ, thấp đến cao, rồi lại ngậm miệng ngân hơi cổ nữa nên âm thanh cao vút lên. Thánh thót nghe như tiếng gió...
Sau năm 1975, NS Thanh Kim Huệ càng khẳng định tài năng, kỹ thuật xử lý hơi - giọng của chị gần như khuôn mẫu, với 4 kỹ năng: Luyến láy, lạng lách, ngân nga, nhấn nhá trở thành một danh ca có phong cách riêng. Những bàiTCGD. Vọng cổ để đời như Cây sáo trúc, Cô gái tưới đậu của Trần Nam Dân (ca chung với NSUT Thanh Tuấn), Tát nước đêm trăng của Châu Thanh (ca chung với NS Hoài Thanh), Chợ Mới của Trọng Nguyễn (ca chung với NSUT Trọng Hữu)... là những bài ca vượt thời gian và hơi - giọng của NS Thanh Kim Huệ đã in dấu ấn riêng của mình vào đó theo năm tháng.
Trong ca nói, mặc dù là tự sự nhưng chị vẫn không quên nhấn những trọng âm ca từ khi âm tiết mang dấu sắc và hỏi rồi đưa hơi; và khi ngân ở những ca từ tự sự thì chị tiết chế trường độ ngân vừa phải nên âm giọng luôn biểu đạt sắc thái trữ tình. Khi dứt câu 1 (dấu sắc hoặc hỏi) chị mở tốc lực hơi đấy đặn để ngân, tiếng ca cứ thanh thoát triền miên như dặt dìu theo tiếng gió... Còn khi dứt câu 2 (thanh ngang) thì chị ngân ngang nhịp đáu sau đó cất lên như ca cấn rất ấn tượng. Phong cách ca ngâm mượt mà, trữ tình của NSƯT Thanh Kim Huệ từ sau năm 1975 cho đến nay được xem như một hiện tượng và hiện tượng này đã ảnh hưởng đến nhiều cô đào trẻ như Linh Huệ, Ngân Huệ, Thanh Tuyền, Thanh Kim Mai (TP HCM), Thanh Thanh Mai (Tây Ninh), Kim Thanh (Long An), Thanh Kim Hiền (Chuông Vàng-SócTrăng), Kim Oanh (Bến Tre)... Mỗi người có thành công riêng và bị chi phối kỹ thuật xử lý hơi -giọng của NSƯT Thanh Kim Huệ, nhưng mỗi người chỉ đạt ở một trong 4 kỹ năng nói trên và tỉ lệ đạt cũng ở mức độ nhất định.
Đến nay, có thể quả quyết rằng hai giọng ca “vàng” của NSUT Minh Vương và NSƯT Thanh Kim Huệ là hai đại biểu xuất sắc nhất về kỹ thuật xử lý hơi - giọng Kim mà lực lượng kế thừa chưa theo kịp. Hai giọng ca “vàng” này đã để lại dấu ấn lưu cữu trong băng dĩa, các đài phát thanh và truyền hình về giọng ca Cải lương mãi mãi với thời gian và công chúng mộ điệu.
ngocanh - cailuongvietnam (Theo Đổ Dũng - Báo sân khấu)