Nhạc sĩ Hàn Châu sáng tác không nhiều nhưng đa số những nhạc phẩm của ông đều đọng lại những hình ảnh đẹp.
NS Hàn Châu sinh ngày 1/1/1947 tại Bình Định. Năm 14 tuổi, ông theo gia đình di cư vào Nam và sinh sống tại Sài Gòn. Từ năm 1977 đến nay, ông làm việc tại Công ty Cadivi và hiện nay làm quản lý cửa hàng giới thiệu sản phẩm của công ty.
NS Hàn Châu bắt đầu sáng tác từ rất lâu. Sau năm 1975, ông ngưng sáng tác một thời gian dài. Đến năm 1980, NS Hàn Châu bắt đầu sáng tác lại. Bài đầu tiên ông sáng tác trở lại là bài Về quê ngoại do ca sĩ Chế Thanh và Ngọc Sơn hát. Được khán giả chấp nhận và ủng hộ, năm 1997 ông sáng tác một loạt bài mới, trong đó có Tình nhỏ mau quên, Cây cầu dừa, Tội tình, Bèo hoang... Bài Tình nhỏ mau quên viết về câu chuyện tình của người ở xa về thăm lại cô bạn nhỏ ngày xưa. Bài hát này được TTBN Rạng Đông phát hành đầu tiên trong album Yêu... với tiếng hát của ca sĩ Ngọc Sơn.
NS Hàn Châu đến với nghề sáng tác nhạc như một người không chuyên. Chủ yếu ông học nhạc từ anh rể là NS Thanh Sơn và tự mày mò qua sách vở. Dù sáng tác của ông không nhiều, nhưng ông cũng có những giai thoại trong làng nhạc. Bài hát Cây cầu dừa của NS Hàn Châu xuất hiện lúc dòng nhạc quê hương đang thịnh hành. Đi đâu cũng nghe bài Cây cầu dừa, một hình ảnh quê hương không thể nào thiếu của vùng quê Nam bộ. Sự ăn khách của bài Cây cầu dừa được vài nhạc sĩ khác "ăn theo" bằng những bài như Nhớ cây cầu dừa, Quên cây cầu dừa, Xa mãi cây cầu dừa... Đến khi NS Vinh Sử, là một trong những người bạn tâm giao của NS Hàn Châu, sáng tác bài Quên cây cầu dừa thì "cơn sốt" cây cầu dừa mới lắng xuống. Có lẽ chữ "quên" định mệnh đã làm hình ảnh cây cầu dừa không còn xuất hiện trong các sáng tác mang âm hưởng dân ca nữa. Như nội dung của bài Nhớ cây cầu dừa, có lẽ vì cầu đã được bê tông hóa hết rồi, nên hình ảnh cũng mờ nhạt dần
TS có cuộc trao đổi ngắn với NS Hàn Châu xung quanh cuộc sống và âm nhạc của ông.
Công việc của một công nhân viên hàng ngày tiếp xúc với việc mua bán có ảnh hưởng đến sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ không?
Bình thường hàng ngày tôi vẫn làm việc của một người công nhân. Tối về, khi có hứng khởi hoặc bắt gặp cảm xúc thì viết rất nhanh. Rồi có khi không viết liền một mạch mà thong thả mới viết xong.
Sau khi về hưu, nhạc sĩ có dự định sẽ tập trung nhiều cho sáng tác không?
Tôi còn làm việc một vài năm nữa thì nghỉ ngơi. Vấn đề sáng tác phải có hứng khởi mới làm được. Ngoài ra còn phải có đầu ra, có người đặt bài mới viết khoẻ được. Các trung tâm và ca sĩ đặt bài nhiều thì tôi viết được nhiều.
Có khi nào nhạc sĩ muốn thay đổi dòng nhạc quê hương trước sự sôi động của nhạc trẻ?
Dòng nhạc quê hương luôn có khán giả riêng của nó. Còn nhạc trẻ bây giờ có nhiều người thích và nhiều người không thích. Sức của tôi vẫn có thể sáng tác được nhạc trẻ nhưng chắc chắn không bằng các bạn trẻ. Thôi thì mình cứ tập trung vào nhạc quê hương, dòng nhạc bấy lâu nay tôi vẫn đeo đuổi. Cứ tập trung và đào sâu nó, viết cho ra chuyện hơn.
Đối với ông, dòng nhạc quê hương có thể nào cạn kiệt không?
Nhạc quê hương như mỏ vàng không bao giờ cạn kiệt vì bản thân nhạc là một dạng cấu trúc để xây dựng và phát triển. Nhạc không có chuyện cạn kiệt mà chỉ có cấu trúc đẹp và không đẹp. Kho tàng âm nhạc thế giới cũng chỉ là 7 nốt nhạc chứ có gì hơn đâu? Ngàn năm vẫn là 7 nốt. Nhạc sĩ viết nhiều quá thì có thể cạn kiệt, nhưng là bản thân họ cạn kiệt chứ nhạc thì không cạn kiệt.
Một nhạc sĩ lớn tuổi như ông sẽ hy vọng gì vào nhạc Việt?
Tôi hy vọng nhạc Việt Nam, trong đó có dòng nhạc quê hương được duy trì. Trong đó, chắc chắn không thể thiếu sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng khác như truyền hình, phát thanh... Nhạc sĩ lớn tuổi như tôi cũng muốn được truyền hình quan tâm để có đầu ra. Có đầu ra thì mới bước vào thị trường được.
(VietNamNet)