KỲ CUỐI: "VUA TAO ĐÀN" XUẤT HIỆN
Cuối năm 1959 bầu Ba Bản thành lập đoàn Thủ Đô. Đây là đoàn đại ban hưng thịnh với dàn diễn viên thượng thặng: Út Trà ôn, Ba Vân, Hoàng Giang, Ngọc Hương, Thanh Thanh Hoa... Lại có soạn giả thường trực Thu An, nhà báo Trần Tấn Quốc (bút hiệu Thanh Tâm - người sáng lập giải Thanh Tâm nổi tiếng) nhiều uy tín trong giới kịch trường làm cố vấn nghệ thuật. Dù đang hưng thịnh, Ban lãnh đạo đoàn vẫn săn tìm diễn viên trẻ để làm hậu bị cho dàn sao. Thanh Hải là cái tên đầu tiên Hội đồng nghệ thuật của đoàn nhắc tới, sau khi họ đã xem ông hát ở đoàn Ánh Sáng của bầu Năm Tập.
Thanh Hải được bầu Ba Bản mời về hát cho đoàn Thủ Đô với giao kèo tạm thời 150.000 đồng. Nói là tạm thời bởi bầu ba Bản muốn xem Thanh Hải thích nghi với phong cách biểu diễn của đoàn ra sao, độ ăn khách tới mức nào, sau đó mới điều chỉnh. Về đoàn này, ban đầu Thanh Hải chỉ đóng các vai kép nhì, hoặc đóng đúp một số vai chánh với “Vua vọng cô” Út Trà Ôn. Đây là giai đoạn Thanh Hải định hình cho mình một phong cách ca ngâm mới, vì trước đó ông chịu ảnh hưởng cách ca ngâm của Út Trà Ôn. Đặc biệt là ông đã vận dụng sáng tạo để đưa Tao Đàn vào Cải lương; nhất là sau khi Út Trà Ôn, Hoàng Giang rời đoàn để lập đoàn hát mới – đoàn CL Thống Nhất. Dĩ nhiên, các vai chánh lúc này ở Thủ Đô đều do ông đảm nhận. Về sau, có thêm “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài về hát chia với Thanh Hải một số vở.
Sự nghiệp ca hát của Thanh Hải lúc này thăng tiến thấy rõ. Bên cạnh ông có hai bậc thầy – quái kiệt Ba Vân và soạn giả Thu An hướng dẫn. Nhờ thế mà Thanh Hải có hàng loạt vai diễn rất ấn tượng trên sân khấu này như Đào Cam Mộc (vở Tiếng trống sang canh), Châu Vũ Đào (Chiếc lá mùa thu), Hoàng tử (Trăng lên ngoài cửa ngục), Kim Bình (Sầu quan ải)... Ở đoàn Thủ Đô, Thanh Hải còn có lợi thế để nâng tên tuổi mình lên là việc bầu Ba bản lập hãng dĩa Hoành Sơn để lăng-xê, quảng cáo các đào kép của đoàn mình trên băng dĩa. Một số vở ăn khách của đoàn đã được hãng dĩa Hoành Sơn cho thu và bán rất chạy. Về sau, khi rời đoàn Thủ Đô, Thanh Hải còn thu độc quyền cho nhiều hãng dã khác như: Tứ Hải, Việt Hải, Hồng Hoa, Asia, Hồn Nước, Việt Nam... Trong sự nghiệp băng dĩa, Thanh Hải đã thu trên 100 vở tuồng và 200 bài ca cổ. Nổi tiếng nhất là các vở: Sầu quan ải, Tiếng trống sang canh, Hai chiều ly biệt, Chiếc lá mùa thu, Nửa bản tình ca, Cô gái sông Đà, Thuyền ra cửa biển, Tống tửu Ô Hắc Lợi, Hằng Nga - Hậu Nghệ, Triệu Tử Long đoạt ấu chúa, Hán Đế biệt Chiêu Quân; các bài ca: Tần Quỳnh khóc bạn, Tiếng chuông thức tỉnh, Nắng chiều trên sông Dịch, Chén cơm cúng mẹ, Gánh bưởi Biên Hòa, Khói tàu lướt sóng...
Sau nhiều năm theo nghề hát, Thanh Hải đã tìm cho mình một bạn diễn ưng ý - Ngọc Hương. Hai người đã tạo thành một liên danh ăn khách (từ đoàn Thủ Đô, hai năm sau khi về diễn ở đoàn Kim Chưởng, họ càng ăn khách hơn). Nếu như thế mạnh trong ca của Ngọc Hương là lối vào vọng cổ với làn hơi trong trẻo, trẻ trung, nhiều nét riêng khi biểu diễn các bài Nam xuân, Đảo ngũ cung, Xang xừ líu... mà khán giả rất thích; thì Thanh Hải với chất giọng đồng chính thống (rất thích hợp với các vai kép mùi), ông không những đưa người xem và người nghe vào nhữngcảm giác ru ngủ qua những câu vọng cổ ngọt ngào mà cách vận dụng đưa Tao Đàn vào thay cho cách ngâm sa mạc hay ngâm thơ bình thường như trước đó đã làm cho người xem xuýt xoa tán thưởng giọng ngâm đầy ma thuật của ông. Với thể nghiệm bước đầu khá thành công, đồng thời nhờ soạn giả Thu An hỗ trợ tích cực khi khai thác chất giọng ngâm Tao Đàn của thanh Hải qua hàng loạt vở trên sân khấu này, tên hiệu về một vị “vua” (Tao Đàn) mới của SKCL xuất hiện trong nay mai đã thấy rõ.
Cái hay của các nghệ sĩ tài danh của SKCL trước giải phóng là tự khổ luyện để tìm cho mình một nét riêng trong ca diễn mà không ai có thể nhầm lẫn được. Đó là thương hiệu của từng nghệ sĩ trong việc chinh phục cảm tình đối với khán giả. Được hỏi, nguyên nhân từ đâu mà ông đưa Tao Đàn vào cải lương, NS Thanh Hải cho biết: hàng đêm ông đều mở radio nghe chương trình ngâm thơ rồi mới ngủ được. Tình cờ hôm đó Thanh Hải nghe được giọng ngâm Tao Đàn của NS Hồ Điệp một đoạn thơ rất hay làm ông thao thức suốt cả đêm. Từ suy nghĩ tạo nét mới cho cải lương bằng việc chuyển những đoạn ngâm thơ hay nói lối sang điệu Tao Đàn, mỗi tối sau khi nghe radio, ông đều đem các đoạn thơ ra ngâm Tao Đàn. Tập luyện thuần thục khoảng một tháng ông mới bắt đầu áp dụng trong một số vở cải lương mà ông đang diễn. Trước đó,Thanh Hải trình bày ý định của mình và ngâm cho soạn giả Thu An nghe thì được ông đồng tình. Vở diễn đầu tiên mà Thanh Hải đưa Tao Đàn vào là “Chiếc lá mùa thu”. Trong vở này Thanh Hải đóng vai kép chánh: tướng cướp Châu Vũ Đào, là con rơi một vị thống đốc gian ác (do kép độc Hoàng Giang đóng). Trong lớp cuối vở diễn khi quan thống đốc tuyên án tử hình và chuẩn bị xử bắn Châu Vũ Đào thì lão nô (NSND Ba Vân đóng) xuất hiện, cho biết Châu Vũ Đào là con ruột của ông. Như để sửa chữa lỗi lầm với con, quan thống đốc (Hoàng Giang) xô Châu Vũ Đào sang một bên, tự mình hứng trọn loạt đạn của các xạ thủ. Thanh Hải lúc này bị hất văng vào hậu trường và ông đã ngâm bốn câu thơ:
“Qua thời kỳ xanh biếc
Cội già hết tiếc thương
Con như chiếc lá mùa thu chết
Bay loạn trong đêm rụng xuống đường”
Giọng ngâm Tao Đàn của Thanh Hai như hớp hồn khán giả. Vãn hát rồi mà không ai chịu về. Từ đoạn kết của một cao trào vở diễn kết thúc bằng bốn câu Tao Đàn đã làm tăng thêm lực hút khán giả. Chính soạn giả Thu An khi còn sống có lần nói ông không ngờ hiệu quả của việc đem Tao Đàn vào cải lương lại “ghê gớm” đến thế. Ngâm Tao Đàn đòi hỏi người ngâm ngoài chất giọng tốt còn phải hát có hồn thì vở diễn mới thành công được. Sau này, Thu An và Thanh Hải còn phối hợp trong hầu hết các vở từ đoàn Thủ Đô đến Kim Chưởng, đã giúp cho đoàn này ngày một ăn nên làm ra.
Năm 1962, cặp bài trùng Thanh Hải - Ngọc Hương cùng soạn giả Thu An về cộng tác cho đoàn Kim Chưởng. Đoàn Kim Chưởng lúc này rất mạnh, được mệnh danh là “Anh hùng lưu diễn” vì đoàn đi đến đâu là các đoàn khác phải né tránh xa trên 20 cây số mới diễn được. Lực lượng của đoàn lúc này ngoài Thanh Hải, Ngọc Hương còn có: Hùng Cường, Mộng Thu, Kim Nên, Diệp Lang, Trường Xuân, hề Minh...
Về SK Kim Chưởng, Thanh Hải đảm trách các vai chánh của đoàn và đều rất thành công như: Ai Bình Cơ (Hai chiều ly biệt), Hải Bằng (Cô gái sông Đà), Tô Điền Sơn (Thuyền ra cửa biển), Trần Tử Lang (Nắng chiều trên sông Dịch), Lý Kim Tùng (Nửa bản tình ca)... Qua sân khấu này, sự vận dụng sáng tạo trong cách ngâm Tao Đàn của Thanh Hải đã nhuần nhuyễn, nhất là trong các chữ có dấu sắc, hỏi, ngã, nặng. Người bạn diễn ưng ý trong nhiều năm với Thanh Hải là NSƯT Ngọc Hương cũng xác nhận: Anh Thanh Hải có giọng ngâm Tao Đàn có một không hai, làm mê hoặc khán giả. Vở nào mới khai trương mà thiếu Tao Đàn là khán giả không chịu. Nên buộc lòng anh Thu An phải viết thêm lớp, thêm thơ cho Thanh Hải ngâm Tao Đàn. Giọng ngâm của Thanh Hải chín muồi khi ảnh cùng tôi về đoàn Kim Chưởng, hát khai trương vở “Cô gái sông Đà” và sau đó là một số vở diễn khác đều rất thành công. Với sự kiện này, nhiều tờ báo có uy tín của Sài Gòn lúc bấy giờ đều có nhiều bài viết khen ngợi việc Thanh Hải đem Tao Đàn vào cải lương thành công và đã phong “Vương” cho ông.
KÉP TRIỆU PHÚ VÀ THỜI KHẮC THĂNG HOA NHẤT
Ở thời điểm Thanh Hải cùng đoàn Kim Chưởng trở thành “Anh hùng lưu diễn” (được báo giới Sài Gòn và khán giả gần xa công nhận, phong cho biệt danh này) thì ở Sài Gòn có một đối trọng, thậm chí nhỉnh hơn đoàn Kim Chưởng một chút. Đó là công ty Kim Chung (gồm 7 đoàn, do bầu Long làm Tổng giám đốc). Gọi là đối trọng vì người trong giới đều đánh giá cao khả năng lèo lái của hai bầu chủ hai đơn vị này. Bởi vậy báo giới và khán giả khi nhắc đến hai đơn vị cải lương này đều suy tôn “Nam Chưởng - Bắc Long” (tức bà bầu Bảy Chưởng - người gốc miền Nam và ông bầu Long - người gốc miền Bắc). Bên cạnh đó còn phải nhắc đến tài “cầm quân” của bà bầu Thơ (đoàn Thanh Minh), ông bầu Xuân (đoàn Dạ Lý Hương), hoặc bầu Mai (Công ty CL Thái Dương, sau đó ít năm)... Còn đoàn Thủ Đô của bầu Ba Bản thì đang tụt lại phía sau so với những gì trước đó khi đại ban Thủ Đô còn có các đào kép thượng thặng. Lúc này Công ty Kim Chung của bầu Long tuy đã có những tên tuổi lớn về kép như: Út Trà Ôn, Hùng Cường, Minh Cảnh, Út Hiền, Út Hậu... nhưng Thanh Hải vẫn lọt vào tầm ngắm chiến lược của bầu Long, nhất là khi Thanh Hải có được hai biệt danh trên sân khấu Kim Chưởng: Vua Tao Đàn và Anh hùng lưu diễn. Đích thân bầu Long đánh xe hơi mời Thanh Hải đi ăn khuya và ngỏ lời mời anh về hát cho Kim Chung.
Cầm tấm Séc trị giá 1,2 triệu đồng mà bầu Long trao cho sau khi đã đặt bút ký giao kèo, trán Thanh Hải rướm mồ hôi. Ông không nghĩ mình lại cao giá, được bầu Long trọng vọng đến thế. Vì trước thời điểm này, ngay cả những tên tuổi lớn như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Minh Cảnh, Hùng Cường... cũng chưa có kép nào ký giao kèo trên mức 800.000 đồng. Hôm sau các báo Sài Gòn đều đưa tin và giật hàng tít lớn: “Vua” Tao Đàn Thanh Hải - kép triệu phú đầu tiên của cải lương miền Nam.
Lại nói về bà bầu Bảy Chướng (đoàn Kim Chưởng). Sau khi các báo Sài Gòn đưa tin Thanh Hải vầ Kim Chung với số tiền lót tay 1,2 triệu đồng, cầm các tờ báo trong tay mà bà Bảy mặt buồn rười rượi và nói với một số nhân viên trong đoàn: Nó đi thật rồi! Trong một tháng báo nghỉ để bà Bảy Chưởng xoay kép, Thanh Hải rất ít gặp bà. Chỉ duy nhất một lần bà Bảy mời Thanh Hải đến phòng làm việc của bà. Bà Bảy bảo: Duyên của em với đoàn đã hết. Chị chúc em sang đoàn mới gặt hái nhiều thành công, sự nghiệp ca hát của em thăng tiến nhiều hơn nữa. Và bà có một yêu cầu (đúng hơn là nhờ) với Thanh Hải, là ráng giúp dùm bà để hướng dẫn cho Phương Quang (bà Bảy mới hợp đồng về thế Thanh Hải) cách ngâm Tao Đàn. Tuy về đoàn Kim Chung với giá bạc triệu nhưng thật tình Thanh Hải không mấy vui. Ông luyến tiếc cho thời gian mà mình cộng tác ở đoàn Kim Chưởng. Nhờ thời gian ở Kim Chưởng mà tên tuổi ông lên như diều gặp gió. Riêng với bà Bảy Chưởng, Thanh Hải lúc nào cũng nể trọng và biết ơn bà ở sự cần mẫn, chăm chút cho nghệ thuật. Trên hết bà là một người tài của SKCL, hết lòng vì sự nghiệp sân khấu. Theo ông việc báo chí và khán giả đề cao bà (Nam Chưởng - Bắc Long) là xác đáng, một bà bầu mà ông lúc nào cũng mến phục, biết ơn.
Tết Nguyên đán 1964, Thanh Hải chính thức rời Kim Chưởng để về hát cho Kim Chung. Ông gần như có mặt ở hầu hết các đoàn của Kim Chung, được bầu Long điều đến các đoàn mỗi khi đoàn suy yếu để vực các đoàn này lên nên biệt danh “Anh hùng lưu diễn” từ Kim Chưởng của Thanh Hải lần này lại gắn chặt với ông khi về Kim Chung. Từ giao kèo ban đầu 1,2 triệu, các năm sau giao kèo của Thanh Hải với Kim Chung nhích lên 1,4 rồi 1,6, 1,8 triệu cho các năm tiếp theo. Thanh Hải cộng tác cho Công ty Kim Chung được hơn bốn năm và ông đã lần lượt hát với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Kim Chung, Bích Hợp, Diệu Hiền, Tô Kim Hồng, Út Hậu, Út Hiền, Phước Hậu, hề Văn Hường, hề Ốc... Ở SK này, Thanh Hải đã để lại cho người xem nhiều vai diễn ấn tượng như: Quách Tĩnh (Lưới tình), Hàn Vũ Lang (Manh áo quê nghèo), Hoàng phủ Thiếu Hoa (Mạnh Lệ Quân), Lý Quảng (Hoa Mộc Lan), Hoàng Kiếm Phi (Bão biển), Cổ Tây Phong (Đào Hoa Khách - Tuyệt Tình Nương)...
Ở sân khấu Kim Chung, Thanh Hải gần như có tất cả, từ tiền bạc cho đến danh vọng. Thời khắc thăng hoa nhất của Thanh Hải là vào năm 1967, khi ông đoạt HC Vàng Diễn viên Xuất sắc giải Thanh Tâm cùng với Ngọc Giàu (giải Xuất sắc chỉ có 6 nghệ sĩ đoạt được HCV là Thanh Nga, Thành Được, BạchTuyết, Hữu Phước, Ngọc Giàu và ông. Còn giải Triển vọng thì có đến trên 20 nghệ sĩ đoạt HCV). Ngoài phiếu bầu của độc giả trên tờ báo Tiếng Dội hàng tuần, ông đều dẫn đầu suốt cuộc thi, Thanh Hải còn được Hội đồng nghệ thuật giải Thanh Tâm đánh giá cao qua vai Quách Tĩnh (vở Lưới tình) để trao HCV cho ông.
Sau khi hết hợp đồng ở Kim Chung, Thanh Hải cùng “Vua vọng cổ hài” - hề Văn Hường lập đoàn hát riêng nhưng thất bại vì tình hình chiến sự. Rồi ông về cộng tác cho Công ty Thái Dương (của bà bầu Tiêu Thị Mai) cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngoài cộng tác cho một số đoàn tỉnh, sau đó Thanh Hải trụ lại ở đoàn Văn Công TP cho đến ngày giải nghệ (khoảng năm 1984)…
Nhắc lại sự kiện NS Thanh Hải có được những biệt danh trên để thấy rằng người nghệ sĩ ngoài tài năng, sự lao động nghiêm túc với nhiều sáng tạo để cống hiến cho nghệ thuật lúc nào cũng được khán giả và đồng nghiệp trân trọng, quý mến. Đó là giá trị thực mà nghệ sĩ luôn mãi có chỗ đứng trong lòng khán giả mộ điệu và lịch sử cải lương sẽ luôn ghi nhận những giá trị vĩnh hằng đó.
Trần Đại Phú
Theo Báo sân khấu