Nguyên văn bởi thaydat
NP ơi Khi đàn bài Sương Chiều dây hò tư dứt là chử U mà U này tương Ứng với hò của dây hò Năm (vô vọng cổ) tương tự nếu đàn Sương chiều dây hò nhất dứt là chử U mà U này tương ứng với Hò dây hò nhì(vô vọng cổ)Vậy đàn Sương chiều dây nào để có hò nhất, hò ba và hò tư khi (vô vộng cổ). Xin Cảm ơn.
Cái vụ bài bản để gác vọng cổ này nói đầy đủ chi tiết rõ ràng, có đầu có đuôi có ngọn có ngành rất là dài dòng, vì nếu nói tắt ngang thì người nghe không thể nắm vững.
Để nói từ từ...
Ngày xưa dân chơi đờn ca không phải muốn gác bản nào là gác, mà phải chọn bản hơi buồn, dứt bản phải tương thích với bản vọng cổ. Nếu gác cho kép ca (hò nhứt) thì thí dụ như đuôi Giang Tô, nếu gác cho đào ca (hò tư) thì thí dụ như Mạnh Lệ Quân (bản vọng cổ Lá Trầu Xanh)... Nói chung là những bản mùi và có âm hưởng buồn, hơi nam, hơi ai...
Từ tháng 5/75 trở về trước soạn giả nào viết bài ca gác vô vọng cổ cũng đều tuân thủ như vậy. Coi như đó là quy luật.
Chính soạn giả Viễn Châu nói về Tân Cổ Nhạc Giao Duyên rằng không phải bất cứ bản tân nhạc nào cũng dùng để giao duyên (gác) với vọng cổ được. Mà phải là những bản Bolero tông thứ khi gác (giao duyên) với vọng cổ thì đổi ra tông tương thích với bản vọng cổ đào hoặc kép mà soạn giả muốn dùng. Những bản nhạc tông trưởng không dùng để giao duyên được.
Trở lại vấn để bản vắn gác vô vọng cổ, như đã nói trên phải chọn bản có hơi buồn, chữ dứt phải tương thích với bản vọng cổ.
Sau năm 1975, mấy soạn giả trong rừng trong bưng về thành không biết ất giáp gì hết, cứ thích bản nào là cho gác thì vô vọng cổ, rồi bắt các nhạc sĩ phải đờn theo. Bản hơi quảng đâu phải hơi mùi mà cũng cho gác vọng cổ... may mà chưa lấy bản bắc gác vọng cổ... (nhưng nếu là bản bắc thì phải mở ai cái đuôi).
Nhiều người khác thấy vậy tưởng đâu đúng nên ùn ùn bắt chước làm theo, hơn 40 năm qua rồi đã trở thành tiền lệ nên bây giờ gác tưới hột sen, bản gì cũng gác được hết.
Trở lại bản Sương Chiều mà chú hỏi. Đối với bản vắn xưa nay chỉ đờn có mỗi một loại dây của bài bản mà thôi, đó là dây hò tư. Khi dứt bản Sương Chiều (hoặc bất cứ bản gì không phải hơi buồn) thì người ta nhồi vài ba chữ (rao vọng cổ) để cho người ca bắt hơi vô vọng cổ, vậy là đủ.
Còn đờn Sương Chiều dứt U thuận vô vọng cổ hò năm là do ông Ba Tu và Thanh Hải cố ý hòa tấu như vậy. Những người không đờn được dây hò năm thì đành chịu thôi.
Nếu mỗi loại dây vọng cổ đều phải đổi tông bản Sương Chiều thì thí dụ lấy bản Khốc Hoàng Thiên gác vọng cổ rồi cũng phải làm vậy sao.
Thôi để trả lời ngắn gọn câu hỏi của chú là không có cái vụ cứ đổi tông bản Sương Chiều hoài, mà giả sử nếu muốn đổi như chú hỏi thì cứ giảm xuống một quãng đúng. Thí dụ gác vọng cổ hò năm thì đờn Sương Chiều hò tư, gác vọng cổ hò tư thì đờn Sương Chiều hò ba, gác vọng cổ hò nhì thì đờn Sương Chiều hò nhứt. Riêg dây hò ba và hò nhứt thì không có dây nào tương thích để gác bản Sương Chiều. Nếu muốn vậy thì người đờn phải tự chuyển tông thôi (mò ra chữ đờn giảm xống một quãng đúng, cũng không khó lắm, dợt hoài sẽ quen).
*Ghi chú: ngày nay có cái vụ đờn mấy bản mùi như Nam Ai, Lý Con Sáo, Lý Giao Duyên, Ngựa Ô Nam v.v.. dây hò nhứt... chứ hồi xưa không có đâu, mà bắt buộc phải đờn đúng dây của bài bản, đó là dây hò tư.
Ngay cả bản vọng cổ nhịp tư nhịp tám hồi xưa cũng đờn dây hò tư, kép phải ca lòn. Từ ngày có vọng cổ nhịp 16 rồi 32, kép ca nhiều, nếu để ca lòn bị tù hơi, nên người ta mới chế ra dây Rạch Giá (guitar) để đờn vọng cổ, và đờn kìm thì đờn dây hò nhứt cho tới bây giờ.
Nhưng dù là bản gì, nếu muốn đờn trên một dây thuộc cung bậc khác thì chỉ cần "đổi tông" thôi, không có gì khó cả (kiểu như NP đã đổi tông mấy bản Vọng Kim Lang, Đoản Khúc Lam Giang cho chú vậy).