Giang Châu
Tên thật: Trần Ngọc Châu
Ngày sinh: 1952 - Quốc gia: Việt Nam
Công ty đại diện: Ca sĩ Tự Do
Những bài hát từ những chiếc radio, cassette, loa phóng thanh hay của chiếc máy hát dĩa, những âm thanh văng vẳng từ xa đưa đến, họ phải hết sức tập trung cố ý lắng nghe, câu được câu mất, thưởng thức những giọng ca tuyệt vời của những thần tượng yêu thích nếu có gặp cũng chỉ trong mơ. Những buổi hát Kỳ Yên, cúng đình hay những đoàn hát nhỏ về diễn ở sân đá bóng, hay khu đất nhỏ của ban văn hóa... gần hơn là những cuộc đờn ca trong xóm ấp đã lắng đọng vào tâm hồn và họ đã bậc lên tiếng hát cho quên những lo toan cơm áo trong đời.
Ở Chợ Lách - Bến Tre, năm 1964 có một cậu bé 12 tuổi đã biết đờn ca tài tử với những anh em trong xóm ấp, cậu ta nhỏ tuổi nhất lại là người có giọng ca hay nhất, nhà nghèo nên hằng ngày sau nửa buổi đi học, nửa buổi còn lại cậu ta phải đi coi trâu. Những buổi chăn trâu trên đồng ấy, cậu ta hát nghêu ngao cho đỡ buồn, đồng thời thể hiện tính cách hồn nhiên, vui tươi của trẻ con. Thấy thằng nhỏ ca hay nên anh Ba Hiến, anh Hai Đực, anh Tư Hùng, mỗi người dạy một chút, dạy cho ca trúng nhịp, dạy cho biết cách uốn éo, lạng bẻ cho độc đáo, các anh thường hay khen: "Thằng Châu ca rất giống Minh Cảnh...", nghe khen như vậy cậu ta cũng khoái chí lắm. Minh Cảnh quả thật là thần tượng của cậu ta. Cậu bé 12 tuổi chăn trâu ấy chính là NSUT Giang Châu ngày nay.
Anh tên thật là Trần Ngọc Châu, sinh năm 1952, sinh trưởng ở Chợ Lách, Bến Tre. Lớn lên một chút khoảng 14-15 tuổi, Châu tiếp tục đi làm mướn, làm tài công lái tàu, chủ tàu là ông Hai Đực một người biết đờn, là người thầy đầu tiên. Cũng vì khoái giọng ca của Châu mà Hai Đực đã giao chiếc tàu chở trái cây cho Châu, dạy thêm nghề lái tàu đưa trái cây từ Chợ Lách lên Cái Bè bán cho các vựa lớn. ở gần nhà Châu có anh Anh Tuấn (anh tư nghệ sĩ Dương Thanh) đánh đàn guitar khá hay, tham gia ở đội văn nghệ Quận. Sau Tết Mậu Thân, nhân một bữa đội văn nghệ Quận về hát tại ấp nhà, Anh Tuấn giới thiệu Giang Châu lên hát mấy bài vọng cổ, tên Quận trưởng có mặt trong buổi văn nghệ ấy khoái giọng ca của Châu, bắt Châu vô hát ở đội văn nghệ Quận. Đó là lần đầu tiên Châu chính thức trở thành người ca hát có lương.
Vì sao lấy nghệ danh Giang Châu?
Ngày mùng 8 tháng 8 năm 1971 có đoàn hát cải lương Phước Châu, gốc là đoàn hát bội của bầu Nhàn ở miệt Trà ôn, về hát gần nhà, họ tổ chức cúng tổ, Châu đến chơi rồi trốn theo đoàn hát luôn, lúc đó lại đang ở lứa tuổi bị bắt quân dịch, Châu phải dùng giấy căn cước của em trai tên là Hoa và đặt nghệ danh là Hồng Hoa.
Anh Tuấn cũng bỏ đội văn nghệ Quận, đi gánh hát chung với Châu. Sống đời gạo chợ nước sông được một năm, năm 1972, gặp đoàn Hoa Mùa Xuân hát ở Đại Ngãi rồi dọn qua Long Phú, Châu đã xin gia nhập đoàn làm em nuôi của nghệ sĩ Hữu Lợi (một kép chánh khá nổi tiếng ở đoàn Hương Mùa Thu, đoàn Sao Ngàn Phương... khác với nghệ sĩ Hữu Lợi bên cải lương Hồ Quảng). Anh Hữu Lợi đang là kép chánh thấy anh kép mới có giọng ca lạ, mặt mày sáng sủa, tính tình hiền hậu nên thương, coi Châu như em trai. Hữu Lợi có một người em trai tên Lộc (tức là nghệ sĩ Bửu Lộc của đoàn Hương Mùa Thu sau này), đang là kép trẻ của đoàn với nghệ danh Giang Thanh nên anh sao tên hát cho Châu từ Hồng Hoa đổi lại thành Giang Châu.
Được sự dẫn dắt chỉ dạy của Hữu Lợi, Giang Châu đã có thêm chút vốn liếng diễn xuất, cộng vời giọng ca vừa cao vừa dài hơi, mỗi lần vô vọng cổ là tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả bùng lên như muốn vỡ rạp. Sau đó, một thời gian Giang Châu cộng tác với đoàn Ngân Điện - Ngọc Đính rồi Thanh Hương - Hùng Minh, trở thành một anh kép trẻ sáng giá. Nghệ sĩ Minh Cảnh lập ra hai đoàn hát, đoàn Minh Cảnh 2 mời Giang Châu về cộng tác, nhưng anh chỉ được ra sân khấu hát những vai lão. Hơi bị buồn nhưng biết phải làm sao, đi hát ai cũng thích mình được hát vai kép mùi, kép trẻ, đang là giọng ca hay mà cứ hát lão suy nghĩ vậy nhưng Giang Châu vẫn cố làm tròn vai trò của mình, khổ cho những anh kép khác, hát vai chánh chung tuồng với Giang Châu mỗi lần anh ca vọng cổ, họ chợt như biến mất, bị che lấp bởi giọng ca độc đáo của nghệ sĩ trẻ đóng vai già.
Trở Thành kép chánh nhờ nghệ sĩ bị bắt quân dịch
Đoàn Minh Cảnh 2 và đoàn Trâm Hoa Mai của ông bầu Năm Tập cùng về Lái Thiêu hát, bất ngờ bị cảnh sát đến bắt quân dịch, đoàn Minh Cảnh 2 bị bắt 8 người, đoàn Trâm Hoa Mai bị bắt 7 người. Thời điểm ấy, các đoàn đi hát gặp rất nhiều khó khăn, đã ế ẩm còn bị mất người, đoàn Minh Cảnh 2 rã tại Lái Thiêu. Riêng ông bầu Năm Tập của đoàn Trâm Hoa Mai cố gắng lèo lái đoàn vẫn hoạt động, cả đoàn là người nhà, con cháu, dâu rể của ông, sẵn ở gần ông qua đón Giang Châu và Cảnh Tượng (đang là bảo vệ của Viện dường lão nghệ sĩ TPHCM) về hát kép chánh.
Từ đó, Giang Châu trở thành một nghệ sĩ rất ăn khách qua từng chặng lưu diễn của đoàn Trâm Hoa Mai. Dạo đó, khán giả luôn truyền miệng cho đoàn hát nào nối đuôi đoàn Trâm Hoa Mai: "Kép chánh Giang Châu ở đoàn Trâm Hoa Mai ca hơi dài y như Minh Cảnh, nghe Giang Châu ca vọng cổ, đủ tiền vé". Vậy là dù chưa cộng tác với một sân khấu lớn nào ở Sài Gòn, chỉ quanh quẩn ở miền Tây, miền Đông nhưng Giang Châu là một giọng ca được nhiều người biết tới. Một năm sau, Giang Châu được ông bầu Thu An, một tác giả, đạo diễn nổi tiếng, được xem như một thầy phù thủy tài ba có tay lăng-xê rất nhiều kép trẻ, mời hát đoàn Hương Mùa Thu của ông.
Vở đầu tiên Giang Châu được Thu An chăm chút là vở Người chăn Hạc với Út Hiền, Hoài Thanh hát chánh, Giang Châu, Minh Kỳ hát nhì. Đào chánh có Ngọc Hương, đào nhì có Hương Lan, Kim Thủy. Nghệ sĩ Minh Vương đứng ra lập đoàn hát riêng cho mình, lấy tên hiệu là đoàn Cải Lương Việt Nam - Minh Vương với dàn đào kép khá hùng mạnh như: Phượng Liên, Phương Thanh, Văn Chung... (Sau này có thêm nghệ sĩ Thanh Nga), được chăm sóc nghệ thuật dưới bàn tay của đạo diễn Hoàng Việt, tác giả Loan Thảo, Giang Châu được mời về đoàn để hát kép 3 nhưng rất được nghệ sĩ Minh Vương thương mến và tin cậy.
SƯU TẦM