HÒ, XỰ, XANG, XÊ, CỐNG ĐẾN UNESCO
Những tháng cuối năm 2010, giới đờn ca tài tử Nam bộ nói chung và Kiên Giang nói riêng lại vui mừng trước thông tin Bộ VHTTDL quyết định xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật đờn ca tài tử” đề nghị UNESCO xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kiên Giang cùng với 21 tỉnh thành đã tổ chức tọa đàm, ghi hình làm tư liệu cho hồ sơ đề cử.
DI SẢN ĐẶC BIỆT CỦA PHƯƠNG NAM
Đờn ca tài tử (ĐCTT) được một số tác gia dân gian dựa theo những bản hát truyền thống để soạn thành lời, gọi "bản" hoặc "lớp", ký âm bằng những tiếng quy ước như: hò, xự, xang, xê, cống, líu (nhái theo âm bực tiếng đàn chứ không có nghĩa chữ), ngâm nga theo ba giọng hơi chính là: hơi bắc, hơi nam và hơi oán. Rồi từ đó mà "phăng", mà nhấn nhá, luyến láy để biến "âm chính" thành "âm già", tạo nên một hệ ngôn ngữ âm nhạc mang tính thính phòng, phù hợp lối chơi tao nhã của những người nặng tình tri kỷ, tri âm rất "tài tử".
Có lẽ, sức hút của ĐCTT chính là ở các cung bậc trầm bổng của nó rất phù hợp với mọi khía cạnh tâm trạng con người. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ĐCTT dựa theo học thuyết âm – dương, ngũ hành, với ngũ cung: Giốc: Hò (Mộc), Chủy: Xự (Hỏa), Cung: Xanh (Thổ), dựa trên nền tảng lễ nghĩa, đạo đức phương Đông mang trong mình cái gốc luân lý, mục tiêu đào tạo cung cách làm người.
Rõ ràng, ngày xưa chuyện đàn ca vui chơi đã trở thành phong tục, được ghi nhận đầu thế kỷ 19 tại thời điểm Trịnh Hoài Ðức viết sách Gia Ðịnh thành thông chí, tức là đã hình thành trước đó, muộn lắm cũng khoảng nửa sau thế kỷ 18. Từ phong tục chỉ được diễn ra trong những dịp vui mừng tại một số địa điểm nhất định, nó lan rộng dần và khi đã tiếp cận với một cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, đất rộng, sông dài, núi cao... Ở đồng bằng sông Cửu Long, chuyện đàn ca vui chơi phát triển mạnh. Phong tục trở thành phong trào và những người tham gia diễn xướng được tôn vinh là tài tử.
Nghệ sĩ Ngọc Loan Anh tâm sự: "Đờn ca tài tử có thể nói, loại hình nghệ thuật đã ăn sâu vào cuộc sống của người dân phương Nam, thậm chí trong sự phát triển của xã hội, nhiều loại hình giải trí hiện đại thì ĐCTT vẫn có chỗ đứng và mang những nét độc đáo riêng. Việc xây dựng hồ sơ ĐCTT để trình UNESCO nhất định sẽ thành công".
Dù là ngày bình thường hay ngày lễ, Tết, ĐCTT cũng có thể vang lên ở bất cứ đâu trong đám tiệc, trên đồng ruộng. Phần lớn những người thích loại hình nghệ thuật này đều là nông dân chân lấm tay bùn. Họ không thành lập ban bệ mà chỉ tập hợp những người có cùng sở thích rồi cùng ngâm nga vài câu sau những giờ làm việc mệt nhọc. Ai có nhã hứng cứ việc hát, không cần chắc câu, đúng nhịp. Có khi họ hát đến tận đêm khuya mà vẫn không chán. Hát xong thấy đói bụng, mọi người chung tay nấu một nồi cháo, vừa ăn, vừa nghe hát thật tri kỷ, tri âm rất "tài tử".
Mỗi khi có đám tiệc trong ấp, họ xúm lại hát góp vui. Vui nhất là vừa dứt lớp hay xong một bản, bà con vỗ tay rần rần, có người chạy lại thưởng cho ca sĩ một ly rượu. Đa phần người chơi ĐCTT chủ yếu là chơi cho vui không hoạt động chuyên nghiệp hay để mưu sinh. Tỉnh thành nào cũng không thiếu những bậc thầy về ĐCTT. Họ vừa đờn hay, hát giỏi, vừa có sự am hiểu sâu sắc về loại hình nghệ thuật này. Các nghệ nhân có thể trình bày rành mạch 20 bài tổ, gồm: 6 Bắc (Tây thi, Cổ bản, Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn hay Xuân tình điểu ngữ), 3 Nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo hay Đảo ngũ cung), 4 Oán (Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng), 7 bài lớn (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá).
Một nét đặc biệt nữa là dân ĐCTT đôi khi không sử dụng nhiều loại nhạc cụ. Đúng ra phải có đờn kìm, đờn tranh, độc huyền, tỳ bà, ống sáo, tiêu, nhưng nhiều khi chỉ cần một đờn cây ghi ta phím lõm và cái gõ song lang là hát được. Nhưng kì lạ thay, chỉ với hai nhạc cụ ấy mà bài nào họ đờn cũng được. Tuy không đạt đến độ sắc sảo về âm điệu, nhưng vẫn có những lúc cao, lúc trầm, lúc hứng khởi vui tươi, lúc ưu sầu da diết..., người hát vẫn say sưa thả hồn theo từng tiếng nhạc. Đặc biệt, những người biết đờn ở đây sẵn sàng truyền lại tất cả tuyệt chiêu cho những ai muốn học mà không phải tốn kém gì, đã có nhiều người biết chơi ĐCTT mà cưới được vợ, được gọi bằng "thầy đờn", "thầy ca", sống chết với ĐCTT, đem tài nghệ của mình phục vụ công chúng và làm tất cả những gì có thể cho nền âm nhạc dân tộc. Có gia đình 5 thế hệ từ cụ già đến em bé 5 tuổi đều đam mê và biết hát ĐCTT. Vai trò của các bậc tiền bối là vô cùng quan trọng. Đây là những nhân tố nòng cốt "giữ lửa" cho sự tồn tại và phát triển của ĐCTT. Mặc dù hiện nay có nhiều loại hình giải trí khác hấp dẫn nhưng phần lớn người dân vùng đất phương Nam vẫn chọn ĐCTT. Đây là điều đặc biệt mà không phải nơi nào ở cũng có được.
TỪ MIỆT VƯỜN RA THẾ GIỚI
Như đã nói, ĐCTT xuất hiện từ thời khẩn hoang vùng đất phương Nam, là thú giải trí trên ghe thuyền, sông rạch, bên ánh lửa rừng khuya bập bùng của các lưu dân. Về sau ĐCTT được đưa vào biểu diễn trong đình, chùa vào những dịp lễ tết, giỗ chạp. Loại âm nhạc này thường trình diễn trong phạm vi không gian tương đối nhỏ như đám cưới, đám giỗ, tiệc mừng sau khi thu hoạch vụ mùa vào những đêm trăng sáng. Thời gian gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, các nhóm ĐCTT miệt vườn được thành lập, hoạt động bán chuyên nghiệp. Cho tới nay, ĐCTT vẫn luôn gắn bó với người dân phương Nam, là hơi thở của cuộc sống.
Hàng năm, có nhiều cuộc thi dành cho ĐCTT từ tỉnh đến huyện. Theo thống kế đến nay trong toàn tỉnh Kiên Giang có trên 157 câu lạc bộ ĐCTT hoạt động rộng khắp trong tỉnh. Ngày 16-11-2010, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Viên Âm nhạc Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Nghệ thuật đơn ca tài tử”, Nghệ sĩ Xuân Trọn – Trưởng Đoàn Cải Lương Nhân dân Kiên Giang có bài “Dây Rạch Giá ra đời trên đất Kiên Giang”. Cũng giống như dây Bạc Liêu, dây Long An, thì ở Kiên Giang cũng có dây Rạch Giá được nghệ nhân Giáo Tiên ở Rạch Giá cải biên vào những năm 1930. Nổi tiếng với "Tiệm đóng đờn Sơn Ca" chuyên sản xuất đờn kìm và đờn tranh.
Cũng theo Nghệ sĩ Xuân Trọn cho rằng: "Miền Bắc có ca trù, quan họ, miền Trung có nhã nhạc cung đình Huế, Tây Nguyên có cồng chiêng. Thì miền Nam là ĐCTT, một tài sản văn hóa đặc biệt của vùng đất phương Nam. Từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng thấy các câu lạc bộ ĐCTT. Việc ĐCTT đang được hoàn chỉnh hồ sơ đưa đi “so tài” ở sân chơi toàn cầu đang tạo ra niềm vui mừng không chỉ riêng vùng đất phương Nam mà cả nước. Đây là cơ hội tốt để ĐCTT được cả thế giới biết đến. Một giá trị văn hóa phi vật thể nữa của Việt Nam sẽ được công nhận".
Theo PGS,TS. Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, hồ sơ sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn. Từ tháng 8 đến hết tháng 12-2010 sẽ tiến hành xây dựng tiêu chí, mẫu phiếu điều tra, tổ chức tập huấn kiểm kê và triển khai kiểm kê tại các địa phương có nghệ thuật Đờn ca tài tử, dựng phim ảnh, làm bản đồ điện tử, dịch tài liệu, in sách... và thông qua hồ sơ đợt 1 tại cơ sở. Giai đoạn 2 từ tháng 1 đến tháng 3-2011 sẽ tổ chức hội thảo quốc gia và quốc tế, thông qua hồ sơ tại cơ sở đợt 2, trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, sau đó chỉnh sửa, dịch sang tiếng Anh, Pháp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Trải qua nhiều biến chuyển, đến nay ĐCTT vẫn giữ được bản sắc và mong một ngày được đứng vào hàng ngũ các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và điều đó đang trở thành hiện thực khi mà những thước phim tư liệu đầu tiên đã được hoàn thành để chờ ngày xuất ngoại "so tài" trình UNESCO.
Đoàn Thế Hạnh
Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang
Số 659 Nguyễn Trung Trực TP. Rạch Giá tỉnh Kiên Giang