Thanh Thanh Hoa
NS Thanh Thanh Hoa - Huy Chương Vàng giải Thanh Tâm 1961 (thứ 4 từ trái sang) cùng với NS Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Nga trong vở "Em chẳng về tàu" của soạn giả Minh Hòa
Chỉ một mình Thanh Thanh Hoa lãnh giải Thanh Tâm 1961 nghệ sĩ triển vọng. Lại thêm một bất ngờ nữa đến với giới hâm mộ cải lương, với khán giả và đặc biệt là những người theo dõi hoạt động của giải Thanh Tâm, vì năm 1961 giải chỉ phát cho mỗi mình nữ nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa, đào chánh của đoàn Thủ Ðô mà không có nam như trong điều lệ của giải là mỗi năm phát cho một nam một nữ.
Thật vậy, năm trước 1960 giải phát cho hai nữ Ngọc Giàu và Bích Sơn, tức là cũng không đi đúng điều lệ, do đó gây thắc mắc, xôn xao một dạo cho những người đoán mò. Vào thời điểm này cải lương đang ở thời kỳ hoàng kim, nhiều gánh hát lớn ra đời phục vụ khán giả sân khấu cải lương, nên khi nghe nói có phát giải thì rất dễ gây sự chú ý theo dõi của nhiều người.
Thanh Thanh Hoa từng trưởng thành trên sân khấu đoàn Thủ Ðô và lúc ấy thì cô cũng vẫn đang cộng tác cho đoàn này, nên việc tổ chức phát giải Thanh Tâm 1961, ông Trần Tấn Quốc đã đỡ lo nhiều bởi chủ nhân đoàn Thủ Ðô là ông Ba Bản, một nhà tư bản ở Sài Gòn thời bấy giờ, ông làm bầu gánh hát là do tiền dư bạc để, thích mà làm chớ phải là nghề nghiệp chi đâu.
Ông Ba Bản Ông đã bỏ tiền ra cho nghệ thuật cải lương phát triển, thuê rạp chiếu bóng Thanh Bình suốt hai năm liền cho cải lương hoạt động. Do vậy mà khi đào chánh đoàn hát của mình được giải Thanh Tâm, thì ông chấp thuận ngay sự yêu cầu của ông Trần Tấn Quốc là cho mượn rạp Thanh Bình để làm lễ phát giải mà không phải trả tiền rạp như năm vừa qua ở rạp Hưng Ðạo.
Nhờ không phải trả tiền rạp lại còn có thêm nghệ sĩ tên tuổi ủng hộ, những cô đào trúng giải các năm vừa qua trong đó có Thanh Nga góp mặt trong buổi lễ, nên buổi hát phát giải vé bán không còn chỗ trống, khiến cho ông Quốc mừng vui ra mặt, như trúng số nho nhỏ vậy. Dĩ nhiên năm đó ban tuyển chọn được ông Quốc mời đi đãi đằng, ăn cơm Tàu ở tửu lầu trong Chợ Lớn, và nghe nói mỗi vị đều có bao thơ lì xì tiền cà phê gọi là “thông cảm” nên ai nấy đều vui.
Con số ban tuyển chọn Giải Thanh Tâm 1961 lên đến 18 thành viên: Bà Phùng Há (1 nghệ sĩ kỳ cựu). Các soạn giả Ðiêu Huyền, Kiên Giang, Hà Triều, Viễn Châu, Bạch Diệp, Tứ Lang (6 soạn giả). Và 11 ký giả kịch trường: Ngọc Linh, Thiên Hương, Nguyễn Ang Ca, Lê Hiền, Phong Vân, Hoài Ngọc, Việt Ðịnh Phương, Sĩ Trung, Bạch Tùng Hương, Ngọc Ðỉnh và ông Trần Tấn Quốc. Năm này cạnh ban tuyển chọn còn có thêm ban cố vấn, và các vị sau đây được đề cử: Nghệ sĩ Bảy Nhiêu, Năm Châu, Duy Lân.
Sau ngày lãnh giải Thanh Tâm 1961 Thanh Thanh Hoa như một ngôi sao sáng rực và vẫn hát cho đoàn Thủ Ðô, bởi ở đoàn này thì tên tuổi ngày một sáng chói thêm, mà tiền lương thì cũng không có đoàn nào cao như đoàn Thủ Ðô. Thời gian sau thì Thanh Thanh Hoa kết hôn với nghệ sĩ Nam Hùng một kép độc khá nổi tiếng ở đoàn Thanh Minh, đôi vợ chồng nghệ thuật và ngoài đời này sống hạnh phúc trong nhiều năm. Nhưng rồi sau 1975 không còn hát xướng bao nhiêu, họ chia tay nhau. Thanh Thanh Hoa không thấy hát ở đâu hết, có lẽ đã chuyển nghề và cũng không nghe nói có chồng khác. Riêng kép Nam Hùng thì về với đào trẻ Tô Kim Hồng, cả hai cũng không còn hát xướng gì nữa, mà chuyển nghề mở tiệm “phở Nam Hùng” ở đường Vĩnh Viễn gần Ngã Bảy Sài Gòn mà trên trang báo này trước chúng tôi có đề cập.