Tên thật Ngô đình Hộ, sinh ngày 08 tháng 01 năm 1914, tại phố Hàm Long Hà Nội, Theo học trường Nhân Bắc tại Hà Nội. Là một tu sĩ hoàn tục. Năm 1935 hành nghề dạy học. Ðược sinh trưưởng trong một gia đình bố mẹ là những nghệ sĩ cổ nhạc, nên Lê Thương yêu thích âm nhạc từ nhỏ và đã ca hát trong thời còn ở nhà trường. Sau khi đổi về dạy tại Hải Phòng, Lê Thương cùng các nhạc sĩ Văn Cao, Hoàng Phú, Phạm Ngữ, Canh Thân, Hoàng Qúy lập nhóm nhạc đồng Vọng . Ca khúc đầu tay của Lê Thương có thể là bản Tiếng đàn âm Thầm viết năm 1934.
Năm 1940, ông rời Hải Phòng vào Bến Tre rồi lên Sài Gòn, dạy Sử địa tại một số trường trung học tại Sài Gòn và trở thành công chức, làm việc tại Trung Tâm Học Liệu, bộ Quốc Gia Gíao Dục, của Việt Nam Cộng Hòa. đồng thời dạy nhạc sử tại trường Quôc Gia âm Nhạc Và Kịch Nghệ Sài Gòn.
Ca khúc của Lê Thương bao gồm nhiều chủ đề : thiếu nhi, tình quê hương, tình yêu lứa đôi, thiên nhiên, truyện ca và hài hước, ở chủ đề nào ông cũng thành công và để lại những ca khúc bất tử.
Ngoài âm nhạc, Lê Thương còn gia nhập vào ban kịch của Thế Lữ năm 1930, và ban kịch Sầm Giang của Trần Văn Trạch ở Sài Gòn . Lê Thương đã sáng tác ca khúc cho nhiều kịch bản, và viết nhạc phim cho hảng phim Mỹ Vân .
Về đời sống tình cảm, gia đình, Lê Thương có 9 người con với một phụ nữ, học tại Pháp trở về Sài Gòn . Bà Lê Thương không tham gia vào những sinh hoạt văn nghệ của chồng. đằm thắm thương yêu, chăm sóc chồng con là chức năng của người đàn bà gốc Hưng Yên này. Ngoài ra nhạc sĩ Lê Thương có hai người tình, đủ để làm tươi mát cho cuộc sống nghệ sĩ. Người tình đầu là một cô hát ả đào nổi tiếng ở Hà Nội. Người thứ hai là một vũ nữ tại Chợ Vườn Chuối Sài Gòn.
Sau 1975, Lê Thương bi kẹt lại quê nhà, không tham gia vào sinh hoạt văn nghệ. Vào thập niên 90, ông bị mất hẳn trí nhớ và qua đời ngày 17 tháng 9 năm 1996 tại Sài Gòn, hưởng thọ 83 tuổi.
Tác phẩm đã phổ biến:
Bản đàn Xuân
Bông Hoa Rừng (thơ Thế Lữ)
Cô Bán Bánh (nhạc nhi đồng)
Con Mèo Trèo Cây Cau (nhạc nhi đồng)
đây Nhi đồng Ca
đàn Bao Tuổi Rồi
Hoa Thủy Tiên
Hòa Bình 48 (nhạc hài hước)
Học Sinh Hành Khúc
Hòn Vọng Phu 1, 2, 3
Làng Báo Sài Gòn (nhạc hài hước)
Lòng Mẹ Việt Nam
Lời Vũ Nữ (thơ Nguyễn Hoàng Tư)
Lời Kỹ Nữ (thơ Xuân Diệu)
Lịch Sử Loài Người 1, 2
Liên Hiệp Quốc (nhạc hài)
Một Ngày Xanh
Nàng Hà Tiên
Người Chơi độc Huyền
Nhớ Lào
Nhớ Thày Xưa
ông Ninh ông Nang
Sao Hoa Chóng Tàn
Thằng Bé Tí Hon
Thằng Cuội
Thu Trên đảo Kinh Châu
Tiếng Thu (thơ Lưu Trọng Lư)
Tuổi Thơ
Tiếng đàn đêm Khuya
Trên Sông Dương Tử
Tiếng Thùy Dương (Ngậm Ngùi của Huy Cận)
Thằng Bé Tí Non (nhi đồng ca)
ông Nhang Bà Nhang (nhi đồng ca)
Truyền Kỳ Việt Sử (nhi đồng ca)
Thiếu Sinh Ca
Thằng Cuội
...
Lê Thương: Mang Tình Cổ Tích Dệt Ngàn Cung Thương "Lê Thương là một trong những đỉnh cao nhất của dẫy Trường Sơn âm nhạc Việt Nam"...ca sĩ Duy Trác bày tỏ sự ngưỡng mộ với người nhạc sĩ được quen biết sau bốn thập niên. Và, dọc theo dẫy Trường Sơn đó, thiên nhiên đã tạo dựng ra nhiều hình ảnh, theo tương truyền, được dệt thành hoa gấm về chân dung người đàn bà thủy chung, cao quý, dâng trọn trái tim với người chồng xa cách để biến thành thiên thu từ dân gian được đưa vào văn học: Hòn Vọng Phu. Dựa vào sự tích đó, nhạc sĩ Lê Thương đưa vào âm nhạc với 3 ca khúc như bức tranh hoành tráng, nguy nga bằng "truyện ca" Hòn Vọng Phu đã đi vào trái tim mọi người, yêu thích và cảm phục. Về hình ảnh "Hòn Vọng Phu", ở Trung Hoa đã có tự ngàn xưa, trong tác phẩm "Hòn Vọng Phu", nữ sĩ Quỳnh Dao đã ghi lại ở chương đầu của sự tích: "Ở phía Bắc Trung Hoa, giữa những rặng đồi núi chập chùng, ẩn hiện rõ nét hình thù người mẹ bồng con mà dân giả bao nhiêu năm qua đều ngậm ngùi thương nhớ đến câu chuyện thật cảm động... có một thiếu nữ xinh đẹp vừa lấy chồng chưa tròn một năm thì người chồng phải xa lìa vợ trẻ lên đường chinh chiến. Bao nhiêu năm đợi chờ mùa lá rụng ôm con mong ngóng tin chồng về. Nàng không quản ngại gió mưa sương tuyết phủ phàng... cho đến một ngày kia mẹ con người chinh phụ không còn chịu đựng nữa đã thoát hồn vào cõi hư vô. Trời cao đã chứng giám tấm lòng trung trinh của nàng. Thân xác mẹ con nàng đã hóa thành tượng đá và đã đi vào lịch sử, đi vào lòng kính ngưỡng của thế gian. Và từ đó, hình ảnh mẹ con nàng trở thành núi Vọng Phu...". Ngọn núi Vọng Phu nhìn ra ngoài biển, dưới chân núi là vùng hoang giả, rừng cây um tùm tăm tối đầy hang động. Khu rừng đó gọi là Đoãn Tùng Cương, băng qua nữa là Sơn Phong và Sơn Cốc. Việt Nam có nhiều hình ảnh mẹ bồng con nằm rải rác từ Lạng Sơn vào tận Hà Tiên, mang sự tích người vợ ôm con, trong chồng hóa đá được đặt tên hòn Vọng Phu. Ở Lạng Sơn, truyện kể nàng Tô Thị đứng trông chồng là Đậu Tháo đi chiến đấu chống quân xâm lược phương Bắc, đợi chồng hóa đá, hình tượng đó tại Đồng Đăng, được đi vào ca dao: "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa' Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh Ai lên xứ Lạng cùng anh Mãi mê quên hết lời em dặn dò". Gần Thanh Hóa, trên núi Nhồi, nổi bật hình ảnh hòn đá lớn như chân dung người đàn bà đứng bế con. Vẫn theo tương truyền ngày xưa, người chồng theo tiếng gọi núi sông, chinh chiến kéo dàii, người đàn bà mòn mỏi chờ mong, ôm con đứng trông chồng đến khi hóa thành đá. Ở Khánh Dương, Khánh Hòa có hòn Vọng Phu, còn gọi là hòn Mẫu Tử. Theo Nguyễn Tử Quang trong tác phẩm Điển Hay Tích Lạ "Chóp núi Vọng Phu là một khối đá hoa cương khổng lồ, đứng thẳng lên trời, bên cạnh lại có một khối đá khác nhỏ hơn, hai khối đá nầy tương tự hình người". Cách Khánh Dương về hướng Bắc chạy dọc theo quốc lộ I không bao xa, núi Đá Bia nằm trên Đào Cả thuộc Phú Yên, sừng sửng khối đá lớn trông như tạc hình ảnh mẹ bồng con đứng nhìn ra biển, còn gọi là núi Mẹ Bồng Con. Trong dẫy Núi Bà, thôn Chính Oai, xã Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định, một hòn đá xanh cao, mọc đứng trên ngọn núi cao nhìn ra Vũng Tô, Vũng Nồm, nhìn từ xa trông giống hình người đàn bà dắt con đứng nhìn ra biển, được gọi là đá Vọng Phu, hòn Vọng Phu. Sự tích hòn Vọng Phu còn dựa theo câu truyện dân gian. Trong thời tao lọan, có hai anh em ruột vì chạy giặc phải ly tán từ thuở nhỏ. Khi chàng trai và cô gái gặp nhau vì không nhận ra nhau nên thương yêu nhau và kết duyên vợ chồng, sinh hạ được đứa con, ăn ở với nhau rất hạnh phúc. Thế rồi một ngày, người chồng gội đầu cho vợ, thấy có vết sẹo, lần mò câu chuyện, người chồng mới vỡ lẽ vết sẹo đó do chính chàng gây ra cho cô em gái từ thuở nhỏ. Người chồng đau khổ, ân hận, không dám nói cho vợ biết, lặng lẽ ra đi. Biệt tăm chàng, người vợ thương nhớ chồng, ôm con lên núi đứng chờ cho đến khi hóa đá. Chân dung người đàn bà bế con trông chồng hóa đá được đề cập nhiều qua thi văn, Lê Thương - người nhạc sĩ tài hoa - đã mang hình ảnh vợ chồng thời chinh chiến dựng thành "trang sử" hùng tráng và bi thương qua lời ca và tiếng nhạc, trở thành tác phẩm âm nhạc quý báu trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Qua âm nhạc, Hòn Vọng Phu của Lê Thương cho thấy sự trưởng thành của âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn đầu; ở đó thể hiện trọn vẹn câu chuyện nhân gian thành trang sử đầy màu sắc về hình ảnh, tâm tư và cả bối cảnh bi hùng, cao đẹp của thời chinh chiến. Trong các hình ảnh về Hòn Vọng Phu, bối cảnh Lê Thương tạo dựng trong ca khúc ở địa danh núi Nhồi, giữa vùng Thanh Hóa - Nghệ Tỉnh. Và nếu nhìn lại thời gian xa xưa, từ Cổ Loa thành - địa danh của Vĩnh Yên - nhìn về "Nơi phía Nam giữa núi mờ, ai bế con như đứng chờ" thì chân dung Hòn Vọng Phu trong ca khúc được tạo dựng nơi đây. Ba ca khúc trong Hòn Vọng Phu dàn dựng ra qua lời ca, tiếng nhạc theo tiến trình câu chuyện với đầy đủ hình tượng trong thời chinh chiến, nam nhi theo tiếng gọi của non sông, nữ nhi trong bổn phận nuôi con, thờ chồng, kẻ đi, người ở đều mang trong lòng tình yêu thương cao quý, trang trải nỗi niềm luyến nhớ, đau thương giữa nghĩa vụ và tình yêu, giữa phong ba thời cuộc và tình nghĩa vợ chồng. Hình ảnh đó khơi dậy câu truyện được lưu truyền, nó tàng ẩn cái tình, cái nghĩa cái thủy chung, vừa náo nhiệt vừa tĩnh lặng tạo thành bức tranh sống động trong nhiều bối cảnh thời đao binh của lịch sử nước nhà. Theo nhạc sĩ Lê Thương, việc sáng tác ba bản Hòn Vọng Phu xuất phát từ những bước luân lạc kéo dài tại xứ dừa Bến Tre. những rung cảm êm đềm lẫn ghê rợn, tuyệt vọng đã giúp cho chàng nhạc sĩ giang hồ gốc Thăng Long chắp nối dần các tình tiết thành một "truyện ca". Và từ năm 1945 đến đầu 1948, ba bản Hòn Vọng Phu lần lượt được tái bản tại Sài Gòn. Hòn Vọng Phu I mở đầu với hình ảnh chiến chinh, "là một bức tranh phác họa vài nét tiêu sơ theo điệu quân hành. Thực hiện nó bằng cảm xúc mãnh liệt cộng với trí tưởng tượng mông lung, diệu vợi... Viết Hòn Vọng Phu I lúc đang sống bên bờ kinh đào Chạc Sậy nối liền sông Đại với sông Bến Tre" (Lê Thương). Không khí thời đó giống như hình ảnh trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn qua bản dịch của Đoàn Thị Điểm. Lê Thương miêu tả hình ảnh hùng dũng của chàng trai với tiếng gọi núi sông: "Lệnh vua hành quân, trống kêu dồn. Quan với quân lên đường. Đoàn ngựa xe cuối cùng. Vừa ruổi theo lối sông..." Không khí và hình ảnh bắt gặp trong Chinh Phụ Ngâm "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi" phận nam nhi phải "Xếp bút nghiên theo việc đao cung" để rồi "đi vào nơi gió cát". Và, người vợ ở nhà mang nỗi nhớ khôn nguôi, nuôi con, ngong ngóng bóng chinh nhân trở về. Hòn Vọng Phu I đã phác họa tổng quát câu chuyện khi chia ly trở thành ly biệt: "Người không rời nửa kiếp gian nan Người biến thành tượng đá ôm con"! Hòn Vọng Phu II (Ai Xuôi Vạn Lý) bày tỏ tâm trạng người vợ, thương chồng, nhớ chồng, chờ chồng bất kể nắng mưa: "Bế con đã hoài công để đứng chờ. Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về. Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ..." Khi nàng đứng chờ thì than ôi: "Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ. Cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già" Thế nhưng nàng vẫn "Đứng ôm con xem chàng về hay chưa?". Đứng trên ngọn núi chờ chồng, mong ai xuôi vạn lý để nhắn tin nhưng rồi tháng năm vẫn biền biệt trôi, mòn mỏi đứng vọng về chân trời xa xôi cho đến khi hóa đá. Hòn Vọng Phu III (Người Chinh Phu Về), qua mùa chinh chiến, trên đường về chập chùng núi non, mang bao niềm nhớ thương mong giải bầy với người yêu bao năm xa cách... nhưng nhìn về phương Nam, than ôi! giữa núi mờ, nàng biến thành tượng đá ôm con. Trong thời kỳ bùng nổ chiến tranh Việt-Pháp, giai đoạn người trai phải tham gia vào cuộc chiến, có người nhạc sĩ trẻ Lê Thương. Và, chính 3 ca khúc đó đã tạo thành được kích thước rộng lớn. Vì theo ông: "Lý do khác thôi thúc tôi viết Hòn Vọng Phu là do cảm mến thân phận người chinh phụ qua Chinh Phụ Ngâm phúc nổi tiếng... Không có gì đẹp hơn bằng cách chuyển cuộc ra đi của người chồng vì mối tình ngang trái thành cuộc ra đi vì đại nghĩa, và hình ảnh người đàn bà cũng trở nên hợp hơn, đúng hơn với người chinh phụ! Người đàn bà luôn luôn chịu thiệt thòi. Cần phải trả lại cho họ cái chức phận thiêng liêng, cao quý". Theo diễn biến lúc hùng, lúc bi, lúc giục giã lúc lắng đọng, dòng nhạc và lời ca của Lê Thương lột tả được ý nghĩa sâu lắng, thể hiện được tinh hoa của âm nhạc để đi vào trái tim, niềm rung cảm của mọi người. II . Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ngày 8 tháng 1 năm 1914 tại phố Hàm Long, Hà Nội. Theo học trường Nhân Bắc ở Hà Nội đến năm 1935 hành nghề giáo. Bố mẹ ông là nghệ sĩ chơi nhạc cổ ở Hà Nội vì vậy khi ở học đường, ông tham gia phong trào ca hát. Sau khi thuyên chuyển về dạy học ở Hải Phòng, Lê Thương cùng với Văn Cao, Hoàng Quý, Hoàng Phú, Phạm Ngữ Canh Thân... thành lập nhóm sáng tác ca khúc âm nhạc lấy tên Đồng Vọng. Lê Thương là một trong năm nhạc sĩ khai sinh cho nền tân nhạc Việt Nam với nhạc phẩm Tiếng Đàn Âm Thầm (1934) và Trưng Vương (1937), tiếp đó với các ca khúc Bản Đàn Xuân, Một Ngày Xanh, Trên Sông Dương Tử...Nhạc sĩ tiên phong trong thể loại truyện ca như Nàng Hà Tiên (1940) rồi được tiếp nối với Hoa Thủy Tiên, Lịch Sử Loài Người, Truyền Kỳ Lịch Sử... Năm 1940, Lê Thương rời Hải Phòng vào Bến Tre, lên Sài Gòn và tham gia trong dòng sinh hoạt văn nghệ cùng anh em văn nghệ sĩ. Qua Hồi Ký của Phạm Duy: "Trong số những bạn đồng nghiệp, tôi yêu nhất nhạc sĩ Lê Thương. Anh rời Bến Tren lên Sài Gòn làm nghề thầy giáo... Lê Thương làm thơ, làm nhạc rất bay bướm nhưng anh có cuộc sống rất giản dị... Vào những năm đầu của cuộc chiến Nam Bộ, cũng như hầu hết những người trai của thời đại, Lệ Thương có những đóng góp tich cực vào cuộc đấu tranh chống xâm lăng, giành Tự Do, Độc Lập của toàn thể nhân dân... Thì ra Lê Thương cũng đi vào khàng chiến để tạo những huyền thoại về người mẹ Việt Nam... Lê Thương vào thành rất sớm. Vào năm 48, anh soạn bài Hòa Bình 48... Vào thời đó, nằm trên trục tuyên truyền của phe tả, chim bồ câu được chọn làm biểu tượng cho hòa bình... nhưng anh Lê Thương của chúng ta cho rằng con chim đó dang bị đau nặng... Bài Hòa Bình 48 là loại nhạc châm biếm chính trị (satire politique) do Lê Thương dẫn đầu... Lê Thương còn soạn thêm những bài ca châm biếm như Liên Hiệp Quốc, Làng Báo Sài Gòn, Đốt Hay Không Đốt... ... Lê Thương cũng là người chuyên soạn nhạc cho thiếu nhi, thiếu niên qua những bài Thằng Cuội, Tuổi Thơ... Bài Bà Tư Bán Hàng và bài Học Sinh Hành Khúc phổ biến đến độ có những câu nhại... tôi vẫn quan niệm bài hát nào có lời ca nhại là bài hát thành công nhất. Tôi cũng cho rằng trong làng tân nhạc, Lê Thương là người trí thức nhất. Mỗi bài nhạc, mỗi giai đoạn nhạc của anh đều chứa đựng “thông điệp”. Nhìn lại toàn bộ nhạc phẩm của Lê Thương, bao gồm hầu hết mọi thể điệu. Bên cạnh nhiều nhạc phẩm về thiếu nhi rất quen thuộc, nhạc châm biếm, những bài thơ được phổ thành ca khúc như Bông Hoa Rừng, Tiếng Thùy Dương, Người Chơi Độc Huyền... cùng nhiếu ca khúc với tình tự quê hương, dân tộc được trải dài suốt nửa thế kỷ là công trình đóng góp thật quý giá. Lê Thương thích tham gia vào kịch nghệ, cuối thập niên 30 với ban kịch Thế Lữ. Khi vào Sài Gòn, tham gia vào ban kịch Sầm Giang của Trần Văn Trạch, sáng tác nhiều bài hát cho kịch phẩm. Vào thập niên 50 ông viết nhạc phim cho hãng Mỹ Vân. Là giáo sư dạy về nhạc sử ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Sài Gòn, ông triển khai nền âm nhạc Tây phương để chuyên chở vào nền âm nhạc Việt Nam để tạo sắc thái đặc biệt. Qua hàng trăm nhạc phẩm đều phản ánh tâm hồn dân tộc, dòng nhạc bình dị, đơn giản; giai điệu nhẹ nhàng không cầu kỳ, rắc rối được thể hiện qua tiết tấu. Trên bục giảng, là một nhà giáo nghiêm nghị nhưng trong giao tiếp, ông là người hòa nhã, tận tình, lịch sự, từ tốn và hòa nhập với mọi người. Vì vậy, căn nhà của ông trên đường Bùi Viện trở thành thân quen cho giới nghệ sĩ. Lê Thương còn là giáo sư Sử Địa, có tài vẽ tay trái, kiến thức rộng và giảng dạy rất lôi cuốn trong bộ môn khô khan. Về mặt tình cảm, là nghệ sĩ, Lê Thương cũng phong lưu đa tình nhưng kín đáo, không ba hoa, khoác lác vì vậy không bị tai tiếng. Người tình đầu tiên sống với ông là cô đầu hát ả đảo nổi tiếng ở Hà Nội, sống với nhau nhưng không thành hôn. Người bạn đời trăm năm với ông, gốc Hưng Yên, ở Pháp về gặp nhau tại Sài Gòn, sống với nhau được 3 người con mới làm giấy hôn thú, tiếp tục hành trình, có tất cả 9 người con. Người bạn đời của nhạc sĩ "là người bình dân, mộc mạc, không bao giờ nhảy sổ vào công việc của chồng, suốt đời lẳng lặng trông nom săn sóc chồng con" (Phạm Duy). Tuy nhiên, mối tình của Lê Thương với vũ sư Năm Ngọc ở chợ Vườn Chuối thời Lê Thương làm việc ở Trung tâm Học Liệu, tuy kín đáo nhưng bị lọt vào mắt mấy tay cầm bút. Sau tháng 4-75, Lê Thương kẹt lại ở quê nhà, không còn cơ hội thuận lợi tham gia trong sinh hoạt nghệ thuật. Bước vào đầu thập niên 90 tinh thần và thể xác suy yếu. Cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn, may mắn được sự giúp đỡ của vài nghệ sĩ quý trọng ông. Vào giữa thập niên 90, ông hoàn toàn mất trí. Trong khi hàng triệu người ở quê nhà và hải ngoại đón tết Trung Thu, tác giả Thằng Cuội nhắm mắt lìa đời ngày 17-9-1996, hưởng thọ 83 tuổi. Lê Thương trở về với cát bụi, theo "Gió không có nhà, gió bay muôn phương, biền biệt chẳng ngừng trên trời nước Nam..." Hơn nửa thế kỷ đóng góp cho âm nhạc Việt Nam, Lê Thương sáng tác hàng trăm tác phẩm, nhiều ca khúc khai sinh cho nền âm nhạc Việt Nam tuy đánh dấu cái mốc lớn lao trong lịch sử tân nhạc nhưng thời gian rồi sẽ phôi phai như nhiều ca khúc khác cùng thời của ông. Thế nhưng, ngày nào còn nhắc đến hình ảnh Hòn Vọng Phu, ngày đó tên tuổi Lê Thương vẫn còn bay lượn giữa muôn nghìn âm thanh bồng bềnh trong tâm thức. Vương Trùng Dương (SUU TAM)