Đôi giọng ca vàng: Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ
Trên sân khấu cải lương, đã có những cặp đôi nghệ sĩ tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả bởi sự bắt nhịp ăn ý với nhau trong giọng ca cũng như khả năng diễn xuất tuyệt vời của họ
NSUT Thanh Tuấn
NSUT Thanh Kim Huệ
Trong số đó, phải kể đến “Đôi giọng ca vàng” Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ. Theo soạn giả Viễn Châu thì: “Họ là đôi giọng ca lạ, có nhiều sáng tạo trong cách luyến láy, nhả chữ khi ca, làm phong phú thêm khi thể hiện bài vọng cổ trên sóng phát thanh và các băng đĩa…”.
Cách đây không lâu, trong chương trình Sân khấu vàng do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức tại Rạp Trần Hưng Đạo, đôi nghệ sĩ Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ đã có dịp tái ngộ với khán giả trong vở cải lương Sông dài của soạn giả Hà Triều Hoa Phượng - vở cải lương đã từng rất ăn khách trên Sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga sau ngày giải phóng.
Câu chuyện tình ngang trái của anh Niểng nhà quê xấu xí, bị dị tật yêu cô gái mù lòa tên Lượm xinh đẹp nhưng mồ côi qua tài diễn xuất tuyệt vời của đôi nghệ sĩ Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Có thể nói sau hơn 10 năm, đôi nghệ sĩ này mới có dịp diễn chung trở lại trên sân khấu.
Như “cá gặp nước”
Sức hút của đôi nghệ sĩ Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ thật lớn, dù đóng bất kỳ loại vai nào, họ cũng được khán giả yêu mến. Năm 1973, rất tình cờ cả hai được soạn giả Loan Thảo mời tham gia chung trong băng đĩa vở Đường gươm Nguyên Bá, Thanh Tuấn vai Thái tử Ngũ Châu, Thanh Kim Huệ vào vai Thủy Cúc.
Sự kết hợp tình cờ này trở thành cái duyên đặc biệt, đĩa nhựa ấy bán chạy như tôm tươi. Chính vì vậy mà cả hai được soạn giả Loan Thảo mời tham gia tiếp trong các băng đĩa: Trúng số độc đắc, Mùa xuân ngủ trong đêm, Sở Vân cưới vợ, Bao Công tra án Quách Hòe, Mùa sầu riêng… Thanh Tuấn cho biết:“Tôi đã thu cho Hãng đĩa ASIA từ năm 1970 nhưng lúc ấy khán giả chưa chú ý nhiều.
Phải 3 năm sau, khi soạn giả Loan Thảo tìm kiếm giọng ca lạ để thu cho Hãng đĩa Việt Nam thì tôi và Thanh Kim Huệ mới trở thành một đôi được nhiều người biết đến. Công phát hiện và “tác hợp” cho đôi Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ chính là soạn giả Loan Thảo. Dù hiện nay anh đã mất nhưng chúng tôi lúc nào cũng rất mang ơn anh. Tính đến nay, chúng tôi đã thu âm cũng như diễn chung trên sân khấu hơn 100 vở tuồng và bài tân cổ”.
Còn Thanh Kim Huệ thì bật mí: “Chúng tôi rất hợp nhau về phong cách ca. Nhiều khán giả từng nhận xét tôi và anh Tuấn có sự hòa quyện đặc biệt trong cách ca, luyến láy nhiều, chữ nào tôi ca cao thì anh Tuấn theo cũng được, hai giọng đều trong và cao vút...”.
Năm 1974, Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ mới chính thức hát chung trên Sân khấu cải lương Kim Chung 2 và tạo nên một “làn sóng thần” qua các vở tuồng kiếm hiệp, màu sắc hương xa: Ba chàng kiếm sĩ, Bạc tình lang, Xin một lần yêu nhau… Sau đó, họ lại tiếp tục “sánh vai” nhau trên Sân khấu Xuân Liên Hoa (1974), Sài Gòn 2 (1975). Sau ngày giải phóng, Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ được các hãng băng đĩa, đài phát thanh, truyền hình rất ưu ái mời thu chung nhiều bài tân cổ. Những bài đó cho đến bây giờ khán giả ai cũng đều thuộc nằm lòng như: Cô gái tưới đậu, Cây sáo trúc, Lý chim quyên, Dệt chặng đường xuân, Quán gấm đầu làng, Hoa hồng trên đất thép, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Qua cầu gió bay, Những ngày xưa thân ái, Trường cũ tình xưa… Trên Sân khấu Sài Gòn 1, suốt nhiều năm liền, “mối liên doanh” này cũng đã tạo nên hiện tượng “cháy vé” trong các vở Bến tương tư, Tôi không yêu đàn bà, Thề không sợ vợ, Đối mặt kẻ thù… Họ trở thành “Đôi nghệ sĩ đóng chung trên sân khấu được yêu thích nhất” năm 1990-1991 do bạn đọc Báo Sân Khấu TP bình chọn.Năm 1999, Sân khấu Cải lương thể nghiệm do Thanh Điền thành lập, vở Khúc ly hương của tác giả Thanh Kim Huệ đã đạt được đỉnh cao, gây tiếng vang không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, trở thành “cú hích” của sân khấu cải lương mà góp phần tạo thành công lớn này là Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ trong đôi đào kép chính Trần Châu - Vân Phi. Vở tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc, cả hai đều đoạt huy chương vàng.
Những kỉ niệm vui buồn
Thời gian ở Đoàn Xuân Liên Hoa và Sài Gòn 2, Thanh Tuấn chưa lập gia đình nên thường đi lưu diễn cùng đoàn có một mình. Những lúc Thanh Tuấn ốm đau, cảm sốt, hai vợ chồng Thanh Kim Huệ - Thanh Điền hết sức lo lắng giúp đỡ, thuốc men để anh trị bệnh.
Cũng trong thời gian này, một lần Đoàn Sài Gòn 2 đi lưu diễn ở Lâm Đồng, lúc qua đèo Bảo Lộc, xe chở đoàn bỗng phát hiện phía trước có hơn 20 người đứng thành hàng ngang không cho xe chạy qua. Thấy vậy, trưởng đoàn mới xuống xem sự thể thế nào thì mới biết, họ là những khán giả hâm mộ, biết có Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ về hát nên chặn xe lại để xem mặt thật và tặng quà.
Quả vậy, khi đôi nghệ sĩ này bước ra giao lưu một lúc thì họ mới chịu giải tán để xe chạy đi. Một tình huống khác cũng cực kỳ dễ thương mà Thanh Kim Huệ kể lại: “Lần đi cứu trợ lũ lụt ở Đồng Tháp, xung quanh là một biển nước, người dân chèo xuồng đến điểm nhận quà. Khi nhìn thấy tôi và Thanh Tuấn chuẩn bị phát quà, người dân không còn màng đến quà tặng cứu trợ nữa mà đưa ra “yêu sách”: “Hai nghệ sĩ phải hát thì tụi tui mới nhận quà”. Vậy là hai cái bàn học dã chiến được làm sân khấu, tôi và anh Tuấn đứng hát xong bài vọng cổ Cô gái tưới đậu thì bà con mới chịu nhận quà”. Sự ăn ý của Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ trên sân khấu và trong băng đĩa khiến nhiều khán giả ngộ nhận họ là vợ chồng, nhất là khán giả miền Tây trong thời gian các phương tiện thông tin đại chúng còn ít. Những lần Thanh Tuấn về hát tăng cường cho các đoàn tỉnh, khán giả thường vây quanh hỏi: “Thanh Tuấn đây, còn vợ đâu?”. Anh chỉ vợ mình đứng bên cạnh thì khán giả lắc đầu quầy quậy: “Ủa, không phải vợ anh là Thanh Kim Huệ sao. Tiếc thật, phải chi Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ là vợ chồng ngoài đời thì xứng đôi biết mấy”. Còn Thanh Kim Huệ cũng vậy, đi hát lúc nào cũng có ông xã Thanh Điền bên cạnh nhưng khán giả hễ gặp chị là hỏi “ông xã Thanh Tuấn đâu?”. Cũng may là nghệ sĩ Thanh Điền rất tâm lý nên không giải thích mà chỉ cười cho qua.