Tấn Lộc - tên đầy đủ là Lê Tấn Lộc - lứa tuổi đã vào hàng "ngũ thập tri thiên mệnh". Anh vừa là Trưởng đoàn, vừa là đạo diễn của đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh Tiền Giang.
Anh đã từng theo học lớp "chuyên tu" đạo diễn khóa III, bạn đồng khóa với những đạo diễn hiện nay đã thành danh như: Ái Như, Việt Anh, Trương Dũng... Sau khi nhận nhiệm vụ Phó trưởng đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang, anh lại tiếp tục đi học lớp "đại học đạo diễn" (Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tổ chức), là bạn "đồng môn" với các nghệ sĩ Trung Dân, Chánh Trực, Quốc Kiệt, Tuấn Khôi... Rồi tiếp nhận nhiệm vụ "trưởng đoàn" kiêm đạo diễn sân khấu, anh luôn luôn trăn trở để tìm cách vực dậy bộ môn sân khấu cải lương - lúc này đã sáp nhập vào đoàn Nghệ thuật tổng hợp - cũng như chịu trách nhiệm dàn dựng tổng thể cho một chương trình nghệ thuật tổng hợp, mà nếu như "yếu tay nghề" thì sẽ kéo thành tích phục vụ của đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang (tiền thân là đoàn Văn Công Tiền Giang) đi xuống. Trách nhiệm nặng nề là vậy và anh đã cố gắng làm tốt nhiệm vụ.
Trong các lần hội diễn và liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp từ năm 1998 đến 2005, anh chỉ "khiêm tốn" trong vai trò "trợ lý đạo diễn" cho những "cây đa, cây đề" có tên tuổi trong làng sân khấu, có thể kể chi tiết:
Năm 2000 ,anh làm trợ lý cho đạo diễn Trọng Nam và NSƯT Trần Minh Ngọc, tiếp tay dàn dựng vở cải lương "Thiếu phụ sông Tiền", một kịch bản xã hội của tác giả Phi Hùng để tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2002, anh cũng trong vai trò "trợ lý" cho đạo diễn, NSƯT Đoàn Bá, dàn dựng vở cải lương lịch sử "Trăng soi dòng Bảo Định" của tác giả Huỳnh Anh, một kịch bản nói về sự nghiệp 3 lần dấy binh chống Pháp của Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân (tham gia liên hoan sân khấu khu vực đồng bằng Cửu Long tại Cần Thơ).
Năm 2005, anh lại tiếp tục vai trò "giúp việc" cho đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, dàn dựng vở cải lương "Bão trong ngày nắng" tác giả Huỳnh Anh - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang - tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đến năm 2009, lại tiếp tục tổ chức hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Lần này, do kinh phí dàn dựng quá ít ỏi (trong 1 năm mà đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang phải "gánh" tới 2 lần hội diễn: Hội diễn Ca-Múa-Nhạc chuyên nghiệp tại Nha Trang vào trung tuần tháng 9 và hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp tháng 11 tại TP.HCM). Lần này, anh quyết định thử sức, "độc lập" dàn dựng vở cải lương lịch sử "Cờ nghĩa giồng Sơn Quy" cũng của tác giả Huỳnh Anh, với vốn liếng "cây nhà, lá vườn". Với dàn diễn viên ít ỏi, hơn phân nửa trong số đó là những nghệ sĩ sắp bước vào tuổi "xế chiều", anh vẫn bắt tay vào dàn dựng, bằng những đêm thức trắng đọc kịch bản, sửa chữa, bổ sung những điều cần thiết cho một vở cải lương lịch sử. Nói đến cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Anh hùng dân tộc Trương Định là nói đến cái hào khí của cha, ông với địa danh "đám lá tối trời" huyền thoại đã đi vào lịch sử trong cuộc kháng chiến của dân tộc đâu có phải là chuyện đơn giản... Anh gầy rộc đi, cộng với chứng bệnh tim, thế mà anh vẫn cùng anh em trong đoàn lao vào tập dợt dù thời gian hội diễn đã gần kề.
Cái đáng quý của anh là biết "lắng nghe" những ý kiến đóng góp thiết thực nhất về nhân vật, về hoàn cảnh lịch sử. Từ đó, anh mạnh dạn tiết giảm những đoạn không cần thiết và thêm vào đó những cái cần thiết cho một vở cải lương lịch sử. Đặc biệt, anh được sự cộng tác rất nhiệt tình từ hai Phó trưởng đoàn: NSƯT Chí Thiện phụ trách phần dàn dựng múa, và nghệ sĩ Thanh Liêm phụ trách phần nhạc đệm. Anh kết hợp hài hòa, hợp lý, sinh động loại hình múa và nhạc vào làm tăng thêm cái hồn của vở diễn, đi đến sự thành công.
Vở cải lương lịch sử "Cờ nghĩa giồng Sơn Quy" là một trong những vở cải lương được đánh giá cao trong việc kết hợp nhuần nhuyễn các điệu múa và nhạc đệm... Với 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc cá nhân và 1 huy chương bạc cho vở diễn, phải nói là Tấn Lộc đã thành công trong vai trò Trưởng đoàn và đạo diễn của mình. Cũng cần phải nói thêm: chương trình tham gia hội diễn Ca-Múa-Nhạc chuyên nghiệp tại Nha Trang, cũng do anh và hai "trợ lý" đắc lực là NSƯT Chí Thiện và Thanh Liêm dàn dựng.
Ở cái lứa tuổi cũng không còn trẻ và chưa hẳn là già, đạo diễn Tấn Lộc hứa hẹn là một trụ cột vững chắc cho sân khấu cải lương Tiền Giang .
(Theo tiengiang.gov.vn, 24/02/2010)