NP ơi! hôm qua,Mình tìm kí âm bài tẩu mã có gặp từ phú lục tẩu mã.Vậy phú lục tẩu mã là sao? Nó với phú lục chấn trong ngũ điếm như thế nào? Xin cảm ơn.
Có người lại nói có bình bán tẩu mã nũa là sao? NP ơi giúp dùm.
Bộ ĐIẾM (6 bài bắc): gồm các bài Lưu Thủy, Phú Lục, Bình Bán, Xuân Tình, Tây Thi và Cổ Bản… sáu bài nầy được giới đàn ca gọi là 6 bài Bắc trường, nhưng hai bản Tây Thi và Cổ Bản trường vì quá dài đến 52 và 68 câu nên họ thường chơi hai bài Tây Thi và Cổ Bản vắn chỉ có 26 và 34 câu mà thôi. Thật ra bộ Điếm nầy rất phức tạp vì nó gồm có tất cả là 36 bài gồm đoản, trường, thủ, vĩ và tẩu mã... Thí dụ bản Lưu Thủy thì có Thủ Lưu Thủy Đoản, Vĩ Lưu Thủy đoản, Thủ Lưu Thủy trường, Vĩ Lưu Thủy trường, Thủ Lưu Thủy Tẩu Mã, Vĩ Lưu Thủy Tẩu Mã… quá lộn xộn nên giới đàn ca chỉ chơi bài Vĩ… Trường mà thôi… như bản Lưu Thủy thường chơi trong giới đàn ca là bản Vĩ Lưu Thủy trường… chẳng hạn.
Những cái “phức tạp” nầy (thập bát thủ, thập bát vĩ) là do nhóm nhạc sư miền đông “sáng chế” ra. Người “sáng chế” là ông giáo Thinh, tức nhạc sư Nguyễn Văn Thinh (ông Hai Thinh).
Nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông lấy 6 bản Bắc trong hệ thống 20 Bản Tổ, áp dụng 3 cách ấn nhịp: hoãn điệu (lơi), trung điệu (vừa), cấp điệu (nhanh), biến thành 36 bản Bắc chia ra làm 2 bộ Thủ và Vĩ, mỗi bộ có 18 bản gọi là Thập Bát Thủ và Thập Bát Vĩ, tổng cộng là 36 bản (6 bản Thủ Trường, 6 bản Thủ Vắn, 6 bản Thủ Tẩu Mã, 6 bản Vĩ Trường, 6 bản Vĩ Vắn và 6 bản Vĩ Tẩu Mã). Bản Thủ và bản Vĩ chỉ khác nhau ở phần đầu, lớp chót trùng nhau. Những bản đờn ca thông dụng trong các sân chơi, tụ điểm, thảy đều là những bản thuộc bộ Vĩ.
Tóm lại, ngày nay giới đờn ca tài tử chỉ chơi 6 bản bắc trường mà thôi.
Những cách khác không thông dụng và không phổ biến.
Sáu bản bắc trường thông dụng, phổ biến từ trước đến nay là:
- Lưu Thủy trường
- Phú Lục chấn
- Bình Bán chấn
- Cổ Bản (thường chơi Cổ Bản vắn)
- Xuân Tình chấn
- Tây Thi (thường chơi Tây Thi vắn)
Chúng ta chơi tài tử, chỉ cần 6 bản bắc trường (như nói trên) là đủ rồi.
Chừng nào muốn làm nhạc sư thì mới cần học hết mọi thứ, vì có những thứ không cần thiết, không ai chơi, học rồi bỏ xó đó, lâu ngày cũng quên mất. Không lẽ mỗi lần chơi phải nhìn bản mà đờn hay sao?
Cổ nhạc khác với tân nhạc là phải thuộc nằm lòng, không được nhìn bản như bên tân nhạc.
Ngay cả người ca cũng vậy.